Cộng đoàn thân mến!
Trong những ngày đầu Xuân, sau khi gặp gỡ anh em bà con, bạn bè thân hữu, hầu hết ai cũng quan tâm và lo lắng về công ăn việc làm. Năm 2020 vừa qua có nhiều biến động, khi nhìn bức tranh kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid 19 của thế giới nói chung và đất nước Việt Nam cách riêng rất ảm đạm, mờ mịt.
Hôm nay mồng 3 tết Tân Sửu, giáo hội mời gọi chúng ta cầu nguyện xin Chúa chúc lành và thánh hoá công ăn việc làm!
Chắc hẳn mọi người đều nhớ bài thơ “Năm Mới Chúc Nhau” của thi sĩ Tú Xương ( Trần Tế Xương 1870-1907) sau khi chúc nhiều điều, thi sĩ đã có lời chúc đặc biệt:
“Bắt chước ai, ta chúc mấy lời,
Chúc cho khắp hết cả trên đời.
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước,
Sao được cho ra CÁI GIỐNG NGƯỜI!”
Tuy bài thơ mang tính trào phúng, nhưng lại đậm chất nhân văn. Cái cười của Tú Xương ngày xưa là lời than trách khi nhìn thấy xã hội thực dụng, không còn tình người. Con người chỉ thích hưởng thụ, chứ không muốn làm việc! Hôm nay hình ảnh dễ thương: “TRÂU ơi ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…” đang bị phai nhạt dần theo nền văn minh công nghiệp hoá hiện đại. Và có lẽ như một lời tiên đoán chính xác, vì rất trùng hợp với xã hội Việt Nam hôm nay. Bởi Việt Nam xuất phát là đất nước nông nghiệp với nền văn minh lúa nước qua hình ảnh thi vị: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Chông cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.” Cho nên Lao Động luôn là hồn sống của người dân Việt…!
Thưa Cộng đoàn! Kinh thánh đã dẫn chứng: vì tội Nguyên Tổ mà con người đã nhận án phạt: “Con người sẽ phải bươi đất nhặt cỏ, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất.”(St 3,19); con người phải lao động vất vả “ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để có của nuôi thân.
Vì thế, con người ngày càng có thêm kinh nghiệm khi lao động, biết quý trọng công sức lao động và nâng cao giá trị thiêng liêng của Lao Động. Cho nên Lao Động không phải là hình phạt mà là một hồng ân!
Xin chia sẻ với cộng đoàn 2 điểm như sau:
1/ LAO ĐỘNG là cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa:
Nữ tiểu thuyết gia Mỹ Louisa May Alcott (1832-1888) cảm nhận: “tôi tạ ơn Chúa! Vì Lao động luôn là sự cứu rỗi của tôi…”. Còn Tổng thống Mỹ Benjamin Franklin (1706-1790) thì thâm thuý: “người khôn ngoan là người yêu thích lao động, bạn muốn thành người hùng thì bạn hãy làm việc giỏi thay vì nói nhiều…”
Thưa cộng đoàn! Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta nhận ra quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa. Đỉnh cao của cuộc sáng tạo là dựng nên con người! Thiên Chúa tạo dựng mọi sự từ LỜI, biến không thành có. Điều đó cho thấy vẻ đẹp sinh động của Lao Động: “ Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc, làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng. Từ ruộng đất, họ kiếm ra cơm bánh, chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người,… nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ” ( Tv 104:14-15)
Vì thế Thiên Chúa mời gọi con người siêng năng lao động với sự sáng tạo. Ngày làm việc, đêm nghỉ ngơi. (Chúng ta phải tưới cà phê ban đêm cho kịp thời vụ) Ở đây muốn nói về khía cạnh tiêu cực là ai “ làm ngày không đủ, tranh thủ cày đêm” nghĩa là giáo hội nhắc nhở con người không nên “ cày đêm” vì lao động không phải là: cờ bạc thâu đêm; tham nhũng của công, làm ăn bất chính, buôn bán gian lận, cho vay nặng lãi, lừa đảo nhau… Cho nên Thiên Chúa đề ra luật lao động: “Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối, chốn rừng sâu, muông thú tung hoành. Tiếng sư tử gầm lên vang dội, chúng săn mồi, gào xin Chúa cho ăn. Ánh dương lên, chúng bảo nhau về, tìm hang hốc, chui vào nằm nghỉ. Đến lượt con người ra đi làm lụng, những mải mê tới lúc chiều tà” (Tv 104:20-23).
Khi lao động con người nhận ra công trình sáng tạo của Thiên Chúa, được làm bạn với thiên nhiên thật đẹp nên thơ, hùng vĩ, điều mà Thánh Vịnh thốt lên: “Kỳ diệu thay! Lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Lạ lùng thay! Muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 104:24). Hơn ai hết, khi lao động thánh Phanxico Assisi đã tạo ra mối tương quan thần linh với mẹ Đất, anh Mặt trời, anh Gió, anh Sao, chị Mặt trăng, chị Chết …,
2/ LAO ĐỘNG thánh hoá con người để biết chia sẻ cho tha nhân
Ta thường nghe nói: “ tay làm, hàm nhai; tay quai, miệng trễ”. Lao động để sống! Nhưng đó mới chỉ là duy trì sự sống thể lý. Là Kito hữu, chúng ta cần xác tín: lao động chân chính trong niềm tin phó thác sẽ được tài bồi cho sự sống tâm linh. Chính Đức Giêsu đã xác định: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ Lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4 ; Lc 4:4). Trái lại, ai lười biếng khi lao động với thái độ “nằm chờ sung rụng” thì thánh Phaolo đã răn đe: “ai không làm thì đừng ăn! Anh em hãy ở yên mà làm việc! (2Tx3,10-12)
Thưa cộng đoàn! Thực tế khi lao động trong bối cảnh xã hội hiện nay, chúng ta cũng vất vả, gặp nhiều khó khăn. Phải hoạch toán kinh tế, kế hoạch đầu tư, rồi phải lo lắng đủ thứ, nào là vật giá leo thang, nông sản rớt giá, tiếp cận thị trường; đầu ra đầu vào…, cũng vất vả lắm…
Bởi vậy, hôm nay chúng ta nhớ lời thánh Phaolo động viên: “Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của người. Những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:32-35). Muốn CHO thì phải CÓ, muốn CÓ thì phải LÀM. Chắc chắn Thiên Chúa muốn chúng ta lao động hết SỨC (lực) để xứng đáng có CÔNG (trạng)
Người ta nói: “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Mình tính không bằng trời tính. Người vô thần bị “ rớt nhịp” ở điểm này. Họ tự mâu thuẫn chính mình khi họ bảo không có Chúa, thế mà vẫn cầu trời, khẩn phật khi gặp “ sự cố”. Còn đối với chúng ta, hãy vui sống làm việc, vì “ không có Thiên Chúa thì chúng ta chẳng làm gì được” ( Ga 15:5)
Vì thế, bài Tin mừng hôm nay (Mt 25:14-30) đề cao công sức của lao động. Lao động để hoàn thiện chính mình, nhờ đó mà tích luỹ thêm kinh nghiệm sống. Hôm nay Chúa giao mỗi người: 5 nén, 2 nén, 1 nén! Chúng ta cứ bình an làm “ lời” theo khả năng của mình. Chúa cho chúng ta sự công bằng hợp lý! Vì mọi người đều bình đẳng, ai cũng có quỹ thời gian hoàn toàn bằng nhau: trong 1 năm/365 ngày. Vấn đề là chúng ta chỉ hơn nhau là dùng khoảng thời gian đó để làm gì. Và chúng ta có khả năng biết quan tâm chia sẻ “ cho” người khác hay không? Chúa biết rõ mỗi người, nên Ngài giao “ yến bạc” tuỳ khả năng mỗi người để sinh lời hay không. Chúa không muốn chúng ta “ tự ti mặc cảm” không chịu làm lời, vì như vậy chúng ta chối bỏ tình yêu của Chúa; Chúa cũng không muốn chúng ta “ tự tôn mặc cảm” khi làm lời, vì lúc đó chúng ta khinh thường quyền năng của Chúa.
Đầu năm mới vui xuân, nhưng chúng ta đừng quên xem lại “ vốn” của mình để có thể tính sổ với Chúa. Cầu chúc cộng đoàn trong năm mới 2021- được ông chủ Giêsu tính sổ và khen: “giỏi lắm, người đầy tớ của Ta hãy vào hưởng phúc lành… (Mt 25:30)
Đầu năm Tân Sửu, con xin mượn lời ca của người dân Đồ Sơn (Hải Phòng) trong dịp lễ hội “chọi trâu” chân thành kính chúc ông bà và anh chị em: “Ai ơi! Xin nhớ điều này: có ăn có chọi mới gọi là trâu”. Vì con trâu tốt là con trâu ăn khoẻ, làm khoẻ, và chọi cũng khoẻ!
Xin Chúa là mùa Xuân Vĩnh Cửu giúp chúng ta luôn “ KHOẺ” để hăng say lao động với “ số vốn” mà Chúa đã giao cho chúng ta. Cầu chúc cộng đoàn luôn VUI-KHOẺ trong ơn thánh, để sinh TRÂU VÀNG cho Chúa để chọi lại những quyến rũ thế gian, để cày những mảnh đất truyền giáo nơi giáo xứ thân yêu. Amen.
Lm Phanxico Salesio Trần Huy Huề. O.C
Mời xem hình tại đây