Giáo Xứ Châu Sơn

https://giaoxuchauson.com


CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN

Bước vào tuần lễ thứ 14 thường niên, lời mời của Đức Giesu gởi đến cho các môn sinh của Ngài, và chúng ta hôm nay, là mỗi người, trong ơn gọi và mỗi hoàn cảnh, hãy cố gắng học nơi Ngài bài học của sự khiêm nhường và dịu hiền trong lòng, có học được tâm tình đó, người môn đệ mới thực sự là một chứng nhân của tin mừng tình yêu, một tin mừng khởi đi từ tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã cúi xuống với con người, và đã đưa con người lên tận ngôi nhà của Ngài là Nước Trời.
CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 11, 25-30)

Khi ấy, Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. - Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho.

"Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".

Suy niệm

Bước vào tuần lễ thứ 14 thường niên, lời mời của Đức Giesu gởi đến cho các môn sinh của Ngài, và chúng ta hôm nay, là mỗi người, trong ơn gọi và mỗi hoàn cảnh, hãy cố gắng học nơi Ngài bài học của sự khiêm nhường và dịu hiền trong lòng, có học được tâm tình đó, người môn đệ mới thực sự là một chứng nhân của tin mừng tình yêu, một tin mừng khởi đi từ tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã cúi xuống với con người, và đã đưa con người lên tận ngôi nhà của Ngài là Nước Trời.

Sau khi được an cư trên miền đất đầy sữa và mật ong, dân Do thái hòa mình vào cuộc sống của những dân tộc chung quanh trong tình huynh đệ, đó là một tương quan tích cực giúp họ phát triển về mọi mặt, bên cạnh đó cũng có những mối lo, đó là họ xem thường lề luật của Giave, coi nhẹ đời sống phụng tự, sa đọa trong đời sống hàng ngày, vì thế, Giave đã thanh luyện họ với những lời răn đe và cảnh tỉnh rất nghiêm nghị. Họ vâng nghe và đã thay đổi cuộc đời. Lời của Ngôn sứ Dacaria trong bài đọc 1 là một lời động viên, khích lệ họ hãy cố gắng mỗi ngày vì Giave luôn coi họ như một thiếu nữ đáng yêu của Ngài: “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy nhảy mừng; hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy reo mừng! Này vua ngươi đến với ngươi. Người là Ðấng công chính và là Ðấng cứu độ; Người khiêm tốn ngồi trên lừa con, con của lừa mẹ”. Lời khích lệ đó giúp họ cố gắng tránh xa những niềm tin lệch lạc, tránh xa những thói quen sinh hoạt đi ngược với lề luật và truyền thống. Giave đến thăm họ từng ngày, ở lại với họ và gìn giữ họ trong cảnh thái bình thịnh vượng. hỏi có dân tộc nào được chăm sóc, được yêu thương và được giữ gìn như dân riêng của Giave không, chắc sẽ không có một dân tộc nào được như vậy, bởi Ngài yêu thương họ bằng một tình yêu cúi xuống, một tình yêu chia sẻ và một tình yêu chăm sóc hàng ngày.

Cộng đoàn giáo hội Roma là một cộng đoàn lớn với muôn vàn nét đẹp của các nền văn hóa, do đó, các tín hữu trong cộng đoàn đó đối diện với muôn vàn hấp lực của các vẻ đẹp văn hóa và văn minh đó, bởi thế, trước những cạm bẩy hàng ngày, thánh Phaolo đã nhắc cho họ rằng: “anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Ðức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Và nếu Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Ðấng đã làm cho Ðức Kitô từ cõi chết sống lại, cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em”. Nhờ Thánh Thần, anh em mới thực sự tham dự vào sự sống bất diệt của Thiên Chúa chứ không phải dựa vào những hấp lực của thế gian hay những hào nhoáng bên ngoài của nhân loại. Chạy theo những trào lưu, những xu hướng của các dân ngoại luôn là lời dụ dỗ ngọt ngào vang lên bên tai mỗi ngày, từ lối sống thiên về xác thịt cho đến nhu cầu tâm linh, tất cả như mang màu sắc của trần thế. Đó là những cám dỗ hàng ngày của các tín hữu thành Roma ngày xưa và chúng ta hôm nay, khi đang sống trong một thế giới muốn tục hóa mọi sinh hoạt tôn giáo và tâm linh của con người.

Khi bước vào lịch sử của nhân loại, Đức Giesu đã chấp nhận những giới hạn của con người, trong đó có những lỗi lầm được chấp nhận và tha thứ, nhưng cũng có những lỗi lầm Đức Giesu không thể tha thứ cho họ. Khi người Do thái biến đền thờ Gierusalem thành nơi buôn bán, coi thường đền thờ, Ngài đã xua đuổi họ thẳng thừng, bởi họ đã tục hóa sự thánh thiêng nơi Thiên Chúa hiện diện với con người. trước tòa án Philato, khi được hỏi về thân thế của mình, Đức Giesu đã trả lời đúng với sự thật, nhưng đã bị vả vào má. Ngài đã lên tiếng phản đối, bởi đó là cách hành xử thiếu tôn trọng sự thật. Từ đây, chúng ta biết Đức Giesu, suốt cả cuộc đời, luôn cố gắng làm hiển lộ tình thương của Thiên Chúa dành cho con người, nhưng tình thương đó phải dựa trên sự thật và chân lý, chứ không dựa trên quyền lực và vật chất. Lời cầu nguyện của Ngài trong bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ 14 này là một lời chứng về sự hài hòa đó: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. - Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho”. Dù biết đó là một điều kỳ diệu trong chương trình của Chúa Cha khi mạc khải tình yêu cho con người, nhưng Đức Giesu còn muốn cho con người thấy một khía cạnh khác của tình yêu Thiên Chúa, đó là ai sẽ hiểu và biết được chiều sâu của tình yêu đó nếu không phải là những người khiêm nhường và hiền hậu trong lòng. Thái độ hiền hậu và khiêm nhường trong lòng cùng với những yếu tố của chân lý, của sự thật, tạo nên những giá trị đặc biệt của tin mừng và cũng là những giá trị ưu việt của Kito giáo. Đức Giesu đã thực hiện những giá trị đó trong suốt thời gian đi loan báo tin mừng, sẵn sàng tranh luận với những gì trái ngược với chân lý, với sự thật, nhưng cũng sẵn sàng cho sự khiêm nhường và hiền hậu lên ngôi.

Sự khiêm nhường và hiền hậu trong lòng mà Đức Giesu giới thiệu cho chúng ta thực hành trong đời sống, là một thái độ ứng xử với nhau trong tương quan giữa người với người. Đó không phải là một sự khiêm nhường nhu nhược, và cũng không phải là một sự hiền hậu ngoan ngoãn, để rồi ai muốn làm gì, muốn nói gì thì cứ để mặc, nhưng đó là một sự khiêm nhường hài hòa giữa tình thương và sự thật. Khiêm nhường để sống ơn gọi hôn nhân là giữ những đặc tính của hôn nhân công giáo, là tôn trọng nhau trong tình thương và sự khác biệt của mỗi giới tính, mỗi cá vị con người, đó là sự khiêm nhường cần và đủ để có một tổ ấm, một cộng đoàn yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, dù có gặp thành công hay thất bại, dù có bình an hay đối diện với những hoạn nạn, bệnh tật. Sự hiền hậu trong bổn phận là cha, là mẹ trong mỗi gia đình, sẽ là những nhân đức vô giá mà các bậc cha mẹ để lại cho con cái, khi chúng thành nhân, thành người trưởng thành trong giáo hội và trong xã hội.

Sự hiền hậu và khiêm nhường trong đời tu có thể song hành với những giá trị thánh thiêng của các lời khấn. Khiêm nhường để vâng phục và phục vụ theo mỗi linh đạo được mời gọi, là kim chỉ nam của đời sống tận hiến, thế nhưng,  hành trình vâng phục và phục vụ trong một thế giới đầy những sắc màu tục hóa, đã bị thay hình đổi dạng, và mỗi ngày như đang đi xa dần với những gì Thiên Chúa đợi chờ. Sự khiêm nhường thực sự mà Đức Giesu giới thiệu đã khoác lấy một chiếc áo mới là không còn là sự hài hòa giữa tình thương và sự thật trong hành trình dâng hiến nhưng là sự khiêm nhường ảo tưởng, để phục vụ cho những tính toán vụ lợi của con người. Nếu không có sự hài hòa cần và đủ đó, làm sao một tu sĩ có thể sống hiền hậu với Thiên Chúa và tha nhân trong một ơn gọi nào được, bởi trong bất cứ hoàn cảnh nào, kế hoạch của con người vẫn được đề cao và chương trình của Thiên Chúa chỉ là bức bình phong bên ngoài: “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.

Đức Giesu không bảo ai cần phải học và ai không cần phải học, Ngài đề nghị tất cả hãy học nơi Ngài sự khiêm nhường và hiền hậu, lời đề nghị đó đâu loại trừ những người có chức quyền, có địa vị trong một tôn giáo hay một cộng đoàn nào, cũng không miễn trừ cho một thành viên nào trong các gia đình, do đó, là con người, ai cũng được mời gọi hãy học nơi Ngài bài học của sự khiêm nhường và hiền hậu, từ bài học đó, mỗi người hãy sống ơn gọi của mình cách hữu hiệu hơn, và chu toàn trọng trách của mình cách hài hòa giữa sự thật và tình thương.

 

Lạy Chúa Giesu, Chúa mời gọi chúng con hãy sống hoàn thiện như Cha trên trời, và hơn nữa, Chúa còn mời gọi chúng con hãy học sống khiêm nhường và hiền hậu trong lòng, để làm hiển lộ tình thương và sự thật của Thiên Chúa trong cuộc sống, xin cho mỗi chúng con luôn cố gắng học hỏi những gì Chúa dạy, để nên người và trở thành những Kito hữu đích thực. Chúa đã cúi xuống và trở nên nhỏ bé trong tình thương của Chúa Cha, xin cho mỗi chúng con cũng biết sống khiêm tốn đủ, để cho Chúa lớn lên trong con mỗi ngày. Amen.

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây