BÀI GIÁO LÝ THỨ 7 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VỀ THÁNH LỄ: KINH VINH DANH VÀ LỜI NGUYỆN NHẬP LỄ (THE COLLECT).

Thứ hai - 22/01/2018 09:08
Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ bảy của ĐTC Phanxicô về Thánh Lễ, được ban hành ngày 10 tháng 1, 2018 tại Đại Sảnh Phaolô VI ở Vatican. Hôm nay ĐTC giải thích về Kinh Vinh Danh, và đặc biệt là về ý nghĩa của Lời Nguyện Nhập Lễ (The Collect)

“Nguyện xin phụng vụ trở thành một trường dạy cầu nguyện đích thực cho tất cả chúng ta”.

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ bảy của ĐTC Phanxicô về Thánh Lễ, được ban hành ngày 10 tháng 1, 2018 tại Đại Sảnh Phaolô VI ở Vatican. Hôm nay ĐTC giải thích về Kinh Vinh Danh, và đặc biệt là về ý nghĩa của Lời Nguyện Nhập Lễ (The Collect) và giây phút im lặng trước Lời Nguyện này: “Với lời mời ‘Chúng ta hãy cầu nguyện’, vị linh mục khuyên nhủ dân chúng cùng hồi tâm với ngài trong một lúc im lặng để ý thức rằng mình đang ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa và mỗi người nói lên trong lòng mình những ý chỉ riêng mà với chúng họ tham dự Thánh Lễ…. Nếu không có phút im lặng này, chúng ta có nguy cơ bỏ qua việc hồi tâm của linh hồn”. Ngài kết luận rằng các Lời Nguyện này chứa đầy ý nghĩa, và chúng ta có thể suy niệm chúng ngoài Thánh Lễ để “học cách hướng về Thiên Chúa ra sao, cầu xin gì, sử dụng những lời nào” vá gọi phụng vụ là “trường dạy cầu nguyện đích thực cho tất cả chúng ta”.

 

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong các bài Giáo Lý về việc cử hành Thánh Lễ, chúng ta đã thấy rằng cử chỉ sám hối giúp chúng ta lột bỏ những tự phụ của mình và trình bày trước mặt Thiên Chúa thực trạng của mình, ý thức rằng mình là những người tội lỗi và hy vọng được ơn tha thứ.

Chính từ cuộc gặp gỡ giữa cảnh khốn cùng của con người và lòng thương xót của Thiên Chúa đưa đến lòng biết ơn được bày tỏ trong kinh “Vinh Danh”, “một bài thánh thi rất cổ kính và đáng kính, trong đó Hội Thánh, tập trung trong Chúa Thánh Thần, ca ngợi và nài xin Đức Chúa Cha và Con Chiên” (Quy Chế Tổng Quát về Sách Lễ Rôma, 53).

Lời mở đầu của bài thánh thi này - “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời” - tiếp tục bài hát của các Thiên Thần khi Chúa Giêsu ra đời ở Bethlehem, lời loan báo vui mừng về vòng tay ôm ấp giữa trời và đất. Bài hát này cũng liên quan đến việc chúng ta tụ tập trong cầu nguyện: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Sau kinh “Vinh Danh”, hoặc, khi không có kinh ấy, thì ngay sau cử chỉ sám hối, kinh nguyện có một hình thức cầu nguyện đặc biệt gọi là “colletta” (Lời Nguyện Nhập Lễ), mà qua đó đặc tính chính xác của cuộc cử hành được diễn tả, được thay đổi theo ngày và giờ trong năm (x. ibid, 54). Với lời mời “Chúng ta hãy cầu nguyện”, vị linh mục khuyên nhủ dân chúng cùng hồi tâm với ngài trong một lúc im lặng để ý thức rằng mình đang ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa và mỗi người nói lên trong lòng mình những ý chỉ riêng mà với chúng họ tham dự Thánh Lễ (xem ibid., 54). Linh mục nói “chúng ta hãy cầu nguyện”; và sau đó đến một lúc im lặng, và mỗi người nghĩ về những điều mình cần và mình muốn cầu xin trong lời nguyện này.

Sự im lặng không chỉ rút lại thành việc không có tiếng nói, nhưng là chuẩn bị sẵn sàng để lắng nghe những tiếng nói khác: của tâm hồn chúng ta, và trên hết là tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Trong phụng vụ, bản chất của sự im lặng thánh thiêng tùy thuộc vào thời điểm mà nó xảy ra: “Trong cử chỉ sám hối và sau lời mời cầu nguyện, nó giúp cho việc hồi tâm; sau bài đọc hoặc bài giảng, nó là một lời mởi gọi để suy niệm một cách ngắn gọn về những gì đã nghe; sau khi Rước Lễ, nó giúp cho việc cầu nguyện ngợi khen và khẩn cầu nội tâm” (ibid., 45). Vì vậy, trước Lời Nguyện Nhập Lễ, sự im lặng giúp chúng ta chú tâm vào chính mình và suy nghĩ về lý do tại sao chúng ta ở đó. Cho nên, việc lắng nghe tâm hồn chúng ta ở đây và sau đó mở nó cho Chúa là điều quan trọng. Có lẽ chúng ta đến từ những ngày khó nhọc, vui mừng, đau buồn, và chúng ta muốn thưa chuyện với Chúa, cầu khẩn sự giúp đỡ của Ngài, để xin Ngài ở gần chúng ta; chúng ta có các phần tử trong gia đình và bạn bè đang bị ốm đau hoặc đang trải qua những thử thách khó khăn; chúng ta muốn trao phó cho Thiên Chúa số phận của Hội Thánh và thế giới. Và đó là lý do tại sao chúng ta cần phút im lặng ngắn này trước khi vị linh mục, thu thập những ý chỉ của mỗi người, lớn tiếng thay mặt tất cả mọi người trình bày nó lên Thiên Chúa, lời cầu nguyện chung kết thúc các nghi thức đầu lễ, bằng cách làm chính việc “thu thập” các ý chỉ cá nhân. Tôi chân thành khuyên các linh mục giữ phút im lặng này và đừng vội vã: “chúng ta hãy cầu nguyện”, và hãy im lặng. Tôi đề nghị điều này với các linh mục. Nếu không có phút im lặng này, chúng ta có nguy cơ bỏ qua việc hồi tâm của linh hồn.

Các linh mục đọc lời cầu khẩn này, lời cầu nguyện thu thập (Lời Nguyện Nhập Lễ) này, với cánh tay dang rộng, là tư thế của người cầu nguyện, được các Kitô hữu thực hiện ngay từ các thế kỷ đầu - được minh chứng bởi các bức họa của các hang toại đạo ở Rôma – để bắt chước Đức Kitô với đôi tay rộng mở trên cây gỗ thập giá. Và ở đó, Đức Kitô là Đấng Cầu Nguyện và là cùng nhau cầu nguyện! Trong Đấng Chịu Đóng Đanh, chúng ta nhận ra vị Linh Mục đang dâng lên Thiên Chúa sự thờ phượng mà Ngài vui lòng, đó là sự vâng phục con thảo.

Trong Nghi Thức Rôma, các lời cầu nguyện đều chính xác nhưng đầy ý nghĩa: có thể thực hiện nhiều suy niệm đẹp về các lời cầu nguyện này. Quá đẹp! Trở lại việc suy niệm về các bản văn, ngay cả ngoài Thánh Lễ, có thể giúp chúng ta học cách hướng về Thiên Chúa ra sao, cầu xin gì, sử dụng những lời nào. Nguyện xin phụng vụ trở thành một trường dạy cầu nguyện đích thực cho tất cả chúng ta.

Tác giả bài viết: Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây