CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN

Thứ bảy - 19/08/2023 21:44
Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ 20 thường niên, mở ra bức tranh của tình Cha trên trời dành cho con cái thật sâu sắc, với ước mong con cái sẽ nên người, sẽ được cứu độ và sẽ được sống đời đời trong ngôi nhà hạnh phúc.
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 15, 21-28)

 

Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: “Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”. Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Người trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”. Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Người đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Bà ấy đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”. Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.

 

Suy niệm

 

Tình Cha ấm áp như vầng thái dương. Đó là ca từ của một bài hát trong số các bài hát ca ngợi tình yêu của người Cha dành cho con cái trong gia đình. Vầng thái dương ban mai rất dịu dàng, rất trong lành và rất tươi sáng, tình yêu của người Cha dành cho con không ồn ào, không se sua và cũng không biến động như những cơn sóng biển, tình yêu đó nhẹ nhàng đi vào tâm hồn của người con, nếu người con hiểu được cha mình là ai và quan trọng thế nào đối với cuộc đời của mình. Tình yêu của người cha như là ngọn đèn hải đăng soi dẫn cho các con tàu lớn nhỏ, tìm thấy bến bờ bình an để tìm về. Tình yêu của người cha trần thế đáng trân quý như thế đó, thì tình yêu của người Cha nhân lành trên trời, còn đáng cho con người trân trọng và biết ơn dường bao. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ 20 thường niên, mở ra bức tranh của tình Cha trên trời dành cho con cái thật sâu sắc, với ước mong con cái sẽ nên người, sẽ được cứu độ và sẽ được sống đời đời trong ngôi nhà hạnh phúc.

 

Tình yêu của người Cha nhân lành phủ bóng trên mọi con cái. Tình yêu đó dành cho người này, dân tộc kia, hay một nhóm nào đó, tình yêu đó là tình yêu cứu độ, người Cha sẵn sàng trao cho mọi người dưới bầu trời này, nếu họ tin nhận Ngài là Cha: “Người ngoại bang theo Chúa để phụng sự Chúa và mến yêu danh Người, để trở nên tôi tớ Chúa, tất cả những ai giữ ngày Sabbat, không hề sai lỗi, và trung thành với giao ước của Ta, Ta sẽ dẫn chúng lên núi thánh, và Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện. Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”. Người Cha nhân lành luôn mong con cái mình được hạnh phúc, được bình an, vì thế, Ngài luôn mong muốn tình yêu cứu độ ấy được tuôn chảy tới mọi tâm hồn qua muôn ngàn thế hệ.

 

Dừng lại nơi bài đọc thứ 2 từ thư của thánh Phaolo gởi cho con cái thành Roma, chúng ta có thể phần nào nhận ra tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Cha không đóng khung lại trong bất cứ dân tộc nào, con người nào hay thời đại nào, tất cả cho mọi người và mọi thời: “Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc. Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót; cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh em, để họ cũng được thương xót. Thiên Chúa đã để mọi người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi người”. Thiên Chúa không bao giờ hối tiếc vì đã cứu độ con người, Ngài muốn đưa con người vào đêm tối đức tin, để thấy được tính hữu hạn của mình, để họ can đảm đưa tay ra, nắm lấy bàn tay yêu thương của Thiên Chúa. Chính sự nỗ lực đó của con người, họ được cứu độ và được chìm đắm trong sự hạnh phúc đích thực của Thiên Chúa tình yêu.

 

bài Tin mừng do thánh Mattheu kể lại, dẫn người đọc đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Tính bất ngờ của câu chuyện, giúp người tín hữu phần nào hiểu được tình yêu của Thiên Chúa, khi Ngài thi thố quyền năng cứu độ con người: “Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: "Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm". Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: "Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi". Người trả lời: "Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel". Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi". Người đáp: "Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó". Bà ấy đáp lại: "Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống". Một người phụ nữ xa lạ, tìm đến xin ơn chữa lành, một câu trả lời trong im lặng khó hiểu và một thái độ chấp nhận thử thách rất khiêm tốn và kiên định. Thiên Chúa không thua sự cố gắng của con người, Ngài càng không để con người ra đi trong thất vọng, trước một tình yêu cứu độ trên cả tuyệt vời đến từ trời cao.

Chỉ nghe tiếng đồn về một anh chàng có tên Giesu nào đó nơi mảnh đất Do thái, người phụ nữ dân ngoại đã tìm đến. Quả là một sự bất ngờ đối với Đức Giesu, sứ mạng của Ngài là đem ơn cứu độ đến cho một dân tộc được chọn từ xưa, thế mà hôm nay, một người ngoại lại đến cầu xin ơn chữa lành. Niềm tin và lòng mến đã dẫn lối cho người phụ nữ tìm gặp Đức Giesu. Lời từ chối thẳng thừng không ngăn được niềm tin chân thành và kiên định của bà ta, trái lại, bà còn khẳng định rằng, dẫu không được thừa hưởng niềm vui của dân riêng, nhưng vẫn có thể được nhặt góp những mảnh vụn của tình yêu bao la đó chứ. Chính lúc đó, sự bất ngờ lại xuất hiện trong suy nghĩ của Đức Giesu, vậy chỉ có dân Do thái cần được cứu độ thôi sao, hay tất cả mọi người, mọi dân tộc và mọi thời đều mong được tha thứ, được yêu và được cứu độ.

 

Tính cục bộ của các môn đệ trước câu chuyện trên, là một vấn nạn đáng để ta suy nghĩ. Trước một niềm tin mãnh liệt, trước một thái độ chân thành và kiên định thế, nỡ lòng nào họ muốn chia tách bà ta ra khỏi tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Có phải tính tự mãn và tự kiêu, vô hình chung đang khép lại những cánh cửa cứu độ, để rồi nhiều tâm hồn không tìm thấy lối nẻo trở về với Thiên Chúa. Có phải sự vô tâm của các học trò Đức Giesu, đã ngăn cản lòng mến của bao anh chị em đang khao khát nguồn nước cứu độ, nhưng không được nếm trải. Ơn cứu độ của Thiên Chúa đến từ lòng thương xót, hay đến từ sự ban ơn, cơ cấu xin – cho bấy lâu nay là một căn bệnh trầm kha trong xã hội, chẳng lẽ trong niềm tin và ơn cứu độ của cần đến việc xin – cho thế sao. Các môn đệ coi ơn cứu độ mà Thầy mình đem từ trời xuống, như là một món quà vô giá, cần phải làm đúng thủ tục, phải đi qua trung gian là các ông, thì mới được đón nhận và được ban ơn ?

 

Câu chuyện hiệp hành vẫn đang còn được viết mỗi ngày trên trang giấy lịch sử của Giáo hội. Lời mời của vị Cha chung gởi đến mọi người, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa và vùng miền, tất cả đều được tham dự tích cực và chương trình cứu độ. Đồng thời, vị Cha chung đó còn kêu gọi loại trừ chủ nghĩa giáo sĩ trị, cách nào đã ngấm sâu trong lòng Giáo hội, tất cả để canh tân, tất cả để ơn cứu độ đến được với mọi người, tất cả để cho Thiên Chúa được vinh hiển. Thế nhưng, tất cả như đang chìm dần trong lặng lẽ. Mẹ Giáo hội rất mong có sự canh tân, rất mong ơn cứu độ của Thiên Chúa được lan tỏa tới mọi chân trời góc biển, nhưng người môn đệ của Ngài, có những lúc đã rơi vào trạng thái giống như các môn đệ xưa, tất cả chỉ vì sự quấy rầy, tất cả chỉ vì sự an phận và tất cả chỉ vì tính tự mãn của con người.

 

Lạy Chúa, người phụ nữ đã nhận được tình yêu cứu độ từ Con Thiên Chúa làm người, khi bà ta biết khiêm tốn cúi mình và kiên nhẫn đợi chờ, xin giúp chúng con hiểu được niềm vui của người phụ nữ đó, để cố gắng đem tin mừng và niềm vui cứu độ đến cho anh em chung quanh đang đói, đang khát. Chúa đã trao cho bà ta một món quà lớn gấp nhiều lần món quà bà mong đợi, tất cả nhờ vào niềm tin và lòng mến, xin giúp chúng con hiểu được giá trị của niềm tin trong một thế giới giả tạo này, để chúng con can đảm đưa tay ra, nắm lấy bàn tay của Chúa, để được kéo lên con thuyền cứu độ là gia đình Giáo hội. Amen.

Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây