ISRAEL, GIẤC MƠ HÒA BÌNH

Thứ năm - 19/10/2023 20:44
Từ shalom là lời chào chúc thường trên môi miệng người Do Thái, có ý nghĩa: Chỉ một sự nguyên vẹn, đầy đủ (Gb 9, 4), hoàn thành một căn nhà (1V 9, 25), tái lập trật tự về trạng thái nguyên vẹn, làm nguôi lòng, giữ trọn lời hứa.
ISRAEL, GIẤC MƠ HÒA BÌNH


Israel, Giấc mơ hoà bình.



Từ shalom là lời chào chúc thường trên môi miệng người Do Thái có ý nghĩa: Chỉ một sự nguyên vẹn, đầy đủ (Gb 9, 4), hoàn thành một căn nhà (1V 9, 25), tái lập trật tự về trạng thái nguyên vẹn, làm nguôi lòng, giữ trọn lời hứa. Họ chào nhau như thế nhưng đến bao giờ mới có hoà bình thật sự hay chỉ một ước mơ không thể hoàn thành: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao.” (Tv 84, 11 – 12)

Hòa bình trong tâm thức người Do Thái thường hay mơ đến trong lịch sử là thời gian thịnh trị của Đavit và Salomon. Trong các Thánh Vịnh quân Vương, nhà vua được xác nhận là con Thiên Chúa, người được mang trách nhiệm dựng xây hòa bình và nền công chính. Dù có xem vua là người Thiên Chúa tuyển chọn, người Do Thái vẫn không bao giờ thần thánh hóa các vị vua của mình như vùng văn hóa lân cận Babylon, Ai Cập.

Hình ảnh vị vua mang tư cách Messia, là vua mang hòa bình đích thực, được lóe rạng trong niềm mong chờ của Israel. Messia đến từ con người trên trái đất, hòa bình là sự viên mãn của Nước Trời, như vậy niềm mong chờ được tiến triển thành hai giai đọan: Giai đọan thứ nhất, vị vua Messia đến để thành lập vương quốc gọi là nước của Đấng Messia; giai đoạn hai Nước Thiên Chúa, hòa bình viên mãn được thực hiện.

Đấng Messia đó là ai? Theo quan niệm người Do Thái, Đấng Messia trước hết là: “Con vua Đavit”. Đavit được nhắc đến như một ước mong lâu bền trong dân tộc. Thời gian thịnh trị của ông lại qua ngắn ngủi sánh với suốt dòng lịch sử Israel. Đavit thống nhất đất nước (1010 – 970), Salomon tiếp nối (971 – 933). Suốt dòng lịch sử niềm chờ đợi con vua Đavit trở lại hòan thành lời tuyên báo của tiên tri Nathan được ghi lại trong 2Sm 7, 1 – 17 và 1Sb 17, 1- 15: “Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng ngươi sẽ vững bền mãi mãi”. Những khi thăng trầm của lịch sử, khi làm thân nô lệ ước mong này lại bừng cháy.

Hòa bình viên mãn cứ rời xa, Hoàng Tử Bình An lại xuất hiện trong tâm trí, qua bao nhiêu thời, hết cuộc lưu đày này đến cuộc lưu đày kia, người Do Thái vẫn mong ngóng vị Hoàng Tử Bình An. Sự chờ mong đã đến nhưng lại không được nhận ra: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11). Vẫn khắc khoải chờ mong, người Do Thái chẳng còn được lưu lại trên xứ sở của mình. Những năm 70, Đền Thờ Giêrusalem bị phá hủy, dân Do Thái tản mác khắp nơi, lịch sử Đất Nước Israen bị xóa sổ trên danh sách các quốc gia trên thế giới.

Ở khắp nơi trên thế giới, họ chịu kết án là kẻ đã giết Chúa. Người Do Thái bị hạch hỏi mỗi khi trên đất Châu Âu tại các nước chịu sự hạn hán, mất mùa, dịch tễ…Mỗi lần tai ương là mỗi lần tội lỗi bị quy chụp cho người Do Thái. Niềm mong ngóng đọng lại trên câu chào chúc: “Sang năm về lại Giêrusalem”.

Liên tiếp trong lịch sử, dân Do Thái chiụ sự ngược đãi, ám ảnh nhiều nhất là những vụ Pogrom, theo tiếng Nga có nghiã là những vụ baọ động, phá phách. Pogrom đầu tiên xảy ra taị Kiev, rồi từ đó lan ra từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ quốc gia này đến quốc gia kia, những nơi có người Do Thái cư ngụ. Ông Chaim Weimann, vị tổng thống đâù tiên của Israel, trong cuốn “Naissance d’Israel (Gallimard) – 1957) nhắc laị những vụ bao loạn nhắm vào người Do Thái năm 1881 và năm 1903.

Rồi hơn sáu triệu người Do Thái bị diệt chủng tại nhiều nơi trong các trại giam của Hitler. Trong niềm tin “Ta sẽ quy tụ các ngươi khắp nơi vào một xứ sở. Ta sẽ làm nên một dân tộc độc nhất trong xứ sở đó… và chỉ có một vua là vua tất cả” (Ed 37, 21). Họ lúc nào qua mọi thời đại vẫn luôn xuất hiện những con người ái quốc, vận động những phong trào “Về lại Sion”. Theodore Herzl (sinh năm1860 - 1904), là một nhà báo yêu nước nồng nàn và rất đau xót trước những cảnh người Do Thái anh em mình bị kết những thứ tội không đâu, nhất là trong vụ án Dreyfus. Tại phiên toà 1894 ông nghe những người Pháp là những người văn minh cũng đã thốt lên: “Giết người Do Thái”. Câu nói ám ảnh ông suốt ngày đêm, năm 1895, ông viết cuốn “L’ Etat Juit – Quốc gia Do Thái”. Cuốn sách đánh động nhiều người Do Thái khắp nơi, với lời hiệu triệu “Không ai cho không bạn một quốc gia, bạn hãy tự cứu lấy”.  Từ ấy câu chào “Shalom – bình an” lại như thêm lửa nóng, cháy thêm những tâm hồn nhiệt huyết, họ quyết tâm trở về quê cha đất tổ.

Rồi nỗi nhớ về Sion không ngừng dâng lên sau những cuộc tàn sát đau thương trong những lò hơi ngạt của phát xít Đức. Họ hẹn nhau trong câu chào “Shalom” với ý nghĩa “Sang năm về lại Sion”. Họ hẹn nhau ở Sion, nhưng Sion ấy ở đâu, khi họ bị giết chết, nếu không phải là một “Sion” trên trời, Chúa đoái thương dân tộc của Người.

Hiểu được câu chào Shalom qua những đau thương, người Do Thái đã gom tiền mua lại những miếng đất bỏ không tại Palestine. Cuộc hồi hương (Exodus) bắt đầu theo nhiều đợt, các nhà tài giỏi gồm các chuyên môn, bỏ việc lương cao ở nước ngoài, họ về tái thiết lại vùng đất khô cằn trở nên miền đất trù phú. Ngày 14 – 5 – 1948, bản tuyên ngôn lập quốc được công bố tại quốc hội Israel do David Ben Gurion (1886 – 1973). Cả dân la hò như reo mừng ngày thắng trận năm xưa khi Môisê dẫn dân qua biển đỏ.

Tháng năm bình an được bao lâu, lúc nào Israel cũng phải chuẩn bị chiến tranh để có hoà bình. “Hòa bình, hòa bình nhưng chẳng có hòa bình chi cả (Gr 6,14). Israel cung cấp cho dân Palestine công ăn việc làm, bảo đảm điện nước cho dải Gaza, cung cấp những nhu cầu thiết yếu cơ bản cho dải Gaza, chỉ mong xây dựng hoà bình trên dải Gaza làm nền thái bình cho Israel. Nhưng tại đó họ cũng phải học thêm bài học cổ xưa: “Cả người bạn thân con hằng tin cậy. đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con !” (Tv 41, 10). Ở dải Gaza người dân đã chọn Hamas là người nắm quyền từ năm 2006. Trong cuộc chiến Israel – Hamas, phong trào Hamas đã lấy dân làm lá chắn không thể chấp nhận được. Đã có 4 lần giao chiến trước đây giữa Hamas và Israel.

Vào đêm ngày 07 tháng 10 năm 2023 vừa qua, quân Hamas tấn công bằng pháo và tràn vào Israel gây thương vong trên cả ngàn người, bắt cóc đi hàng trăm người. Ta chỉ thấy sự đau thương của một dân tộc mong ước hoà bình nhưng hoà bình vẫn vắng bóng, chỉ thấy trên sa mạc máu và nước mắt trong ước mơ bình an.

Nay cuộc chiến đang đẫm máu, những người dân vô tội vẫn chịu đau thương và mất mát thương vong. Có thể hoà bình chăng, giấc mơ ngày càng xa. Chia rẽ và hận thù ngày càng đau xót.

Ta hãy nguyện cầu câu chúc Shalom sớm thấy ngày thành tựu.


 

L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tác giả bài viết: L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây