Giáo Xứ Châu Sơn

https://giaoxuchauson.com


CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Cứ mỗi lần mùa phục sinh trở về, người tín hữu được mời gọi nhìn lại niềm tin của mình vào một Đức Giesu Kito, Đấng được gọi là Con Thiên Chúa, đã chịu chết và nay Ngài đang sống giữa các cộng đoàn, trong mỗi gia đình và mỗi con người
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 24, 13-35)

Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: "Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?" Một người tên là Clêophas trả lời: "Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay". Chúa hỏi: "Việc gì thế?" Các ông thưa: "Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp".

Bấy giờ Người bảo họ: "Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?" Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn". Người liền vào với các ông.

Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: "Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?" Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: "Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon". Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

 

Suy niệm

Cứ mỗi lần mùa phục sinh trở về, người tín hữu được mời gọi nhìn lại niềm tin của mình vào một Đức Giesu Kito, Đấng được gọi là Con Thiên Chúa, đã chịu chết và nay Ngài đang sống giữa các cộng đoàn, trong mỗi gia đình và mỗi con người, thế nhưng, sự hiện diện đó có đủ thuyết phục để mỗi người chân nhận Ngài đã sống lại để đưa con người đi vào sự sống của Thiên Chúa và hướng con người đến một tương lai tự do trong ánh sáng của Tin mừng phục sinh.

Trở lại với câu chuyện tác giả sách Tông Đồ Công Vụ kể, chúng ta thấy những con người chân lấm tay bùn ngày nào là các Tông Đồ, họ được Đức Giesu chọn và gọi, cho họ sống bên cạnh Ngài. Các ông đã chứng kiến cái chết của Thầy mình, rồi trong nỗi sợ hãi tột cùng, Thầy đã xuất hiện, ban bình an của Chúa Cha cho họ. Nhận được món quà từ Đức Giesu phục sinh, các Tông Đồ mạnh dạn, bước ra khỏi cánh cửa của sợ hãi, của nhát đảm, loan báo tin vui cho nhân loại. Thánh Phero đã cất tiếng với một niềm tin thật xác tín, với một con người thật mạnh mẽ, với một trái tim cảm thông và chia sẻ, thánh nhân lên tiếng: “Hỡi các người Do-thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi! Hỡi những người Israel, hãy nghe những lời này: Ðức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết”. từ một con người ban đầu với những định kiến về lề luật, với những quan niệm về người thầy của mình, nay thánh nhân đã thay đổi cách nhìn về cuộc đời, về những giá trị của con người, về sự hiện diện của Thầy mình qua mầu nhiệm phục sinh. Các Tông Đồ đã chấp nhận để cho Chúa Thánh Thần thay đổi con người, thay đổi ý thức hệ, thay đổi luôn cả hình ảnh của Thầy trong tâm trí, để rồi các ông ra đi, có sự hiện diện gần gũi của Thầy bên cạnh, có sự bình an của Chúa Cha trong tâm hồn, và có sự hướng dẫn của Thánh Thần, Đấng là Chân Lý và là Sự Sống.

Trên hành trình loan báo tin mừng phục sinh, các Tông Đồ, đặc biệt là thánh Phero, luôn nhắc nhở mỗi tín hữu Kito hãy ý thức về giá trị linh thánh của mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Giesu Kito, nhờ máu châu báu của Ngài, con người được cứu độ, được nhận vào gia đình của Thiên Chúa, do đó, mỗi người có trách nhiệm với ơn gọi đặc biệt đó của mình, đồng thời, giới thiệu cho tha nhân biết những giá trị của mầu nhiệm tình yêu đó, để họ được tham dự vào sự sống đời đời của Thiên Chúa. Thánh nhân đã khuyên nhủ các giáo đoàn ban đầu rằng: “Anh em biết rằng không phải bằng vàng bạc hay hư nát mà anh em đã được cứu chuộc khỏi nếp sống phù phiếm tổ truyền, nhưng bằng máu châu báu của Ðức Kitô, Con Chiên tinh tuyền, không tì ố. Người đã được tiền định trước khi tác thành vũ trụ và được tỏ bày trong thời sau hết vì anh em. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Ðấng làm cho Người sống lại từ cõi chết, và ban vinh quang cho Người để anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa”. Vì được cứu chuộc bằng máu châu báu của Đức Kito, nên mỗi người phải tái sinh cuộc đời của bản thân, phải đổi thay những định kiến, những suy nghĩ và những quan niệm sống không phù hợp với tinh thần của mầu nhiệm phục sinh nữa. Có cố gắng như thế, họ mới thực sự xứng đáng với ơn cứu chuộc mà Con Thiên Chúa đã dành cho con người.

Các bằng chứng về việc Chúa sống lại luôn là những điểm đến cho những người tin dựa vào để nói về biến cố đặc biệt đó, trong số các bằng chứng, câu chuyện hai môn đệ trên đường về quê Emmau được coi là một dấu ấn khá quan trọng. Những bước chân nặng nề với một khối suy nghĩ truyền thống, những quan niệm cổ hủ về một Thiên Chúa quyền năng, đầy vinh quang, chưa được thay đổi, do đó, khi nghe nói về việc Thầy mình đã phục sinh, các ông không chấp nhận, các bà nghe Ngài gọi tên mình, đã nhận ra Ngài, các môn đệ khác nhận ra ngôi mộ trống và các đồ tẩm liệm còn đó, đã chấp nhận sự thật đó dù có chút hoài nghi, các môn đệ họp nhau trong nhà khi các cửa đều đóng kín, nhưng Thầy đã xuất hiện, đã cho xem các lỗ đinh, xem cạnh sườn, họ đã tin dù ban đầu có chút nghi ngờ đó là ma, còn các môn đệ này, đã để sẵn trong đầu mình, trong suy nghĩ về hình ảnh một Thiên Chúa nơi Thầy mình, đầy quyền năng, đầy sức mạnh của trời cao, đã cho kẻ chết sống lại, đã làm phép lạ hoá bánh nhiều, đã cho người què đi được và đã dẹp yên cả sóng biển, vậy sao Thầy lại chấp nhận nằm lại trong nấm mồ lạnh, chấp nhận bị tiêu tan như bao người khác, suy nghĩ đó làm cho tâm trí các ông nặng trĩu: “Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: "Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?" Một người tên là Clêophas trả lời: "Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay". Chúa hỏi: "Việc gì thế?" Các ông thưa: "Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá”. Trước những chứng cứ như thế, hai ông chưa thể đón nhận nên từ bỏ cộng đoàn, từ bỏ anh em, trở về chốn cũ người xưa với những bước chân lê thê trong tâm trạng rối bời. Rối bời do chưa chấp nhận được sự thật, chưa chấp nhận được tin nóng vừa nhận được, để rồi hai ông mang trên mình nỗi buồn thất vọng vì Thầy đã chết, tất cả những kỳ vọng bấy lâu nay đã tan theo mây khói.

Sau khi trò chuyện với vị khách bộ hành, vị đó đã dùng chính Kinh Thánh, những gì hai ông đã biết, để giải thích về biến cố đang làm các ông sầu buồn. Nghe lời giải thích, hai ông dần bừng tỉnh, dần thấu hiểu nhưng chưa thực sự lột bỏ được những định kiến, mãi tới lúc được chứng kiến cử chỉ bẻ bánh của người bộ hành, hai ông bừng tỉnh thực sự, bởi hai ông nhận ra cử chỉ đó quá quen thuộc, và thấp thoáng đâu đó, bóng dáng của Thầy mình đã bẻ bánh, đã trao tận tay cho mỗi người đồ đệ. Trái tim họ thổn thức, tâm hồn họ rạo rực, tinh thần như được đổi thay, lập tức họ chỗi dậy trở lại với anh em đang động viên nhau trong hoàn cảnh hiện tại.

Cộng góp mọi biến cố, mọi sự kiện liên quan đến biến cố Thầy đã sống lại, chúng ta có thể thấy tâm trạng của các môn đệ, của những người theo Chúa, họ có nhiều ký ức về một người họ yêu quý nhất là Thầy Chí Thánh, họ nghe Ngài dạy dỗ, nghe Ngài loan báo về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh rồi, nhưng họ chưa thể thay đổi suy nghĩ, thay đổi nhận thức hiện tại, dù lời Kinh Thánh họ đã đọc đều hướng về đó nhưng họ cũng chưa thể chấp nhận sự thật. Khi ánh sáng phục sinh qua tác động của Chúa Thánh Thần, giúp họ đổi thay suy nghĩ, đổi thay ý thức hệ về tôn giáo, về Thiên Chúa, về những gì lời Kinh Thánh đã tiên báo, và bên cạnh là những ký ức, những kỷ niệm những cử chỉ thân quen, tất cả cộng góp lại giúp họ chấp nhận sự thật là Thầy mình, Đức Giesu Kito, đã sống lại và đang ở bên cạnh họ trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố cuộc đời. Hai ông từ làng Emmau sau khi được biến đổi, đã trở lại Gierusalem với những bước chân vui mừng, nhanh nhẹn và đầy sức sống, để báo tin cho anh em, và hôm nay, trước biến cố phục sinh của Đức Giesu Kito trong đại lễ chúng ta vừa cử hành, mỗi người có chấp nhận đổi thay cách suy nghĩ của mình về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới này không, có chấp nhận sự hiện diện của một Đức Giesu phục sinh trên mọi nẻo đường cuộc đời của mỗi người môn đệ của Ngài không ? để dùng chính cuộc đời của mình loan báo một tin mừng cứu độ, dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, cho nhân loại, tất cả tuỳ thuộc vào sự hoán đổi cuộc đời của mỗi người.

 

Lạy Chúa Giesu phục sinh, Ngài đã sống lại, đồng hành với các môn đệ trên mọi nẻo đường, Ngài đã mở đôi mắt, mở tâm hồn, mở trí khôn cho họ hiểu về biến cố phục sinh đó dưới ánh sáng của tin mừng, xin Ngài cũng mở đôi mắt chúng con, mở trái tim, mở tâm trí chúng con, để tất cả nhận ra khuôn mặt của Ngài trong thế giới, giữa cuộc đời. Chúa đã giúp họ nhận ra Chúa qua những dấu chỉ gần gũi, thân quen như là bẻ bánh, là gọi tên, là dấu đinh, là cạnh sườn, xin cho mỗi người nhận ra Chúa phục sinh qua những dấu chỉ thời đại, những dấu chỉ của tin mừng dọi chiếu, những dấu chỉ của cuộc đời, để chúng con tuyên xưng và loan báo tin mừng đó cho thế giới. Amen.

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây