MÙA CHAY: MÙA CHÁY – MÙA CHẠY – MÙA CHẢY

Thứ bảy - 18/02/2023 04:57
Bố thí, cầu nguyện, ăn chay là ba việc làm trọng yếu mà Hội Thánh luôn nhắc nhở con cái mình thực hành vào mỗi dịp đầu Mùa Chay Thánh.
MÙA CHAY: MÙA CHÁY – MÙA CHẠY – MÙA CHẢY

 

MÙA CHAY: MÙA CHÁY – MÙA CHẠY – MÙA CHẢY

 

Bố thí, cầu nguyện, ăn chay là ba việc làm trọng yếu mà Hội Thánh luôn nhắc nhở con cái mình thực hành vào mỗi dịp đầu Mùa Chay Thánh. Thật vậy, Mùa Chay là Mùa Cháy bừng lửa bác ái qua các việc làm bố thí, yêu thương chăm sóc những người xung quanh, nhất là những người bé mọn đang cần được giúp đỡ; Mùa Chay là Mùa Chạy vào phòng đóng cửa lại để cầu nguyện, chạy vào lòng Cha thương xót vô bờ; Mùa Chay là Mùa Chảy lệ thống hối ăn năn, ăn chay hãm mình, luyện tập chiến đấu. Mùa Chay là mùa làm sống lại các mối tương quan: với tha nhân qua việc bố thí, với Cha trên trời qua việc cầu nguyện, và với chính mình qua việc chay tịnh. Tự bản chất con người là một hữu thể có tương quan. Con người không thể sống, tồn tại và phát triển mà không cần đến các mối tương quan. Ba mối tương quan: Tương quan với Thiên Chúa, tương quan với tha nhân và tương quan với chính mình cùng lớn lên và cùng hỗ trợ lẫn nhau. Nếu một trong ba yếu tố này bị thiếu hụt hoặc bị xao lãng, thì hai yếu tố còn lại sẽ bị ảnh hưởng. Như ba chân của một chiếc kiềng, ba chân đều cần thiết để chiếc kiềng có thể đứng vững, mỗi chân tựa vào hai chân còn lại. Mùa Chay là dịp thích hợp để quay về, làm mới lại các mối tương quan: với Chúa, với tha nhân, và với chính mình. Ba chiều kích này được diễn tả qua sáu đặc nét có liên quan tương hỗ lẫn nhau:

 

            (1) Không thể có tương quan với Thiên Chúa, nếu không có tương quan với tha nhân.  Nếu chúng ta khép kín lòng mình với tha nhân, tâm hồn chúng ta trở nên chai cứng bởi những xét đoán hẹp hòi, kết án, thù hận, ghen ghét… chúng ta không thể cảm nghiệm được lòng khoan dung, tha thứ của Thiên Chúa và lớn lên trong tình yêu mến Người, “Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38). Thế nên, việc từ chối tương quan, không biết yêu thương, thứ tha cho người khác, thì cũng là nhân tố làm cho tương quan của chúng ta với Thiên Chúa bị thương tổn nghiêm trọng.

 

(2) Không thể có tương quan với Thiên Chúa, nếu không có tương quan với chính mình. Không chấp nhận chính mình, nghĩa là, không nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Xét cho cùng, khi yêu thương chúng ta, Thiên Chúa không yêu một con người lý tưởng nào đó, một con người “phải thế này” hoặc “phải thế kia”. Người đón nhận chúng ta như chính chúng ta là. Chúng ta không thể đón nhận trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa, nếu chúng ta không chấp nhận chính mình. Tự coi mình kém cõi, tự ty, mặc cảm, coi khinh, ghét bỏ, không chấp nhận chính mình là trở ngại dẫn đến việc chúng ta không thể chấp nhận Thiên Chúa.

 

 (3) Không thể có tương quan với tha nhân, nếu không có tương quan với Thiên Chúa. Chúng ta sẽ kín múc được nguồn sức mạnh từ mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, và tha nhân. Thật vậy, nếu không có tương quan với Thiên Chúa, chúng ta sẽ khó có thể kiên nhẫn, tha thứ và thương xót đồng loại. Khả năng yêu thương của chúng ta sẽ bị suy giảm, nếu nó không thường xuyên được nuôi dưỡng bằng những lời cầu nguyện và các Bí Tích trong tương quan với Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch tình yêu. Tương quan với tha nhân luôn có nguy cơ bị dập tắt bởi sự nản lòng, thất vọng, thiếu cậy trông vào Thiên Chúa; và chỉ khi nào chúng ta có một niềm tín thác mạnh mẽ vào Thiên Chúa, chúng ta mới có thể có được lòng can đảm để bền tâm vững chí trong tương quan với tha nhân.

 

(4) Không thể có tương quan với tha nhân, nếu không có tương quan với chính mình. Nếu chúng ta không thể chấp nhận con người mình như chính nó là, thì sẽ dẫn đến biểu hiện tiêu cực như oán giận, xung đột, bất hòa, chia rẽ. Nhiều xung đột với người khác là phản ảnh của những xung đột trong chính con người chúng ta, bởi vì, khi chúng ta từ chối kiên nhẫn chịu đựng những khiếm khuyết của người khác, là vì chúng ta không chấp nhận những khiếm khuyết đó nơi chính mình. Nếu không hòa giải với chính mình, chúng ta sẽ làm cho người khác phải trả giá: vì những bất an bên trong chúng ta.

 

 (5) Không thể có tương quan với chính mình, nếu không có tương quan với Thiên Chúa.  Ai đóng kín lòng mình trước Chúa, sớm muộn gì cũng ghét bỏ chính mình. Vì lòng nhân hậu của Thiên Chúa và sự ân cần của Người là con đường chắc chắn nhất: dẫn chúng ta đến việc chấp nhận chính con người mình. Trái lại, loại bỏ Thiên Chúa dẫn tới sự thù nghịch với chính mình. Thực tế cho thấy rằng: con người thời nay rất mực khó khăn trong việc tương quan với chính mình. Chính vì thế, chúng ta thấy những cuốn sách tâm lý về sự phát triển cá nhân, lòng tự trọng, biết yêu thương chính mình... ngày càng được bày bán rộng rãi trong tất cả các nhà sách. Chúng ta chỉ cần gõ lên Google chữ lòng tự trọng (self-esteem), là chúng ta có thể nhận ngay hơn hai triệu kết quả.

 

(6) Không thể có tương quan với chính mình, nếu không có tương quan với tha nhân.  Khi chúng ta đóng lòng trước tha nhân, thì cũng là lúc chúng ta đóng lòng trước những gì tốt đẹp nhất đang dành cho chính mình. Chúng ta sẽ đánh mất những cơ hội được hòa giải với chính mình, khi chúng ta cứ giữ mãi mối thâm thù với người khác. Nếu chúng ta cứng rắn và khắt khe với tha nhân, thì chúng ta phải gánh lấy nỗi thống khổ đang dành sẵn cho chính mình. Ngược lại, nếu chúng ta quên mình để chấp nhận người khác, thì chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận bản thân mình. Khi chúng ta trao tặng cho tha nhân, là lúc chúng ta được nhận lãnh từ nơi họ.

 

Con người ngày nay gặp nhiều khó khăn trong việc tương quan với chính mình. Do bởi con người không thừa nhận mình là một thụ tạo của Thiên Chúa, một người con của Cha trên trời và là một tội nhân cần được cứu độ. Việc khước từ Thiên Chúa đi kèm với ảo tưởng cho rằng: tội lỗi sẽ được trừ khử, nếu như Thiên Chúa bị loại trừ, và như thế, con người sẽ được tự do và hạnh phúc nếu không có Thiên Chúa. Tuy nhiên, những ai nghĩ như vậy đã quên mất một điều: nếu không có Thiên Chúa, thì con người phải tự mình vác lấy sức nặng của thất vọng, khổ đau và thất bại trong mọi lãnh vực. Không có Thiên Chúa, sẽ không có lòng thương xót và tha thứ. Những ai không đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa, họ sẽ phải hư mất, và vô phương cứu chữa. Ngay cả một lực lượng các nhà trị liệu siêu phàm cũng không thể dạy chúng ta biết cách tự xoá tội mình. Lòng tự trọng phải được xây dựng trên niềm xác tín rằng: bất cứ điều gì xảy ra, chúng ta vẫn được yêu thương, chúng ta vẫn có khả năng để yêu thương; và chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể bảo đảm điều đó.

 

Cốt lõi nhân cách của con người hệ tại ở xác tín kép này: được yêu thương và có khả năng yêu thương. Cả hai đều cần thiết. Biết mình được yêu thương cách vô điều kiện, tự nó chưa đủ, nhưng mỗi người còn cần biết: chúng ta có thể yêu thương và trở nên quà tặng vô vị lợi cho người khác, nghĩa là, nhờ ơn Chúa, chúng ta có thể sinh hoa kết quả và trao tặng sự sống cho chính mình và cho người khác. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể bảo đảm hai xác tín này, bởi vì, chỉ một mình Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng một tình yêu hoàn toàn nhưng không, và cũng chỉ một mình Người cam đoan với chúng ta rằng: mặc cho những giới hạn nơi chúng ta, ân sủng của Người vẫn có thể kiến tạo trong tâm hồn chúng ta một năng lực thực sự để yêu thương, để có thể đón nhận và để sẵn sàng cho đi cách nhưng không như Người truyền dạy.

 

Ba mối tương quan: tương quan với Thiên Chúa, tương quan với tha nhân và tương quan với chính mình cùng nhau triển nở, nhưng ở mỗi thời điểm khác nhau, chúng ta có thể thấy điểm này cần được nhấn mạnh hơn hai điểm kia. Đôi khi, chúng ta cần phải gia tăng tương quan với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện nhiều hơn, tín thác vào Người nhiều hơn, mở lòng nhiều hơn trước ý muốn của Người và lắng nghe Lời Người chăm chú hơn. Nhiều lúc, tương quan với tha nhân cần được nhấn mạnh hơn: thực thi bác ái, rộng mở tấm lòng phục vụ tha nhân, giúp đỡ người nghèo khó nhiều hơn... Cũng có lúc, chúng ta phải dành ưu tiên tương quan với chính mình, khi chúng ta chấp nhận sự yếu đuối mỏng dòn của mình, đón nhận mình như chính mình là, thôi: không đau buồn, không dằn vặt, và không tự trách mình về những khiếm khuyết nữa. Chúng ta phải chú tâm lắng nghe những lời mời gọi của Chúa Thánh Thần và biện phân những ưu tiên mà Người mời gọi chúng ta ở mỗi thời điểm cụ thể trong cuộc sống của mình, nhất là trong Mùa Chay Thánh này. Ước gì chúng ta sống thật triển nở ba chiều kích: bố thí, cầu nguyện, và ăn chay qua việc nuôi dưỡng và làm mới lại các mối tương quan: với Thiên Chúa, với tha nhân, và với chính mình trong Mùa Chay Thánh này! Ước gì được như thế!

 

Tác giả bài viết: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây