Giáo Xứ Châu Sơn

https://giaoxuchauson.com


CHÚC MỪNG LỄ BỔN MẠNG BAN LỄ SINH

Vào Thứ Bảy, ngày 29.9.2018, Giáo Hội hân hoan mừng kính các TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICAEL, GABRIEL VÀ RAPHAEL. Thiên thần theo tiếng Do thái có nghĩa là “sứ giả”, là những thần linh được Thiên Chúa tạo dựng để truyền đạt thánh ý của Ngài cho con người, thực thi sứ mạng đặc biệt của Thiên Chúa, hoặc chữa lành cho con người.
CHÚC MỪNG LỄ BỔN MẠNG BAN LỄ SINH

Hướng về ngày Lễ Kính
CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN
MICAEL, GABRIEL VÀ RAPHAEL
BỔN MẠNG BAN LỄ SINH GIÁO XỨ
Vào Thứ Bảy ngày 29.9.2018

1. Tại sao Thánh Kinh lại đề cập đến 3 vị Tổng lãnh Thiên Thần ?
Thánh Kinh không phải là một cuốn sách trình bày các vấn đề khoa học nhưng viết về chân lý cứu độ. Dưới ơn linh ứng của Chúa Thánh Thần, các tác giả mượn những câu chuyện, giai thoại của văn hóa mình và dùng cách diễn tả riêng trong thời đại đó để trình bày về một chân lý duy nhất tuyệt đối.
Chế độ chính trị của Israel xưa là một nền quân chủ chuyên chế, đứng đầu là vua, dưới có bộ máy quan lại và hàng tướng lĩnh. Hình thức cai trị này đã được các tác giả Thánh Kinh vay mượn để diễn tả uy quyền của Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Vị Vua Tối Cao, dưới Ngài cũng có những thụ tạo thiêng liêng để giúp Ngài trong việc cai trị. Đó là các thiên thần. Các thiên thần ngày đêm chầu chực bên Thánh Nhan Đức Chúa. Một số trong các vị đó được sai đi đến với con người để thực hiện sứ vụ báo tin, chữa lành hay hướng dẫn…nhằm phục vụ cho ơn cứu độ.
Những vị được sai đi đó được gọi bằng danh xưng: Sứ thần – vị thiên thần được sai đi. Những vị được sai đi để thực hiện những việc nhỏ được gọi là sứ thần. Một vài vị được sai đi loan báo những biến cố quan trọng được gọi là Tổng lãnh thiên thần. Các thiên thần và Tổng lãnh thiên thần được nhắc đến trong Thánh Kinh theo cách nhìn đó, nhằm diễn tả một chân lý duy nhất: Quyền năng, tình thương và sự quan phòng của Đức Chúa bao trùm trên cả vũ trụ vạn vật và đặc biệt trên từng con người.

2. Danh xưng của các ngài mang ý nghĩa gì?
Trong tên của ba vị Tổng Lãnh Thiên Thần Micaen, Gabrien, Raphaen, mà chúng ta mừng kính hôm nay, đều có âm cuối là “en”; trong tiếng Do Thái, là El và có nghĩa là Thiên Chúa. Đôi khi chúng ta còn gọi tên của vị thứ nhất là Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, nhưng nên sửa lại là “Micaen”, theo cách gọi của sách Lễ Roma. Lý do, đơn giản là vì vần “en”, trong tên gọi Micaen có nghĩa là Thiên Chúa. Các thiên thần là sứ giả của Thiên Chúa thường xuất hiện trong Kinh Thánh. Mỗi một Tổng Lãnh Thiên Thần đều có một nhiệm vụ đặc biệt trong Kinh Thánh: Thánh Micaen bảo vệ; Thánh Gabrien truyền tin; Thánh Raphaen hướng dẫn.

2.1. TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICAEL
A 2 1Micael, danh từ Hêbrô có nghĩa “Ai bằng Thiên Chúa” ám chỉ sự siêu việt của Thiên Chúa, được nói đến trong sách Đamien (10, 13–21) và trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan (12,7) như vị chiến thắng ma quỷ.
Theo sách Khải huyền của thánh Gioan thì khi ấy trên trời có một cuộc đại chiến. Một bên do TLTT Micael lãnh đạo, bên kia là do Luciphe. Micael là thiên thần dũng mãnh. Với khẩu hiệu: “Ai bằng Thiên Chúa”, ngài đã anh dũng đẩy lui bè lũ Luciphe.
Chúng ta hãy bắt chước ngài: luôn trung thành với Chúa. Mỗi khi chúng ta bị thế gian xác thịt cám dỗ muốn xa lìa Chúa, chúng ta hãy lập lại lời của ngài: Ai bằng Thiên Chúa? Vâng! Chẳng ai bằng Thiên Chúa cả. Tiền bạc, vui sướng xác thịt, chức quyền không có gì sánh được với Thiên Chúa cả. Không có một ai, một vật nào được phép đứng ngang hàng với Thiên Chúa của chúng ta. Chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng tốt lành, thánh thiện, mạnh mẽ phép tắc vô cùng. Người nhân từ vô biên, hiểu biết mọi sự, làm được mọi sự. Ngài là cội rễ mọi sự, là cùng đích của mọi loài. Không ai bằng Thiên Chúa.

2.2. TỔNG LÃNH THIÊN THẦN RAPHAEL
A 2 2Danh xưng Raphael tiếng Hêbrô có nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành” hoặc “Thầy thuốc của Thiên Chúa”. Sách Tobia cho biết, chính ngài đã được Thiên Chúa sai đến giúp đỡ gia đình ông Tobit trong cơn hoạn nạn. Trong câu chuyện này, ngài xuất hiện để dẫn dắt con ông Tobit là Tobia qua những cuộc mạo hiểm dị thường mà sau cùng dẫn đến một kết quả thật tốt đẹp: Tobia kết hôn với Sarah, ông Tobit được chữa khỏi mù mắt và tài sản của gia đình ông được hồi phục. Người đã cho hai cha con biết: “Ta là Raphael, một trong bảy khâm sai của Thiên Chúa hằng ở bên cạnh Ngài trong huy hoàng của Ngài hiện diện.”
Mục đích của câu chuyện là để minh chứng sự Thiên Chúa quan phòng hằng hoạt động trong đời con người và hằng nghe lời cầu xin. Raphael được cầu xin cho thể xác khang an, linh hồn khỏe mạnh và là quan thầy người đi đường. Trước đây, Thánh Raphael được giáo hội kính nhớ vào ngày 24 tháng 10 hằng năm. Điều này đã được thêm vào niên lịch Giáo Hội La Mã trong những năm 1921. Vào năm 1970, khi duyệt lại niên lịch, Giáo Hội đã đưa ngày lễ kính thánh Raphael vào chung một ngày với thánh Micae và thánh Gabriel.

2.3. TỔNG LÃNH THIÊN THẦN GABIRIEL
A 2 3Gabriel, danh xưng Hêbrô có nghĩa là “Sức mạnh của Thiên Chúa”, cũng còn được gọi là “Sứ thần truyền tin”, được gửi đến để báo tin Thiên Chúa can thiệp vào việc cứu rỗi nhân loại và đấng Messia sẽ đến thực hiện. Gabriel được gửi đến với ngôn sứ Danien (Dn 8, 16;9,21–27), với ông Giacaria và Đức Mẹ (Lc 1,11–38;8,16–27;9,21–27). Đây cũng là sứ thần đã nhiều lần hiện ra báo mộng cho Thánh Giuse.
Việc tôn sùng thánh Gabriel nổi bật vào thế kỷ X. Năm 1951, Đức Piô XII đặt làm quan thầy các chuyên viên truyền thông (truyền thanh, truyền hình, điện thoại). Thánh Bernard nhận định: Trong tất cả các thiên thần, Đức Gabriel đã được thấy là vị xứng đáng loan báo những chương trình của Thiên Chúa cho Đức Mẹ và đón nhận lời fiat (xin vâng) của Mẹ
Từ những thế kỷ đầu của kỷ nguyên Kitô Giáo, đức tổng thần Gabriel đã được phụng vụ tôn kính. Vào thế kỷ IX, tên ngài đã thấy xuất hiện trong danh bộ các thánh, được mừng vào ngày 24 tháng 3, gắn liền với lễ Truyền Tin. Vào năm 1921, Đức Biển Đức XV tuyên bố một ngày lễ kính tổng thần Gabriel trong toàn thể Giáo Hội. Hiện nay, ngài được mừng chung với tổng thần Micae và tổng thần Raphael vào ngày 29 tháng 9.
Việc kính nhớ Thánh Gabrien (24.3) và Raphaen (24.10) được thêm vào niên lịch Giáo Hội La Mã trong năm 1921. Vào năm 1970, khi duyệt lại niên lịch, Giáo Hội đã đưa ngày lễ kính hai vị vào chung một ngày với Thánh Micaen.
 

A 3


Trong tâm tình Tri ân & Ngợi khen Thiên Chúa
Mừng lễ kính các Tổng Lãnh Thiên Thần
& Kỷ niệm 15 năm (05.11.2003)
Ngày Ban Lễ sinh chính thức đưa vào Sinh hoạt Giáo xứ

QUÝ CHA QUẢN XỨ
QUÝ NỮ TU CỘNG ĐOÀN THÁNH GIA
BTV.HĐGX & QUÝ CHỨC
HÂN HOAN CHÚC MỪNG
LỄ BỔN MẠNG CÁC ANH CHỊ EM LỄ SINH

A 4

Nguyện chúc các ANH CHỊ EM LỄ SINH GIÁO XỨ, 
luôn sẵn sàng hy sinh và quảng đại đáp lời mời gọi của Chúa,
qua việc hiến thân phục vụ Bàn thánh.

Nguyện
XinQuyền năng” của TLTT Micael trợ lực,
giúp chúng ta chiến đấu chống lại những điều xấu
và xin ngài bảo vệ chúng ta, đặc biệt là trong giờ phút lâm chung.

Xin “Sức mạnh” của TLTT Gabriel nâng đỡ,
là Thiên thần đã loan báo Mầu nhiệm Nhập Thể cho Đức Maria,
giúp chúng ta tiếp nối sứ mệnh
giới thiệu sự hiện diện của Chúa Giêsu trên thế giới,
và can đảm thưa lời Xin Vâng như Mẹ.

Cuối cùng, xin “Ơn lành mạnh” của TLTT Raphael che chở,
cứu chữa phần hồn và phần xác,
và là bạn đồng hành của chúng ta trong cuộc hành trình dương thế này,
để nhờ sự trợ giúp của ngài,
chúng ta luôn biết làm điều tốt lành cho cuộc đời và cho tha nhân.
Bởi thế,
còn gì hạnh phúc hơn cho các anh chị em Lễ sinh chúng ta,
khi biết mình luôn được các Tổng Lãnh Thiên Thần nâng đỡ và chở che.

A 5

Kính chúc Quý Ông & Quý Anh
đã chọn các Tổng Lãnh Thiên Thần làm Bổn mạng,
xin các ngài cầu bầu trước Tòa Thiên Chúa
& đồng hành cùng quý vị trên mọi nẻo đường,  
để đập tan mọi cám dỗ đang bủa vây cuộc đời chúng ta
nơi thung lũng Nước mắt nầy.

Tác giả bài viết: BBT-Trang Tin GXCS

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây