NHỮNG NGƯỜI GIÀ TRÊN ĐƯỜNG THÁNH GIÁ

Thứ năm - 09/04/2020 22:04
Trong Tuần Thánh, chúng ta được chiêm ngắm con đường thập giá của Đức Giêsu, Chúa chúng ta. Đó là con đường đau khổ, gian nan và chết chóc. Chính Thiên Chúa chọn con đường đó để cứu độ mỗi người.
NHỮNG NGƯỜI GIÀ TRÊN ĐƯỜNG THÁNH GIÁ

Những người già trên đường Thánh Giá

 

Trong Tuần Thánh, chúng ta được chiêm ngắm con đường thập giá của Đức Giêsu, Chúa chúng ta. Đó là con đường đau khổ, gian nan và chết chóc. Chính Thiên Chúa chọn con đường đó để cứu độ mỗi người.

Nếu hiện diện với Đức Giêsu vác thập giá năm xưa, hẳn là chúng ta có thể thấy nhiều điều đã diễn ra. Có một đoạn phim mà Tin Mừng Luca “quay lại” cho chúng ta tại chặng thứ 8: Đức Giêsu gặp các phụ nữ ở Giêrusalem. Theo truyền thống Do Thái, họ là những người đứng tuổi, hoặc cao niên. Họ mang thuốc giảm đau đến cho những người bị hành quyết uống. Trong bối cảnh đó, họ đã gặp được Đức Giêsu.

Khi đang tìm cách giúp Đức Giêsu, thì chính những người này lại được Đức Giêsu an ủi và động viên. Đó là sở trường của Chúa Giêsu. Cuộc gặp gỡ ngắn gủi đó giúp cho nhóm người đứng tuổi và cao niên này nhận ra những điều thật lạ lùng nơi Chúa: “một thanh niên đang vác thập giá trao ban bình an cho người đang than khóc mình.” Chúng ta đều biết mấy tháng nay, Đức Giêsu vác thập giá cũng đang gặp biết bao nạn nhân của con virus Corona này.

Theo tổ chức Y Tế Thế Giới, người già là thành phần chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch này. Số là virus Corona tấn công trực tiếp đến đường hô hấp của con người. Người nhiễm virus sẽ suy hô hấp nhanh hơn đối với người có hệ miễn dịch yếu, có các bệnh nền mãn tính từ trước về tim và phổi. Theo giáo sư Paul Hunter, từ Đại học East Anglia: “Chất lượng của các kháng thể bạn tạo ra khi bạn 70 tuổi kém hơn rất nhiều so với kháng thể của bạn khi 20 tuổi.” Đó là một trong những lý do chính mà người già khó vượt qua, trước sức công phá của loại virus này. Chúng ta có thể hiểu tại sao các nước có dân số già như tại Ý hoặc Tây Ban Nha lại phải chịu hậu quả nặng nề từ đại dịch này.

Trên giường bệnh, những người già cần được chăm sóc đặc biệt. Đó là điều đương nhiên. Họ cũng cần Chúa Giêsu lúc này. Họ cần các linh mục trao ban những bí tích sau cùng. Họ cần được an ủi thiêng liêng. Biết bao tuyên úy bệnh viện, tu sĩ, giáo dân có cơ hội gần gũi với họ để động viên tinh thần. Qua lần gặp trực tuyến, online, những ông bà cụ thì thào với con cháu họ. Hẳn là họ mong nhận được những lời cầu nguyện. Con cháu cũng ước sao cha mẹ, ông bà họ tìm được bình an của Chúa trong thời khắc mong manh này. Thiên Chúa đã tìm mọi cách để dặn dò các bệnh nhân: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ.” (Mc 6,45–52). Hoặc, chính Đức Giêsu cũng khuyến khích họ: “Hãy vác thập giá cùng với Ta.” (Lc 9,22–23)

Có thể những lời thôi thúc của Đức Giêsu trên đây không làm người già bớt đau về thể xác, nhưng chắc chắn cho họ sức mạnh nội tâm. Dù trong hoàn cảnh nào, Chúa muốn họ bám chặt vào Chúa. Đó là điểm tựa an toàn. Chúa muốn họ tin tưởng nơi các y tá bác sĩ, những người đang thay mặt Chúa, chữa trị cho họ. Giả như thời khắc kinh hoàng có xảy đến, chính Thiên Chúa sẽ đón họ vào nơi yên nghỉ vĩnh hằng.

Ai trong chúng ta cũng mong muốn cho ông bà, cha mẹ mình được bình an, sống lâu cùng con cháu. Biết sao được khi đại dịch Corona đang trực tiếp tấn công vào thành phần cao niên. Trong những ngày này cùng với Đức Giêsu, chúng ta hãy cầu nguyện cho họ thật nhiều. Lời nguyện như những liều thuốc giảm đau, như những liệu pháp chữa trị thiêng liêng, để những ai đang đau đớn trên giường bệnh tìm được bình an.

Nói như Đức Giáo Hoàng Phanxicô hôm mùng 3 tháng 4: “Trong những ngày này, cha thường nghĩ về những người cô đơn; đối diện với những thời khắc thế này là điều khó khăn hơn đối với họ. Trên tất cả, cha nghĩ về những người già, những người mà cha rất thương yêu.”[1] Nhớ lại trong tông Huấn Chúa Kitô sống, chính ĐGH nêu lên tầm quan trọng của thế hệ lớn tuổi. Họ thực sự là cội rễ cho người trẻ. ? Nếu như những người trẻ quá bận tâm đến chính mình, thì người lớn tuổi có thể dạy rằng một người cảm thấy vui hơn khi cho đi thay vì nhận lại, và tình yêu đó không chỉ được bày tỏ bằng lời nói, mà còn bằng việc làm[2].

Kết thúc bài chia sẻ đó, ĐGH đề nghị:

“Hãy làm một cử chỉ âu yếm và quan tâm đối với những người đau khổ, với trẻ em và với người già.”

Thật tuyệt vời biết bao khi bạn chăm sóc, quan tâm đến những người lớn tuổi trong gia đình. Lúc này họ cần được nâng đỡ, nguyện cầu. Họ cần con cháu và cần Chúa. Xin đừng xem người già là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Chẳng phải chúng ta đang thừa hưởng những đóng góp của họ trong quá khứ đó sao? Cứ nhìn biết bao thiện nguyện viên đang đồng hành với người già. Các y tá bác sĩ đang vất vả bảo vệ sự sống mong manh của họ nơi bệnh viện. Và ít ra chúng ta có thể cầu nguyện dành cho những bệnh nhân, đặc biệt những người già; họ đang cận kề cái chết. Họ đang cần nhiều lời cầu nguyện của chúng ta, nhiều thật nhiều. Amen.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Thông điệp video của Đức Thánh Cha Phanxicô trong dịp Tuần Thánh 2020.

[2] Xem Tông Huấn Đức Kitô Sống, số 197

Tác giả bài viết: https://dongten.net/

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây