Giáo Xứ Châu Sơn

https://giaoxuchauson.com


CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

Hình ảnh cây nho luôn đem đến cho những cành nho sức sống mãnh liệt cùng với những chùm trái chín mọng, là một tương quan rất chặt chẽ nhưng khắng khít trong mọi khía cạnh. Đức Giesu đã ví mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người như mối liên hệ giữa cành nho và cây nho
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 15, 1-8)

 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

"Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy".

 

Suy niệm

Mầu nhiệm phục sinh của Đức Giesu Kito đã làm thay đổi nhận thức về con người trong thế giới, thay đổi hình ảnh về Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại, thay đổi niềm tin của bản thân trong hiện tại cũng như trong hành trình đức tin. Hình ảnh cây nho luôn đem đến cho những cành nho sức sống mãnh liệt cùng với những chùm trái chín mọng, là một tương quan rất chặt chẽ nhưng khắng khít trong mọi khía cạnh. Đức Giesu đã ví mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người như mối liên hệ giữa cành nho và cây nho. Đây là một mối liên hệ sinh tử, một mối tương quang sự sống. Chúa nhật thứ 5 mùa phục sinh mời gọi người tín hữu Kito, trở lại với niềm tin của mình sau khi chứng kiến mầu nhiệm phục sinh của Thầy Chí Thánh, mỗi người gắn bó với Chúa phục sinh như thế nào trong hành trình đức tin của mỗi người.

 

Bài đọc 1 được trích từ sách Tông Đồ Công Vụ, một  tác phẩm của Chúa Thánh Thần. tác giả kể lại câu chuyện trở lại của thánh Phaolo, vị tông đồ của dân ngoại, tên gọi do Chúa phục sinh đặt cho ngài. Cuộc trở lại của thánh nhân không phải là cuộc trở lại về luân lý, về nhân cách, bởi thánh nhân là một thành viên của biệt phái, một nhóm người sống rất nhiệm nhặt với lề luật của tiền nhân. Thánh nhân cũng không trở lại theo nghĩa của một người tội lỗi trở về nhưng trở về với tâm tình của một người can đảm thay đổi suy nghĩ và hình ảnh Thiên Chúa trong cuộc đời của mình: “Trong những ngày ấy, khi tới Giêrusalem, Saolô tìm cách tiếp xúc với các môn đệ; nhưng mọi người đều sợ ngài, không tin rằng ngài đã trở thành môn đệ. Barnaba dẫn ngài đến gặp các Tông đồ, và ngài thuật lại cho các ông biết trên đường ngài đã thấy Chúa thế nào, đã được Chúa phán dạy, và tại Ðamas ngài dạn dĩ xưng danh Ðức Giêsu thế nào. Và từ đó, ngài ra vào Giêrusalem với các ông, và dạn dĩ xưng danh Chúa. Ngài cũng giảng dạy cho dân ngoại, và tranh luận với những người Hy-lạp, nên họ tìm cách giết ngài”. Thay đổi nhận thức và tâm tình tôn giáo của bản thân không phải là một câu chuyện bình thường, nhưng là một sự cố gắng ngay từ bên trong và từng ngày sống của chính mình.

 

Bước sang bài đọc 2, lời bộc bạch của thánh Gioan Tông đồ khi nói về tình yêu, đưa mỗi người đi vào bên trong giá trị của tình yêu. Tình yêu đích thực phải là tình yêu đến từ những cái biết của nhau, đến từ sự cảm thông, đồng điệu và thấu hiểu lẫn nhau. Yêu mến Thiên Chúa chỉ dừng lại nơi đầu môi chót lưỡi thì đó đâu phải là một tình yêu đích thực, nhưng nếu đến từ sự khiêm tốn của đức tin, đến từ nỗi thấu hiểu và đồng điệu với Ngài, đó là một sự hiện diện cảm thông, đồng hành và hy sinh: “Các con thân mến, chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và chân thật. Do đó, chúng ta biết mình thuộc về sự thật, và sẽ được vững lòng trước mặt Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có khiển trách chúng ta, thì Thiên Chúa còn lớn hơn lòng chúng ta và Người thông biết mọi sự”. Một tình yêu đích thực là đi vào trong chiều sâu tâm hồn của người mình yêu. Tình yêu vợ chồng đã phản ánh điều đó khi người chồng biết và hiểu người bạn của mình trong từng nhịp sống, từng thói quen và cả những tật xấu, ngược lại, người vợ biết người chồng mình là biết được sự sống và những trăn trở trong từng ngày sống với trọng trách trên vai. Một tình yêu đích thực, một tương quan sự sống, một tương quan sinh tử được diễn tả trọn vẹn nhất nơi tình yêu vợ chồng, và đó cũng là hình ảnh của tình yêu và mối liên hệ cây và cành trong câu chuyện của bài tin mừng.

 

Hình ảnh cây nho và cành nho được Đức Giesu dùng diễn tả mối liên hệ giữa Ngài, Con Thiên Chúa làm người, với con người nhân loại, quả là một mối liên hệ vượt lên trên tất cả. Không chỉ là mối liên hệ cây – cành, hay là mối liên hệ trong cùng một tên gọi, nhưng đó là mối liên hệ sự sống. Nhựa sống sẽ được thông truyền từ cây sang cành và ngược lại, cành sẽ làm cho sức sống của cây phong phú hơn bằng những trái thơm, quả ngọt: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn”. Mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa bấy lâu nay có thể chỉ dừng lại nơi những mệnh đề, những giới luật, những bài giáo huấn, và tất cả như là công thức đức tin, nếu tin là như thế thì chắc chắn chưa đủ để đức tin lớn lên và sinh nhiều bông hạt, mối liên hệ đó phải đi xa hơn, tiến sâu hơn vào bên trong của thân cây và cành, đó là mối liên hệ sự sống, mối liên hệ sinh tử. Nếu cành lìa cây, sự sống sẽ bị cắt đứt, cành sẽ chết, nếu cây không có cành, làm sao có nhiều quả ngọt, trái thơm: “Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy”.

 

Biết bao lần trong hành trình đức tin, chúng ta nghĩ rằng, tôi tuân giữ những lề luật của Thiên Chúa, của Giáo hội, tôi thực thi những giáo huấn của Đức Giesu là đủ để được sống trong Ngài và với Ngài, nhưng thực tế, tất cả chỉ dừng lại nơi hình thức bên ngoài. Đức Giesu đã dùng hình ảnh cây nho để nói về Ngài và cành nho là hình ảnh của con người. Mối tương quan Thiên Chúa – con người là mối tương quan đem đến sự sống cho nhau, mối tương quan đó không thể thiếu một trong hai, và đó thực sự là mối tương quan sinh tử. chính mối tương quan đó, đòi hỏi người tín hữu Kito phải gắn bó với một vị Thiên Chúa làm người là Đức Giesu, chấp nhận cho Ngài đi vào cuộc đời tôi, đến nỗi có thể nói như thánh Tông đồ dân ngoại: tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kito sống trong tôi. Trong mối tương quan này, sự hòa quyện và đồng điệu của sự sống như là hoa quả tình yêu tất yếu sẽ đến.

 

Hành trình đức tin của người tín hữu gắn bó với mỗi ơn gọi Thiên Chúa trao cho mỗi người. Trong bước đường ơn gọi, niềm tin của người tín hữu cần được làm mới mỗi ngày và được đơm bông kết trái. Để cho niềm tin đó lớn lên và xác tín hơn, người tín hữu cần tìm đến với Đức Giesu, nguồn gốc sự sống, làm quen với Ngài, để học với Ngài, để được ở lại với Ngài và để biết Ngài đang muốn tôi thực hiện điều gì vào giờ phút đó trong ơn gọi của mình. Và khi mối liên hệ này đủ lớn và đủ chín muồi, cuộc sống của người tín hữu không dừng lại nơi sự đơn điệu của con người, nhưng đó là một cuộc sống song hành giữa con người với Con Thiên Chúa làm người. Và cũng từ đây, mỗi người cần phải minh định rõ hơn Thiên Chúa lúc này đang hiện diện ở đâu, nơi người bạn đời của tôi có Ngài không ? nơi thành viên cộng đoàn huynh đệ tôi đang sống, có Ngài không ? trong cộng đoàn xứ đạo, có Ngài hiện diện không ? xác định rõ như thế, giúp người tín hữu sống với Thiên Chúa cách sâu đậm hơn, đồng thời cố gắng sống ơn gọi của mình ngày một vẹn toàn hơn như lòng Chúa ước mong.

 

Lạy Chúa Giesu, Chúa là cây nho, đem lại sự sống cho con người khi con người là cành tháp nhập vào cây, xin cho chúng con luôn cố gắng sống mối liên hệ sự sống này, để từng lời nói, việc làm và cả cuộc đời con họa lại cuộc đời của Con Thiên Chúa làm người. Chúa là cây nho đem nhựa sống tới cho cành, để mỗi cành sinh nhiều trái ngọt, xin cho chúng con cố gắng mở rộng tâm hồn, để nhựa sống của Thiên Chúa đong đầy và sinh hoa kết trái. Trái ngọt của niềm tin và tình yêu sẽ dồi dào khi chúng con cộng góp sự cố gắng của mình vào đó, Chúa sẽ ban đủ ơn và đủ nhựa sống tình yêu, để Chúa mãi lớn lên trong con và con được ở mãi trong quyền năng  của Chúa. Amen.

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây