Giáo Xứ Châu Sơn

https://giaoxuchauson.com


BÀI CHIA SẺ & HÌNH ẢNH BUỔI TĨNH TÂM ĐOÀN TRÁNG NIÊN

Chủ đề: Những khó khăn của các bậc cha mẹ trong việc giáo dục con cái.
Giáo dục con cái.
h4


Vào lúc 8h00 thứ tư ngày 14.11.2018, đông đảo quý anh Tráng niên quy tụ về ngôi Thánh đường Giáo xứ Châu Sơn tham dự buổi Tĩnh tâm nhằm chuẩn bị tâm hồn mừng Đại lễ Chúa Kitô Vua Vũ trụ Bổn mạng Đoàn Tráng niên.
 

h9


Quý Cha Quản xứ và quý anh Tráng niên hân hoan chào đón Cha Giảng phòng Giuse Nguyễn Quang Diệu, là Cha giáo đào tạo Chủng sinh Giáo phận Banmêthuột.
Với đề tài: Những khó khăn của các bậc cha mẹ trong việc giáo dục con cái.
Huấn từ của Cha Chánh xứ Gioan: mặc dù trong thời gian bận rộn công việc thu hoạch cà phê, chúng ta cũng hy sinh đến đây với Chúa, với nhau để nói lên sự nhiệt tình và quan tâm đến nhau.

h1


SAU ĐÂY TOÀN VĂN BÀI CHIA SẺ CỦA CHA GIUSE NGUYỄN QUANG DIỆU
 

h7


Kính thưa quý ông quý anh, “Hạnh phúc của cha mẹ là được thấy con cái nên người. Ngược lại, nếu con cái hư hỏng sẽ là một nỗi đắng cay phiền muộn. Kết quả đáng mừng hay đáng tủi ấy tuỳ vào sự bận tâm giáo dục của cha mẹ ngay từ đầu.”
Quả thực, cho dù gia đình có đầy đủ của cải vật chất, nhưng nếu con cái vướng vào những tệ nạn xã hội, vì chuyện này chuyện kia, thì cha mẹ làm sao có thể an tâm được.
Chính vì thế cha mẹ không chỉ quan tâm con cái lúc chúng còn nhỏ nhưng cả lúc trưởng thành cha mẹ vẫn luôn dõi theo con cái mình ước mong chúng được hạnh phúc trong cuộc sống.
Tuy nhiên sự quan tâm và ước mong tốt lành của cha mẹ phải được cụ thể hóa một cách đúng đắn trong việc giáo dục con cái. Đây là một quyền lợi và là một bổn phận mà Thiên Chúa đã trao phó cho các bậc cha mẹ. Nói như thế để chúng ta biết được rằng giáo dục con cái là việc chúng ta phải làm chứ không phải muốn thì làm không muốn thì thôi.
Chúng ta phải dạy con cái điều gì?
“Mục tiêu của của việc giáo dục Kitô giáo là giúp con cái trở thành người và trở thành người con Thiên Chúa. Khuôn mẫu của con người hoàn hảo đó là Chúa Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa đã hạ sinh làm người để nên mẫu mực cho chúng ta noi theo[3].
Trong việc giáo dục con cái, phải để ý đến mặt nhân bản cũng như mặt đức tin.”
Mặt nhân bản liên quan đến nhiều thứ như: đức dục, trí dục và thể dục. Một cách cụ thể nó liên quan đến việc dạy cho con biết loại bỏ đi những điều xấu xa và phát huy những đức tính tốt nhất là 4 nhân đức nền tảng: “khôn ngoan, công bằng, tiết độ và dũng cảm”; trau dồi về học vấn, định hướng nghề nghiệp, Sống tự lập, rèn luyện thân thể…
Tuy nhiên một điều khó khăn đó là các bậc cha mẹ thường chỉ chú ý được một hai khía cạnh mà thôi, mà quên đi hoặc không để ý đến những khía cạnh khác.
Ví dụ như cha mẹ chỉ quan tâm đến việc học hành của con cái bởi vì lầm tưởng rằng tương lai của nó chỉ phụ thuộc vào việc học hành mà Không liên quan đến những thứ khác. Và chính vì thế ngay từ nhỏ nhiều cha mẹ chỉ lo đầu tư nhiều công lao sức lực tiền của vào việc học hành mà thôi. Điều này đúng nếu bố mẹ không quên đầu tư cho những mặt quan trọng khác như đời sống đạo đức, việc tự lập, đời sống đức tin... giúp cho con được phát triển một cách đầy đủ con người của mình.
Những ngày đầu tiên khi đi học về, bố mẹ thường quan tâm hỏi con: “Hôm nay con được mấy điểm? Điểm con có cao nhất lớp không con? Tại sao con không hơn bạn A, B, C đó?” Lẽ ra phải hỏi những câu hỏi như là hôm nay con có ngoan không? Con có giúp đỡ bạn bè không? Con có chăm chỉ học không?
Nhiều khi vô tình chúng ta lại dạy cho con cái của mình chỉ biết quan tâm đến điểm số, thành tích mà lại không dạy cho con cái biết những học làm người qua việc giúp đỡ người khác, biết sống thật thà, trung thực, chăm chỉ, can đảm yêu thương.
Rõ ràng cha mẹ ai cũng muốn con cái của mình sống thật thà trung thực, thế nhưng khi trải qua những kỳ thi quan trọng thì nhiều cha mẹ đã đem tài liệu cho con, chạy chọt đút lót tìm mọi cách để con có thể đậu được kì thi đó như thế không đậu được kỳ thi đó thì không còn gì trong đời nữa. Như thế là chúng ta đang làm hại con cái của mình.
Phải thú nhận rằng một trong những khó khăn mà cha mẹ gặp phải khi dạy con cái đó là cha mẹ đang chịu ảnh hưởng bởi cái nhìn thực dụng thế tục trong thế giới hôm nay. Người ta quan niệm rằng sự giàu có của cải vật chất sẽ đem lại thành công đem lại hạnh phúc cho con người. Chính vì thế, cha mẹ tìm cách làm sao để cho con sau này kiếm được nhiều tiền nhất thì kể như là cha mẹ thành công.
Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh ngược lại, cho dù con cái có giàu có như thế nào nhưng sống không có hiếu, không có tình người, không bác ái yêu thương, không biết giúp đỡ người khác, thì cuộc đời người đó vẫn sống trong bế tắc ngay trong cuộc đời này. Tiền của, danh tiếng lúc bây giờ chẳng có ý nghĩa gì cả.
Chúng ta đã nghe đến nhiều tỷ phú, minh tinh màn bạc giàu sang nổi tiếng đã kết liễu cuộc đời của mình trong cô đơn bi thảm. Điều đó chứng tỏ rằng không phải hễ giàu sang nổi tiếng là người ta sẽ được hạnh phúc.
Chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng nên không phải là để tìm kiếm của cải vật chất, danh tiếng, thú vui ở trên cuộc đời này, nhưng là để chuẩn bị cho sự sống hạnh phúc vĩnh cửu mai sau trên thiên quốc qua việc tôn thờ Thiên Chúa, sống cuộc đời làm người của mình cho nên theo thánh ý của Ngài.
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta chỉ quan tâm đến sự sống đời sau mà không quan tâm đến thực tế của cuộc đời này. Thực ra, khi chúng ta giáo dục con cái theo nền giáo dục Kitô giáo, thì chúng ta đang dạy con cái mình một cách thực tế đúng đắn nhất ở trong cuộc đời này. Vì chính Thiên Chúa đã trao ban thế giới này cho con người và mời gọi con người phải biết sinh lời, biết quản lý thật tốt nếu không con người sẽ phải trả lẽ trước Tòa Chúa.
Chúng ta biết Thiên Chúa tạo dựng nên con người và ban cho họ có phẩm giá, có tự do cần phải được tôn trọng. Thiên Chúa ban cho mỗi con người có tính tình, khả năng khác nhau, mời gọi họ biết cộng tác với nhau, biết nhận ra điểm yếu điểm mạnh của mỗi người để bổ khuyết cho nhau, và cùng nhau sống bác ái yêu thương xây dựng thế giới mỗi ngày một tốt đẹp hơn, và qua đó mỗi người tùy theo mỗi khả năng Thiên Chúa trao ban cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài.
Chính vì thế khi dạy dỗ con cái, chúng ta không áp đặt lên những đứa con của mình những chương trình riêng của mình, nhưng là hướng dẫn con cái thi hành thánh ý của Thiên Chúa. Bởi vì chúng ta tin chắc rằng làm theo Thánh Ý của Thiên Chúa là điều tốt nhất cho chúng ta và con cái của chúng ta.
Con được biết có những bậc cha mẹ với ý định tốt lành của mình ép buộc con cái phải học những ngành mà con không có khả năng để hoàn thành. Vì thấy con của người ta làm bác sĩ, thì mình cho rằng con của mình cũng phải làm bác sĩ, mà không những bác sĩ bình thường mà phải là một bác sĩ nổi tiếng hơn tài giỏi hơn. Trong khi đó chúng ta không quan tâm đến khả năng, đến điều kiện hoàn cảnh của người con của mình, và vô tình chúng ta tạo một gánh nặng cho con.
Là những người có đức tin vào Thiên Chúa toàn năng yêu thương, chúng ta phải tự nhắc nhủ mình rằng hướng dẫn giúp đỡ con cái mình theo Thánh Ý của Thiên Chúa là chúng ta đang dẫn con cái mình vào cõi sống cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Và như thế, trong việc hướng dẫn dạy dỗ con cái, chúng ta cần phải chú ý đến việc tôn trọng phẩm giá của chúng, phải hướng dẫn chúng trong sự thật, giúp chúng đón nhận sự thật. Đây là một trong những điều quan trọng nhất trong việc giáo dục con cái.
Không biết các ông các anh đã bao giờ chứng kiến cảnh này chưa?
Một bà mẹ dẫn con nhỏ khoảng 2 hay 3 tuổi ra sân chơi. Và đang lúc đứa trẻ đang đi thì té ngã xuống vì bị vấp phải một hòn đá. Chúng ta có biết người mẹ xử lý như thế nào không? Người mẹ chạy lại đỡ con đứng dậy, và để dỗ dành con, người mẹ đánh vào hòn đá và nói rằng tại mày mà con vấp ngã. Một cách vô tình chúng ta đã gieo vào trong tâm trí của đứa bé việc không chấp nhận sự thật, không chấp nhận chính mình, không biết nhận lỗi. Rõ ràng là con của mình không để ý cho nên bị vấp ngã, thế mà lại đổ tội cho hòn đá vô tri vô giác.
Rồi lớn hơn một chút, khi đi học, và bắt đầu tiếp xúc với những người xung quanh, nếu có va chạm xích mích xảy ra, nếu cha mẹ chưa tìm hiểu vấn đề bạn lại tìm mọi cách để bênh vực cho con của mình bằng mọi giá ngay cả khi con mình là người có lỗi, thì khác gì chúng ta đang dạy cho con cái tự lừa dối chính mình. Đáng lẽ thay vì làm như vậy, bậc cha mẹ phải khuyên răn con cái, giúp chúng biết làm hòa, biết xin lỗi khi có lỗi, Biết tha thứ khi người ta xúc phạm đến mình, thì con cái chúng ta đã hưởng lợi biết bao nhiêu trong việc hình thành nhân cách con người của mình.
Con đã được chứng kiến một người mẹ ở nước ngoài dẫn đứa con nhỏ đang đi dạo trong công viên, và đứa bé cũng vấp ngã như vậy. Con để ý thấy rằng người mẹ chẳng làm gì ngoài trừ khuyên đứa con đứng dậy, và nhắn nhủ thêm rằng: Lần sau nhớ cẩn thận nhé con.
Chúng ta thấy 2 cách thức giáo dục khác nhau. Qua đây con mới hiểu được tại sao nhiều trẻ con người Tây trưởng thành sớm và tự lập trong cuộc sống tốt hơn trẻ con Việt Nam.
Việc chúng ta tương tác, tiếp xúc, trò chuyện với con cái cũng là một phần rất quan trọng trong việc huấn luyện dạy dỗ con mình. Con cái dù còn nhỏ hay đã lớn rồi luôn có nhu cầu cần được tôn trọng. Nhiều khi chúng ta lầm tưởng rằng nó là con của mình cho nên mình nói gì làm gì áp đặt gì lên nó cũng được. Thưa điều đó không đúng. Nó sẽ để lại những hậu quả cho con cái của mình.
Có những bậc cha mẹ quá nghiêm khắc theo kiểu là luôn luôn làm cho con cái của mình phải sợ hãi: quát mắng, đánh đập, hù dọa… làm cho con cái luôn có cảm giác run sợ nhưng không nể phục. Và đến khi lớn lên, các em hoặc sẽ nổi loạn, hoặc sẽ co mình lại, sợ hãi thiếu tự tin, và như thế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của của các em sau này.
Tuy nhiên cũng có những bậc cha mẹ làm ngược lại đó là quá nuông chiều, dễ dãi quá mức với con cái, không chỉ dẫn cho con cái biết trên biết dưới, biết giới hạn của mình. Điều đó cũng sẽ làm cho con cái đi vào con đường lầm lạc trong tương lai.
Nói chung, cha mẹ cần phải xem người con của mình là một con người có nhân vị cần được tôn trọng, và chính vì thế cha mẹ phải biết quan tâm nói chuyện với con cái, tìm hiểu con cái và hướng dẫn sửa dạy một cách kiên nhẫn. Phải Khen thưởng con cái khi còn là một điều gì đó đúng đắn, và cần phải nghiêm túc với con khi con làm điều gì đó không đúng.
Chúng ta phải đủ kiên nhẫn để ý đồng hành với con nói chuyện với con như là một người bạn; nghĩa là phải phân tích cho con; phải hướng dẫn và khơi gợi cho con biết đặt câu hỏi. Chúng ta không thể luôn luôn bắt con cái phải giữ im lặng và thi hành những gì chúng ta ra lệnh.
Nhiều khi chúng ta quá nóng nhất là người cha cũng sẽ làm hư chuyện trong việc dạy dỗ con cái.
Có lẽ một trong những điều khó khăn nhất khi dạy con cái đó là chúng ta cần phải kiên nhẫn từng bước. Nhiều khi chúng ta quá nóng vội: Ví dụ như hướng dẫn một hai lần không được thì chúng ta đã từ bỏ, đã phớt lờ. Trong việc này chúng ta cần phải lấy kinh nghiệm của chính mình để áp dụng trong việc giúp đỡ con cái. Ai trong chúng ta cũng cần phải có một quá trình để rồi mới có thể thay đổi được; vậy thì con cái của chúng ta cũng cần một giai đoạn như vậy để có thể biến đổi.
Có những điều phải trải qua thời gian chúng ta mới có thể phát hiện ra, có những vấn đề của con cái lúc đầu chúng ta tưởng như vậy nhưng khi tìm hiểu thì chúng ta lại thấy thực tế hoàn toàn khác.
Nói như thế để chúng ta biết rằng nuôi dạy con cái cũng cần phải có một sự đầu tư thỏa đáng về thời gian và công sức. Nếu mình không đầu tư, thì mình không có quyền mong có được sự thành công ở nơi con cái của mình.
Con được biết một trường hợp, có một anh kia có một đứa con trai thích học đàn. Và vì thế anh không những tìm một thầy dạy đàn thật tốt, nhưng hàng ngày mỗi lần con đi học anh đều chở con đến để học đàn, và anh ngồi đó chờ cho đến lúc con học xong anh mới chở con về. Và anh ta cứ làm như thế khi con đi học đàn.
Nếu chúng ta muốn con cái của mình sau này biết lễ phép hiếu thảo, biết trung thực, biết tránh xa những đam mê xấu xa, thì ngay bây giờ các bậc cha mẹ cần phải dành thời gian không những hướng dẫn con của mình từng li từng tí, nhưng cần phải đồng hành với con để từng bước giúp con có được các nhân đức trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta thấy đây cũng là một khó khăn rất lớn cho các bậc phụ huynh hiện nay. Bởi vì nhiều khi chúng ta phải đi làm, phải theo công việc riêng của mình, về nhà đã quá mệt mỏi chỉ muốn nghỉ ngơi một chút, chẳng còn thời gian đâu để lo cho con cái.
Tuy nhiên còn thiết nghĩ rằng nếu quý ông quý anh nhận ra được rằng con cái của mình là một trong những tài sản quý giá nhất mà Thiên Chúa trao ban cho, thì quý ông quý anh sẽ biết phối hợp với người vợ của mình để cố gắng sắp xếp thời gian dạy dỗ cho con cái.
+ Đó là Một vài điểm xét về mặt tự nhiên của con người trong việc giáo dục con cái, thế nhưng việc giúp cho con cái của mình sống làm người một cách đúng nghĩa, không đơn giản là những nỗ lực của con người của các bậc cha mẹ, nhưng đó chính là công trình của Thiên Chúa.
Không có ơn Chúa giúp, chúng ta sẽ chẳng làm được gì.
Chính vì thế, chúng ta không những phải cầu nguyện cho con cái của mình hàng ngày trong cuộc sống, nhưng còn phải giúp con cái mình bước vào trong một mối thân tình với Thiên Chúa. Chúng ta tin và chúng ta đã cảm nghiệm được rằng những con người thực sự yêu mến Chúa, những con người sống theo Lời Chúa dạy thì chắc chắn đó là những con người tốt.
Và làm sao có thể giúp con cái của mình sống đức tin tốt, hay nói cách khác là gặp gỡ được Chúa, nếu trước tiên chúng ta những bậc cha mẹ không sống gần Chúa.
Từ đó một vấn đề khác rất quan trọng nảy sinh khi giáo dục con cái mà các bậc cha mẹ luôn Nhận ra nó là một thách đố lớn đó là vấn đề nêu gương sáng cho con trong các lĩnh vực nhất là trong lĩnh vực đức tin.
Thánh Giáo hoàng Phaolô Đệ Lục có một câu nói thời danh như thế này: “Con người thời nay thích lắng nghe các nhân chứng hơn là thầy dạy. Và nếu người ta có lắng nghe thầy dạy thì cũng bởi vì thầy dạy đó là những chứng nhân.”
Ví dụ như muốn dạy con về sự khiêm tốn, biết nhận ra lỗi lầm của mình để khắc phục sửa chữa, thì bố mẹ cũng phải biết nói lời xin lỗi với con cái của mình khi mình lỡ làm sai một điều gì đó. Điều đó sẽ có tác dụng hơn chúng ta nói gặp trăm lần về sự khiêm tốn cho con cái của mình.
Nếu chúng ta muốn dạy về sự Thảo Hiếu cho con cái của mình, thì bạn thân của mình cũng phản đối xử thảo hiếu với ông bà cha mẹ của chúng ta.
Sóng trước vỗ đâu sóng sau vỗ đó. Câu chuyện về cái chén gỗ.
Nếu chúng ta muốn con cái siêng năng tham dự thánh lễ, thì bản thân bố mẹ cũng phải làm gương trước cho chúng.
Con có biết trường hợp của một bà mẹ hồi con đang làm Cha phó của một xứ. Bà có một người con dâu mời trở lại đạo. Một hôm bà dẫn con dâu của bà đến giáo xứ gặp con để xin Lễ. Ngồi nói chuyện một chút, bà giới thiệu người con dâu của bà, và bà nói với con rằng: “Cha biết tại SAO con dẫn con dâu đi xin Lễ không?” Ai trong chúng ta đoán được câu trả lời không? Câu trả lời của bà đó là: để sau này con mất, thì con dâu của con cũng biết đi xin Lễ cầu nguyện cho con. Thật là một con người khôn ngoan. Khôn ngoan ở đây không phải là làm sao để lại thật nhiều tiền của cho con, nhưng là biết dạy con của mình biết yêu mến Chúa, có một đời sống đạo đức, thánh thiện. Bởi vì đó là cách chắc chắn nhất để giúp gia đình con mình được bình an hạnh phúc sau này.
Có một điều quan trọng nữa đó là trong việc giáo dục con cái nhất là làm gương cho con thì cần có một sự phối hợp chặt chẽ giữa vợ và chồng. Cả hai vợ chồng cần phải quyết định dạy con như thế nào. Nếu vợ dạy một đường, chồng dạy một nẻo, thì con cái chẳng biết nghe ai.
Kính thưa quý ông quý anh, con xin được gửi đến quý ông quý anh một vài gợi ý như thế trong ngày tĩnh tâm chuẩn bị đến mừng bổn mạng Đoàn tráng niên. Nguyện xin Chúa Kitô Vua vũ trụ ban cho quý ông quý anh được sức khỏe, lòng nhiệt thành kiên nhẫn và sự khôn ngoan để giáo dục hướng dẫn con cái nên người theo thánh ý của Thiên Chúa đã mặc Khải cho chúng ta.
Lm Giuse Nguyễn Quang Diệu

 

h6
 
h5
 
h8
 
h2
 
h3
 
h10

Tác giả bài viết: Thanh Hải & Hình ảnh Quang Hưởng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây