VỀ LỊCH CÔNG GIÁO VÀ THƯ CHUNG

Thứ năm - 01/09/2022 10:10
VỀ LỊCH CÔNG GIÁO VÀ THƯ CHUNG

VỀ LỊCH CÔNG GIÁO VÀ THƯ CHUNG

 

●Francis Assisi Lê Đình Bảng

 

Nếu chỉ khiêm tốn coi báo chí như là những văn bản có nội dung thông tin liên lạc được in ấn và phổ biến thì Công Giáo Việt Nam đã có những hoa trái đầu mùa từ rất sớm, ngay từ buổi hừng đông thế kỷ XVII, khi đạo Chúa chính thức được rao giảng ở Đàng Ngoài, thời Chúa Trịnh (1627). Theo giáo sĩ Đắc Lộ, năm 1629, trong hoàn cảnh bị cách ly, sơ tán giữa đoàn chiên và chủ chiên, một nhóm Thầy giảng và bổn đạo ở Thăng Long đã nảy ra sáng kiến in lịch Công giáo (chữ Nôm trên mộc bản)1, ghi chép các Chúa nhật, lễ trọng, lời bảo về luật giữ chay-kiêng thịt-bố thí trong năm, kể cả những bài giảng, gửi đi khắp nơi cho ai nấy chuyền tay nhau mà đọc, đặng giữ đạo cho nên2. Cũng theo Đắc Lộ tường thuật trong tác phẩm Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, từ năm 1640 đến 1659, các giáo sĩ và bổn đạo Đàng Trong đã gửi về Tòa Thánh những tờ trình, tờ biểu và thư từ viết về tình hình truyền giáo, cùng bày tỏ lòng khát khao được lĩnh nhận bí tích Thêm Sức, để bền đỗ đức tin. Chính trong tình hình này, cũng đã xuất hiện Thư Chung với nội dung là những lời khuyên dạy, an ủi về đường thiêng liêng lấy ra từ Phúc Âm hoặc ý lễ mừng kính các Thánh trong tuần. Bổn đạo sao chép ra nhiều bản và chuyền cho nhau đọc riêng từng nhóm hoặc quy tụ nơi chung, chỗ đông người3. Nói đến Lịch Công giáo4 và Thư Chung (còn gọi là Thư Luân Lưu, Thư Mục Vụ) là nói đến ấn bản (Nôm hoặc Quốc ngữ) của các đấng bản quyền giáo hội địa phương (Giám mục) – trong điều kiện hầm trú ngặt nghèo – gửi các linh mục, tu sĩ và giáo dân trực thuộc. Nội dung không những đề cập đến những vấn đề: mục vụ phụng vụ quanh năm (Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, Tuần Thánh, Phục Sinh, Chầu Lễ…) mà còn có cả những nhận xét, ý kiến, lời khuyên khá phong phú và gần gũi với đời sống xã hội như giáo dục, sách vở, phong tục tập quán (quan hôn tang tế, cúng kiếng, giỗ chạp, ăn uống), thời vụ mùa màng (Tết nhất, lễ hội, nông tang, chăn nuôi, gặt hái, lũ lụt, mưa gió, đê điều v.v…) –. Thư mục thuộc dạng văn bản này nhiều vô kể. Nếu tổng hợp, dễ đến hàng chục nghìn trang). Như một pho bách khoa toàn thư, chứ chẳng chơi. Đại để, chúng tôi ghi nhận sơ lược vài bản sau đây, ở những thời điểm trước và sau khi có Báo Chí Công Giáo ở Việt Nam.

Thư Chung Địa phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội 1679- 1924), ở Quyển I (nhà in Kẻ Sở, 1924, 436 trang), gồm 55 Thư Chung, mà đa phần là của Giám mục P. M. Gendreau Đông (1892-1935); phần còn lại là của Giám mục P.A.Retord Liêu (1840-1858), Giám mục C.H.Geantet Khiêm (1858-1861), J.S.Theurel Chiêu (1866-1868) và P.F.Puginier Phước (1868- 1892). Quyển II tổng thuật Thư Chung của các Giám mục cai quản địa phận Tây Đàng Ngoài, từ Giám mục Pallu (1659-1679) đến Giám mục Puginier Phước, tất cả là 12 Giám mục.

  • Thư Chung Địa phận Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng 1679-1924), gồm hai quyển (Nhà in Kẻ Sặt 1903, 654 trang).
  • Thư Chung Địa phận Trung Đàng Ngoài (Bùi Chu 1848- 1924) gồm ba quyển, tổng hợp Thư Chung của các của các Giám mục địa phận Trung Đàng Ngoài (1849-1902), các Thư chung của riêng Giám mục Munagorri Trung (1907-1936) và các Thư Chung của Giám mục Dom.Hồ Ngọc Cẩn (1936-1948), nhà in Phú Nhai đường.
  • Thư Chung của các Giám mục địa phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn 1844-1940); địa phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn, 1844-1924), địa phận Bắc Đàng Trong (Huế, 1850, 1924).
  • Thư Chung của các Giám mục địa phận Kontum (1933- 1940): M.Jannin Phước và J.Sion Khâm, P. Seitz.
  • 04 Thư chung của Giám mục J.P.Marcou Thành, Phát Diệm, Thanh Hóa (1924-1932).
  • 70 Thư Luân Lưu của Giám mục GB Nguyễn Bá Tòng, Phát Diệm (1933-1949).
  • 96 Thư Luân Lưu (Vox Clamantis) của Giám mục Tađêo Lê Hữu Từ, Phát Diệm (1945-1954).
  • Các Tâm Thư của Tổng Giám mục Huế, Phil.Nguyễn Kim Điền (1975-1988).
  • Các Tâm Thư của Tổng Giám mục Sài Gòn (1975-1995).
  • Các Thư chung của Hội Đồng Giám mục Việt Nam (1960-2008).

Phân tích kỹ toàn bộ thư mục trên, có thể nhận ra khá rõ nét về hình hài và hồn vía của những bản tin, có thể đã là những tờ báo muôn sắc màu, cung bậc. Người đọc vừa nhìn được về diễn tiến trong suốt những chặng đường truyền giáo, đồng thời được sống lại chuỗi cảm xúc dạt dào ở mỗi tầng bậc ký ức lịch sử, tôn giáo. Những người và việc ấy, tưởng như xa lắc xa lơ. Thật ra vẫn ngồn ngộn tươi rói tính thời sự ngày nay về mọi lĩnh vực đạo đời; có khi còn nhiều dự báo về tương lai nữa. Tiếc thay, chiến tranh ly loạn cùng nhiều hệ lụy dun dủi từ nhiều  phía, kho tư liệu quý hóa trên chẳng còn lưu giữ được bao nhiêu. Dù sao, một số nội dung cơ bản sau đây, cũng đáng cho người đời sau là chúng ta quan tâm, nghiên cứu, phát huy như là di sản đức tin, văn hoá rất đáng trân trọng:

  • Thành lập các đoàn hội Công giáo; cổ vũ các sinh hoạt đạo đức, thiêng liêng.
  • Rao sắc phong chân phước các thánh Tử đạo Việt Nam.
  • Lời khuyên, chăm sóc dạy dỗ trẻ em trong gia đình. Đạo nhất phu nhất phụ.
  • Khuyến khích mở trường dạy đạo, dạy chữ Nho, quốc ngữ, chữ Pháp, quốc sử, cửu chương, văn sách, thi phú, toán pháp.
  • Cổ vũ và hướng dẫn việc biên soạn, in ấn và phát hành rộng rãi kinh sách.
  • Đào tạo giáo sĩ bản quốc.
  • Trân trọng phong tục tập quán bản xứ.
  • Lắng nghe và đối thoại với những người chưa tin.
  • Giải đáp thắc mắc thường gặp của lương dân.
  • Huấn luyện Thầy giảng, giáo phu v.v…5

 

Xin trưng dẫn sau đây một vài trích đoạn từ Thư Luân Lưu Mùa Chay Cả năm 1939 của Đức Thầy Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn, Giám mục địa phận Bùi Chu gửi các linh mục cùng giáo hữu “khắp cả địa phận ta”. Mỗi lần đọc là nhớ như in vào trí khôn vì ngẫm nghĩ rất lý sự, vừa đạo đức lại vừa văn vẻ, xuôi tai...

 

“Ớ anh em rất yêu dấu,

Nay đã đến Mùa Chay Cả, là mùa cải quá tự tân, là mùa hãm mình đền tội. Vì không nghĩ đến Mùa Chay Cả là mùa cải quá tự tân, nên cứ dầm dìa đắm theo nữu cửu. Ai xưng tội chịu lễ mặc ai, mình cứ dần dà nay mai sẽ tính. Ôi, ngày mai có phải ở trong tay ta chăng? Người quân tử ngoại giáo còn nói rằng: “Triêu bất tất mộ – Sống mai chưa chắc sống chiều, sao rày không liệu, dám liều để mai?”. Vậy, ớ anh em, hãy kíp liệu việc linh hồn; chớ để dần dà ngày qua tháng hết. Mệnh sống người đời như ngọn đèn giữa giời trống gió, khi đã tắt, không còn trông đốt lại. Sống đã theo một con đường, chết thường cũng đi theo một nẻo. Cây xiêu hướng nào sẽ ngã hướng ấy… Vì chưng biết và tin mình có linh hồn, tức nhiên biết lo cho phần rỗi, chẳng dám lười biếng trễ tràng”.

Đối với chức việc hàng xứ, Thư Luân Lưu viết:“Ví như trong việc đời có tổng, lý, hương hào, kỳ mục hợp ý với quan trên để lo cho dân an nước thịnh thì trong việc đạo đức có các quan viên là chánh phó trương, trùm chánh, trùm phó chủ ý tùng quyền và hợp nhất cùng các đấng linh mục mà chăm sóc đoàn chiên, để cho trong xứ cùng trong mỗi họ trên thuận dưới hòa, làm cho danh Cha cả sáng, giúp người ta về đàng rỗi linh hồn. Làm quan viên trong đạo, không phải để ngồi trốc ăn trên, cũng không phải để hưởng quyền cao việc lớn. Người vô đạo chưa biết Chúa cầm quyền thưởng phạt, không biết có phúc họa đời sau, miễn sao cho đầy bao nặng túi, chẳng sá gì câu ích kỷ hại nhân. Song kẻ làm quan viên trong đạo thì đạo lý đã tinh thông thì phải lấy chữ đạo mà sống: đạo, đức, nhân, hiền, thanh liêm, chân chính, ấy là tư cách một quan viên trong đạo.

 

Về hôn nhân, gia đình, Thư Luân Lưu nhắc nhở:Xưa nay đã lắm tích lôi thôi, đôi bạn vừa kết duyên niềm nở, chưa bao lâu đã duyên nhạt tình phai, hết mến hết yêu, giở ra tinh yêu tai quái: chồng theo gái, vợ theo giai, hai người bỏ nhau đi hai ngả; hoặc vợ bỏ đi, để chồng một mình như chim thất ngẫu; hoặc chồng bỏ đi, để vợ vất vơ như kẻ góa chồng. Có đôi bạn tuy không bỏ nhau, song ở với nhau như người thù nghịch: chồng đánh vợ như tên tớ mạt, vợ chửi chồng như đứa phàm phu... Ấy là tại mẹ cha tham tiền tham bạc, nhẹ dạ cả nghe lời nịnh nọt huê tình… Ấy là vì con cái mê sắc tham tài, sắc vốn hay phai, tài thường dễ hết. Thương nhau vì sắc, hễ sắc nhạt thì tình phai. Mến nhau vì tài, hễ tài suy thì nghĩa tận. Lại có nhiều đôi thương nhau vì tình dục, cha mẹ chưa biết chưa hay, mà mình đã bắt tay kết ước, vội hẹn hò mai trước, những gắm ghé bướm ong”.

Còn phận riêng mỗi người có thì có tuổi, Thư Luân Lưu khuyên dạy: “Từ lúc ấu thơ đến tuổi thanh niên, ấy là như ngày rằm mà tới: mặt giăng càng tới càng già, càng ngày càng khuyết. Sức lực tài năng con người cũng thế. Thuở bé thơ dễ răn dễ bảo. dạy thưở lên ba. Lúc già cả gần mả gần mồ, phải dọn mình để qua kiếp khác. Còn tuổi thanh niên là thời kỳ bay nhảy, bởi khí huyết phương cường, nên phải gò cương hãm khớp, kẻo bay quá chừng mà lạc, nhảy quá bước mà sai… Hỡi mấy ông gìa bà lão, cớ sao Chúa để cho tuổi già khòm lưng sấp mặt xuống đất? Ấy là cho mình được nhớ đã gần đất xa giời. Cớ sao đến tuổi già không còn cao phi viễn tẩu, không còn khỏe cánh mạnh vai để xuống đồng lên chợ? Tuổi xuân đã không nghĩ, đến già cũng chẳng biết suy, khi nhắm mắt phải quy chốn nào? Ắt là phải về chốn hỏa hào, trầm luân kiếp kiếp. Ở đấy, dù hết răng cũng phải nghiến, dù hết tiếng cũng phải than.

 

“Nghiến răng, than khóc giót đời,

Xuân đã bất trị, già thời nan y”6.

 

Với nội dung bao quát đạo đời và hình thức in ấn, phát hành rất riêng, các sản phẩm trên ắt phải thua xa sách báo và niên lịch Công giáo ngày nay về nhiều mặt. Nhưng ít ra, bằng vào những gì có được, chúng đã là một sự kiện đánh dấu việc thông tin mang tính đức tin và văn hóa trong nội bộ những cộng đoàn người Công giáo Việt Nam trên suốt những chặng đường lịch sử truyền giáo. Phải chăng, đây là một truyền thống rất đặc thù của Hội Thánh Công Giáo ở Việt Nam, chỉ thấy có trong đời sống của dân Chúa Việt Nam mặc dù phải tương kế tựu kế để duy trì, phát triển và tồn tại trước nhiều thử thách, cấm cách gian nan. Không lạ gì, suốt chiều dài lịch sử rao giảng và đón nhận Tin Mừng mấy trăm năm về sau và cả ngày nay, truyền thống hiệu quả và vững chắc ấy vẫn cứ mãi là truyền thống theo cấp số nhân. Lịch Công giáo, các bài giảng quanh năm và các ấn bản có nội dung giáo huấn, tu đức, phụng vụ, kinh sách, nguyện ngắm vẫn đều đặn trăm hoa đua nở. Vừa là phương tiện thông tin liên lạc giữa các thành phần dân Chúa nắm bắt được tình hình Hội Thánh, lại vừa nối kết họ lại với nhau nên một cộng đồng hiệp thông. Thậm chí, những văn bản trên còn trở thành vật thiêng bất ly thân, thành của nuôi linh hồn các tín hữu. Từ nhà riêng đến nhà chung, từ nhóm họp gọi tam gọi tứ ngoài đồng áng, phố chợ cho đến nhà hội, quán cư, nhà thờ, nhà dòng. Từ rỉ tai chuyện vãn tình cờ đâu đó cho đến những phiên chầu lễ sầm uất, thánh thiêng với những gánh hàng bồ dong ruổi tứ xứ thập phương. Đức tin và lòng đạo của người Công giáo Việt Nam – qua những ấn bản còn thô sơ, thủ công, vụng về thuở trước hoặc sách báo mỹ thuật hiện đại ngày nay – cứ mưa dầm thấm lâu, cứ từng bước lan tỏa ra nhanh nhạy đi vào các ngõ ngách. Không kém gì một bản tin hay một tờ báo, một quyển sách best-seller ngoài thị trường chữ nghĩa. Sức sống của những văn bản ấy là Thánh Linh, là Lời Chúa, là lương thực mỗi ngày mà người con Chúa hằng tụng niệm ở cửa miệng, hằng suy đi nghĩ lại trong lòng để vận dụng vào đời sống, chứ không phải những sự việc giật gân chiều theo thị hiếu thường tình. Nhận định về giá trị của loại văn bản này, linh mục Vinc. Nguyễn Hưng viết: “Loại văn kiện này trước đây thường được soạn bằng chữ Nôm, có tính đại chúng. Nó là kho tư liệu rất phong phú về mọi mặt, giúp người  ta hiểu được quá trình lịch sử của Hội Thánh Việt Nam qua dòng thời gian, đồng thời nắm bắt được khá nhiều thông tin cần thiết về thời sự, về tư tưởng, tình cảm và cả về ngôn ngữ văn tự”7.

Chúng tôi trộm nghĩ và dự cảm, phải chăng, đây như là những thể nghiệm bước đầu mang tính tiên tri, như tiếng anh mõ Gioan tiền hô trong hoang địa, dọn đường cho lễ sinh nhật ngày mai đang đến thật gần của Báo Chí Công Giáo Việt Nam (1908) vậy. Và hình như thấp thoáng đâu đó, người ta cũng đã bắt gặp nỗi trăn trở đầy bức xúc ấy trong chất chồng những trăn trở khôn nguôi của Phaolô Nguyễn Trường Tộ (1827-1871), bậc thức giả Công giáo vốn nặng lòng ưu thời mẫn thế về công cuộc canh tân đất nước, qua văn bản Trần Tình và Tế Cấp Bát Điều8: “.. Cần ấn hành một tờ nhật báo để đăng tải các chiếu chỉ, sớ, dụ, những việc làm của những đấng bậc có tiếng tăm, những công vụ quốc gia hiện thời cho học sinh đọc để biết công việc trong nước. Đó cũng là một lợi ích lớn (lợi ích ấy rộng rãi như mưa móc thấm nhuần)”9.

Nhưng phải đợi trên dưới 40 năm sau sự kiện mở màn của tờ Gia Định, làng báo Việt Nam mới rộn ràng chuyển động: Sài Gòn với Nông Cổ Mín Đàm (Causeries sur L’Agriculture et le Commerce, 1901); Nhật Báo Tỉnh (Le Moniteur des Provinces, 1905); Lục Tỉnh Tân Văn (1907); và Hà Nội với Đại Việt Tân Báo (1905); Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo (1907). Trong đó, đặc biệt có tuần báo Nam Kỳ Địa Phận (Semaine Religieuse SaiGon, 1908), cơ quan ngôn luận đầu tiên và chính thức của Công giáo Việt Nam góp mặt. Nói theo Phạm Quỳnh, thời kỳ 1865-1908 quả là thời kỳ phôi thai của báo chí Việt Nam và những người làm báo trong giai đoạn này có thể tự hào đã đóng vai trò một nhà giáo dục quần chúng, một người hướng dẫn hay một “sứ đồ”10. Phải chăng, cùng với ngọn lửa nhiệt tình truyền giáo, các giáo sĩ phương Tây cũng đã đem vào đất nước này những thành tựu của khoa học kỹ thuật, của văn minh cơ khí, trong đó có máy in, nghề in, nghề viết báo, làm báo. Nhờ đó đã sớm hình thành đội ngũ những nhà báo tiên phong đi ra từ nhà thờ họ đạo hoặc trực tiếp từ các toà soạn tự trị, xưởng in, hiệu sách Công giáo. Họ xứng đáng đứng vào hàng ngũ những người làm báo tiền phong ở nước ta, cụ thể từ 1865 đến 1945: Petrus Ký, Paulus Của, Gilbert Chiếu, Cadière, Nguyễn Văn Vĩnh, Hồ Tấn Đức, Lê Văn Đức, Hồ Ngọc Cẩn, Đông Bích, Nguyễn Bá Tòng, Phaolô Qui, Lê Thiện Bá, Đoàn Kim Hướng, Paul Vàng v.v...

 

 

 

 

Chú thích:

  1. Trong sách Dư địa chí, Nguyễn Trãi ghi nhận trước năm 1425, phường Yên Thái (làng Bưởi, Hà Nội) đã làm giấy sách. Nghề in sách xuất hiện sớm hơn, từ đời Lý, Trần (thế kỷ XI, XII), như các Kinh Phật. Lương Nhữ Học quê Lục Hồng, Hải Dương đỗ tiến sĩ năm 1442 đã được nhà vua giao cho sứ mạng sang Trung quốc học hỏi nghề in. Ông chiêu mộ và đào tạo một số người học nghề ở Liễu Tràng (Hải Dương). Về sau, họ đã trở thành những thợ in, chiếm độc quyền về việc in sách trong nước.
  2. Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài. Bản dịch Việt Ngữ của Hồng Nhuê. Tủ sách Đại Kết 1994, tr. 160.
  3. Sđd, tr. 140.
  4. Sách chép về các phép. Giám mục Hilario de Jesus, địa phận Đông Đàng Ngoài và Lịch Sử của Địa phận Đàng Trong bên Bắc, từ năm thứ III Thành Thái, Nhâm Thìn (1892) đến năm XV, Quý Mão (1903). Nhà in Nazareth, Hồng Kông, 1903.
  5. Một số Thư chung. Tư liệu riêng của Nhóm Nghiên cứu Hán Nôm Công giáo, 1997.
  6. Đức Giám Mục Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948). Thư luân lưu, nhà in Bùi Chu, 1939. Đọc kỹ và ngẫm ngợi từng câu chữ, rõ ràng tác giả Thư Luân lưu xứng danh một nhà tu đức đạo hạnh, một nhà văn hóa uyên bác, với văn phong của một nhà thơ, với bút lực có thừa tính thời sự của một nhà báo. Tác giả là cây viết chủ lực của Nam Kỳ Địa Phận, Vì Chúa, Đa Minh bán Nguyệt san, Sacerdos từ 1913 đến 194 Xin tham khảo Miền Thơ Huấn Ca trong tổng tập Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công Giáo Việt Nam của Lê Đình Bảng, đã xuất bản năm 2009.
  7. Thư Mục Hán Nôm Công giáo Việt Nam. Tham luận tại cuộc tọa đàm về Văn hóa Công giáo Việt Nam tại Tòa Tổng Giám mục Huế, tháng 10-2000, do Ủy Ban Giáo dân – Hội Đồng Giám mục Việt Nam tổ chức.
  8. Cho tới đầu tháng 5-1863, Nguyễn Trường Tộ đã thảo xong văn bản, làm thành một kế hoạch hoàn chỉnh gửi lên triều đình Huế. Tế cập luận bàn về các việc cần làm ngay để canh tân, tự lực tự cường, phát triển đất nước. Gồm Giáo môn luận, Thiên hạ đại thế luận.
  9. Trương Bá Cần. Nguyễn Trường Tộ: Con người và Di thảo. NXB TpHCM 1988, tr. 24-25.
  10. La Presse Annamite. Nam Phong tạp chí số 107, Juillet 1926. Huỳnh Văn Tòng, Lịch sử Báo chí Việt Nam, NXB Trí Đăng, Sài Gòn 1973, tr. 69.

Tác giả bài viết: Lê Đình Bảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây