Giáo Xứ Châu Sơn

https://giaoxuchauson.com


VÔ CẢM: CĂN BỆNH THỜI ĐẠI!

Bài suy tư này muốn đề cập đến căn bệnh sâu xa và nguy hiểm nhất đang giết mòn lương tri con người, làm đời sống luân lý đạo đức của con người xuống cấp trầm trọng. Đó là căn bệnh Vô Cảm.
VÔ CẢM: CĂN BỆNH THỜI ĐẠI!

VÔ CẢM: căn bệnh thời đại!
 

Bạn đọc thân mến!

Trong những ngày đầu năm mới Dương lịch Tân Sửu -2021, dịch bệnh virus Corona vẫn đang tiếp tục hoành hành và lây nhiễm khắp thế giới, con số người chết vì dịch bệnh ngày càng gia tăng. Các quốc gia đều đồng loạt thực hiện nghiêm túc các biện pháp “cách ly” người đến từ vùng dịch và người nghi nhiễm. Đất nước Việt Nam chúng ta cũng ở trong tình trạng báo động “đỏ”. Bộ Y tế kêu gọi mọi người ý thức phòng bệnh đúng khoa học để đối phó với dịch bệnh quái ác này, hầu cho mọi người yên tâm chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán trong bình an hạnh phúc. Hơn thế nữa, Quê Hương Việt Nam chúng ta cũng đang phải nỗ lực diệt trừ những căn bệnh nguy hiểm trầm kha: bệnh tham nhũng, bệnh thành tích, bệnh gian dối, bệnh ăn chơi ... mà người dân gán cho những loại bệnh này là”quốc nạn”! Nhưng bài suy tư này muốn đề cập đến căn bệnh sâu xa và nguy hiểm nhất đang giết mòn lương tri con người, làm đời sống luân lý đạo đức của con người xuống cấp trầm trọng. Đó là căn bệnh Vô Cảm.

Xét về tổng quát, thì bệnh vô cảm không chỉ lây nhiễm trong một tầng lớp cá biệt nào đó, nhưng đã trở nên “chứng bệnh”mang tính quần chúng, tập thể. Căn bệnh này đã xâm nhập, đã đụng vào những gì “cốt lõi” tinh hoa của nhân phẩm con người. Theo đánh giá của các chuyên gia tâm lý học, các nhà giáo dục đào tạo, thì bệnh vô cảm đã và đang xâm nhập vào các trường học, công ty xí nghiệp, kể cả các Dòng Tu, Chủng Viện, Chùa Chiền, Thánh Thất...Họ cảnh báo: Vô cảm sẽ phá hủy chữ Nhân trong Khổng giáo, khinh thường lòng từ bi hỷ xả trong Phật giáo, và đặc biệt Đức Ái Kitô Giáo sẽ bị ảnh hưởng và luỵ tàn dần. Chúng ta có thể kể ra một danh sách thật dài về chuyện vô cảm hay những bài phân tích, những lời cảnh báo mà báo chí, hay các phương tiện truyền thông đăng tải. Bởi vậy, bài viết này mạo muội giúp chúng ta cùng nhau xem xét đạo lý Kitô giáo đã nói đến căn bệnh này như thế nào.

1. Kinh Thánh dẫn chứng:

Lịch sử Kitô giáo, đặc biệt là Kinh Thánh đã cho chúng ta thấy bệnh vô cảm đã có từ xưa. Sau khi giết em rồi đi lang thang, Thiên Chúa hỏi: “ Cain- em ngươi đâu?” Thay vì hối hận thì với thái độ lạnh lùng thờ ơ: “ Tôi không biết! Tôi không phải là người giữ em tôi” (St 4,9). Hay tâm trạng đau lòng của Môisê khi thấy dân riêng của Chúa bị đánh đập bởi sự thống trị của dân Ai Cập. Thay vì đoàn kết một lòng, thì dân Do Thái vẫn chia rẻ, không quan tâm đến nhau, hoặc chia bè phái rủ nhau chối bỏ Thiên Chúa để cùng nhau “ăn chơi chè chén”- thờ bò vàng. ( Xh32, 7-19 )Nhưng từ đây, Thiên Chúa đã tỏ lộ tình yêu cho con người: “ Thiên Chúa tuyển chọn dân riêng, Thiên Chúa đem lòng quyến luyến và chọn anh em” (Dnl 7,7;10,15 ). Thiên Chúa cũng nhẹ nhàng: “ Anh em đừng thờ ngẫu tượng (Xh 34, 14); sang thời Tân ước Thiên Chúa đã khích lệ và mời gọi con người sống trung tín với lời Giao Ước: “ Nếu anh em không trung tín, thì Thiên Chúa vẫn một lòng trung tín vì người không thể nào chối bỏ chính mình” (2Tm, 2,13). Sau bao năm tháng, dân Israel vẫn sống hời hợt trong mối thân tình với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn giáo dục dân riêng của Người thấy rõ phẩm chất cao cả nơi Thiên Chúa là sự “rung động” của Tình Yêu: Thiên Chúa- là Đấng từ bi nhân hậu - chậm giận và giàu tình thương” (Tv 145,8).

Các sách Tin Mừng cũng đã kể lại nhiều chứng bệnh vô cảm trong những hoàn cảnh khác nhau. Thái độ thờ ơ của dân làng Samari không đón tiếp Đức Giêsu và các môn đệ (Lc 9, 51); thái độ hững hờ quá đáng của thầy tư tế khi thấy một người bị cướp, sắp chết nằm dọc đường (Lc 10, 31-32); hoặc thái độ nhẫn tâm của ông phú hộ và anh Lazaro nghèo khó (Lc 16,19)...Và Tin Mừng cũng cho thấy phẩm chất “chạnh lòng thương” nơi Đức Giêsu được tỏa sáng, điều này không những làm nổi bật bản chất tinh túy nơi Thiên Chúa là tình thương, mà còn đề cao phẩm chất đạo đức luân lý mà Thiên Chúa muốn uốn nắn, sửa dạy lòng dạ con người biết sống-quan tâm-chia sẻ với người anh em bên cạnh (Mt 9,36). Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưởng; ra khỏi thuyền Đức Giêsu thấy đám đông, Ngài chạnh lòng thương và chữa lành các bệnh nhân (Mt 14,1 4); Đám đông đi theo Đức Giêsu để nghe giảng dạy suốt ba ngày rất mệt mỏi, đói khát “Ngài chạnh lòng thương vì sợ họ xỉu dọc đường” (Mt 15,32), Đức Giêsu cũng đồng cảm với bà góa thành Naim, Ngài chạnh lòng thương động viên, an ủi: “Bà đừng khóc nữa” (Lc 7,13).

Tronghành trình rao giảng Tin Mừng, đặc biệt khi đến với người Hy Lạp, thánh Phaolô đã phải đối diện với tệ trạng “vô cảm” nơi văn hóa Hy Lạp. Thánh nhân thấy rõ, đây là một thách đố và nhạy cảm lớn vì triết học Hy Lạp cho rằng “ người khôn ngoan là người tránh được những xáo trộn, không bị chi phối bởi những đam mê. Người khôn ngoan là người sống làm sao không bị đau khổ, không giận dữ bực mình, không bị trói buộc. Phái Khắc Kỷ còn chủ trương :“Nếu anh em có một người bạn đang gặp đau khổ, anh em hãy tỏ vẻ cảm thông, an ủi, nhưng lòng anh em đừng xúc động!”.

Điều này có nghĩa là cho dù những gì đang xảy ra chung quanh bạn, mặc dù bạn tỏ vẻ thông cảm, bạn vẫn có thể ăn ngon, ngủ ngon, bình an thanh thản coi như không có chuyện gì xảy ra. Bạn cứ sống “Vô tư”! Cho nên thánh Phaolô đã viết: “Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,22). Thánh Phaolô muốn đánh đổ tư tưởng ngược đời của dân Hy Lạp: Thượng đế là Đấng Hạnh Phúc Tuyệt Đối! Hạnh phúc nơi Thiên Chúa hệ tại Ngài là Nguyên lý của vũ trụ và vạn vật phải hướng về Ngài, cho nên Thượng đế không cần quan tâm đến những sự gì khác. Thánh Phaolô thấy rõ quan điểm của người Hy Lạp : thập giá là sự điên rồ. Một Thiên Chúa yêu thương-nhập thể làm người-chịu đau khổ-chịu chết…đó là điều chẳng những không khôn ngoan mà còn trái ngược lại với sự khôn ngoan: đó là sự điên rồ! Và Thánh Phaolô đã nhẹ nhàng làm sáng tỏ vấn đề: “Đối với những ai được Thiên Chúa mời gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp-Đấng ấy chính là Đức Kitô-sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,25).

 

Một vài dẫn chứng trong Kinh Thánh đễ thấy rõ “mầm” của sự vô cảm đã tiềm ẩn trong bản chất con người. Mầm vô cảm đã lớn lên theo từng bối cảnh, văn hóa, xã hội; nó phát triển theo từng chế độ chính trị, văn hóa, nghệ thuật, văn chương và cho đến hôm nay bệnh Vô cảm được gọi là “bệnh của thời đại” (bệnh cô đơn là bệnh của thế kỷ 20). Vì thế, bệnh vô cảm hoàn toàn trái ngược với tinh thần của Tin Mừng.

2. Bệnh vô cảm ở Việt Nam

Người ta đưa ra 3 nguyên nhân chính:

a. Ảnh hưởng nền văn minh hiện đại- thực dụng

Xuất phát từ một đất nước nông nghiệp. Với nền văn minh lúa nước dân Việt Nam vui sống bên luỹ tre làng, cây đa bến nước. .. Hằng ngày í ới nhau bên tách trà, ấm nước chè xanh. Nhưng hôm nay đời sống đó đã bị hiện đại hóa trong môi trường đô thị hóa và mọi lãnh vực đã bị cuốn vào cơn lốc văn minh thời đại. Cho nên sống càng văn minh, con người muốn giải quyết mọi vấn đề một cách nhanh gọn-nguyên tắc, và từ đó cái lý dần dần lấn át cái tình. Cuộc sống con người thường ngày được chuẩn hóa, được xác định đúng sai bằng pháp luật và từ chỗ sợ những hành vi sai luật, con người tìm sự an toàn cho bản thân, tránh những gì liên quan dính dáng đến người khác. Cho nên dù sống trong xã hội văn minh nhưng con người vẫn “co cụm” sống thờ ơ hững hờ…Xưa gặp một người bị tai nạn dọc đường mọi người xúm lại tìm cách cấp cứu, bây giờ dù thấy cũng đều sợ dính dáng đến mình, không dám tiếp cận, nên đứng nhìn ...rồi bỏ đi !(nếu nhanh trí thì gọi xe cấp cứu chứ không dại gì nhúng tay vào… sợ bị vạ lây!)

b. Xã hội nhiễu nhương

Hiện nay các yếu tố tốt đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam đang bị chết “ dần mòn “ vì lối sống thực dụng. Cho nên khi sống trong một xã hội nhiễu nhương, luật pháp không nghiêm minh, thì con người không dám tin vào nhau. Con người sống bất an và tìm mọi cách bảo vệ bản thân. Bởi vì sống chung với nhau, mà ai cũng cảm thấy bị dòm ngó, dò xét, nghi ngờ…; cho nên ở nơi bản thân hình thành một thứ phản ứng mạnh mẽ gọi là bản lĩnh đối phó. Đỉnh cao của bản lĩnh đối phó của một người sống trong xã hội nhiễu nhương, đều tỏ lộ thái độ mánh khóe, chớp cơ hội, bon chen, đủ can đảm để khinh thường, xem nhẹ mọi lẽ phải luân thường đạo lý, thậm chí chà đạp nhân phẩm người khác để dành lấy sự sống, cái lợi cho bản thân.

c. Xã hội nhiễm độc

Khi một xã hội bị đảo lộn các bậc thang giá trị trong cuộc sống, khi một xã hội mà mọi tôn ti trật tự bị khinh thường, thì khuynh hướng ích kỷ nơi con người bắt đầu lộ diện . Dần dần dẫn tới thái độ sống khép kín, lập dị....luôn tìm cách đối phó trong mọi hoàn cảnh hoặc vào một thời điểm nào đó. Con người sống với nhau mà không còn tình người nữa! Ngay chủ nghĩa vô thần đã đưa ra nguyên tắc: bạn ra bạn, thù ra thù! Họ giáo dục tuyên truyền cho con người (đặc biệt nơi giới trẻ) trong bầu khí chính trị hoá toàn bộ cuộc sống. Họ nhồi nắn, tiêm nhiễm tâm trí, lòng dạ con người phải có nhóm “máu lạnh”; nghĩa là tư tưởng trả thù, bạo lực luôn đề cao “mắt đền mắt, răng đền răng” và từ đó sự vô cảm đương nhiên được tỏ lộ.

3. Phương thế chữa bệnh vô cảm

Trong thực tế, hơn ai hết mỗi người đều tìm lại ý nghĩa của Đức Ái Kitô giáo và Lời Chúa là nền tảng cuộc sống . Trong bối cảnh xã hội hiện tại, dù sống trong ơn gọi nào chúng ta cũng cần giúp nhau cảm nếm được hương vị ngọt ngào của Tình Yêu Thiên Chúa- Tình Yêu của lòng thương xót và thứ tha. Cùng nhau thiết lập mối tương quan cụ thể với chiều kích ngang dọc giữa mình với Thiên Chúa và với anh chị em. Trong mọi tình huống của cuộc sống, chúng ta đừng bao giờ buông xuôi thất vọng, rồi cuộn tròn trong cái “vỏ ốc”lập dị, khép kín, độc đoán....

Cho nên sống đồng cảm là phương thế dễ dàng thi hành nhất , vì chúng ta không phải là bọn trẻ ngoài chợ, mà là tu sĩ, linh mục, giáo dân....! Ai sống đời dâng hiến thì cầu nguyện vẫn là phương thế tuyệt hảo nhất . Tuy nhiên trong thực tế đời tu, các linh mục, tu sĩ vẫn gặp khó khăn khi nhận ra là đã và đang đồng lòng, đồng hướng trong ơn gọi suốt bao nhiêu năm rồi, thế mà nhiều lúc vẫn không hiểu, thông cảm với anh chị em? Mỗi ngày họ vẫn đồng tâm hiệp ý trong công việc, trong các giờ kinh phụng vụ; trong thánh lễ họ vẫn đồng bàn với nhau trong bàn tiệc Mình Máu Thánh và kể cả dưới nhà cơm nữa, thế mà... nhiều khi họ không nhìn nhau!

Cần chân nhận nhân vô thập toàn ! Bởi vậy, ai sống ơn gọi gia đình thì phức tạp nhiêu khê hơn, bởi trong tương quan vợ chồng, con cái, xóm giềng, bạn bè...; cần có sự quan tâm chia sẻ đúng mức.

Cho nên, dễ thất bại buồn chán nếu chúng ta không tập sống kiên nhẫn , chấp nhận “cái khác” của người bên cạnh.; nhất là sống quảng đại, luôn nhìn ra cái đẹp cái tốt nơi tha nhân, để luôn hòa đồng, chia sẻ với mọi người trong cuộc sống.

* Sống đồng cảm là phương thế mang tính nhân văn, là nghệ thuật sống hoàn hảo và dễ thực hiện nhất ! Vì thế chúng ta:

* Hãy nhìn lại bản thân mình! Ý nghĩa đời tôi đang đi về đâu? Tôi có trở thành gánh nặng cho cộng đoàn, cho xã hội, cho giáo xứ và gia đình tôi không?

* Hãy lắng nghe! lắng nghe tiếng Chúa. Giáo dân và cha xứ lắng nhe nhau. Vợ chồng, con cái lắng nghe nhau; đi tu thì lắng nghe bề trên, anh chị em đồng tu! Dù ở vị trí, vai trò nào trong cuộc sống, mỗi người phải có khả năng lắng nghe và phân biệt đâu là tiếng Chúa, đâu là tiếng của chính mình.

* Hãy cẩn thận kẻo mâu thuẫn với bản thân, vì nhiều khi chúng ta hiểu, đồng cảm với người khác, nhưng chúng ta chẳng hiểu ngôn ngữ của họ. Thực tế thường xảy ra tình trạng: tôi không thích đối thoại, lắng nghe với những ai tôi không ưa ! Hoặc tôi không thích nên tôi không muốn gặp gỡ, chia sẻ... Cho nên đồng cảm luôn đi đôi với Đối Thoại-Lắng nghe nhau trong Tình yêu thương-Hiệp nhất-xây dựng.

* Hãy cho nhau sự động viên! Vì động viên là viên thuốc đốt nóng tình mến hữu hiệu nhất giúp ta xích lại gần nhau và hiểu nhau hơn. Ngay cả một lời chào hỏi, một ánh mắt thân thiện, một cái bắt tay thân thiết cũng biểu lộ sự chân thành của tình bác ái để nâng đỡ nhau trong cuộc sống.

++ Kết thúc bài viết này, xin chia sẻ với bạn đọc câu chuyện xảy ra tại thủ đô Ottawa (Canada) với tựa đề “HƠI ẤM TÌNH NGƯỜI “: trong kỳ nghỉ hè có một nhóm du khách đi trượt tuyết, chẳng may bị gặp cơn bão tuyết làm cho họ mất phương hướng, mất liên lạc với nhau. Sau 3 ngày chới với trong bão tuyết, có 3 người gặp được nhau và trong nhóm có một người kiệt sức và sau đó đã chết . Một trong nhóm 3 người đó đã âm thầm trốn đi trước vì sợ liên lụy đến người xấu số kia. Người còn lại sau khi bình tâm suy nghĩ đã vác người bạn đã chết trên vai mình đi về một ngôi làng gần đó. Bão tuyết cũng tan và người ta thấy xác người đi trước một mình đã chết cóng vì lạnh. Người vác xác bạn mình cũng lê lết đến ngôi làng đó và được cứu sống vì anh ta cho rằng: tôi còn sống là nhờ người bạn tôi ( dù đã chết) truyền hơi ấm cho tôi! Hơi ấm tình người! Thật cao quý biết bao!

Mến chào các bạn trong Chúa! Mến chúc các bạn hưởng mùa Xuân mới trong Ân Sủng và Bình An của Đức Giêsu Kytô! Chúa chúng ta. Amen!

Đan viện Phước Vĩnh 14/ 01/2021

Đan sĩ Linh mục PHAN SA

Tác giả bài viết: Đan sĩ Linh mục Phanxico Salesio Trần Huy Huề

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây