Giáo Xứ Châu Sơn

https://giaoxuchauson.com


TẢN MẠN CHUYỆN VĂN HÓA LỄ TANG CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM

Bài viết có giá trị nghiên cứu về phong tục tập quán của người Công giáo Việt Nam và giúp người đọc có thêm những suy nghĩ về cuộc sống đời này và đời sau trong tháng các Đẳng linh hồn.
TẢN MẠN CHUYỆN VĂN HÓA LỄ TANG CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM

TẢN MẠN CHUYỆN VĂN HÓA LỄ TANG
CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM

 Lê Đình Bảng

1. Vẫn biết, sinh bệnh lão tử là lẽ thường tình, là quy luật tự nhiên của đời người. Và vẫn biết, cái chết đã san bằng tất cả, theo cách triết luận của văn hào Saint Exupéry. Nhưng chính cái chết, cái sinh ly tử biệt ấy lại là nguyên cớ phát sinh, nảy nòi ra vô vàn nhiêu khê, đòi đoạn, dù người tả ở trong nền văn hóa nào, bị chi phối bởi hệ thống tín ngưỡng, tôn giáo nào đi nữa. Nó được nhận thức như là bước chuyển, từ thế giới này sang một thế giới khác, mà miệng đời quen gọi là “ở cõi trên”, “về đời sau”, “sang bên kia”…Công hay tội, phúc hay họa, được hay mất tùy vào việc lành dữ đã làm khi còn sinh thời. Để lên thiên đàng hay xuống địa ngục. Để vào niết bàn hay vào âm phủ. Siêu sinh cực lạc hay đoạ đày khốn khổ. Vĩnh phúc, vĩnh hằng, mát mẻ sáng láng vô cùng… Cũng bởi tin vào “thác là để phách, còn là tinh anh”, cụ Nguyễn Du mới đặt vào miệng cô Kiều lời trăn trối đầy tính chất báo ứng ma mị này:

“Trông ra, ngọn cỏ, lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”.

Và từ hằng nghìn năm trước, đến như bậc vạn-thế-sư-biểu là thầy Khổng Phu Tử còn dạy học trò “có ba việc trọng nhất trong thiên hạ phải biết và tuân thủ là ăn uống, tang ma và tế tự”. Thành thử ra trong ứng xử của người Phương Đông ta, với cái chết, rõ ràng thấy pha trộn bàng bạc những sắc màu của thần linh, tôn giáo.

Đối với người Việt mình, từ trong nếp nghĩ, nếp cảm đến thực tế cuộc sống, tử vong vốn được coi là một trong bốn “đại sự” của đời người, gồm: Quan, hôn, tang và tế. Nó được cử hành dưới nhiều dạng thức, nhiều cung bậc khác nhau. Mặc dù cùng trở về với cát bụi, nhưng mức độ và cách thức lễ tang rình rang hay giản đơn đã nói lên sự khác biệt giữa cảnh giàu nghèo và sang hèn, giữa cảnh thân cô thế cô và đông con nhiều cháu của từng số phận. Bởi thế, mới có đám ma to, đám ma bé. Có lăng tẩm, mộ bia hương khói nghi ngút, đèn nến lung linh và mới có “sè sè nấm đất bên đàng, rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”. Thực tế là có người phô trương, khoe mẽ, khóc lóc ca cẩm inh ỏi, cờ đèn kèn trống, cỗ bàn xôi thịt ê hề cái kiểu trưởng giả học làm sang “sống ăn củ mùi, chết vùi vàng tâm”. Lại cũng không thiếu những kẻ cùng đinh mạt rệp chẳng mua nổi cái hòm gỗ tạp, đành phải bó chiếu, chôn dập chôn vùi, lấp bờ lấp bụi, như để chạy tang, như thể cho xong một kíếp người trót sinh ra dưới một ngôi sao xấu. Thậm chí, nói như ông Vũ Trọng Phụng, đã có cảnh nghèo kiết xác mà kẻ chết không có lấy một mảnh giấy đậy mặt, trong khi chờ để người ta đưa ra ngoài bãi tha ma giữa đồng không mông quạnh!

Như vậy, tử vong chẳng còn là chuyện riêng của người chết nữa. Mà là chuyện dài, chuyện dài nhiều tập của những người còn sống, đang sống – tùy quan hệ tình cảm, tập tục và hoàn cảnh – muốn chia sẻ, gánh vác, đỡ đần nặng nhẹ với thân bằng quyến thuộc của người quá cố. Từ gia đình, họ tộc cho đến cộng đồng xã hội và cả tôn giáo nữa. Tất cả đều vào cuộc. Như thế, chăm lo cho người chết, vừa là một việc làm để đền đáp thanh thỏa với người mệnh một, vừa là một cung cách tỏ bày cho người sống biết cái lễ nghĩa trước sau, cái đạo hiếu sinh hiếu tử của mình. Mỗi tập tục, mỗi bày biện, mỗi ứng xử, mỗi nghi thức – qua tích lũy của thời gian và kinh nghiệm sống – đều phản ánh tín ngưỡng, văn hóa của của xã hội, đều khẳng định mối đồng cảm cộng sinh về tâm linh, sự đoàn kết tương thân tương ái về mặt xã hội, thông qua cái vòng lễ nghi của đời người lưu chuyển từ xưa tới nay. Phải chăng, đó là một định ước bất thành văn về tâm linh, về văn hóa của xã hội loài người?


2. Vì coi “sự tử” như “sự sinh”, nên người Việt mình mới xử sự một cách trân trọng với người chết. Nghĩa tử là nghĩa tận. Riêng đối với người Công giáo Việt Nam thì những việc thăm viếng kẻ liệt, chôn xác kẻ chết, đọc kinh nguyện giỗ, xin lễ cầu hồn, thanh minh tảo mộ đã trở thành những nghĩa vụ thiêng liêng. Và chính họ đã sống thật máu thịt, thật xác tín, thật hiệp thông lời khuyên dạy ấy của Giáo hội từ lâu rồi. Chính vì vậy mà ngay từ khi Tin mừng mới được rao giảng, trong một nỗ lực hội nhập vào văn hóa xứ sở này, các Giáo đoàn Dòng Phan-xi-cô, Đa-minh và Dòng Tên, đặc biệt là giáo sĩ Đắc Lộ đã sớm nhận ra vấn đề nhạy cảm này. Ông viết: “Trong khắp cõi đất có người ở này, có lẽ không có nước nào, dân nào trọng kính, tôn sùng hồn và xác người quá cố bằng dân nước này. Khi người nào vừa tắt thở thì họ (người sống) phải giữ ba điều này để tôn kính người chết: một là kiếm cho được cỗ quan tài lộng lẫy nhất để liệm xác; hai là lo cho có thật nhiều người đi theo đám tang; ba là chọn nơi (đất) thuận lợi để chôn cất. Họ tin rằng cả cơ may vận tốt của gia đình về danh vọng, của cải, sức khỏe đều phụ thuộc vào việc chọn đất để mả[1]. Trên suốt hành trình truyền giáo ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, giáo sĩ Đắc Lộ không những không ngạc nhiên về những tập tục ma chay phiền toái của người Việt, mà còn bày tỏ sự trân trọng đặc biệt của mình trước ý nghĩa hàm chứa trong việc đi tìm đất đặt mộ, đám xá tiệc tùng, hương khói giỗ chạp, cúng kỵ. Theo ông, tất tần tật những sự việc trên đều xuất phát từ lòng tin của họ vào chuyện “để mả”, vào chuyện “sống khôn, chết thiêng” sẽ phù trì che chở cho cả dòng tộc con cháu về sau. Được hanh thông đại cát, được ăn nên làm ra hay vắn số yểu mệnh, sa cơ thất thế. Tắt một lời, nên hay không ở hậu vận là nhờ ở cái mả ấy có phát hay không. Cùng một nhận định ấy, cha Đắc Lộ viết: “Việc sùng bái vong linh tổ tiên vượt lên trên những gì mà người châu Âu có thể nghĩ được. Họ vất vả rất nhiều để tìm đất đặt mồ mả. Họ cho rằng hạnh phúc toàn gia tộc đều phụ thuộc vào sự để mả này. Họ không tiếc tiền của, công lao để bày cỗ bàn tiệc tùng mấy ngày liền sau đám tang. Rồi mọi năm, vào ngày kỵ, không bao giờ họ bỏ không làm, bàn giỗ tổ tiên tới tám đời hoặc có khi lên tới muời đời[2].

Cũng vậy, trên cái nền dân cư, sinh hoạt của làng Việt cổ và trong bối cảnh mộ táng – địa táng (không nói đến hỏa táng, thủy táng ngày nay), mảng “văn hóa lễ tang” của người Công giáo Việt Nam xem ra cũng nhiêu khê, trọng thị đáo để. Thật vậy, không phải đợi đến lúc người ta tắt thở, nhắm mắt xuôi tay. Việc lo liệu cho người chết đã khởi động ngay từ giai đoạn “tiền sự”, nghĩa là lúc người ấy (y thị) trở bệnh, lâm nguy, có dấu hiệu khác thường, khó bề vượt qua. Các cụ nhà ta bảo đấy là “hơi thở hắt ra” và “rình sinh thì”, cùng lúc chuông nhà thờ đổ từng giọt chậm rãi, buồn lê thê, y như muốn gọi hồn ai. Cho đến tận ngày nay, trên đầu hai thứ tóc, ký ức tuổi thơ của tôi vẫn còn rơi rớt những kỷ niệm nho nhỏ, nhưng rất đậm đặc ý nghĩa đức tin – văn hóa Công giáo, khó mà quên cho được. Quê thôn Việt Nam xưa, nhà thờ họ đạo nào mà chả có những ban-nhóm-hội chuyên chăm việc “hậu sự”. Nào “Giúp kẻ liệt lào, Khuyến hối”. Nào “Trợ thiện tử, Trợ táng, Săn sóc bệnh nhân”. Rồi còn lễ nhập quan, động quan, di quan, an táng, cầu hồn, lễ mồ, lễ mồ hát, lễ quy lăng… Tuy tên gọi có khác nhau, nhưng thảy đều làm chung một số việc, như: Thuốc thang, cơm cháo, nước nôi, tắm táp, thay quần áo, mặc áo các phép, đeo tượng ảnh, quét dọn nhà cửa, bài trí bàn thờ hoặc những công đoạn cấp kỳ, như rước mời Cha cố đến cho chịu các phép Bí tích làm của ăn đàng (giải tội, rước lễ, xức dầu), kinh sách và cả tống táng, ma chay, cỗ bàn, kèn trống, cờ quạt nếu cần. Đấy là chưa nói đến tối tối mời bà con tụ hop đọc kinh nguyện giỗ râm ran cả tháng liền. Để cán đáng chuyện hậu sự này, phải là chức sắc trong họ, cỡ ông Trùm. Bản văn Công nghị Hải phố năm 1672[3] do Đức Giám mục Lambert de la Motte chủ trì – có ghi đại ý là, nơi nào có nhiều bổn đạo mà không có linh mục hoặc thầy giảng, kẻ giảng thì phải chọn một người khôn ngoan, đức hạnh, thường là ông Trùm, để viếng thăm kẻ liệt lào[4]. Lạ thay, đã có không ít những hội hè, nhóm họ được hình thành từ cái khoản chết chóc, tang ma ấy. Chẳng hạn, Hội đô tùy, Hội Tô-bi-a, Hội thánh Gióp, Hội cầm cờ, kể cả Hội Kèn và Phường bát âm nữa. Càng lạ lùng hơn tại các giáo điểm do Dòng Tên phụ trách ở Đàng Trong, người ta thấy có những hội đoàn mang tên rất lạ, như “Họ chết lành” hoặc “Họ các linh hồn luyện tội” được nhiều người gia nhập nhất, có lễ rất hợp với tâm tình người Việt vốn nặng lòng hiếu thảo với tiền nhân tiên tổ. Sự kiện này mãi 350 năm sau, với Sắc dụ Plane Compertum est (1965), Giáo hội Công giáo Việt Nam mới chính thức giải gỡ rốt ráo.

Nói đến đời sau là nói đến phần rỗi linh hồn, một tín điều hệ trọng của người Công giáo. Ngay từ bài học đầu tiên trên gối mẹ, không ai mà không thành thuộc lời khuyên dạy “được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn, nào được ích gì?” Chính vì vậy, những việc “dọn mình chết lành”, kể cả “phó linh hồn” là những việc hết sức quan trọng và khẩn trương. Trong ý nghĩ dân gian của người mình, chuyện chết lành chết dữ qua những biểu hiện bên ngoài, nhiều khi cũng trở thành điều tiếng thị phi, đồn đoán xa gần. Cha Đắc Lộ đã ghi nhận trường hợp “có một nữ giáo dân rất đạo đức tên là Benoite, mẹ ruột cậu thanh niên mới được rửa tội ít lâu nay. Bà này qua đời đang khi tôi đi vắng, vì thế mà bà không được xưng tội. Người con hết sức đau khổ vì mất mẹ, mà nhất là mẹ chưa được xưng tội trước khi chết. Cậu ta khóc lóc thảm thiết, thật là sầu khổ đôi đường…[5].

Ngoài ra, được chăm lo cho người chết – đi kẻ liệt, giúp kẻ liệt – còn là một trách nhiệm về mục vụ của cha xứ, một bổn phận thiêng liêng của chức việc, một vinh dự, một ơn riêng, một phần phúc lập công ở đời này của mọi tín hữu. Như một trường hợp khác “một giáo dân tên là Phan Chi Cô phụ trách khiêng cáng cho người em của chúa. Ông này rất nhiệt tâm đi chôn xác những giáo dân nghèo và chính việc bác ái nhưng không này đã đưa ông đến cái chết là phần thưởng cao trọng nhất mà ông hằng trông mong[6].

Suy rộng ra, ngay cả đến bản thân ý nghĩa hàm chứa trong cụm từ “họ đạo” xuất hiện ở đầu thế kỷ19 – Societas eorum qui efferunt cadavera – Hội những người khiêng xác chết – cũng đã khơi gợi điều đó, như giải thích của từ điển Taberd 1838[7].


3. Kể cũng hay. Ở xứ đạo làng quê, chả có gì phải giấu giếm, độc quyền. Học hành đỗ đạt làm quan. Đi tu, khấn khứa, đỗ cụ. Dựng vợ gả chồng. Làm nhà, tậu trâu, tát ao. Lễ lạt, giỗ chạp, tang ma. Nghĩa là việc nào việc nấy quanh năm suốt tháng cứ bung ra thành đám xá như mở hội làng. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Giàu, thì chiếu trên chiếu dưới, cỗ bàn rượu thịt. Thường thường bậc trung thì con cá lá rau, mâm cơm dưa muối, cũng trọn nghĩa trọn tình. Còn đám dân đinh nghèo mướp cũng ráng sức ra công thổi lấy nồi xôi nếp mới, mua thêm dăm ba nải chuối, pha vài ấm trà đãi khách. Thế là thành “nhà đám” thôi. Của đáng tội. Hèn chi miệng đời chê trách “lúc sống thì chẳng cho ăn; Đến khi chết mới làm văn tế ruồi”. Cụ Phan Kế Bính trong tác phẩm Việt Nam Phong Tục cũng đã có lúc phải buột miệng thở than về cái khoản vin vào đám ma mà kiếm miếng xôi nắm oản: “Đừng có chết mất thì thôi. Sống còn có lúc no xôi, chán chè”.

Vẫn biết Chúa dạy “mặc kẻ chết chôn kẻ chết”. Nhưng có ai đành lòng để người chết khói lạnh hương tan và nhà hiếu phải bi lụy, tóc rối đầu tang bao giờ đâu. Mọi việc lớn nhỏ từ hôm ấy, chôn cất, mở cửa mả, 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu và giỗ mãn tang, viếng mộ, sửa mộ, lễ lạy, kinh hạt thảy đều tươm tất đâu vào đấy, không sai chạy được. Riêng cái mảng kinh sách phục vụ ma chay giỗ chạp thì nhiều vô kể, hay vô cùng. Đúng là. “Kinh nhà đạo, gạo nhà chùa”. Nào, kinh nguyện tắt, kinh thẩm phán, kinh hối tội, kinh dọn mình chết lành, kinh bảo đàng, kinh bởi trời, kinh cầu chữ, kinh phục dĩ chí tôn, kinh cao sang v.v… Đấy là chưa nói tới hàng loạt sách viết về “bốn sự sau cùng loài người ta” được đọc liên tục bằng một cung giọng rất bi thiết. Có thể kể ra đây một số sách: Tập Dụng Thần Công, Sách Thổi Loa, Sách Giảng về Địa Ngục, Sách Lâm Mạnh, Sách Tứ Chung vv… Đọc lại mấy chuyện trên đây, người khó tính một chút sẽ bảo đấy là cách giữ

 đạo cổ xưa, chuộng hình thức, dài dòng văn tự, chẳng ích gì. Nhưng đối với người Việt Nam sống nặng về trực giác, về cảm thức thì những sinh hoạt cộng đồng mang màu sắc lễ nghi đượm ít nhiều hơi hướm thi ca và mùa vụ ấy, trộm nghĩ, vẫn là một nguồn cảm hứng, một tích tụ khôn ngoan của bao đời, có khả năng khơi lên ngọn lửa đức tin lòng đạo sốt mến trong lòng họ, chứ không hẳn là chuyện trò đùa vớ vẩn, bày đặt câu. Giời ạ, chữ nghĩa kinh nhà đạo tuyệt vời không chịu được. Ngay đến bậc hay chữ như giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn mà còn phải tấm tắc ngợi khen khi nghiên cứu tập hồ sơ mang mã số V-1100 trong kho lưu trữ của M.E.P, 128 Rue du Bac, Paris. Nhân vì sự ấy cho nên, đành phải dẫn ra đây vài câu trong Kinh Bảo Đàng mà tôi thuộc nằm lòng khi về dự đám giỗ mãn tang của một ông Trùm Cựu ở giáo xứ Lai Tê (Bắc Ninh) năm mới rồi: “Hãy cầu cho linh hồn tiên nhân là gương thiên hạ. Kẻ đã đi trước bảo kẻ còn ở: Rày mai sau cũng phải đi nữa. Trái xanh, trái chín cũng một Chúa cây. Người muốn lấy trái nào thì chẳng nề chín hay là xanh. Vậy chớ yêu xác là giống hèn mà bỏ linh hồn là của trọng…”.

Để kết luận, xin ghi lại mấy câu của sách Tứ Mạt Ca, một trường thiên rất đỗi tuyệt vời gẫm về sự đời sau, gồm 360 câu thơ của lục bát, nghe đâu do Đức Thầy Ngô Gia Hậu (Gauthier 1810-1877) soạn, nhà xuất bản Nazareth Hồng Kông in năm 1928:

“Ấy là giữ vẹn răn truyền
Lập công chịu khó ở miền trần gian
Mai sau tới nước thiên đàng
Lãnh phần phúc lợi thanh nhàn, Amen”.

tháng 11.2017

 

[1] Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài. Đắc Lộ trang 51.

[2] Hành trình và Truyền giáo. Đắc Lộ trang 66-67.

[3] Trích lại dẫn chứng của linh mục Đỗ Quang Chính.

[4] Như trên.

[5] Hành trình và truyền giáo. Đắc Lộ, tr 75.

[6] Như trên.

[7] Trích lại dẫn chứng của linh mục Đỗ Quang Chính.

Tác giả bài viết: Lê Đình Bảng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây