Giáo Xứ Châu Sơn

https://giaoxuchauson.com


VATICAN PHÁT HÀNH TEM GHI DẤU CÁC KỶ NIỆM LỚN 2020

Vào ngày 23 tháng 06 năm 2020, Vatican sẽ cho phát hành bộ sưu tập tem mới ghi dấu các kỷ niệm lớn được cử hành trong năm 2020 : 100 năm ngày qua đời của thánh Têrêsa delle Ande – Châu Âu 2020 với các đường bưu điện cổ xưa – Năm Quốc tế về Sức khỏe Thực vật và 500 năm ngày mất của danh họa Raffaello Sanzio.
Vatican-Trái Tim của Giáo Hội Cộng Giáo Hoàn vũ


100 NĂM NGÀY QUA ĐỜI CỦA THÁNH TÊRÊSA DELLE ANDE 12/04/1920

H 444


Thánh Têrêsa delle Ande (Thánh Têrêsa De Los Andes 1900–12.4.1920 ) còn được gọi là Juanita Fernández Solar, sinh 13/07/1900 tại Santiago, Chile. Thánh nữ là bông hoa thánh thiện đầu tiên của Giáo hội Chile, Dòng Cát minh ở Mỹ Latinh và là một mẫu gương sống thánh thiện cho giới trẻ. Ngày 07/05/1919, Juanita Fernandez Solar vào đan viện Cát Minh tại Los Andes và qua đời ngày 12/04/1920. Thánh nữ viết trong nhật ký ngày 13/07/1915: “Chúa Giêsu là nguồn nâng đỡ cuộc sống tôi. Chúa Giêsu nuôi tôi hàng ngày bằng thịt yêu dấu của Ngài, và cùng với lương thực này, tôi nghe được giọng nói dịu ngọt như những tiếng nói trầm bổng của các thiên thần ở trên trời”. Têrêsa delle Ande được Thánh Gioan Phaolô II phong thánh ngày 21/03/1993 và được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn là một trong những vị thánh bảo trợ cho Đại hội Giới trẻ Thế giới 2013 tại Rio de Janeiro, như một mẫu gương cho giới trẻ của Giáo hội hôm nay và sự tái sinh của Giáo hội Chile.
Chủ đề của tem được nghệ sĩ Marco Ventura thực hiện, tái tạo hình ảnh được chọn trong lễ phong thánh của thánh nữ.

CHÂU ÂU 2020: CÁC ĐƯỜNG BƯU ĐIỆN CỔ XƯA
Đối với châu Âu năm 2020, Văn phòng tem thư Vatican cho phát hành tem với chủ đề “Đường Bưu điện Cổ xưa”, thể hiện lại hai “họa tiết” trong cuốn sách Corpus Agrimensorum Romanorum của thế kỷ thứ VI, một cuốn sách nói về việc khảo sát đất đai được viết tay vào thế kỷ IX, hiện đang lưu trữ tại Thư viện Vatican. Nó từng là mô hình cho bản đồ đường thế kỷ XI (Tabula peutingeriana), và là hệ thống bưu điện cổ xưa của người Roma (cursus publicus).
Phần đầu của tem tái tạo tranh của Colonia Axernias (Terracina), với một phần của Via Appia, con đường Roma cổ. Phần thứ hai là tranh của Colonia Iulia (Torino), với giao điểm các con đường chính, Cardo Massimo (hướng Bắc-Nam) với Decumano Massimo (hướng Đông-Tây), kéo dài ra bên ngoài các bức tường nối với thành phố đến bốn điểm chỉnh.

NĂM QUỐC TẾ BẢO VỆ THỰC VẬT

BVTV

Để chống lại sự hao mòn của đất và cộng đồng nông thôn, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tuyên bố năm 2020 là Năm Quốc tế về Sức khỏe Thực vật (IYPH). Vatican cũng muốn tham gia sáng kiến này theo giáo huấn của Đức Thánh Cha trong Thông điệp Laudato Sì. Ở số 195 của Thông điệp, Đức Thánh Cha phản đối một thực tế hiện nay: để tăng sản lượng, các nguồn tài nguyên của hành tinh và sức khỏe môi trường trong tương lai phải hy sinh.
Nhân dịp này, một con tem được phát hành bằng cách sao chép một bức ảnh về chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Armenia. Bức ảnh diễn tả Đức Thánh Cha với Đức Thượng Phụ Karekin II của Giáo hội Armeni Tông truyền đang tưới nước cho một cây nho. Cả hai như muốn nói về chủ đề sức khỏe của thực vật và của hành tinh, một giá trị đại kết, mọi người đều quan tâm.

500 NĂM NGÀY QUA ĐỜI CỦA RAFFAELLO SANZIO (148306/4/1520)

Raphael

Đối với 500 năm ngày mất của danh họa Raffaello Sanzio, Văn phòng tem Vatican sẽ phát hành tem với nội dung tái hiện biến cố biến hình của Chúa, tác phẩm cuối cùng của Raffaello. Bên cạnh đó là bức chân dung tự họa của Raphael. (CSR-4209-2020).

Raphael


“BIẾN HÌNH” – TUYỆT TÁC CUỐI CÙNG CỦA RAPHAELLO
Cho đến ngày nay, nhiều nhà phê bình nghệ thuật cũng đồng ý như vậy, cho "Biến hình"(The Transfiguration) của Raphael là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất của nghệ thuật Công giáo, và của nghệ thuật nhân loại nói chung. Đây là tuyệt tác cuối cùng của Raphael.
Raphael vẽ "Biến hình" từ năm 1516 đến 1520, bởi sự uỷ thác của Đức Hồng y Giulio de Medici (Người sau này trở thành Giáo hoàng Clement VII). Ông mất (1520) khi tác phẩm chưa kịp hoàn thành, và học trò của ông-họa sĩ Giulio Romano-phải làm công việc này.
"Biến hình" ban đầu được đặt ở Cung Thánh của Thánh đường Saint-Pierre-in-Montorio ở Roma. Năm 1797, tiến chiếm Roma, Napoléon đã cho "cướp" mang về Pháp, mãi đến năm 1915 mới được hoàn trả, và từ đó đến nay, "Biến hình" được trưng bày ở Bảo tàng Vatican.
Cũng nên biết, "Biến hình" có một phiên bản, được thực hiện năm 1774. Và được đặt trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô tại thành phố Vatican từ đó đến nay.
"Biến hình" được xem là tác phẩm thể hiện sinh động và chuyển tải được nhiều ẩn ý sâu xa nhất câu chuyện "biến hình" của Chúa Giêsu trên núi Tabor trong Kinh Thánh-theo “Tin Mừngcủa Matthêu”.
Thoạt nhìn, dễ thấy, tác phẩm được chia thành hai phần rõ rệt:
Phần trên diễn tả sự "biến hình" của Chúa-Người đang bay lên với bộ đồ trắng tinh tuyền dưới bầu trời trong xanh như đang mở ra với ánh sáng Thánh linh-một thị hiện siêu việt của màu nhiệm Thiên Chúa. Và hai bên, là sự xuất hiện bất ngờ của Môisen và Êlia-hai đại diện cổ xưa "làm chứng và dọn đường cho sự nhập thế và biến hình của Thiên Chúa"... Ngay dưới chân Chúa là ba vị Thánh Tông Đồ-Phêrô, Gioan và Giacôbê-như đang bị chói mắt và kinh ngạc đến bàng hoàng trước sự “biến hình” trong ánh sáng rực rỡ phi thường này...
Phần dưới, chính yếu diễn tả câu chuyện "đứa trẻ bị quỷ ám làm cho câm điếc" mà mọi người đưa đến nhờ Chúa cứu chữa trong Kinh Thánh. Đó là hình ảnh của một hiện thực trần tục náo động và hoảng loạn chìm đắm trong u mê...
Hai phần như vậy, là một sự tương phản. Nó "giải thích" ý nghĩa sự "nhập thế" của Thiên Chúa, và ý nghĩa của sự "biến hình". Hãy lưu ý những cánh tay và những hướng nhìn của các nhân vật ở phía dưới. Một số chỉ về Thiên Chúa bên trên, và một số chỉ vào em bé bệnh tật. Nó mang lại cho chúng ta một suy nghiệm: Trong cõi đời tối tăm, nhiều bất trắc và đau khổ này, Thiên Chúa là "Đấng Cứu Chuộc" và là niềm hy vọng...
Nổi hẳn lên giữa khung cảnh hỗn loạn bên dưới là hình ảnh người phụ nữ đang ở tư thế quỳ sáng rõ ở tiền cảnh. Có vẻ như, bà là mẹ của đứa bé, và bà đang cầu xin các Thánh Tông đồ cứu chữa cho con mình. Nhiều nhà phê bình mỹ thuật cũng như nhiều nhà thần học đã đồng ý với nhau rằng, sự có mặt của người phụ nữ trong vùng sáng này, là một điểm nhấn đặc biệt, một mặt, nối liền hai phần tương phản, tạo nên sự cân bằng thống nhất cho tác phẩm, và mặt khác, quan trọng hơn, làm gia tăng ý nghĩa tác phẩm. Có thể hiểu: trong ý định tiên khởi của Raphael, chính người phụ nữ này là biểu tượng của đức tin...
Chúng ta đã biết, là trung tâm tường thuật của Tin Mừng, sự Biến hình cũng là một chủ đề quan trọng trong sự suy gẫm về mầu nhiệm Thiên Chúa. "Biến hình" của Raphael trong hình thức như vừa mô tả, không còn là sự minh họa đơn thuần, mà là kết quả của một sự suy ngẫm sâu sắc với đức tin tràn đầy...

Tác giả bài viết: Ngọc Yến

Nguồn tin: VaticanNews Tiếng Việt 06.06.2020

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây