Giáo Xứ Châu Sơn

https://giaoxuchauson.com


CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM C

Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 28 thường niên, mời con người hướng tới tâm tình tạ ơn trong cuộc sống, trong mọi mối tương quan tình người, tình Trời.
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM C

BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 17, 11-19)
Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi". Thấy họ, Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria.
Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này". Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: "Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi".


Suy niệm



Người Việt nam có ảnh hưởng rất nhiều tới văn hóa Phương đông, những nét đẹp trong nền văn hóa đó, đã đi sâu vào trong mọi sinh hoạt thường ngày, từ một lời cám ơn, một lời xin lỗi, cho đến một cái ngã mũ bái chào hay trân trọng một ai đó là bậc đáng kính, một ân nhân của bản thân hay gia đình cũng như của cộng đoàn. Tâm tình cám ơn đối với con người thật đáng trân quý, bởi đó là một tâm tình của người mang ơn, của người thọ ơn. Cái ơn, cái nghĩa có một giá trị tinh thần vô giá, bởi người biết cám ơn là người có cách sống cao thượng, biết mình, biết ta, còn người ban ơn là người rộng lượng, luôn biết quan tâm đến tha nhân, đến học trò, đến những người đã giúp đỡ mình cách này cách khác. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 28 thường niên, mời con người hướng tới tâm tình tạ ơn trong cuộc sống, trong mọi mối tương quan tình người, tình Trời.

Từ bài đọc 1 trong sách các Vua quyển thứ hai, tâm tình tạ ơn của ông Na-a-man, một vị quan lãnh binh của vua Syria, ông ta bị bệnh phong cùi, tìm thầy chạy thuốc khắp nơi nhưng không khỏi. Sau khi được gặp người của Thiên Chúa, ông được chữa lành chỉ với một yêu cầu vô cùng đơn giản, xuống sông Giodan tắm 7 lần. Sao mà vô lý vậy, bao nhiêu danh y, bao nhiêu thầy thuốc giỏi không chữa lành được, thế mà chỉ tắm mấy lần vậy là được khỏi, sự thật đã xảy ra, vị quan lãnh binh vô cùng ngạc nhiên, ông được chữa lành. Trước niềm vui trào tràn đó, ông đã quay trở lại tri ân Thiên Chúa: “Sau đó, ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ðến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: "Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel. Vì thế, tôi xin ông nhận lấy phần phúc của tôi tớ ông". Dù được vị tiên tri chữa lành, nhưng vị quan đã có một cái nhìn xa hơn và xác tín hơn, đó là Thiên Chúa đã chữa lành cho ông. Đó là một con người biết khiêm tốn nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời của họ. Một nắm đất của người Do thái mà ông mang trở về, sẽ là dấu chỉ nhắc cho ông sống tâm tình tạ ơn từng ngày trong cuộc đời còn lại.

Dù được gọi là một vị tông đồ muộn màng, nhưng thánh Phaolo luôn khắc ghi trong đời về những gì ngài đã đón nhận từ Đấng Phục sinh, Đấng đã gọi ông từ biến cố ngã ngựa trên đường Đamat, thánh nhân còn nhắc nhở người học trò của mình là Timotheu, hãy ý thức về ơn gọi tông đồ, ơn gọi trở thành một chứng nhân của tin mừng phục sinh. Ân ban đó không phải từ trời rơi xuống, cũng không phải từ đất mọc lên, nhưng đến từ tình thương của Thiên Chúa, vì thế, hãy sống tâm tình tạ ơn đó bằng sự cố gắng làm việc, chu toàn trách vụ được trao phó trong mỗi hoàn cảnh của người môn đệ: “Ðây cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta không tin Người, Người vẫn trung thành, vì Người không thể chối bỏ chính mình Người”. Thiên Chúa là Đấng trung tín, chẳng bao giờ thất hứa với con cái, vì thế, cuộc đời của thánh Phaolo, người thầy của Timotheu, mãi là một cuộc đời tạ ơn, và tâm tình đó sẽ được lan tỏa tới người học trò và mỗi thành viên trong các cộng đoàn.

Câu chuyện mười người phong cùi được Đức Giesu chữa lành, là một câu chuyện gợi nhắc về tâm tình tạ ơn từ con người tới con người, từ con người tới Thiên Chúa. Những người bệnh nhân này, bị loại trừ khỏi cộng đồng, bị khai tử trong xã hội, bởi họ như là những người tội lỗi. Quan niệm như thế đã xô đẩy cuộc đời của họ tới ngõ cụt, nơi tận cùng của khiếp người. Đấng Cứu Thế xuất hiện đã cứu sống họ, phục hồi địa vị làm người cho họ, đưa họ trở lại với cộng đoàn, mở ra một tương lai đầy niềm vui và hy vọng cho mỗi người: “Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi". Thấy họ, Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Trong số mười người bệnh nhân, đa số là người Do thái, chỉ có số ít là người ngoại. Thế mà, người ngoại đó đã quay trở lại, lớn tiếng chúc tụng Thiên Chúa và quỳ xuống tạ ơn Đức Giesu. Còn những người Do thái ở đâu ? một câu hỏi đem lại cho người nghe nhiều suy nghĩ. Có phải họ sống trong một tôn giáo như thế, họ thờ phượng Thiên Chúa hàng ngày, thì Thiên Chúa có trách nhiệm phải chữa lành cho họ, phải trả lại cho họ quyền làm người, quyền được sống trong cộng đoàn sao: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này". Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: "Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi". Thái độ tự mãn và trịch thượng của những người bệnh nhân Do thái, là một thái độ vô ơn, thiếu sự khiêm tốn và thiếu cả niềm tin và một tầm nhìn về chính mình. Thiên Chúa không chấp nhận một lối sống vô ơn, vô cảm như thế, Ngài cần một tấm lòng, một trái tim bằng thịt và một sự chân thành nơi con người. Tất cả sẽ được chữa lành, nếu con người chân nhận Thiên Chúa là người Cha nhân lành.

Tạ ơn là tâm tình của một người biết mình được ơn, biết mình được ơn nghĩa là biết mình đang được yêu. Một con người biết mình đang được yêu, đang được chăm sóc, được bảo vệ và được hướng dẫn, để từng ngày lớn lên, từng ngày nên thánh và từng ngày nên một với Đấng yêu thương mình cho đến nỗi bằng lòng chết vì mình. Mỗi sớm mai thức dậy, tôi còn sống, còn được hít thở trong bầu không khí trong lành, là tôi còn được yêu, mỗi ngày tôi còn có một gia đình, còn có những người yêu thương tôi cách này cách khác, là tôi còn được ở lại trong vòng tay tình thương của Thiên Chúa. Vậy mà có bao giờ, tôi tham dự một Thánh lễ với tâm tình sâu lắng của mình, là tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn mọi người, bởi Đức Giesu đã yêu tôi, nên Ngài trở nên tấm bánh, bẻ ra cho tôi mỗi ngày, trao cho tôi hưởng dùng, để tôi được sống và được nên thánh trong ơn gọi của mình. Nếu như biết mình là người đang thọ ơn, tôi có đủ can đảm, tự tin để trở nên tấm bánh, bẻ ra trao cho người khác trong tâm tình phục vụ, chia sẻ và yêu thương không, nếu như biết mình đang được yêu, tôi có cố gắng để trở nên một người yêu, dám sống và dám trao trọn cuộc đời cho Đấng đã và đang yêu tôi bằng một tình yêu tự hiến không. Cả cuộc đời tôi nếu sống tâm tình tạ ơn đó, có thực sự đền đáp những gì Thiên Chúa đã dành cho tôi, đặc biệt là những giọt máu tình yêu cứu độ mà Con Thiên Chúa đã đổ ra cứu tôi khỏi án phạt của tội lỗi và sự chết không ? tôi có cần quay trở lại như người bệnh Samaria, để lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa và tạ ơn Đức Giesu không.

Sống trong một tôn giáo được chăm sóc, được dạy dỗ và bảo vệ cách này cách khác, người tín hữu như mặc định cho mình rằng, Thiên Chúa luôn và phải yêu thương tôi, chăm sóc cho tôi. Chính suy nghĩ thiển cận đó, tạo cho người tín hữu có một tầm nhìn hạn hẹp, bên cạnh đó là tác động của chủ nghĩa hưởng thụ, vì thế, người tín hữu Kito luôn thờ ơ và dửng dưng với những gì hiện tại mình đang được đón nhận, được trao tặng. Nếu có một tầm nhìn xa hơn trong tình yêu, người tín hữu sẽ sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa bằng những cố gắng của bản thân, để xây dựng một gia đình của Thiên Chúa tại trần gian, nếu người tín hữu có một tầm nhìn xa hơn của người đã và đang thọ ơn, họ sẽ biết sống cho và sống với những người bên cạnh bằng sự trân trọng và cảm thông, bằng sự chia sẻ và hy sinh. Sống giữa một xứ đạo, người tín hữu cần có những cái nhìn mới theo tinh thần của tin mừng, để kịp thời bắc những nhịp cầu kết nối tình người, cho Thiên Chúa đi tới những lối xóm, những gia đình đang sống chung quanh họ, người tín hữu cũng cần có một tinh thần rộng lượng, sẵn sàng trở thành tấm bánh, bẻ ra trao cho tha nhân, để xây dựng tình người trong sự trân trọng, phục vụ trong tình gia đình thiêng liêng của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần đang từng ngày chờ đợi những góc nhìn mới từ nơi các tín hữu, để cùng Ngài xây dựng một Nước Trời thực sự trên trần gian này.

Lạy Chúa Giesu, Chúa đã đón nhận lời tạ ơn của người bệnh phong từ dân ngoại, khi anh ta quay trở lại tạ ơn vì được chữa lành, xin Chúa cũng đón nhận tâm tình tạ ơn của chúng con trong mỗi ngày sống và trong mỗi ơn gọi của mình, để cuộc đời của chúng con mãi là một lời tạ ơn Thiên Chúa. Chúa đã trao cho người bệnh nhân đó một món quà vô giá là niềm tin và tình yêu, xin Chúa cũng giúp chúng con biết trao tặng cho nhau những món quà từ tình yêu là sự hy sinh, là trân trọng và luôn biết tin tưởng vào một Thiên Chúa tình yêu, Đấng đã hy sinh người Con duy nhất cho chúng con, để chúng con được sống và được nên thánh mỗi ngày. Amen.

Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây