Giáo Xứ Châu SơnGiáo xứ Châu Sơn thuộc giáo phận Ban Mê Thuật tại xã Cư Êbur - TP. Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.
BẬP BỀNH TRÊN SÔNG BAO LA...RẰM TRUNG THU: NHỚ LINH MỤC - NHẠC SĨ PHƯƠNG LINH
Thứ sáu - 09/09/2022 21:09
Linh mục-nhạc sĩ Phương Linh (1921-1995) tên thật là Rôcô Trần Hữu Linh, quê quán ở Thượng Kiệm, Kim Sơn, Ninh Bình (Phát Diệm), thụ phong linh mục năm 1949. Tác giả bài thánh ca rất sốt sắng và ai cũng thuộc "Cầu Xin Chúa Thánh Thần".
Bập bềnh trên sông bao la...rằm trung thu, nhớ Linh mục - nhạc sĩ Phương Linh
Tác giả: Lê Đình Bảng
Hôm mới rồi, kẻ viết bài này làm nhiệm vụ - thay cha mẹ nó bận đi làm ăn xa nhà – đón đứa cháu nội đang gửi học lớp chồi bán trú về. Trời Sài Gòn bỗng dưng mưa ào ào, ngập lụt cả sân trường. Ngồi chờ trong lớp, ngó quanh quất, thấy rặt những đồ chơi bằng gỗ, bằng nhựa, đủ kiểu dáng, đủ sắc màu, nom cứ như là chợ trời. Lại có cả súng đạn, gươm đao, xe tăng, hỏa tiễn, siêu nhân, người dơi, người máy nữa... Tìm mãi, chẳng thấy chút bóng dáng gì của thiên nhiên như núi sông, trăng nước, loài vật, cỏ cây, hoa lá, mùa màng. Thầm nghĩ, thế giới trẻ thơ bây giờ cũng đang bị cuốn vào nhịp sống tốc độ vô cảm của đô thị-công nghiệp hóa của người lớn rồi. Hèn chi đám học trò con nít dám đặt bút viết câu mở đầu bài luận văn rất ư là tỉnh bơ thế này "Nhà em có...nuôi...một...ông nội"!
Còn nhớ ngày xưa...không xa lắm, ở xứ đạo làng quê. Tuy cái ăn cái ở và cái may mặc, học hành sách vở chữ nghĩa có thiếu thốn khổ sở thật đấy, nhưng lúc nào cũng rất thong dong, thư nhàn và đầy ắp những kỷ niệm đẹp, không dễ gì phai tàn. Ký ức tuổi thơ ấy khởi đi và diễn ra ở những không gian, thời gian, bắt nguồn từ những sinh hoạt rất tự nhiên, dân dã, thật thà: Sân nhà, ruộng vuờn, xóm đạo, nhà xứ, nhà thờ, đêm trăng, cấy cày, gặt hái, phơi phong, xay lúa, giã gạo, bán hàng, đi chợ, đi lễ, dâng hoa, rước kiệu, đánh chắt, đánh chuyền, ô quan, tập trận, thả diều... Thôi thì đủ trò đủ trống, mùa nào thứ nấy. Vừa chạy nhảy múa may, lại vừa ca hát líu lo có vần có điệu hẳn hoi. Hết "thả đỉa ba ba", "cá sấu lên bờ", lại đến "rồng rắn lên mây" hoặc "ông giẳng ông giăng xuống chơi với tôi", "thiên đàng địa ngục đôi bên"... Thôn trên xóm dưới, ngoài ngõ trong vườn nghĩa là cứ vang rền nền nảy những trò chơi hấp dẫn, những bài đồng dao, những ca khúc tươi vui hồn hậu. Thành thử ra, tuổi thơ của bọn trẻ nhà quê chúng tôi cứ thấm đẫm những thơ, nhạc và cả kinh sách truyện vãn nữa. Khối đứa còn tập "làm lễ" và "khấn dòng" ngay từ tấm bé xa lắc xa lơ ấy. Đẹp biết bao những trang sách vỡ lòng, những lời hát ru đầu đời nuôi dưỡng ơn gọi tu trì mỗi tháng mỗi năm lớn dần lên.
Cho đến nay, đầu đã trắng xóa hoa lau. Tôi vẫn không thể nào quên những đêm trăng vằng vặc hồi mới tản cư về Kiến An, đỗ nhờ nhà bác tôi ở ngay dưới chân núi Voi. Bầu trời đêm tháng 8 mùa Thu sáng như gương. Mấy đứa con nhà giàu ở xóm phố trên đang tung tăng rước đèn. Còn bọn trẻ nhà nghèo chúng tôi thì hẹn nhau ở sườn núi, rồi xếp hàng một, diễu hành về hang đá Đức Mẹ bên kia một con suối nước trong có hoa mẫu đơn mọc đầy. Lại bắt đầu bằng những trò chơi và theo nhau hát nghêu ngao những câu ca đã thuộc nằm lòng từ thuở nào: "Một ông sao sáng, hai ông sáng sao; Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ; Ta yêu cô Hằng, đêm khuya xuống trần, một đàn con trai rủ đàn con gái ra ngồi nhìn trăng; Chú Cuội ngồi gốc cây đa / để trâu ăn lúa gọi cha ơi ời / cha còn cắt cỏ trên trời / mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên..." Và đặc biệt trong chùm ca khúc tuổi thơ dễ thương ấy, không đứa trẻ Việt Nam nào mà không thuộc những câu hát rộn ràng "Đồng một lòng chúng ta cố chèo / Thật nhịp nhàng tay bơi tay lái / Mặc cho sông to sóng đưa... Bập bềnh trên sông bao la / Bập bềnh trên sông bao la..." (1) Thuở ấy, chúng tôi chỉ hát theo nhau, rồi thấm sâu vào lòng đến tận ngày nay. Năm thì mười họa mới được chạm tay vào cây đàn banjo, alto hoặc mandoline, chứ đâu có được học hành thừa mứa như bây giờ. Chúng tôi đã được nuôi dưỡng bằng ca dao, đồng dao, vè vãn và cả những ca khúc trẻ trung dí dỏm của những tên tuổi lớn như Lê Thương, Phạm Duy, Hùng Lân v.v. Riêng ca khúc của linh mục-nhạc sĩ Rôcô Phương Linh vừa dẫn trên đây (2), theo tìm hiểu, đã đoạt giải khôi nguyên của Hội Khuyến Nhạc Việt Nam năm 1945, với phần thưởng là 12 vạn đồng tiền cụ Hồ.
Chuyện đã xưa, gần 80 năm rồi (1945-2022). Nhưng vẫn là một ký ức văn hóa khó quên của người Công giáo Việt Nam ở buổi hừng đông của nền tân nhạc vậy. Ở đấy, bên cạnh Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương, Phạm Duy, Thẩm Oánh, còn có Phaolô Đạt, Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Văn Thích, Hùng Lân, Hải Linh và Phương Linh.
Chú thích:
(1) Ca khúc mang tên là Trung Thu Chèo Thuyền, 1945.
(2) Linh mục-nhạc sĩ Phương Linh (1921-1995) tên thật là Rôcô Trần Hữu Linh, quê quán ở Thượng Kiệm, Kim Sơn, Ninh Bình (Phát Diệm), thụ phong linh mục năm 1949. Tác giả bài thánh ca rất sốt sắng và ai cũng thuộc "Cầu Xin Chúa Thánh Thần".