HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ LÝ TƯỞNG
LỜI MỞ
Vai trò của người giáo dân vô cùng quan trong trong việc sống và loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay, cách riêng những người thừa hành và cộng tác với các vị mục tử điều hành giáo xứ càng đặc biệt hơn, đó là những vị có chức sắc trong Hội Đồng Giáo Xứ (HĐGX). Vì vậy việc tổ chức xây dựng HĐGX cho vững mạnh, có hiệu quả trong vai trò và chức năng là cần thiết. Nhưng dường như cho đến nay, cơ cấu và hoạt động tuy có đa dạng, nhưng nội dung vẫn chưa mấy thay đổi. Trong khi các vị mục tử được đào tạo rất vững chắc, bài bản, thích nghi với thế giới hôm nay, thì HĐGX vẫn chưa được học hỏi và đào tạo “bài bản” để có đủ năng lực tham gia vào việc lãnh đạo trong sứ vụ quan trọng của mình. Do đó không giúp được cho các vị mục tử trong việc điều hành giáo xứ bao nhiêu, đúng với tinh thần của Công Đồng Vaticanô II đề ra trong “Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân”.
Quy Chế Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Tổng Giáo Phận TP. HCM 2015 định nghĩa: “Hội đồng Mục vụ Giáo xứ (HĐMVGX), theo thói quen gọi tắt là Hội đồng Giáo xứ, là cơ chế gồm những giáo dân thuộc giáo xứ được mời gọi và tuyển chọn để hợp lực cộng tác với linh mục chánh xứ trong việc quản trị giáo xứ, tổ chức và điều hành các sinh hoạt mục vụ, xây đắp tình liên đới và sự hiệp thông, giải quyết những vấn đề, giải toả những bất đồng, nhằm góp phần xây dựng giáo xứ thành một cộng đoàn tư tế phụng thờ Thiên Chúa, sống, làm chứng và loan truyền Tin Mừng, yêu thương và phục vụ cho sự sống và phẩm giá con người trong bối cảnh văn hoá xã hội ngày nay”.
Như vậy những giáo dân được mời gọi và tuyển chọn này có một chức vụ trong HĐGX, là những vị lãnh đạo để điều hành giáo xứ dưới sự chỉ đạo của linh mục quản xứ. Những giáo dân ưu tuyển này tất nhiên phải là những người trổi vượt về tài năng, về đức độ, như: “Có đời sống gương mẫu, phù hợp với giáo huấn và đường lối của Giáo Hội, không bị ngăn trở về Giáo luật; Có những đức tính nhân bản cần cho chức vụ, như tinh thần phục vụ, biết làm việc tập thể; Có năng lực cần cho chức vụ, như sức khoẻ, trình độ văn hoá, những kỹ năng chuyên môn…”(Điều 21).
Như vậy những vị được bầu vào HĐGX rất cần nhận thức đúng đắn về vai trò và chức năng của mình. Để chu toàn được nhiệm vụ đó, yếu tố cần và đủ để chu toàn sứ vụ là phải có đức độ và tài năng, cũng như tùy thuộc vào một số yếu tố khác.
Người lãnh đạo phải là người trổi vượt về những nhân đức tự nhiên cũng như siêu nhiên. Đó là người có đời sống gương mẫu, có gia đình êm ấm, thành công trong việc giáo dục con cái. Vì nếu lủng củng trong việc tề gia, thất bại trong việc giáo dục con cái, thì không xứng đáng là người tham gia vào việc quản trị Hội Thánh. Ngoài ra còn phải là người biết ăn ở đối xử với mọi người phải lẽ, trong sự trưởng thành về nhân bản. Hơn nữa phải là người có tinh thần dấn thân phục vụ, yêu mến và tuân phục Giáo hội.
Đó là xét chung, còn phải có những đức tính riêng của người lãnh đạo để điều khiển con người và điều hành công việc trong khi thi hành nhiệm vụ.
Theo tài liệu giảng dạy của Giuse Nguyễn Đình Mạnh Trường, Huấn Luyện Viên Cao Cấp của phong trào TNTT, thì những đức tính cần phải có trong vai trò lãnh đạo là:
1.Tự Trọng: Tự trọng ở đây là sự Ý thức trách nhiệm. Hiểu rõ trách nhiệm và sứ mệnh của mình và phải chu toàn trách nhiệm cách chu đáo, không trốn tránh, bỏ nửa chừng. Không ỷ lại vào người khác. Tự trọng còn có nghĩa là có tinh thần kỷ luật cho chính mình, luôn giữ đúng giờ đúng giấc nhằm tạo thêm uy tín trong việc lãnh đạo.
2.Tự Tin: Tin tưởng vào vai trò của mình, tin tưởng nơi sự quyết định của mình khi đặt quyền lợi chung lên trên quyền lợi cá nhân. Không lùi bước trước những khó khăn trở ngại.
3.Tự Chủ: Cần phải biết làm chủ chính mình, mà muốn được như vậy thì phải có được sự bình tĩnh, sáng suốt nhận định vấn đề, không để các ảnh hưởng khác xen vào trong các vấn đề đòi hỏi sự quyết định của mình.
4.Vui Tươi, Hòa Nhã: Luôn có một tâm hồn vui tươi, cử chỉ và cung cách hòa nhã, trong lời nói cũng như trong hành động. Không ai muốn gần người có cái khuôn mặt cau có, ăn nói thiếu hòa nhã và có những cử chỉ cộc cằn.
5.Khoan Dung Độ Lượng: Luôn đối xử với người chung quanh cũng như thuộc cấp với một tâm hồn khoan dung độ lượng, dễ tha thứ khi kẻ khác lầm lỗi. Không bắt bẻ, vạch lỗi và buộc lỗi. Một trái tim đầy tình thương và một tâm hồn đại lượng luôn luôn là liều thuốc hữu hiệu chữa mọi sự hiềm khích, buồn phiền.
6.Công Bằng Bác Ái: Công bằng trong tất cả mọi việc và cư xử với nhau trong tình bác ái huynh đệ. Công bằng trong vấn đề thưởng phạt; bác ái thương yêu và sẵn sàng giúp đỡ khi cần đến.
7.Bình Tĩnh, Sáng Suốt: Có bình tĩnh thì mới có được sự sáng suốt để giải quyết vấn đề. Người lãnh đạo luôn luôn cần có được sự bình tĩnh khi gặp những thử thách, những khó khăn gặp phải ngoài sự dự liệu trong lúc thi hành công việc. Bình tĩnh phân tích từng vấn đề và sau đó tìm giải pháp để giải quyết vấn đề.
8.Cầu Tiến: Luôn luôn tạo cơ hội để học hỏi thêm, trau dồi thêm kiến thức cho mình. Nên nhớ rằng khi bạn đứng lại tức là bạn đang đi lùi rồi đấy.
9.Khiêm Nhường, Phục Thiện: Người lãnh đạo cũng đòi hỏi phải có đức tính khiêm nhường, trong lời nói cũng như trong hành động. Thắng không kiêu, bại không nản. Biết nhận lỗi và phục thiện khi biết mình lầm lỗi.
10.Thành Thật, Gương Mẫu: Sự thành thật luôn làm cho người khác tôn trọng và kính phục. Nếp sống gương mẫu để cấp dưới noi theo.
II. TÀI NĂNG
Người lãnh đạo mà bất tài thì thật tai hại, sẽ làm rối mọi việc, không thể điều hành, chỉ đạo và lên kế hoạch hành động được. Vì vậy, người lãnh đạo bản thân phải có tài năng để “dụng nhân như dụng mộc”. Vì trong việc lãnh đạo, yếu tố con người là then chốt để thành công, dù ở phạm vi nào, nói cho đúng vẫn là lãnh đạo con người, vì chính con người mới làm nên sự việc, chứ sự vật vô tri vô giác thì cần gì phải lãnh đạo. Người lãnh đạo phải có con mắt nhìn được người, dùng được người, sắp xếp đúng người đúng khả năng, đúng nơi, đúng lúc, đúng việc, đúng tình huống… trong công bằng và hợp tình hợp lý, làm cho người thừa hành vui vẻ chấp thuận. Đó là cái tài của người lãnh đạo.
Ngoài ra người lãnh đạo cần có con mắt nhìn xa trông rộng, biết lường trước được những tình huống có thể xảy ra, biết lo liệu và đối phó với mọi bất trắc có thể gặp phải, và xử lý một cách khôn ngoan, ít di hại nhất cho công việc. Vì vậy, phải “Có năng lực cần cho chức vụ, như sức khoẻ, trình độ văn hoá, những kỹ năng chuyên môn” (Điều 21, số 3)
Về mặt lên kế hoạch để chỉ đạo cho hành động, người lãnh đạo cần phải biết soạn thảo kế hoạch hướng tới mục đích của công việc, trong đó có đủ những yếu tố không gian và thời gian cũng như tầm quan trọng của nó, mang tính dài hạn, trung hạn, ngắn hạn và đột biến.
Trong khoa quản trị gọi là:
– CHIẾN LƯỢC: Là kế hoạch dài hạn, nền tảng, vững chắc, xuyên suốt, bền bỉ, liên tục, không thay đổi
– CHIẾN THUẬT: Là kế hoạch trung hạn, có tính thời gian nhưng cần vững chắc, tuy linh động và có thể thay đổi phần nào tùy tình hình, hoàn cảnh, thời thế, nhưng không xa rời chiến lược.
– TÁC CHIẾN: Là kế hoạch ngắn hạn, tuỳ theo hoàn cảnh, tình hình. Nó có thể thay đổi nên mang tính cơ động. Nó hỗ trợ, củng cố cho chiến thuật.
– CHỮA CHÁY: Là có kế hoạch khi sự việc xảy ra bất ngờ, có sự cố, xảy ra đột biến, phải kết thúc càng sớm càng tốt vì nó thuộc cấp tính.
III. ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG
Từ trước đến nay, HĐGX thường chỉ làm việc theo mẫu hoặc thói quen sẵn có, mà công việc hầu như người bình thường, chỉ cần biết đọc chữ, cả nam lẫn nữ đều làm được. Như vậy vai trò và chức năng trong việc điều hành Cộng đoàn Giáo dân khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong khi HĐGX cần phải có kế hoặch vững bền, biết củng cố, xây dựng, phát triển và làm mới cho giáo xứ mỗi ngày về mọi măt.
Theo như Quy chế HĐGX của phần lớn các Giáo phận, HĐGX không phải là “cánh tay nối dài” của cha xứ (thụ động thừa hành), mà là những vị được tham gia giữ vai trò lãnh đạo trong việc quản trị Giáo hội theo chức năng của nó, về mặt tổ chức và điều hành giáo dân, cho các Ban và Hội đoàn. Dù là thừa hành và phải được sự chấp thuận của linh mục quản xứ, nhưng nó có tính độc lập trong tính chất điều hành và quản trị, so với quyền hành trong việc mục vụ của linh mục quản xứ.
Chính vì vậy, người tham gia trong HĐGX cần phải nắm vững vai trò của mình, cũng như biết phương hướng, phương pháp làm việc thật vững vàng và đúng đắn. Muốn được như vậy thì các chức sắc rất cần được học hỏi, đào tạo một cách chính quy. Sau đó vẫn cần những khóa “bồi dưỡng nghiệp vụ” để làm mới, nâng cao và bổ sung cho những khiếm khuyết khi thi hành nhiệm vụ. Đó là “Quyền được huấn luyện, bồi dưỡng qua tĩnh tâm, học hỏi, nhằm nâng cao năng lực phục vụ” (Điều 19, số 1)
Bản “Quy chế HĐMV Giáo Xứ” đã phát hành tùy theo các Giáo phận, trong đó khẳng định tính thiêng liêng và quy định vai trò, nhiệm vụ chung và riêng của những thành phần tham gia HĐGX, nhưng ít vị đã đọc và nắm vững. Còn điều khó khăn là, dù có đọc cũng chẳng biết làm gì hơn, nếu không được hướng dẫn học hỏi và đào luyện, và phải được hệ thống hóa một cách cụ thể trong tổ chức khi thi hành nhiệm vụ.
Do đó:
– Cần có một tập sách đầy đủ chi tiết cụ thể về “hướng dẫn thi hành Quy Chế HĐGX”. Tập này làm tài liệu chính để đào tạo, cũng là một giáo trình cơ bản cho việc đào tạo nhân sự. Trong đó có đủ chương mục, như quản trị, quản lý, soạn thảo văn bản hành chính, thuyết trình, giao tế nhân sự…
– Song song với giáo trình này, còn học môn “Nhân Bản Kytô Giáo”, rất cần cho người phục vụ trong Giáo hội.
– Cũng như môn “nghệ thuật lãnh đạo” cũng cần có trong chương trình học, trong đó trình bày về tài và đức của người lãnh đạo, về đắc nhân tâm, về các kỹ năng…
– Để bớt thời gian, chuyển một số môn về cho các cha trong giáo xứ giảng dạy.
– Tòa Giám Mục lập ra một Ban Giảng Dạy, ngoài các linh mục, tu sĩ chuyên môn, cần cả người giáo dân có trình độ chuyên ngành cũng nên cộng tác vào việc giảng dạy.
– Quy định những tiết học, sau đó thi tốt nghiệp ra trường và được nhận “Chứng Chỉ” do Tòa Giám Mục cấp.
Những khóa đào tạo mang tính bài bản, có bài học và kiểm tra như một lớp học chính quy chuyên ngành (kể cả thực tập), ở cấp Giáo phận hoặc Giáo hạt. Nếu dài hạn thì chia ra nhiều lần, mỗi lần một số ngày, còn ngắn hạn là bồi dưỡng ít ngày. Mọi chi phí tài chính (ăn ở) thì Giáo xứ nào cũng có thể tìm nguồn để lo liệu được. Hiện nay có lẽ mới chỉ có những khóa bồi dưỡng mang tính tâm linh, tĩnh tâm (chứ không phải nghiệp vụ, trường lớp) tại các Giáo hạt, Giáo phận, chứ chưa có khóa đào tạo chính quy.
Như Điều 10, số 5 quy định: “Kết hợp với chương trình huấn luyện HĐMVGX của Giáo phận, lo liệu việc huấn luyện và bồi dưỡng các thành viên HĐMVGX về phương diện thiêng liêng, nhân bản, chuyên môn, nhằm nâng cao năng lực làm việc tập thể và hoàn thành sứ vụ phục vụ. Tổng Giáo phận tổ chức khóa huấn luyện HĐMVGX cho các Giáo xứ” (Quy Chế HĐMVGX.TGP. TP. HCM 2015).
IV. HƯỚNG TỚI LỚP TRẺ
Từ trước đến nay, phần lớn những vị trong HĐGX đều là người lớn tuổi, nên có hiện tượng “lão hóa” trong cơ cấu. Hơn nữa phần lớn lại là người không có điều kiện học nhiều, thường không quen làm việc bằng trí óc, nên dễ bảo thủ, làm việc không có kế hoạch, thiếu khoa học, theo cảm tính. Vì vậy hệ thống điều hành trong Hội Đồng có nhiều ách tắc, không hiệu quả, làm trì trệ cho tổ chức Cộng đoàn Giáo xứ. Giáo Hội kêu gọi “những người giáo dân ưu tú về chuyên môn, khôn ngoan và đức hạnh, trợ giúp các vị mục tử với tư cách chuyên viên hoặc cố vấn” (Phụ trương 2, số 4).
Như ai cũng biết, tuổi trẻ ngày nay có học nhiều hơn, rất năng động, nhiệt huyết, sáng tạo, cầu tiến, có tầm nhìn, được tiếp cận với nền khoa học về mọi mặt, nhất là khoa học về tổ chức, là yếu tố quan trọng để xây dựng cơ cấu Giáo hội và xã hội.
Chính vì vậy cần ưu tiên cho lớp trẻ (trung bình là tuổi trung niên), mời họ tham gia trong tổ chức HĐGX và Giáo họ. Chính họ là nhân tố chủ lực trong tổ chức xây dựng cơ sở, chỉ dưới quyền những vị lãnh đạo lão thành có đủ năng lực và đức độ. Như: “Đối với Ban Thường vụ, từ 30 đến 70 tuổi, nam hoặc nữ. Có thể cứu xét trường hợp đặc biệt. Đối với các uỷ viên, tuỳ hoàn cảnh, có thể mở rộng hạn định tuổi” (Điều 21, số 5).
V. DÙNG NHÂN TÀI
Nhân tài được hiểu là người có năng lực, thường là người có học từ phổ thông trở lên, nhưng cần hiểu rằng đây cũng là người có đức độ nữa. Đây là lớp người tương đối trẻ, là lực lượng cốt cán trong xã hội và Giáo hội. Nếu thống kê, sẽ thấy rằng, trong mỗi giáo xứ con số này (từ phổ thông cho đến hết đại học) không phải là ít (kỹ sư, bác sĩ, quản trị, kinh tế, kỹ thuật, sư phạm, nghệ thuật, khoa học các ngành…). Nhưng thật trớ trêu, những người này hầu như đứng ngoài cuộc trong nhiều tổ chức tôn giáo, cụ thể là trong cơ cấu HĐGX. Tất nhiên có lý do riêng của nó (như bận làm ăn), nhưng điều này có lẽ do họ không được quan tâm chứ không phải vì họ có ý tách biệt.
Xét theo lẽ thường, người có tài đức thường họ có lòng tự trọng khá cao, do đó nếu không được người có quyền trân trọng mời tham gia cộng tác, họ sẽ chẳng có ý kiến gì vì lòng tự trọng không cho phép họ “bon chen” như nhiều người khác.
Một lý do thực tế nữa, là người có tài đức thường không mấy giàu có, mà não trạng xưa nay trong việc bầu bán chức vụ trong HĐGX thường chọn những người gọi là có điều kiện, hiểu rằng là người có nhiều tiền của, với mục đích hiểu ngầm là ủng hộ, bỏ tiền chi tiêu cho những việc chung, những việc đình đám, lễ – tết, mừng, lì xì, khao, đãi… Điều này có ích nhưng lại tai hại xét về mặt tinh thần. Như vậy người nghèo mà có tài đức thì không thể và không dám tham gia, nếu não trạng chú trọng về vật chất còn tồn đọng. Và như thế tính chất phục vụ Giáo hội theo tinh thần của Đức Kitô bị hiểu méo mó đi, làm cớ cho người khác phê phán, vấp phạm.
Điều này khắc phục chẳng khó khăn gì, vì HĐGX nào cũng có quỹ chung, chỉ cần củng cố quỹ đó để chi tiêu cho các hoạt động là đủ, không nên để vị nào trong HĐGX phải nặng gánh vì tài chính. Thật không ổn trong khi người phục vụ đã hy sinh bỏ thời giờ, bỏ công sức, tâm huyết, tài năng ra phục vụ Giáo hội lại phải bỏ cả tiền của nữa thì thật “bất hợp lý”. Vấn đề này thật đáng tiếc, uổng phí cho những người tài đức có tâm huyết phục vụ Giáo hội mà phải đứng ngoài cuộc. Điều này cần được quy định rõ ràng bằng văn bản và công khai.
VI. SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN HIỆN ĐẠI (Công nghệ thông tin)
Ngày nay, năng suất và hiệu quả làm việc dựa trên phương pháp khoa học và phương tiện hiện đại. Vì vậy, để làm việc mưu cầu lợi ích cho cộng đoàn Giáo xứ, mang tính đồng bộ, tính phát triển trong cơ cấu Giáo hội trần thế, thì mỗi Giáo xứ cần có văn phòng làm việc theo hành chính, để các ban ngành, hội đoàn và mọi giáo dân có thể đến liên hệ công việc khi cần thiết. Văn phòng cần có dụng cụ làm việc như mọi văn phòng khác (tủ hồ sơ, bàn làm việc, kệ sách..). Trong văn phòng có điện thoại, hộp thư email để liên lạc, trao đổi thông tin khi cần thiết; Có máy in, máy photocopy để in và phát hành những tài liệu văn bản quan trọng. Đặc biệt hơn, rất cần máy vi tính kết nối internet, ngoài việc liên lạc, thông báo, soạn thảo văn bản, còn để lưu trữ tài liệu và quản lý toàn bộ hồ sơ văn phòng (Quản lý nhân sự, quản lý tài chính, quản lý tài liệu…)
Trong giáo xứ, nhiều con em học chuyên ngành về tin học hoặc công nghệ thông tin, nên dễ dàng nhờ các em đó cài đặt các chương trình, hướng dẫn cho những vị chưa có dịp sử dụng vi tính và làm việc trên mạng. Thực ra lớp trẻ hôm nay hầu hết đều biết sử dụng máy vi tính (Computer), điện thoại thông minh (Smartphone), Máy tính bảng (tablet)… Do vậy HĐGX cùng với HĐGH nên có một kênh thông tin riêng (Website, Forum, mạng xã hội: Facebook, Twitter… ) để liên lạc, thông báo, báo cáo, trao đổi… với nhau trong công việc nội bộ cũng như chung của Giáo xứ.
Ngay trong gia đình, lớp trẻ và các con em của những phụ huynh trong giáo xứ đều có thể sử dụng máy vi tính khá tốt, nên có thể nhờ người trẻ hoặc con cháu giúp đỡ nếu các vị chưa kịp làm quen với nó. Vì nhu cầu học tập hầu hết gia đình nào cũng sắm cho con em đầy đủ phương tiện này.
HĐGX cũng cần có trương mục tiết kiệm hoặc tài khoản ngân hàng để bảo đảm và thuận tiện cho việc quản lý tài chính trong tổ chức.
Xét ra vấn đề dùng phương tiện hiện đại để làm việc phục vụ Giáo hội trong Giáo xứ không có gì gọi là “bất khả thi” cả.
VII. NHIỆM KỲ
Về nhiệm kỳ của HĐGX chỉ nên giới hạn hai nhiệm kỳ chứ không “vô hạn” với lý do: Hiện nay tại nhiều nơi, đa số các vị trong HĐGX là những người lớn tuổi (từ 60, 70 và hơn nữa), nên bị hạn chế về nhiều mặt. Chính vì do tuổi tác mà, nếu làm hai nhiệm kỳ phải mất 8 năm, một khi kéo dài như vậy thì sức sống, sức bật, nhiệt tâm nhiệt huyết, sự thích nghi và sáng tạo không còn nữa hoặc bị sa sút rất nhiều (do thói quen, sự chai lỳ). Có những nơi có vị làm nhiều nhiệm kỳ, nghĩa là kéo dài mấy chục năm, thì sự thụ động và trì trệ trong tổ chức HĐGX xảy ra rất trầm trọng. Lúc này, tuổi trẻ không còn cơ hội phát huy tài năng để cống hiến cho Giáo hội , và không còn động lực và sức hấp dẫn lớp trẻ khác gia nhập, làm cho tổ chức thiếu sinh lực, xảy ra “hội chứng lão hóa” trong cơ cấu hoạt động của Giáo hội. Mặt khác, trong Hội Đồng có sự ỷ lại, không sẵn sàng và không có ý hướng chuẩn bị cho những lớp kế thừa. Đa số trong việc bầu cử chỉ theo thói quen là bầu cho những ai quen biết, hoặc cho người thích “hăng hái” làm việc, chứ không ý thức về việc chọn lựa bỏ phiếu cho người có tài, có đức.
Thực tế còn cho thấy, cha quản xứ ít xem xét đến “lý lịch” nhân sự được đề cử mà chỉ thông qua báo cáo của HĐGH, càng không có “giấy mời” để trực tiếp “phỏng vấn” chọn lựa, để nâng đỡ, khích lệ, kêu gọi người có tài đức ra phục vụ. Vì vậy các cử tri rất thụ động, trốn tránh tham gia bầu cử, cho rằng bầu hay không cũng thế thôi, giống như “đảng cử dân bầu” ngoài xã hội vậy .
VIII. ĐỀ CỬ VÀ BẦU CỬ
Có những nơi việc đề cử và bầu cử vào HĐGX đã được sắp đặt sẵn, vấn đề bỏ phiếu chỉ là hình thức của thủ tục mà thôi. Điều này nó không còn ý nghĩa và đúng với tinh thần của việc bầu cử dân chủ mang tính chọn lựa người tài đức, nó làm lệch lạc trong sự nhận thức đúng đắn của người cầm lá phiếu trên tay.
Hơn nữa tình trạng xảy ra với một số nguyên nhân còn tồn đọng, cần được khắc phục:
– Không có kế hoạch lâu dài để chuẩn bị cho lớp kế thừa.
– Đề cử qúa ít người nên sự chọn lựa trở thành việc đã có kết quả.
– Việc bỏ phiếu có ít cử tri tham gia, họ thụ động do nghĩ rằng người được đề cử cũng là người trúng cử chứ đâu cần bầu cử.
– Còn tình trạng tiêu cực trong sự đề cử và bầu cử, như vận động ngầm không chính đáng, chú trọng đến người giàu có, ưu tiên cho người hăng hái cuồng nhiệt chứ không chú trọng về đời sống nội tâm, nhân bản.
– Người trúng cử làm tiệc khao đãi ăn mừng (rửa chức) như một quan chức ngoài xã hội.
Để khắc phục, việc đề cử và bầu cử cần được chuẩn bị trong một kế hoạch từ xa đến gần. Cha quản xứ nên là người chỉ đạo cho kế hoạch này, giáo dục giáo dân ý thức trong việc bầu cử, giảng giải cho mọi người biết thế nào là tài, là đức của con người phục vụ Giáo hội. Cần nghiên cứu trước lý lịch những người sắp được đề cử theo sự chỉ đạo của cha xứ với Ban Thường vụ HĐGX. Cha quản xứ cần gặp gỡ để dẫn dắt, huấn đức trong tinh thần nâng đỡ, động viên những người được đề cử.
Đề cử phải có ít là một nửa số người bị loại thì mới công bằng và mới dễ chọn lựa, cũng như trước đó phải in và gửi phiếu bầu cử (có danh sách đề cử) đến từng nhà.
Muốn cho việc bầu cử được nghiêm túc, đúng đắn, xứng với tầm quan trọng của nó, thì chính cha xứ phải là Trưởng Ban bầu cử, chủ tịch HĐGX là phó, Ban Thường vụ HĐGX là các ủy viên bầu cử, trực tiếp điều hành cuộc bỏ phiếu. Như vậy sẽ mất thời giờ và công sức nhưng kết quả thật tốt lành, nghiêm túc, đúng đắn. Mọi cử tri và người trúng cử sẽ hân hoan đón nhận, cảm nhận được đây là sự chọn lựa có Chúa Thánh thần dẫn dắt, trong một sứ mạng thiêng liêng cao quý.
KẾT
HĐGX là một tập thể cốt cán, ưu tuyển của một giáo xứ, chính nhờ Hội đồng này mà cơ cấu Giáo hội địa phương được vững chắc, hiệu quả trong việc “loan báo Tin Mừng”, như Công Đồng II khẳng định: “Người giáo dân phải được đánh giá như cộng tác viên đích thực trong sứ mệnh duy nhất của Giáo Hội là cứu độ mọi người”. Vì vậy, một giáo xứ có phong phú, có sinh lực, phát triển, tiến bộ… hay không chính là nhờ HĐGX là phần lớn, vì nguyên chỉ mình cha xứ cũng không thể điều hành nổi giáo xứ nếu không có người giáo dân cộng tác.
Vai trò và chức năng của mỗi thành viên trong chức vụ của HĐGX là rất quan trọng, nó là tác nhân và hệ quả trong sự phát triển cộng đồng giáo xứ. Vì vậy họ phải là người xứng đáng trong chức vụ xét về cả tài năng và đức độ. Ngoài ra họ cần được đào tạo và huấn luyện về mọi mặt xứng với chức vụ đã lãnh nhận, như Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân – Apostolicam Actuositatem – nói: “Ngoài việc huấn luyện về đời sống thiêng liêng, còn phải huấn luyện vững chắc về giáo lý, ngay cả về thần học, luân lý, triết học tùy theo tuổi tác, hoàn cảnh và khả năng. Cũng không thể coi thường việc giáo dục văn hóa tổng quát cũng như đào tạo về kỹ thuật và thực hành”. Đó là bổn phận và quyền lợi để chu toàn sứ mạng trong việc Loan Báo Tin Mừng của Tông Đồ Giáo Dân.
Thánh Gioan Maria Vianey, bổn mạng các cha xứ, nói: “Nếu một linh mục quản xứ tầm thường thì giáo dân tội lỗi, một linh mục quản xứ bình thường thì giáo dân tầm thường. Nếu muốn giáo dân nên thánh thiện thì linh mục quản xứ phải là con người đại thánh”. Lời này có thể áp dụng cho Hội Đồng Giáo Xứ cũng không phải là quá đáng, vì họ là những người lãnh đạo, thông phần và cộng tác với các vị mục tử trong việc quản trị, tổ chức, điều hành giáo xứ trong mục vụ và Loan Báo Tin Mừng.
Hàn Cư Sĩ
Tham khảo chính: Quy Chế HĐMVGX – TGP – TP. HCM 2015
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)
Tác giả bài viết: BBT Trang Tin GXCS
Nguồn tin: dongten.net:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn