Hành hương lên Núi Chúa
Cao vút, mấy tầng mây biếc biếc
Mênh mông rừng núi tiếp buôn làng
Vời trông Khô-Rép xanh trùng điệp
Những tưởng còn in dấu địa đàng
Ơi, khách đường xa, như hẹn trước
Hôm nay về đất hứa Ca-na-an
Lên cao, mới thấy trời thăm thẳm
Mới thấy mình, xe cát dã tràng
Mới hiểu người đi qua cửa hẹp
Gian nan để vào nước thiên đàng
Và yêu thánh giá mình mang vác
Giữa cuộc nhân sinh, lửa thử vàng
Chúa đứng dang tay, ôm vũ trụ
Ôm Châu Sơn yêu dấu vào lòng
Những người con thật thà như đếm
Những mảnh đời liêu xiêu, ngược dòng
Cơm áo gạo tiền, bao vất vả
Nhiều phen theo nước lã trôi sông
Mười hai bến, bến nào trong, đục
Lạy Chúa, đừng để con ngã lòng
Dưới gốc cây cao và bóng cả
Sưởi hồn con ấm áp mùa Đông
Ngày mai, trên bước đường lưu lạc
Hỏi, Chúa còn yêu con nữa không ?
Chim đã vui đàn, chim cất cánh
Ngựa còn rộng nước, ngựa rong cương
Ô hay, trời bỗng xanh như ngọc
Hoa cỏ ngàn xa thơm ngát hương
Lớp lớp người đi như nước chảy
Lòng reo vui trẩy hội trùng dương
Xôn xao đời đã nên vàng đá
Mỗi một kinh qua, một đoạn trường.
Nước mắt, mồ hôi, công sức ấy
Từ nay ghi tạc, hiến dâng đời
Ai về, nhớ ghé Châu Sơn, nhé
Lên Núi Chúa cao quang, tuyệt vời
Chúa khiến vừng dương kia đứng lại
Làm cho Biển Đỏ rẽ hàng đôi
Hôm nay, ngày mãn thiên hoa vũ
Những cánh tay đội đá vá trời.
Lạy Đức Kitô - Vua vũ trụ
Chúng con, thuyền lưới lại ra khơi
Xa bờ xa bến, muôn giông gió
Đau đáu một quê hương - Nước Trời
Chúa vẫn yêu Châu Sơn đấy chứ
Làm sao con nói hết, Ngài ơi ?
Núi Chúa
11 giờ 30 ngày 25. 11. 2001
Lê Đình Bảng
Nhà thơ Lê Đình Bảng Sinh ngày 17.9.1942 tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Quê: Thọ Cách, Thái Thụy, Thái Bình. Học Tiểu chủng viện Mỹ Đức (Thái Bình), Phan Rang và Phanxicô Savie (Bùi Chu) Sài Gòn, ĐCV Lê Bảo Tịnh – Gia Định (1958-1960). Tốt nghiệp Cử nhân Giáo khoa Việt Hán – ĐH Văn khoa Sài Gòn (1966), ĐH Sư Phạm Sài gòn -Việt Hán (1971). Từng dạy học ở Nguyễn Bá Tòng, Nguyễn Duy Khang (Sài Gòn)… Cộng tác với các báo: Trái tim Đức Mẹ, Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Hằng Cứu giúp, Thẳng Tiến, Sống Đạo, Hoà Bình, Dân Chủ, Công Giáo và Dân Tộc, Hiệp Thông, Đồng Hành, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Phụ Nữ…..Văn Hoá Phật giáo (1960-1975). Ông cũng là thành viên, ủy viên các Ban thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam: Ủy Ban Thánh Nhạc, Ủy Ban Phụng Tự, Ủy Ban Giáo Dân, Ủy Ban Văn hóa, Ủy Ban loan báo Tin Mừng.
Lê Đình Bảng đã in các tập thơ: Bước chân giao chỉ (Sài gòn 1967), Hành hương (2006), Quỳ trước đền vàng (2010), Lời tự tình của bến trần gian (2012), Ơn đời một cõi mênh mang (2014), Kinh buồn (2014), và các tập thơ được phổ nhạc: Đội ơn lòng Chúa bao dung (2012), Lời khấn nhỏ chiều Chúa nhật (2012), Về cõi trời mênh mang (2012). Ngoài ra Lê Đình Bảng còn là nhà nghiên cứu lịch sử văn học Công giáo Việt Nam. Ông đã in “Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường” (2010), và bộ sách gồm 6 cuốn, 4.088 trang in: “Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam” (2009) do ông sưu tầm, nghiên cứu…
Tác giả bài viết: Lê Đình Bảng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn