Thông điệp trên cho thấy, Giáo hội nhìn nhận nghệ thuật như một phương tiện tích cực để đến với đức tin. Từ đó suy ra việc hội nhập văn hóa trong nghệ thuật thánh là con đường để các Giáo hội địa phương hỗ trợ tín hữu tiếp cận niềm tin cách hiệu quả hơn.
Từ sau Công đồng Vatican II, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã có những bước tiếp cận với văn hóa dân tộc, thể hiện qua nhiều tác phẩm nghệ thuật ở các lãnh vực nghệ thuật: kiến trúc, hội họa, điêu khắc… Vì thế, khái niệm về “hội nhập” trong nghệ thuật Công giáo hiện nay cần được hiểu trên tinh thần tiếp tục những nỗ lực đã có, chứ không phải là sự từ bỏ, tách rời và nay quay trở lại!
Hội nhập văn hóa trước hết là một quá trình được cảm nhận thông qua các hoạt động sáng tạo. Khi nói đến hội nhập văn hóa là nói đến tinh thần hội nhập, không phải sao chép hình thức, và quá trình này cần được thực hiện bằng một tâm thức của con người hiện tại. Hội nhập văn hóa bản địa còn cần phải đặt trong bối cảnh văn hóa toàn cầu. Có thể nhìn lại một cách tổng quát và cảm nhận những kinh nghiệm hội nhập được thực hiện khá hiệu quả qua các hoạt động nghệ thuật Công giáo, kể từ Công đồng Vatican II cho đến thập niên 70 tại Việt Nam:
Hội họa
Trong khoảng thời gian này, đề tài liên quan đến các mầu nhiệm Công giáo xuất hiện khá nhiều trong các tác phẩm sơn mài hoặc lụa của các danh họa Việt Nam xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương.
Linh mục Đaminh Trần Thái Hiệp đã sưu tập, tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật hướng đến một nền nghệ thuật thánh gần gũi với dân tộc. Trong bộ sưu tập của ngài có thể thấy nhiều tên tuổi lớn của hội họa Việt Nam như Lê Văn Đệ , Nguyễn Gia Trí , Nguyễn Anh…, trong đó nhiều người không phải là Công giáo…
Điêu khắc
Vào thởi điểm 1961- 1962, một quần thể điêu khắc có giá trị lớn đối với nghệ thuật điêu khắc Việt Nam được thực hiện trong khuôn viên nhà thờ La Vang, Quảng Trị. Về mặt nghệ thuật, nhóm tượng La Vang của điêu khắc gia Lê Ngọc Huệ đã tạo nên sự thay đổi lớn trong tư duy tạo hình điêu khắc, khi lần đầu tiên mang phong cách hiện đại vào điêu khắc Việt Nam. Nhóm tượng với nội dung tôn giáo sâu sắc được thể hiện bằng ngôn ngữ hình khối thuyết phục, đã mang đến một diện mạo mới cho các tác phẩm điêu khắc Công giáo tại Việt Nam.
Kiến trúc
Tinh thần của một kiến trúc thể hiện ở ý thức tổ chức không gian thờ phượng bên trong chứ không chỉ hình thức bên ngoài. Đối với người Á Đông, cách riêng người Việt, không gian thờ phượng thường thấp, thâm trầm và trải rộng... Vượt ngoài khung thời gian đề cập trên, nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình) là một trong số ít nhà thờ kết hợp được tinh thần kiến trúc Kitô giáo và không gian thờ phượng Á đông. Nhà thờ không cao, cấu trúc nhiều gian, có cả tiền đường và mái che hai bên, bước vào trong ta thấy phảng phất không gian của ngôi nhà Việt, nhưng vẫn có nét đặc trưng của nhà thờ Thiên Chúa giáo.
Nhà thờ Ka Đơn (Lâm Đồng) là một dẫn dụ khác về sự hội nhập nghệ thuật thánh với không gian và cộng đồng dân tộc địa phương. Nhà thờ với hình khối đơn giản có nét đặc trưng vùng cao, nằm lẫn vào thiên nhiên chung quanh, có không gian mở phù hợp với sinh hoạt của người dân tộc mang ý tưởng thiết kế khá hiện đại.
Tầm nhìn tổng quát trên cho thấy, hội nhập văn hóa nghệ thuật dân tộc không phải là sự sao chép hình thức nghệ thuật hoặc kiến trúc cổ, điều quan trọng là thấm nhuần triết lý truyền thống vào ý tưởng thiết kế và tổ chức không gian thờ phượng, sau đó hình thức nghệ thuật sẽ định hình. Quá trình này cần có thời gian và nhất thiết phải được vận hành bởi yếu tố con người, những con người có năng lực và tâm thức, chuyển tải được những giá trị tôn giáo và nhân văn của thời đại họ đang sống…Tuy nhiên, những thành quả trên đã bị đứt quãng nhiều thập niên gần đây. Việc thiếu một định hướng chung khiến những giá trị hiện hữu bị lãng quên và các hoạt động nghệ thuật thánh không có những bước phát triển.
Trước thực trạng này, việc khơi lại vấn đề hội nhập nhằm tạo nên một tinh thần tích cực cho hoạt động nghệ thuật thánh là điều cần thiết . Và để tinh thần hội nhập duy trì và phát huy tính hiệu quả của nó, cần xác lập một cơ cấu hoạt động với quy trình có tính tương tác với nhau, trong đó những lãnh vực đào tạo , hoạt động và bảo tàng giữ vai trò chiến lược.
- Việc hội nhập chỉ thực sự có nền móng và giá trị khi được xây dựng trên nền tảng học thuật và sự đầu tư có hệ thống vào con người cụ thể: phát triển thần học về tính sáng tạo và cái đẹp, tạo điều kiện cho các linh mục, tu sĩ, giáo dân nghiên cứu về mỹ học, lịch sử mỹ thuật, quản lý nghệ thuật tại các trường nghệ thuật trong và ngoài nước… Các khóa đào tạo phổ cập nâng cao nhận thức nghệ thuật thánh cũng là một phần hoạt động của các trung tâm mục vụ.
- Một nền móng học thuật và con người chỉ trở nên hiệu quả khi vận hành được những hoạt động nghệ thuật nhằm thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật thánh ở mức độ cao. Trong đó, việc tổ chức các triển lãm giới thiệu các giá trị mỹ thuật Công giáo và các triển lãm nghệ thuật thánh, quy tụ được các nghệ sĩ có uy tín, là điều cần thiết. Song song đó, phải tạo điều kiện trưng bày và đưa những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng vào nơi thờ phượng như là những thí điểm. Sau cùng, một hội đồng nghệ thuật uy tín có khả năng thẩm định các giá trị nghệ thuật thánh là bước đi cần để xác lập lại những giá trị đích thực…
Có thể lập bảo tàng nghệ thuật Công giáo Việt Nam dựa trên tư liệu và các bộ sưu tập hiện có của nhà truyền thống TGP.TPHCM, đồng thời bổ sung các tác phẩm có giá trị qua các triển lãm và sưu tập từ các nghệ sĩ. Bảo tàng sẽ là nơi lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật của Giáo hội Công giáo, và giới thiệu một cách hệ thống nghệ thuật Công giáo Việt Nam cho giáo dân và khách quốc tế... Nơi đây cũng là không gian trưng bày thường xuyên các triển lãm chuyên nghiệp hoặc phong trào.
Việc vận hành hệ thống này đòi hỏi một kế hoạch lâu dài của Giáo hội Công giáo Việt Nam; một sự đầu tư chiến lược không bao giờ là quá trễ, vì cơ bản Giáo hội sở hữu một bề dày hoạt động thể hiện qua các giá trị sưu tập của nhà truyền thống và của cả nền nghệ thuật Công giáo qua các thời đại lịch sử. Đây là những bước cần thiết để xây dựng một tinh thần hội nhập đúng nghĩa, đồng thời xác lập lại những chuẩn mực giá trị nghệ thuật thánh mà Giáo hội Công giáo Việt Nam đã từng sở hữu.
Tác giả bài viết: Điêu khắc gia Bùi Hải Sơn
Những tin mới hơn