Giáo Xứ Châu Sơn

https://giaoxuchauson.com


CHIA SẺ ĐÔI TÂM TÌNH CÙNG CÁC “THẦY SÁU”

Lời tổng nguyện trong Thánh Lễ truyền chức Phó Tế có những dòng cuối như sau: xin cho các thầy biết khôn ngoan trong hành động, kiên trì trong cầu nguyện và hiền lành trong phục vụ.
CHIA SẺ ĐÔI TÂM TÌNH CÙNG CÁC “THẦY SÁU”



KHÔN NGOAN TRONG HÀNH ĐỘNG - KIÊN TRÌ TRONG CẦU NGUYỆN VÀ HIỀN LÀNH TRONG PHỤC VỤ

Lời tổng nguyện trong Thánh Lễ truyền chức Phó Tế có những dòng cuối như sau: xin cho các thầy biết khôn ngoan trong hành động, kiên trì trong cầu nguyện và hiền lành trong phục vụ. Lời cầu xin thật hàm súc và ý vị. Xin được chia sẻ đôi tâm tình cùng các “thầy sáu” và hẳn nhiên cũng là những lời tự kiểm cho bản thân.

Khôn ngoan trong hành động: Người khôn ngoan trước hết là người biết phân biệt các sự vật hiện tượng và nhận biết một vài mối tương quan giữa chúng, cách riêng mối tương quan nhân quả. Họ biết phân biệt cái gì tốt cái gì xấu, cái gì đúng cái gì sai; biết phân biệt điều hơn điều kém, điểm chính, điểm phụ, đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả, đâu là bản chất đâu là hiện tượng… Có lẽ môn toán mà ta học ở nhà trường là một trong những môn học góp phần rất lớn trong việc rèn luyện trí khôn. Từ bậc tiểu học đến bậc trung học qua các phép tính “cộng trừ nhân chia”, các dấu hiệu “bằng, hơn, kém, suy ra, ắt có và đủ…” tất thảy đều giúp ta biết phân biệt. Biết phân biệt chính là tiền đề của sự khôn ngoan.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa phải là khôn ngoan. Người khôn ngoan không chỉ biết phân biệt cái gì tốt cái gì xấu, nhưng còn biết chọn lựa. Họ biết chọn điều tốt hơn điều xấu, biết chọn điều tốt nhiều hơn là tốt ít và dĩ nhiên luôn ưu tiên chọn điều tốt nhất. Để đạt mục tiêu nào đó thì trong hành động, người khôn ngoan luôn chọn phương án tối ưu và luôn sẵn sàng phương án kém hơn để dự phòng một khi phương án tối ưu bị ngăn trở không thể thực thi. Trong các mục tiêu đề ra, người khôn ngoan thường chọn lựa mục tiêu tốt nhất và khả thi nhất. Và tương tự như thế, trong các nguyên nhân làm nên một kết quả thì người khôn ngoan xem trọng những nguyên nhân chính, trong các điều kiện để hình thành một sự kiện hay hiện tượng thì người khôn ngoan lưu tâm đặc biệt đến những điều kiện tất yếu phải có.

Vấn đề đặt ra ở đây không phải là trình bày thế nào là khôn ngoan, nhưng lướt qua một đôi nét khái niệm về khôn ngoan để tự kiểm xem mình có thực sự khôn ngoan hay là chỉ khôn lanh thậm chí có khi chỉ là khôn ranh. Quả thật xét lại bản thân, rất nhiều khi tôi những tưởng mình đã khôn nhưng chỉ là khôn lanh mà thôi. Đó là mặc dù có biết phân biệt điều gì tốt và điều gì là tốt hơn, thậm chí điều gì tốt nhất, thế mà tôi thường chọn lựa điều tốt “xoàng xĩnh”, điều tốt ít hơn để khỏi “bán đi tất cả gia tài để tậu cho được kho báu” (x.Mt 13,44-46), khỏi phải hy sinh hoặc để khỏi phải đụng chạm ai, nhất là khỏi phải làm mất lòng kẻ có thế, có quyền. Biết đó là điều tốt hơn mà bản thân không dám chọn lựa, quả là vẫn còn khôn ngoan theo “kiểu thế gian”, nếu không muốn nói là khôn lanh, khôn lỏi.

Người ta thường gắn sự khôn ngoan với đức cẩn trọng. Dĩ nhiên người khôn ngoan thì biết thận trọng nhưng không phải cứ hễ biết thận trọng là đã khôn ngoan. Một điều cần lưu ý đó là rất nhiều khi cái vỏ bọc thận trọng lại đang che đậy cái sự khôn lanh của chúng ta. Bên ngoài xem ra là thận trọng nhưng bên trong là sự toan tính thiệt hơn, sợ bị mang tiếng, sợ bị khó dễ, sợ bị mất lòng… Phải chăng đã và đang có đó những người ngoài đời lẫn trong đạo rất “thận trọng” nên không làm gì, không nói gì, vì thế chẳng đụng đến ai, chẳng làm mất lòng ai và mỗi khi có bầu cử chọn lựa nhân sự vào trách vụ lớn nào đó họ đều được rất nhiều phiếu. Và rồi sau đó trong chức vụ đảm nhận họ cũng chẳng làm gì vì quá thận trọng. Rất có thể chẳng làm được gì nhiều cho tha nhân khi mà họ chỉ biết lo cho sự an toàn của bản thân. Đây là khôn ngoan Chúa muốn hay là khôn ngoan của thế gian này? Bản thân cũng đã từng khuyên nhủ các thầy phó tế về giúp xứ rằng: đang thời kỳ chuyển tiếp, đừng có làm gì, nói gì đụng đến ai. Hãy cứ nói và làm kiểu chung chung không mất lòng ai cả. Cứ đợi cờ đến tay tức là thụ phong linh mục, rồi hãy phất. Quả thật, với kiểu khuyên nhủ ấy thì không khác gì bày mưu tính kế cho các vị ấy sống khôn lanh. Và rồi khi cờ đến tay thì các vị ấy cũng có phất nhưng thường là phất “theo chiều gió”!

Kiên trì trong cầu nguyện: Là Kitô hữu, hẳn chúng ta không thể quên lời dạy của Chúa Giêsu là hãy kiên trì cầu nguyện (x.Lc 11, 1-13). Thế nhưng Chúa Giêsu lại còn căn dặn chúng ta khi cầu nguyện chớ có dài lời như anh em lương dân vì Cha trên trời thừa biết chúng ta cần những gì (x.Mt 6, 7-8). Chính vì thế mà chúng ta cần xác định rõ nội hàm của việc cầu nguyện. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên, tiếp xúc, gặp gỡ Chúa để hiểu biết Chúa, yêu mến Chúa và rồi sau đó thực thi thánh ý Người. Để tiếp xúc, gặp gỡ Chúa thì có nhiều cách thế và hình thái khác nhau. Nhưng dù là tâm nguyện hay khẩu nguyện, dù là cách cộng đoàn công khai, chính thức trong các buổi cử hành Phụng vụ hay âm thầm cá nhân riêng tư, dù là suy niệm hay chiêm niệm, dù là chi chi nữa thì cái đích nhắm cũng là để hiểu biết Chúa, yêu mến Chúa và rồi để thực thi thánh ý Người.

Quả thật không một ai dám to gan khẳng định mình có thể trong một sớm một chiều mà hiểu biết được Thiên Chúa, Đấng hoàn toàn khác mọi loài thụ tạo. Tư tưởng của Thiên Chúa thì vượt quá mọi luận lý hay nghĩ suy của con người và đường lối của Người cũng vượt xa lối đường của phàm trần (x.Is 55, 8). Ngay cả với những thực tại trần thế này, những dữ kiện, những con người cụ thể quanh mình mà chúng ta nhiều khi cũng khó có thể hiểu nổi và chắc chắn không thể nào hiểu biết cách tường tận. Với chính bản thân, chúng ta cũng nhiều khi không thực sự hiểu con người của mình. Trước giờ chịu tử nạn Chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện: “Sự sống đời đời là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Giêsu Kitô…” (Ga 17, 3 tt). Sự hiểu biết ở đây không dừng lại ở sự nhận thức của lý trí mà gồm cả sự gắn bó của ý chí. Nếu chỉ xét nguyên về khía cạnh nhận thức của trí khôn thì để biết được Thiên Chúa một cách nào đó, một mức độ nào đó thôi thì quả là một quá trình tìm kiếm học hỏi không ngừng. Xin đừng hài lòng với việc thuộc nằm lòng một số tín điều hay một số vốn liếng thần học cho dù có cao siêu hay chặt chẽ. “Đạo khả đạo phi thường đạo; danh khả danh phi thường danh” (Lão Tử). Rất có thể chúng ta vô tình thờ ngẫu tượng do chính những khái niệm hoàn toàn mang tính nhân loại. Tuy nhiên, Thiên Chúa, Đấng xưa đã tỏ bày cho Môsê là Đấng không ai có thể nắm được khi tự giới thiệu danh tính: “Ta là Ta” (Xh 3, 13-15) thì nay chúng ta có thể tiếp cận qua Chúa Giêsu Kitô. “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9). Để ngày càng hiểu biết Chúa Giêsu Kitô thì có nhiều phương thế, tuy nhiên các bản văn Tin mừng vẫn là những phương thế không thể thay thế vì chúng trực tiếp giới thiệu cho chúng ta chân dung của Đấng Cứu Thế. Hội Thánh khẳng định: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (MK 25). Cái biết ở đây mới chỉ dừng lại ở phạm trù lý trí. Nhưng dẫu sao nó cũng là cánh cửa để lòng mến đi vào. “Vô tri bất mộ”; “Vô mộ bất hành”; “Vô hành bất thành sự”.

Đọc Kinh Thánh, nghiên cứu Kinh Thánh và cầu nguyện với Kinh Thánh là một quá trình bền bỉ của bất cứ Kitô hữu nào, cách riêng với những người có sứ mạng rao giảng Lời Chúa cách công khai và chính thức là hàng giáo sĩ (phó tế, linh mục, giám mục). Thời lượng 6-7 năm ở Chủng viện, các ứng sinh được giảng dạy về Thánh Kinh có lẽ chưa thực sự đủ đầy, vì chương trình giảng dạy có quá nhiều môn học khác, cho dù đa phần các môn học ấy đều có Lời Chúa. Có đấng bậc còn ví von rằng thời gian ở Chủng viện, ở Học viện chỉ là thời gian học biết cách lật sách. Mà xem ra sự thật thì không khác là bao. Đã biết cách lật sách mà sau đó không mở thì phỏng có ích gì. Nói rằng không mở thì quả là hàm hồ. Thế nhưng với cái thị hiếu “mì ăn liền” đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống thì chúng ta cũng dễ bị cám dỗ mở những trang sách “đã xào nấu sẵn”, và cứ thế mà nhai nuốt hay dọn cho người khác dùng mà có khi chính bản thân chưa thực sự cảm nhận hương vị của “món ăn Lời Chúa”.

Điều này thật dễ nhận ra. Bà con tín hữu thỉnh thoảng than phiền đấng bậc này, đấng bậc nọ giảng lễ nhạt nhẽo, nếu không muốn nói là cách vô hồn hay thiếu xác tín. Chập chững bước vào hàng giáo sĩ, được chính thức giảng Lời Chúa trong Thánh Lễ, cái tâm lý dễ có nơi chúng ta đó là muốn chứng tỏ mình. Tài giảng dạy của mình không thua các bậc đàn anh, mà phải qua mặt các vị ấy chứ. Cái tâm lý này tự nó không xấu. Xét trên bình diện tự nhiên thì rất tốt là đàng khác vì “hậu sinh khả úy”, và “con hơn cha là nhà có phúc”. Tuy nhiên, một điều không thể thiếu là cần có một chút xác tín nào đó, một chút cảm nhận nào đó về những gì mình giảng dạy. Và sẽ không có điều này nếu thiếu một đời sống cầu nguyện chuyên chăm, thiếu gắn bó với Lời Chúa cách bền bỉ. Những gì thánh tiến sĩ Tôma Aquinô để lại cho chúng ta thường là kết quả của những giờ chầu Thánh Thể và những lần lật giở các trang Thánh Kinh. Với những người đã lâu năm trong bổn phận giảng dạy thì rất có thể bị cám dỗ “liếc qua” các bài đọc Lời Chúa, có khi chỉ liếc sơ bài Tin Mừng vì chỉ cần liếc sơ sơ là biết rõ nội dung. Chính vì thế mà các vị không còn đọc Lời Chúa cách kỹ lưỡng và dường như đánh mất thói quen cầu nguyện với bản văn Lời Chúa như thuở nào. Trong nghi thức truyền chức, Đức Giám mục có nhắn nhủ các tiến chức: “Hãy tin điều con đọc; Hãy dạy điều con tin; Hãy thi hành điều con dạy”.

Hiền lành trong phục vụ: Một lời cầu xin và cũng là một lời khẳng định. Đã là người phục vụ thì phải hiền lành không thể khác hơn. “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28). Hạn từ phục vụ xem ra thanh nhã nhưng cũng có thể làm ta khó sâu sát cái ý nghĩa của nó. Có bản dịch Thánh Kinh dùng hạn từ “hầu hạ”. Dù dịch là hầu hạ hay phục vụ thì từ nguyên nghĩa của chúng là làm công việc của người hầu, người nô lệ (servus). Phục dịch hay làm dịch vụ là phải hiền lành. Vì đó là một trong những điều kiện tất yếu có tính sống còn của người hầu, người nô lệ. Ngay cả với những người làm dịch vụ trong kinh doanh thì không thể nào giữ mãi thái độ hống hách như thời kinh tế bao cấp của nước ta thuở nào. Hội nhập vào nền kinh tế thị trường, người làm dịch vụ không những phải hiền lành mà còn phải tận tụy và dễ thương thì mong có và giữ chân khách hàng.

Trách vụ chính của hàng phó tế là phục vụ bắt nguồn từ thời các tông đồ, cách riêng phục vụ việc ăn uống (x.Cvtđ 6, 1-7). Tuy nhiên mọi Kitô hữu, đặc biệt hàng tư tế thừa tác đều là những người phục vụ. Người càng được trao phó nhiệm vụ càng cao thì trọng trách phục vụ càng lớn. Nhận thức điều này, có nhiều Đức Giáo hoàng mà có lẽ khởi đầu từ Đức Grêgôriô Cả đã tự xưng là “tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa” (Servus servorum Dei). Đã là tôi tớ thì phải đặt lợi ích của chủ lên hàng đầu. Thế mà khi một ngài tôi tớ nào đó được sai đi phục vụ như linh mục hay phó tế thì “người ta” đòi hỏi nào là có nhà ở, nào là có các tiện nghi này nọ, nào là phải lo bảo đảm đời sống nọ kia… Có thể người ta nại đến câu nói của Chúa rằng “thợ thì đáng được lĩnh công” hay câu nói truyền thống: “chăn chiên thì uống sữa chiên”. Chuyện là đương nhiên dễ hiểu nhưng trước hết những người chăn chiên, những người thợ ấy phải là những tôi tớ thực sự. Tôi đã từng mạn bàn về chủ đề: “Tìm việc cho người hay tìm người cho việc?” Các đấng bậc có trách nhiệm khi bố trí nhân sự cũng dễ bị cám dỗ xem trọng các “đầy tớ” hơn là lợi ích của những ông chủ là tập thể đoàn tín hữu. Đúng là một giải pháp giải quyết nhân sự chứ không phải là một chiến lược phục vụ đoàn chiên.

Trở lại với các thầy phó tế. Bản thân tôi đã từng gặp gỡ nhiều phó tế vĩnh viễn ở nước ngoài. Phải chăng vì đã chọn một bậc sống, một thừa tác vụ thánh cách vĩnh viễn nên các vị phó tế vĩnh viễn xem ra khá hiền hòa và tận tụy trong cung cách phục vụ? Trong khi đó, các phó tế “chuyển tiếp”, tức là các thầy sáu đang chờ đợi tiến lên chức linh mục, rất có thể sống ơn gọi phục vụ kiểu qua ngày. Chắc hẳn khi chúng ta làm một việc gì đó kiểu chiếu lệ, qua ngày thì có nhiều hạn chế khó tránh cho dù bản thân nhiều khi không có chủ ý. Chưa kể đến chuyện đã từng có, đó là các vị hữu trách khi sai các thầy đi thực tập mục vụ ở đâu thường căn dặn các linh mục sở tại là đừng để các phó tế “bị sứt mẻ” điều gì khiến khó chịu chức linh mục sau này. Thực tiễn cho thấy các thầy sáu thường được o bế từ linh mục đến đoàn tín hữu, kiểu o bế cô dâu chờ ngày lên xe hoa. Thế là mục đích phục vụ, làm tôi tớ dường như chỉ còn trên danh nghĩa hay chỉ còn trên các buổi lễ đại trào. Một sự thật đáng để chúng ta ngẫm suy. Đã được o bế, cưng chiều một thời gian, rồi sau đó lại được đưa lên tận mây xanh khi lãnh chức linh mục thì mục tiêu phục vụ thật khó thực thi cách hữu hiệu.

Một vài tâm tình gửi đến các thầy phó tế cũng là những ý tưởng để bản thân xét mình về lý tưởng sống trong đời tu trì tận hiến qua tác vụ thánh đã lãnh nhận. Khôn ngoan trong hành động, kiên trì trong cầu nguyện và hiền lành trong phục vụ quả là lời cầu thiết thực cho bất cứ ai, đặc biệt cho những người làm tông đồ trong hàng giáo sĩ. Ước gì lời cầu ấy không dừng lại trong Thánh lễ truyền chức phó tế nhưng được cụ thể hóa bằng nỗ lực thực hiện hằng ngày trong đời sống của các đấng bậc đã lãnh nhận thánh chức.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Nguồn tin:  gpbanmethuot.com:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây