VU LAN, NGÀY TRUYỀN THỐNG CỦA ĐẠO HIẾU
Sưu tầm từ Internet
Lễ Vu Lan chính thức được bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật giáo Đại Thừa “Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn”, được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn, tức khoảng năm 750–801 sau Công nguyên và được truyền từ Trung Hoa vào Việt Nam, không rõ từ năm nào.
Theo lịch sử Phật giáo thì lễ Vu Lan xuất phát từ chuyện ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ mình là bà Thanh Đề đã qua đời, Nhờ dùng mắt phép nhìn khắp trời đất, ông đã thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên bị đọa đày trong cảnh giới ngạ quỉ (quỉ đói), bị đói khát hành hạ khổ sở. Ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ, và đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ.
Từ truyền thống tốt đẹp của Phật giáo nói riêng, và của dân tộc Việt Nam nói chung, dân ta đã đưa hiếu thảo lên hàng đầu trong trăm nết của con người giống như mùa Xuân là chúa của bốn mùa trong trời đất : “Thiên hữu tứ thời Xuân tại thủ. Nhân sinh bách hạnh Hiếu vi tiên”. Sự so sánh đó có hàm ý trời đất không thể không có mùa xuân, con người không thể không có lòng hiếu thảo.
NGUỒN GỐC NGHI THỨC “BÔNG HỒNG CÀI ÁO”
Nghi thức “Bông Hồng Cài Áo” thường được tổ chức trong ngày Lễ Vu Lan ở các ngôi chùa Việt Nam hằng năm để tưởng nhớ những bà mẹ đã khuất và vinh danh những bà mẹ còn tại thế với con cháu. Trong nghi thức đó, các em Phật tử, với hai giỏ hoa hồng, màu đỏ và màu trắng, sẽ đến cài hoa lên áo từng người dự lễ.
Nếu còn mẹ, bạn sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và bạn sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu bạn mất mẹ, bạn sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.
Đây là một nghi thức thật dễ thương, nhiều ý nghĩa và rất hữu hiệu trong việc giáo dục đại chúng về lòng hiếu thảo và tình người. Nghi thức Bông hồng cài áo đó được giới thiệu đến người Việt từ một cuốn sách cùng tên của Thượng tọa Thích Nhất Hạnh được viết vào tháng 8 năm 1962 và sau đó, được phổ thông hóa nhờ bản nhạc, cũng cùng tên cùa nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ.
Rằm tháng 7 Âm lịch cũng là ngày xá tội vong nhân mà dân gian gọi nôm na là ngày cúng chúng sinh.
Nhưng lễ cúng chúng sinh khác với lễ Vu Lan dù được cử hành trong cùng Ngày Rằm. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng viếng. Tháng 7 còn là tháng mưa Ngâu, gắn với sự tích ông Ngâu bà Ngâu hay còn gọi là tích Ngưu Lang – Chức Nữ.
THƯ GỬI MẸ TRONG NGÀY VU LAN BÁO HIẾU!
Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J
dongten.net
Mẹ kính yêu!
Thú thật là chưa bao giờ con nghĩ mình có thể ngồi đây viết cho mẹ đôi dòng tâm tưởng. Trong bầu không khí của mùa vu lan báo hiếu, ai ai cũng tưởng nhớ về đấng sinh thành để tri ân và nói lời yêu thương, con hướng lòng nhớ về mẹ. Đong đầy cảm xúc của người con xa nhà, con viết lên đây với tất cả tâm tình của mình, mẹ ạ!
Mẹ biết không, đã từ lâu con luôn ghi khắc lời răn dạy: “Hãy thảo kính cha mẹ!” Với con, vâng lời cha mẹ tựa hơi thở để con sống, tựa cánh buồm để thuyền con tiến tới. Nhưng với tính tình ương ngạnh và tuổi trẻ bốc đồng, nhiều khi con đã chất thêm nỗi lắng lo cho mẹ cha. Còn nhớ có lần con gắt gỏng, bực tức vì mẹ cứ lặp đi lặp lại: “Con phải đi học, không được ham chơi; con phải làm điều này, không được làm điều kia!” Lúc ấy con cho mẹ là người cổ hủ, giáo điều và quê mùa. Rồi “cảm xúc con nít” của con cũng qua đi; lời mẹ dặn ngày nào vẫn đọng lại trong tim để giúp con từng ngày lớn khôn. Hóa ra, lời mẹ dạy không từ chương, không hoa mỹ, nhưng xuất phát từ đáy lòng hiền mẫu. Với mẹ cha, con mình được hạnh phúc bình an là thỏa lòng mong ước rồi, phải không mẹ?!
Mẹ ơi, mùa Vu lan báo hiếu luôn đưa từng người chúng con trở về với cội nguồn, về với đấng bậc sinh thành. Nếu như con xa nhà, xa cha mẹ để bước vào đời, rồi vòng xoáy cuộc đời khiến con chẳng thể chu toàn phận làm con, thì giây phút này, con dừng lại để nhắc nhớ mình có nguồn cội, có mẹ cha. Mẹ cha luôn là nơi yên bình để chúng con lớn lên và tìm về. Bởi lẽ, “ mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình, mẹ nhỉ!”
Chắc là mẹ chưa từng nghe bài hát “Nơi Ấy Con Tìm Về” hay “Nhật ký của Mẹ”, vì mẹ không dùng Internet, cũng chẳng rành công nghệ như tuổi trẻ tụi con bây giờ. Dẫu sao khi nghe bài này, con đã nghẹn ngào vì hình bóng của mẹ cha thấp thoáng trong từng lời ca, tiếng nhạc. Mẹ nhớ hoài ngày con cất tiếng khóc chào đời, chắc chắn là ngày cha mẹ hạnh phúc dâng trào. Với tình yêu thương của cha và lời ru ngọt ngào của mẹ, con đã lớn lên từng ngày. Rồi nghiệt ngã của thời gian sẽ lấy đi tuổi thanh xuân của mẹ, bào mòn sức lực của cha. Nhưng con tin rằng, tình thương mẹ cha và lòng hiếu thảo của con cái sẽ cho gia đình mình hạnh phúc bình an.
Mẹ ơi! Con nguyện ước sẽ không bao giờ quên tình yêu thương mẹ cha đã dành cho con. Là người con, chúng con nghi lòng tạc dạ ân nghĩa cao vời ấy của mẹ cha. Mẹ yên tâm, con nhất định nhớ để trọn đạo nghĩa làm con! Từng ngày với lòng hiếu thảo của mình, con hy vọng sẽ xua đi nỗi nhọc nhằn trong đời của mẹ cha. Bởi con biết rằng đoạn đường phía trước còn nhiều chông gai, lắm gian nan có thể khiến con ngã quỵ. Nhưng con hạnh phúc vì con biết rằng nơi nhà mình luôn là nơi bình yên, luôn có mẹ cha chờ con tìm về. Chắc mẹ vẫn mong chờ, cha vẫn ngóng trông mỗi đứa con sống ở phương trời xa xôi!
Con vui vì cha mẹ vẫn khỏe mạnh; con hạnh phúc vì cha mẹ vẫn bình an. Con chung chia nỗi buồn với những ai không còn cha, vắng bóng mẹ. Để mùa Vu lan năm nay, con gửi đến mẹ cha lời cầu chúc tốt đẹp nhất, gửi những đóa hoa hồng để chung chia niềm vui với cha mẹ trong ngày báo hiếu. Con hằng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban cho cha mẹ nhiều thật nhiều ân sủng. Hy vọng mẹ cha sẽ vui vì đứa con xa nhà luôn nghi khắc hình dáng mẹ cha, nhớ về hình bóng quê nhà. Nơi ấy, lúc nào con cũng nhận được an bình, lúc nào chúng ta cũng tươi cười và hạnh phúc chứa chan, mẹ nhỉ!
Chúc mừng mẹ! Mừng vì ước sao “đêm đêm con ngước lên trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con”!
Con của mẹ.
Tác giả bài viết: BBT Trang Tin Điện Tử GXCS
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn