TÊRÊSA CALCUTTA : NGƯỜI PHỤ NỮ VĨ ĐẠI (1910–1997)

Thứ hai - 22/01/2018 14:50
“Người nghèo không cần chúng ta thương hại, họ cần tình yêu và sự thông cảm. Họ cho chúng ta nhiều hơn là chúng ta cho họ.”

Ngày 27/8/1910 : Mẹ Teresa ra đời với tên khai sinh là Agnes Gonxha Bojaxhiu tại Skopje, lúc đó là thủ phủ của tỉnh Kossovo Vilayet thuộc Đế quốc Ottoman; nay là thủ đô Cộng hòa Macedonia, là con út của một gia đình đến từ Shkodër, Albania.

1950 : Mẹ thành lập dòng Thừa sai Bác ái tại Kolkata (tức Calcutta, Ấn Độ).

1979 : Mẹ được trao giải Nobel Hoà bình.

Ngày 05/9/1997 “ Mẹ Teresa từ trần.

Ngày 19/10/1997 : Mẹ Teresa được Giáo Hoàng phong Thánh vì những công việc cao đẹp đã thực hiện khắp nơi trên thế giới.

“Trong lịch sử hơn 100 năm trao giải, Nobel Hòa bình đã được trao cho rất nhiều cá nhân và tổ chức có những nỗ lực và đóng góp to lớn vào việc duy trì và phát triển nền hòa bình thế giới. Thế nhưng, trong số những người đã được trao giải Nobel Hòa bình thì phụ nữ chiếm rất ít, những cá nhân đang hoạt động trong một tổ chức tôn giáo nào đó lại càng hiếm. Nữ tu Teresa Calcutta hay còn gọi là Mẹ Teresa là một trong những phụ nữ hiếm hoi đó.

Không chỉ người theo đạo Thiên Chúa gọi bà là Mẹ. Những người nghèo ở Ấn Độ gọi bà là Mẹ Teresa bởi tình yêu thương và sự gần gũi của bà dành cho họ. Khi những việc làm của bà dành cho người nghèo không còn dừng lại ở Ấn Độ mà mở rộng ra các nước khác, Mẹ Teresa thành Calcutta là tên gọi thân mật mà mọi người trên thế giới gọi bà. Những nỗ lực của người phụ nữ nhỏ bé ấy làm cho những con người bệnh tật, nghèo đói to lớn đến mức người ta coi bà là một vị thánh ngay khi bà còn sống. Tạp chí Time trong một lần bầu chọn những nhân vật quan trọng nhất thế kỉ 20 đã chọn Mẹ Teresa là một trong những người quan trọng nhất.
Mẹ Teresa, tên thật là Agnes Gonxha Bojaxhiu, sinh ngày 27 tháng 08 năm 1910 tại Albania trong một gia đình Thiên Chúa giáo. Cha của Mẹ Teresa đột ngột qua đời lúc bà 8 tuổi, bỏ lại gia đình trong cảnh khó khăn về tài chính. Thế nhưng, mặc cho cuộc sống có vô vàn khó khăn, thân mẫu của bà vẫn nuôi dạy các con chu đáo và lấy cuộc sống của mình làm tấm gương sáng tác động đến nhân cách của các con.

Khi 12 tuổi, cô bé Agnes Gonxha Bojaxhiu cảm nhận được một sức mạnh mãnh liệt mà cô cho là “tiếng gọi của thượng đế”. Agnes biết rằng mình phải nhận lấy một sứ mệnh làm lan tỏa tình yêu của Thiên Chúa. Khi 18 tuổi, Agnes rời khỏi gia đình ở Skopje và gia nhập dòng tu Loreto – một chi dòng nữ tu của Ailen. Sau khóa huấn luyện ngắn ở Dublin, Agnes được gởi đến Ấn Độ, nơi cô được cử hành nghi lễ khấn lần đầu tiên (một nghi lễ bắt buộc của các nữ tu Thiên Chúa giáo), chính thức trở thành một nữ tu và đổi tên thành Teresa (phỏng theo tên của Thánh nữ Theresa Lisieux). Từ năm 1931 đến năm 1948, Mẹ Teresa dạy học cho một trường trung học ở Calcutta, nhưng những người bệnh tật và nghèo khổ đang sống lay lắt bên ngoài cánh cổng tu viện đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nữ tu ấy, để rồi năm 1948, Mẹ nhận được sự chấp thuận của bề trên rời khỏi dòng tu để sống tận tụy giúp đỡ cho những người cùng khổ trong thành Calcutta. Dù không hề có bất kỳ một trợ cấp nào, Mẹ vẫn mở một trường học ngoài trời cho trẻ em sống trong khu ổ chuột.

Một ngày năm 1949, cô học trò cũ giàu có tìm đến với Mẹ. Trút bỏ hết phấn son và trang sức trên người, cô bé quyết tâm xin theo cùng Mẹ Teresa phục vụ người nghèo và bị bỏ rơi. Mẹ Teresa chấp nhận và lấy tên cũ của mình – Agnes để đặt cho cô gái. Từ đó, số người đến xin theo Mẹ tăng dần lên. Mẹ bắt đầu thành lập dòng nữ tu Thừa sai Bác ái với 12 nữ tu đầu tiên dưới sự chấp thuận của Đức Giáo hoàng ngày 07/10/1950. Dòng Thừa sai Bác ái có nhiệm vụ chính là yêu thương và phục vụ người nghèo.

Dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ đã lan rộng ra khắp thế giới, cả liên bang Xô viết cũ và các nước Đông Âu. Họ giúp đỡ những người cùng cực trong xã hội ở một số quốc gia của Châu Á, Châu Phi và Châu Mĩ La tinh. Họ vệ sinh, chăm sóc cho những người đang hấp hối vì bão lụt, bệnh dịch, đói khát và tị nạn để họ bớt đau đớn trước khi mất. Mẹ cũng có nhiều nhà ở Nam Mĩ, Châu Âu và Châu Úc dùng để chăm sóc cho những bệnh nhân AIDS, vô gia cư và nghiện rượu.

Dòng Thừa sai Bác Ái trên toàn cầu được tài trợ và giúp đỡ bởi các cộng sự – sau này trở thành một hiệp hội quốc tế chính thức vào ngày 29/03/1969. Đến năm 1990, dòng có hơn 1 triệu cộng sự đến từ hơn 40 quốc gia. Cùng với các cộng sự này, dòng Thừa sai Bác ái cũng noi gương tinh thần của Mẹ Teresa và sống theo tinh thần đó ngay trong gia đình họ.

Việc làm của Mẹ Teresa được cả thế giới công nhận và khen ngợi, Chính phủ Ấn Độ đã trao tặng Mẹ giải Padmashree và vào năm 1965 Đức Giáo hoàng Paul VI đã đặt Dòng tu Bác ái trực tiếp dưới sự kiểm soát của tòa thánh. Đức Giáo hoàng cũng đề nghị Mẹ Teresa mở rộng dòng tu sang các quốc gia khác ngoài Ấn Độ. Năm 1971, Đức Giáo hoàng Paul VI tặng Mẹ Teresa giải Hòa bình Giáo hoàng John XXIII cao quý. Năm sau, chính phủ Ấn Độ trao tặng Mẹ Teresa giải thưởng quan trọng: Jawaharlal Nehru. Năm 1979, Mẹ Teresa được trao tặng giải Nobel Hòa bình, giải thưởng quốc tế được kính trọng nhất cho tất cả những nỗ lực của mẹ dành cho những con người nhỏ bé, bần cùng trong xã hội.

Dẫu vậy, cho đến khi mất, gia tài duy nhất của Mẹ chỉ có một chiếc áo vải thô trắng viền xanh đơn giản mà Mẹ đã mua với giá 1 đồng và tấm lòng thương người bao la. Mẹ từ trần vào ngày 05 tháng 09 năm 1997 sau hơn 50 năm phục vụ những người khốn cùng, để lại sự mất mát không chỉ cho riêng người dân Albania hay Ấn Độ, mà cho toàn nhân loại.

“Về huyết thống, tôi là người Albania. Về quốc tịch, tôi là người Ấn Độ. Về tôn giáo, tôi là một nữ tu Công giáo. Nói về tiếng gọi của cuộc đời, tôi thuộc về thế giới. Về trái tim, tôi thuộc trọn vẹn về Jesus".

Tác giả bài viết: Đan Thanh tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây