Giáo Xứ Châu Sơn

https://giaoxuchauson.com


CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN

Chúa nhật thứ 20 thường niên trở về, chủ đề Mẹ Giáo hội mời con cái cùng suy niệm và sống đó là con đường tình yêu của Thiên Chúa, đường đưa Thiên Chúa đến với con người và đó cũng là đường dẫn con người đến với Thiên Chúa và tha nhân.
CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 15, 21-28)

 

Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: "Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm". Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: "Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi". Người trả lời: "Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel". Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi". Người đáp: "Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó". Bà ấy đáp lại: "Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống". Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: "Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy". Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.

Suy niệm

Bước vào thế giới của tình yêu, con người như lạc vào cõi thiên thai, bởi trong thế giới đó, có rất nhiều câu chuyện con người không thể dùng lý trí và tri thức của mình để giải thích, hay để tìm câu trả lời cho vấn nạn. Khung trời tình yêu của Thiên Chúa còn bao la, còn huyền diệu và còn bao nhiêu câu chuyện, mà con người chỉ còn đứng ngắm, chỉ còn im lặng để nghe nhịp thở của tình yêu đó. Câu chuyện thập giá của Đức Giesu Kito là một câu chuyện tình yêu con người không thể lý giải và bao nhiêu người đã chọn con đường đó, để đi vào trong thế giới tình yêu của Thiên Chúa nhưng mấy ai đã giải thích được câu chuyện tình thập giá của Đức Giesu. Chúa nhật thứ 20 thường niên trở về, chủ đề Mẹ Giáo hội mời con cái cùng suy niệm và sống đó là con đường tình yêu của Thiên Chúa, đường đưa Thiên Chúa đến với con người và đó cũng là đường dẫn con người đến với Thiên Chúa và tha nhân.

Niềm hy vọng luôn là một động lực giúp con người sống lạc quan, mạnh dạn và tự tin trước mọi biến cố. Dân Do thái đang đối diện với những khó khăn trong đời sống tôn giáo, đặc biệt trong tương quan với các dân tộc chung quanh, hiểu được nỗi trăn trở đó, ngôn sứ Isaia đã lên tiếng với niềm vui trong sứ điệp, mọi người, mọi dân tộc là con cái của Giave nếu như họ tuân giữ các lề luật, nếu như họ thực hiện đời sống phụng tự theo tiền nhân hướng dẫn, họ sẽ được gọi là dân của Giave: “Người ngoại bang theo Chúa để phụng sự Chúa và mến yêu danh Người, để trở nên tôi tớ Chúa, tất cả những ai giữ ngày Sabbat, không hề sai lỗi, và trung thành với giao ước của Ta, Ta sẽ dẫn chúng lên núi thánh, và Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện. Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”. Giave Thiên Chúa không phân biệt đâu là dân ngoại, đâu là dân riêng, Ngài cần một tấm lòng hơn là những lễ vật, Ngài không khép kín ngôi nhà của Ngài, bởi Ngài đã khẳng định với mọi dân tộc, nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện cho mọi người. Có vị thần linh nào khác có một tình yêu bao la, rộng lượng như Giave Thiên Chúa không, có một thần linh nào dám mở rộng vòng tay, ôm hết mọi con cái dưới trần này, đưa về cùng một nhà, sống cùng một mái ấm, ăn cùng một bàn và sống cùng một sự sống của Thiên Chúa. Chắc sẽ không bao giờ có vị thần linh nào như thế. Thiên Chúa chúng ta tin thờ là vậy, tình yêu của Ngài không giới hạn, không biên giới, không tính toán, không vụ lợi và cũng không cần đáp đền.

Cuộc đời của thánh Phaolo có thể nói như là một câu chuyện tình, chuyện tình giữa Thiên Chúa với chàng thanh niên có tên là Saolê. Khi Đức Giesu viết lên câu chuyện tình trên đồi Canve, chàng thanh niên đó chưa biết gì về người yêu của mình, chỉ khi chàng ta được gọi tên trên đường Đa mát, chàng thanh niên đó mới bước vào một cuộc tình giữa chàng với Đấng chàng đang bắt bớ. Trong lá thư của chàng thanh niên đã được đổi tên là Phaolo, gởi cho giáo đoàn Roma, chàng đã kể lại câu chuyện tình đó. Chàng đã được Thiên Chúa yêu thương, chọn gọi làm tông đồ, và dành riêng cho một công việc đặc biệt, là đem tin mừng cứu độ đến cho dân ngoại. Chàng đã sống hết tình, hết mình và hết bổn phận với tình yêu Thiên Chúa dành cho chàng: “Anh em thân mến, tôi nói với anh em là những người gốc Dân Ngoại rằng: Bao lâu tôi là Tông đồ các Dân Ngoại, tôi sẽ tôn trọng chức vụ của tôi, nếu có cách nào làm cho đồng bào tôi phân bì, mà tôi cứu rỗi được ít người trong họ. Vì nếu do việc họ bị loại ra, mà thiên hạ được giao hoà, thì sự họ được thâu nhận sẽ thế nào, nếu không phải là một sự sống lại từ cõi chết ?”. Thiên Chúa là vậy, yêu thương hết mọi người, không đợi chờ đền đáp, không mong được yêu lại, chỉ mong sao người mình yêu được hạnh phúc: “Vì Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc. Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót; cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh em, để họ cũng được thương xót”.

Niềm tin sẽ làm cho tình yêu thăng hoa, niềm tin là yếu tố cần thiết để tình yêu lên ngôi, để tình yêu đơm bông kết trái. Niềm tin của người phụ nữ Canaan đã đưa bà đi vào quỹ đạo của tình yêu Thiên Chúa, đưa cả gia đình bà đi vào trong mái ấm tình yêu Thiên Chúa. Sự hiện diện của Con Thiên Chúa trong dân tộc Israel chỉ là một sự hiện diện tầm thường, nhưng khi Ngài vượt ra khỏi biên giới đất nước đó, đến miền đất dân ngoại, Ngài cho các môn đệ và thế giới thấy rằng, sự hiện diện của Ngài không đóng khung lại trong một phạm vi nhỏ hẹp, nhưng là sự hiện diện cho mọi người, mọi dân tộc, qua mọi thế hệ. Lời cầu xin của người phụ nữ Canaan khi con gái bị đau nặng, đến từ niềm tin, dù niềm tin đó còn mong manh, còn nhiều khiếm khuyết, nhưng đó là một niềm tin chân thành, một niềm tin đã thức tỉnh tình yêu trong Đấng được mệnh danh là Vua Tình Yêu. Dù chỉ được sai đến cho dân tộc Israel, nhưng Đức Giesu đã chứng kiến bao nỗi đau của con người, chứng kiến bao niềm tin của những người không ở trong gia đình Do thái, như viên đại đội trưởng, như người phụ nữ trong bài tin mừng, Ngài đã bắt đầu vẽ lên một quỹ đạo mới của tình yêu, quỹ đạo đó không còn giới hạn nơi một dân tộc nhỏ bé nữa, nhưng quỹ đạo đó đã bao trùm lên tất cả mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ, mọi tâm hồn, tình yêu đó dành cho những ai có niềm tin, dành cho những ai yêu mến Thiên Chúa và tuân giữ các giới răn của Ngài: “Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: "Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy". Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành”. Tình yêu có một sức mạnh vô hình không thể lý giải, sức mạnh đó đã giúp người Con yêu dấu của Chúa Cha bước lên đỉnh đồi Canve trong chiều buồn, đón lấy cái chết trong sự phó thác cho Chúa Cha, để cứu độ con người. Sức mạnh đó còn đưa bao con người như các tông đồ, vượt ra khỏi phạm vi hẹp hòi của một người dân chài, để lên đường trở thành những chứng nhân của tin mừng tình yêu và cứu độ, sức mạnh của tình yêu đã dẫn lối người mẹ yêu dấu chấp nhận mọi thử thách, mọi chia rẽ, mọi nỗi đau tinh thần, để quỳ xuống cầu xin cho con cái được lành bệnh, được tự do, không bị ràng buộc hay không bị khống chế bởi tội lỗi và sự chết nữa. Chỉ có tình yêu mới có đủ sức mạnh để thực hiện những công việc phi thường.

Trong mỗi gia đình hôm nay, tình yêu vợ chồng, tình yêu Cha Mẹ - con cái có thể nói chưa đủ lớn, chưa đủ chín muồi, để có thể xây dựng một tổ ấm, để có thể giúp nhau sống tình gia đình ấm áp hơn, hạnh phúc hơn và trưởng thành hơn. Có phải trong mỗi lãnh vực tình yêu chưa có sự chân thành, chưa có chiều sâu nội tâm, chưa có sự quý mến và trân trọng nhau đủ, nên tình yêu đó chỉ dừng lại nơi những giới hạn theo kiểu thế gian. Và nếu tình yêu đó chưa đủ chín, chưa đủ sâu, thì làm sao nảy sinh sức mạnh của tình yêu để giúp nhau vượt qua những thăng trầm trong ơn gọi hôn nhân, trong việc xây dựng tổ ấm và giáo dục con cái nên người được ? thách đố đó cần có sự dấn thân của mỗi người, mỗi thành viên trong gia đình, khi tất cả đang là những thành viên trong một xã hội đề cao vật chất và cá nhân chủ nghĩa.

Còn đời sống dâng hiến thì sao nếu như tình yêu chưa đủ lớn, chưa đủ sâu và chưa đủ chín. Trong đời sống đó, tình yêu đến từ lời mời của Thiên Chúa. Ngài gởi lời mời tới con người, ai nhận được lời mời sẽ đáp trả lại với một tình yêu phục vụ và dâng hiến. Khi một ai đó sống đời dâng hiến, tình yêu của họ không giới hạn như đời sống gia đình, nhưng tình yêu đó chạm tới giá trị của mỗi con người. Chính vì tình yêu này là phục vụ và dâng hiến, nên sức mạnh của tình yêu này sẽ giúp bản thân gặp gỡ tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, khác biệt văn hóa, giới hạn ngôn ngữ và không cùng tôn giáo. Sức mạnh của tình yêu đó đưa con người xích lại gần nhau trong sự trân trọng, cảm thông và chia sẻ, tất cả như một gia đình. Nếu như tình yêu trong đời sống dâng hiến chưa đủ chín, chưa đủ lớn, chưa đủ sâu, sẽ là một khó khăn cho ai sống đời sống đó, sẽ là rào cản để sống tinh thần phục vụ đúng nghĩa, sẽ là gánh nặng cho cộng đoàn khi sự phân bì, ganh tị trở thành một đề tài tranh luận hàng ngày, sẽ là cạm bẩy cho giới trẻ hôm nay khi nhìn về đời sống dâng hiến.

 

Lạy Chúa Giesu, Chúa đã làm hiển lộ khuôn mặt của tình yêu Chúa Cha bằng chính cuộc đời, bằng những chọn lựa, bằng cả sự sống của Chúa, xin cho chúng con thấy được sức mạnh từ tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng con, để chúng con từng ngày họa lại khuôn mặt đó trong mỗi ơn gọi, trong mọi tương quan cuộc sống. Chúa đã chúc phúc cho những ai có một niềm tin chân thành đến từ tình yêu, xin chúc phúc cho chúng con, khi từng ngày chúng con đang sử dụng sức mạnh của tình yêu Chúa, vượt qua những yếu đuối của bản thân, sống quảng đại hơn, bao dung hơn với mọi người, khởi đi từ những người bên cạnh chúng con, những người thân cận và những người chúng con đang phục vụ. Amen.

Tác giả bài viết: LM Pet. Trần Bảo Ninh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây