Giáo Xứ Châu Sơn

https://giaoxuchauson.com


CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN

Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 25 thường niên, mời gọi người tín hữu hãy biết tính toán cho cuộc sống mai hậu bằng những hy sinh, những thiệt thòi hiện tại, chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết cho cuộc sống mai sau của chính mình.
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 1-13)

 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Một người phú hộ kia có một người quản lý, và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: 'Tôi nghe nói anh sao đó? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay, anh không thể làm quản lý nữa'. Người quản lý nghĩ thầm rằng: 'Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào, để khi mất chức quản lý, thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ'.

 

"Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: 'Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?' Người ấy đáp: 'Một trăm thùng dầu'. Anh bảo người ấy rằng: 'Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại: năm mươi'. Rồi anh hỏi người khác rằng: 'Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?' Người ấy đáp: 'Một trăm giạ lúa miến'. Anh bảo người ấy rằng: 'Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi'. Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.

 

"Phần Thầy, Thầy bảo các con: Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.

 

"Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con?

 

"Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được".

 

Suy niệm

Sống trong một xã hội kinh tế thị trường, con người luôn tìm mọi phương thế để có công ăn việc làm, hầu cuộc sống bớt đi phần nào cơ cực. Để có thể góp phần cho cuộc sống gia đình tốt hơn từng ngày, con người dùng khả năng suy tư của mình, để chuẩn bị cho tương lai khởi đi từ hiện tại. Chính sự cố gắng lao động đó, nhiều người đã cố gắng làm việc, hiệu quả là những thành công đã đến với họ. Trong đời sống tôn giáo, nếu không nói là mang màu sắc của thị trường thực dụng, nhưng phần nào cũng cần có những suy nghĩ, những chuẩn bị cho phía trước của hành trình đức tin. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 25 thường niên, mời gọi người tín hữu hãy biết tính toán cho cuộc sống mai hậu bằng những hy sinh, những thiệt thòi hiện tại, chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết cho cuộc sống mai sau của chính mình.

 

Bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử, người nghèo và người giàu vẫn luôn tồn tại song song giữa xã hội. Tiên tri A-mos đã lên tiếng phản đối những người giàu có tiền của, đã dùng chính những đồng tiền, nhiều lúc dơ bẩn, để mua bán, để ép buộc người nghèo phải làm việc, phải phục dịch cho họ. Thái độ sống đó là những tính toán rất thực dụng của người giàu, nhưng họ đã bị lên án vì thiếu tình người: “Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp kẻ nghèo khó, và muốn tiêu diệt hết những kẻ bần cùng trong cả nước. Các ngươi bảo: "Bao giờ qua tuần trăng mới để chúng tôi bán hàng? Khi nào hết ngày Sabbat để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi sẽ giảm lường đong, tăng giá và làm cân giả. Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy người túng thiếu. Chúng tôi sẽ bán lúa mục nát". Từng đồng tiền hiện tại của người giàu được tính toán kỹ lưỡng, được suy nghĩ cẩn thận và được mua bán sòng phẳng, tất cả vì lợi nhuận, vì tương lai của cái tôi, để rồi đánh mất tình người và sự công bằng trong xã hội. Ngay cả ngày Sabath, ngày đặc biệt trong lề luật, họ cũng không dừng những việc làm phi pháp, một thái độ coi thường cả lề luật, coi thường cả tôn giáo và coi thường luôn Thiên Chúa.

 

Đọc lại những lá thư của thánh Phaolo gởi cho các học trò, bắt gặp đâu đó là những lời tự tình của người thầy, trước những xu hướng thiếu tích cực của xã hội, thánh nhân mong người học trò hãy sống thanh cao, đừng để cho sức mạnh của vật chất, của tiền bạc, điều khiển và làm tục hóa những giá trị nơi người môn đệ đích thực của Thiên Chúa: “Trước tiên, cha khuyên hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch. Ðó là điều tốt lành và đẹp lòng Ðấng Cứu Ðộ chúng ta là Thiên Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý”. Chân lý là nhận biết Thiên Chúa là Đấng nào, Ngài có quyền trên tất cả mọi sự, Ngài có thể đưa con người đi ra khỏi những cám dỗ và áp lực của tiền bạc, của cải, nếu con người dám đặt niềm tin vào đúng chỗ cho cuộc đời.

 

Trước một tương lai mờ mịt của bản thân, người quản gia đã dùng khả năng tín toán hơn thiệt của mình, để không rơi vào tình trạng khốn cùng. Câu chuyện về người quản gia bất lương trong bài tin mừng là một ví dụ, anh ta đã lợi dụng của cải mình đang quản lý, để tìm một lối đi mới cho tương lai của bản thân: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Một người phú hộ kia có một người quản lý, và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: 'Tôi nghe nói anh sao đó? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay, anh không thể làm quản lý nữa'. Người quản lý nghĩ thầm rằng: 'Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào, để khi mất chức quản lý, thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ”. Đức Giesu không khen cách anh ta lách luật công bằng, nhưng khen anh ta có cách ứng xử nhạy bén và chính xác, khi anh ta đối diện với tương lai mịt mờ. Người quản gia đã hành xử một cách khôn khéo trước vận mệnh không tích cực của mình, để tương lai không rơi vào cảnh bế tắc cùng cực.

 

Sống trong một xã hội thiên về quyền bính, tham vọng và hưởng thụ, con người luôn phải chạy đua với những tính toán hơn thiệt, thậm chí không chừa những thủ đoạn, để đối phó, để triệt hạ và để tiến thân. Giữa một xã hội như thế, người tín hữu ít nhiều bị cuốn vào đó, trở thành những tín đồ của sự luồn cúi, lạng lách trong quan hệ, gian xảo trong tiền bạc và thủ đoạn trong việc tiến thân. Nếu những giá trị của thế gian đó, ngày càng lấn chiếm những khoảng trống trong trái tim, bấy lâu nay dành cho Thiên Chúa, thì cuộc đời của người tín hữu còn là một lời chứng sống động cho tin mừng cứu độ nữa hay không ? và những giá trị thánh thiêng trong cuộc đời nay đã thay thế những giá trị thế gian như quyền bính, địa vị, tiền của vật chất, còn Thiên Chúa thì bị đuổi ra ngoài không chốn nương thân. Mang trong mình một trái tim vô biên, con người không thể đi ra khỏi quỹ đạo của cuộc sống ồn ào, nhưng bị lún sâu từng ngày, bị tục hóa từng ngày và bị vong thân từng ngày trong thế giới đầy những màu sắc của thực dụng.

 

Song hành với những triết lý sống thực dụng và vô thần, người tín hữu nói riêng và con người thời nay nói chung, đang bị ảnh hưởng rất nhiều về ý thức trách nhiệm. Người ta nhận vào cho mình những thành công trong công việc, trong cuộc sống, nhưng sẵn sàng đổ lỗi cho người khác, thậm chí cả Thiên Chúa, về những thất bại, những đổ vỡ trong mọi sinh hoạt trong mọi hoàn cảnh sống. Có thể nói đó là một hành động thoái thác trách nhiệm, thiếu ý thức về bổn phận và không làm chủ được tính tham lam của bản thân. Trong một xã hội như hiện nay, tinh thần trách nhiệm đến từ nền tảng giáo dục, đến từ những bài học đầu đời trong gia đình, thế nhưng, vì mãi chạy theo những tính toán trần thế, cha mẹ và xã hội đều quên đi việc giáo dục tinh thần trách nhiệm cho con cái, cho học trò, đây là một sự lãng quên vô tình hay hữu ý, chắc không khó để tìm câu trả lời cho vấn đề. Từ đây, chạy trốn trách nhiệm và luồn cúi trong cuộc sống, trở thành một lối sống xu nịnh, đi tìm cho bản thân sự an toàn và an phận giữa chốn phồn hoa đô thị. Một xã hội nặng về hình thức và gian dối, đã ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống tôn giáo của các tín hữu. Họ sống đạo theo tinh thần lễ hội, họ hành đạo theo tinh thần công điểm và họ trình bày tôn giáo của họ theo tinh thần của giấy khen. Quả thực, khi đời sống tôn giáo đang hướng đến tình trạng như thế, liệu niềm tin còn tồn tại và ăn sâu vào trong nhận thức và trái tim của mỗi tín hữu Kito nữa không ?

 

Lạy Chúa Giesu, Chúa đã hết lời khen ngợi người quản gia bất lương trong cách dùng tiền của mà anh ta được quản lý, nhưng lại khôn khéo và nhạy bén trong cách ứng xử với đồng loại, xin giúp chúng con luôn biết hướng về sự sống đời sau, về cùng đích cuộc đời, để có một thái độ sống đúng tinh thần của tin mừng, của tình thương. Chúa đã nhắc nhở chúng con đừng để cho của cải vật chất và quyền bính thống trị cuộc đời, nhưng hãy biến nó thành phương tiện để xây dựng tình người và tình trời, xin giúp chúng con luôn xác tín những lời răn bảo của Chúa, để mỗi ngày chúng con biết phân định đâu là giá trị vĩnh cửu, đâu là giá trị tạm thời, để cuộc đời chúng con có ý nghĩa hơn trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.

Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây