CHÌA KHÓA VÀ THANH GƯƠM CỦA THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ

Thứ hai - 29/06/2020 17:55
Nhân ngày Bổn mạng Giáo họ Phê rô, có vài người đặt câu hỏi " Sao Thánh Phê rô cầm hai chìa khóa và Thánh Phao lô cầm thanh gươm?" . Nay xin gởi đến quý bạn đọc bài viết của cha Giuse Hoàng Kim Toan - TGP Saigon- (cha Giuse Hoàng Kim Toan từng là chủng sinh TCV Lê Bảo tịnh BMT; lớp Donbosco và Savio) để quý bạn đọc tham khảo thêm. BBT xin mạn phép cha Giuse được dăng bài viết này. trân trọng cảm ơn Cha
CHÌA KHÓA VÀ THANH GƯƠM CỦA THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ
CHÌA KHÓA VÀ THANH GƯƠM CỦA THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ

Chìa khóa và thanh gươm
Trên tay của tượng Thánh Phêrô thường cầm chiếc chìa khóa, còn tượng Thánh Phaolô thì cầm thanh gươm. Chìa khóa và thanh gươm mở ra đề tài thú vị để tìm xem.
Chìa khóa
Quyền: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy." (Mt 16, 19). Mở và đóng liên quan đến quyền bính của người giữ cửa, quyền đích thực của người chủ Nước Trời vẫn là Thiên Chúa. Như vậy, Phêrô cũng là người được mời gọi tham gia vào quyền bính của Thiên Chúa, mà quyền bính này là quyền bính thực thi trong nhân đức yêu thương như Thầy Giêsu đã yêu thương. Quyền để phục vụ chứ không để được phục vụ.
Phân cách. Chìa khóa liên quan tới việc phân cách bên ngoài và bên trong. Phân cách giữa cõi thiêng và cõi tục. Chìa khóa mở cửa để dẫn từ cõi tục bước vào cõi thiêng đó là mang hình ảnh của người mục tử. Trong lần hiện ra tại bờ hồ Tibêria sau ngày Phục sinh Chúa hỏi Phêrô: “con có yêu mến Thầy không” và Chúa bảo Phêrô: “con hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21, 15 – 18). Thánh Phêrô, người hướng dẫn đích thực được Chúa trao phó thực thi sứ mang của Chúa: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” (Ga 10, 16).
Hai chìa khóa. Một chìa vàng và một chìa bạc, tượng trưng cho ngày và đêm, biểu hiện cho người canh giữ toàn vẹn. Một chìa hướng lên và một chìa hướng xuống, ứng với trời và đất, cũng ứng với hai mặt thể xác và linh hồn. Thực thi lời Chúa dạy các môn đệ: “hãy cho họ ăn” (Lc 9, 13), của ăn phần xác và quan trọng hơn của ăn nuôi dưỡng linh hồn. Hai chìa khóa cũng mang dấu chỉ của những con người: “sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian” (Ga 17, 14 – 15), sứ vụ của Thánh Phêrô thật lớn lao, vừa là người nguyện cầu vừa là người bảo đảm tính chất nguyên tuyền Lời của Chúa được thực hiện trong trần thế để đạt tới Nước Trời.
Chìa khóa Nước Trời là chính Thánh Giá Chúa. Thánh Gioan kim Khẩu chia sẻ về chiếc chìa khóa vạn năng: “Cây Thánh Giá là hy vọng của các Kitô hữu, là sự sống lại của kẻ chết, là sự hướng dẫn cho kẻ mù, là cây gậy cho người què, là sự an ủi cho kẻ nghèo khổ, là sự kềm hãm của kẻ giàu sang, là sự hành hạ đối với kẻ xấu xa, là sự chiến thắng ma quỷ, là kẻ chỉ đạo cho người thanh niên, là bánh lái cho những người vượt sóng, là cửa biển cho những kẻ đi xa, là thành lũy cho những kẻ bị vây hãm”. Người cầm chìa khóa Nước Trời cũng là người mang lấy Thánh Giá Chúa để trả lời cho niềm hy vọng của nhân loại.
Chìa khóa của sự khôn ngoan. “Sự điên rồ của Thiên Chúa còn hơn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa còn mạnh hơn sức mạnh của loài người” (1 Cor 1:25). Chúa chọn người như Phêrô để làm đá tảng xây dựng Giáo Hội. Như cách thế Chúa vẫn dùng người: “vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11, 25) và lòng yêu mến Chúa là sự khôn ngoan đích thực để Thánh Phêrô được đặt làm trụ cột “Thầy biết, con yêu mến Thầy” (Ga 2, 15).

Thanh Gươm.
Chinh phục: Lưỡi gươm với đầu nhọn, có khả năng xuyên thủng nên nó cũng mang ý nghĩa của sự chinh phục. Lưỡi gươm đâm thủng mọi sự kiêu căng để trở nên con người khiêm hạ như Chúa Giêsu để trở nên tất cả cho mọi người.
Cắt đứt: Thanh gươm có khả năng cắt đứt, mang vai trò quyết định cho nên nó cũng tượng trưng chân lý hành động. Cắt đứt với tối tăm, gian tà, sự dữ bằng thanh gươm chân lý, Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; ” (Ep 6, 14 – 15).
Hiền minh. Trong văn hóa Nhật Bản thanh gươm biểu tượng đức hiền minh. Với vai trò của đức hiền minh làm sáng tỏ giáo lý lành mạnh, dẹp bỏ tối tăm, dục vọng, giống như hình ảnh của Monju ngự trên lưng con sư tử, tay cầm thanh gươm, đó là con sư tử đã bị thuần phục. Thánh Phaolô nói với Timôthê về việc bảo vệ giáo lý lành mạnh: “Lời truyền dạy đó phải nhằm đưa tới đức mến phát xuất từ tâm hồn trong sạch, lương tâm ngay thẳng và đức tin không giả hình.” (1Tm 1, 5) . Một giáo lý xuất phát từ Tin Mừng loại bỏ tất cả những gì là sai lạc, hoang đường, tội lỗi.
Lời Chúa: Thanh gươm còn biểu trưng cho Lời Chúa: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4, 12 – 13). Người cầm thanh gươm chiến đấu là người giữ chắc Lời Chúa để hành động và không còn sợ hãi nhờ “sự thật giải thoát” (Ga 8, 32).
Quyền năng Đấng Phục sinh: Thanh gươm của người chiến thắng thần chết, là chính Đức Kitô đã khải hoàn mà chính Thánh Phaolô cũng đã được Đấng Phục sinh mời gọi trở thành Tông đồ, như đứa con sinh non (1Cor 15, 8). Thế nên, Thánh Phaolô xác quyết “Chính Đức Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử. Thiên Chúa đã đặt tôi làm người rao giảng Tin Mừng đó, làm tông đồ và thầy dạy.” (2Tm 1, 10 – 11)
Chìa khóa và thanh gươm là hai biểu trưng sống ý nghĩa cuộc đời của hai Thánh Tông Đồ trụ cột của Giáo Hội. Một người bảo vệ và một người chinh phục giáo lý Tin Mừng của Chúa Giêsu Phục sinh qua các thời đại trong đức tin Giáo Hội tông truyền. Xin cho chúng con biết tiếp nhận Lời Chúa và sống mạnh mẽ như hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô.

L.m Giuse Hoàng Kim Toan 28 tháng 6, 2014 
 

2
 
1

Tác giả bài viết: L.m Giuse Hoàng Kim Toan 

Nguồn tin: www.facebook.com

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây