NGUỒN GỐC NGÀY CỦA CHA
Theo Thúy Hà / Reatimes
Việc ăn mừng Ngày của Cha sớm nhất được biết đến diễn ra ở Fairmont, Tây Virginia vào ngày 05 tháng 7 năm 1908. Sự kiện được bà Grace Golden Clayton tổ chức, với mong muốn vinh danh cuộc đời của 361 người tử nạn trong tai nạn hầm mỏ của Thảm họa Hầm mỏ Monongah ở Monongah, Tây Virginia, vào ngày 06 tháng 12 năm 1907 vài tháng trước, trong số đó có 250 người là cha bị tử thương, để lại khoảng một nghìn trẻ em mồ côi.
Tuy nhiên lúc đó, sự kiện này bị lu mờ bởi các sự kiện khác trong thành phố. Tiểu bang Tây Virginia không chính thức công nhận ngày lễ này, và nó không được tổ chức trở lại.
Hai năm sau, cô gái Sonora Dodd tại Spokane, Washington đề xuất lễ kỷ niệm ngày của cha vào năm 1909 và được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 19 tháng 6 năm 1910 tại trụ sở Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc (YMCA), trước hết nhằm tôn vinh người cha mình là một nông dân và cựu quân nhân trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ, người đã một mình nuôi dưỡng 6 người con sau khi vợ ông mất sớm. Sau đó, nhiều người tại nhiều nơi khác cũng có sáng kiến tạo 1 ngày để vinh danh người cha.
Một dự luật công nhận Ngày của Cha là ngày lễ quốc gia được đưa lên trình Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 1913. Năm 1916, Tổng thống Woodrow Wilsonđến Spokane để nói chuyện trong lễ kỷ niệm Ngày của Cha và muốn công nhận nó chính thức, nhưng Quốc hội đã phản đối, vì sợ rằng nó sẽ bị thương mại hóa. Tổng thống Mỹ Calvin Coolidge đề nghị vào năm 1924 rằng nên đưa Ngày của Cha vào diện ngày được kỷ niệm toàn quốc, nhưng chưa phát hành một công bố quốc gia.
Năm 1957, Thượng nghị sĩ Margaret Chase Smith viết một kiến nghị buộc tội Quốc hội đã bỏ phớt lờ Ngày của Cha suốt 40 năm, trong khi tôn vinh các bà mẹ, do đó "chỉ tôn vinh một trong hai phụ huynh của chúng ta". Năm 1966, Tổng thống Lyndon B. Johnson đã ban hành công bố tổng thống đầu tiên tôn vinh những người cha, và chỉ định dành ngày Chủ nhật thứ ba trong tháng 6 làm Ngày của Cha. Sáu năm sau, ngày này đã được chính thức trở thành ngày nghỉ lễ trên toàn quốc ở Mỹ sau khi Tổng thống Richard Nixon ký luật vào năm 1972.
Ý NGHĨA NGÀY CỦA CHA
Ngày của Cha là ngày tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục và bày tỏ tình yêu thương, kính trọng với người Cha của mình.
Ngày lễ tri ân người thân trong gia đình như Ngày của Cha là một món quà ý nghĩa, chứa đựng tấm lòng của con cái đối với cha mình. Đây vừa là nét đẹp trong cách đối nhân xử thế, vừa là ngày gắn kết tình cảm giữa những người thân trong gia đình với nhau, giúp gia đình thêm yêu thương và hiểu nhau hơn.
Mục đích của ngày này là cùng với Ngày của Mẹ, con cái có dịp thể hiện và bày tỏ tình yêu thương, kính trọng với những người cha của mình. Trên thế giới, có nhiều ngày kỷ niệm dành cho cha nhưng nói chung, trong bất kỳ ngày kỷ niệm nào đều có hoa, quà tặng, bữa tối ấm cúng cùng cha và những hoạt động gia đình thân mật.
Ngày của Cha được tổ chức rộn ràng nhất vẫn là ở Mỹ. Khắp các bang đều có lễ hội trong ngày này. Trẻ con xuống đường diễu hành, kèn trống tưng bừng trong ánh mắt hãnh diện của người lớn. Ở lễ hội chính của thành phố Kennewick (bang Washington), trẻ em sẽ tha hồ vui chơi như trong Ngày quốc tế thiếu nhi; tranh tài trong các trò chơi vận động…
Ở một số nước khác, Ngày của Cha không rầm rộ như ở Mỹ nhưng quà tặng cha cũng được bày bán khắp nơi và tinh thần của ngày này được các phương tiện truyền thông nhắc nhở.
Tại Nhật, một số cửa hàng rao bán các sản phẩm dành cho cha như gối ngủ trên máy bay, thẻ thể dục thể hình, túi đựng thuốc vitamin, CD nhạc nhẹ, giày thể thao, kính râm, cần câu, dụng cụ làm vườn… Tại Canada, những tấm gương làm cha mẫu mực được tôn vinh trên báo…
Tại Việt Nam, mặc dù Ngày của Cha chưa chính thức trở thành lễ kỷ niệm trên toàn quốc nhưng nhiều bạn trẻ đã hưởng ứng chào mừng. Nhiều người nghỉ phép về quê thăm gia đình và tỏ lòng tôn kính đến người cha thương yêu. Một số người đưa gia đình, cha đi ăn tối ở một nhà hàng hoặc mua những món quà nhỏ, ý nghĩa tặng cha như một cái cà vạt, cái áo, kính mát… Ở nhiều trường mẫu giáo, các em nhỏ được giáo viên hướng dẫn làm hoa giả, làm thiếp chúc mừng để làm quà về cho bố trong dịp kỷ niệm đặc biệt.
Không có niềm vui nào sánh được với nụ cười của cha mẹ khi con cái luôn ngoan ngoãn và thành đạt. Vậy thì, hãy biến bất cứ một ngày bình thường nào cũng trở thành Ngày của Cha. Hãy yêu thương, trân trọng những phút giây bên cha, bên gia đình, đừng để đến lúc nhận ra giá trị đích thực của cha, của gia đình trong cuộc sống thì mọi thứ đã muộn màng.
Ngày của Cha là một dịp tôn vinh những người làm cha, mối quan hệ với cha và ảnh hưởng của người cha trong xã hội. Ngày này được tổ chức vào Chủ nhật thứ 3 của tháng 6 tại nhiều quốc gia và có thể rơi vào những ngày khác ở một số nơi.
BỨC THƯ NỔI TIẾNG CỦA CHA GỬI CHO CÁC CON TRAI
Tôn Vận Tuyền (Sun Yun-Suan, 10.11.1913–15.02.2006), một nhà kinh tế, một chính trị gia Đài Loan, xuất thân là kỹ sư, quê ở Bồng Lai, Sơn Tây (Trung Quốc). Ông tốt nghiệp ngành Công nghệ điện tại Đại học Công nghệ Harbin (Harbin Institute of Technology). Từ năm 1937 đến 1940 ông làm việc tại Hội đồng Tài nguyên quốc gia (National Resources Commission). Ông được gửi đi tu nghiệp tại Tennessee Valley Authority (Hoa Kỳ) từ năm 1943 đến 1945. Ông làm Bộ trưởng gần 20 năm ở các Bộ Giao thông Vận tải, Truyền thông và Bộ Kinh tế. Ông là Bộ trưởng Bộ Kinh tế từ năm 1969 đến 1978, sau đó được bầu làm Thủ tướng Đài Loan (Premier of the Republic of China ) từ năm 1978 đến 1984. Ông có công xây dựng Mười dự án siêu cấu trúc, trong đó có sân bay quốc tế Chiang Kai-shek International, Nhà máy Điện hạt nhân số 1, đường cao tốc Quốc gia Tôn Dật Tiên (Sun Yat-sen National Expressway) Viện nghiên cứu Công nghiệp Quốc gia (Industrial Technology Research Institute) và Công viên Công nghệ khoa học Tân Trúc (Hsinchu Science-based Industrial Park)... Nhờ những biến đổi có tính cách mạng này mà từ những năm 60 của thế kỷ trước, Đài Loan đã trở thành nơi xuất khẩu mạnh mẽ các loại hàng dệt may, giầy dép, đồ nhựa, nông sản phẩm, công nghệ hóa dầu, thiết bị cơ khí và đặc biệt là các linh kiện điện tử. Ông được coi là một trong những người tạo ra sự bứt phá về Công nghệ và Kinh tế ở Đài Loan . Ngày 24.02.1984, ông bị đột quỵ do xuất huyết não và sau khi phục hồi chỉ có thể ngồi trên xe lăn. Tháng 2 năm 2006, ông qua đời tại Đài Bắc, hưởng thọ 92 tuổi.
Ngoài các trước tác về Kinh tế, Chính trị, tôi (Gs Nguyễn Lân Dũng – NV) quan tâm đến một bức thư ông để lại cho các con của ông. Một bức thư giản dị nhưng thật chân tình và sâu sắc. Tôi xin phép được giới thiệu lại cùng các bạn bức thư này:
Các con thân mến, viết những điều căn dặn này, cha dựa trên 3 nguyên tắc:
1. Đời sống là vô thường, không ai biết trước mình sống được bao lâu, có những việc cần, nếu được nói ra sớm để hiểu thì hay hơn.
2. Cha là Cha của các con, nếu không nói ra thì chắc không ai nói rõ với các con những việc này đâu!
3. Những điều căn dặn để ghi nhớ này là kết quả của bao kinh nghiệm xương máu, thất bại đắng cay trong cuộc đời của chính bản thân mà Cha đã trải nghiệm. Nó sẽ giúp các con tiết kiệm những nhầm lẫn hoang phí trên con đường trưởng thành của các con sau nầy.
Các con yêu dấu!
Đời người phúc họa vô thường! Không một ai biết trước mình sẽ sống được bao lâu. Có một số việc tưởng nên sớm nói ra thì hay hơn. Cha là cha của con, nếu cha không nói với con, có lẽ không ai nói rõ với con những điều này!
Những lời khuyên để con ghi nhớ này, là kết quả bao kinh nghiệm xương máu, thất bại đắng cay trong cuộc đời, mà bản thân cha đã trải nghiệm. Nó sẽ giúp con tiết kiệm nhiều những nhầm lẫn hoang phí trên bước đường trưởng thành của con sau này.
Dưới đây là những điều con nên ghi nhớ trong cuộc đời:
– Nếu có người đối xử không tốt với con, đừng bận tâm cho mất thời giờ. Trong cuộc đời này, không ai có bổn phận phải đối xử tốt với con cả, ngoại trừ cha và mẹ của các con. Nếu có người đối xử tốt với con, ngoài việc các con phải biết ơn và trân quý, các con cũng nên thận trọng suy xét, vì người đời thường làm việc gì cũng có mục đích và nguyên nhân, chớ có vội vàng cho là bạn tốt của mình ngay.
– Con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ “Tín”, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ tín với mình. Con có thể yêu cầu mình phải đối xử tốt với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử tốt với con. Con đối xử người ta thế nào, không có nghĩa là người ta sẽ đối xử lại mình như thế ấy, nếu con không hiểu rõ được điểm này, sẽ tự chuốc lấy buồn phiền cho mình mai sau.
– Trên đời không phải không có người nào mà không thể thay thế được, không có vật gì mà nhất định mình phải sở hữu được. Con nên hiểu rõ ở điểm này. Nếu mai sau rủi người bạn đời không còn, hoặc giả con vừa mất đi những gì trân quý nhất trong đời, thì con nên hiểu rằng: Đây cũng không phải là chuyện lớn lao gì cho lắm!
– Trên đời này chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Ái tình chẳng qua chỉ là một cảm xúc nhất thời. Cảm giác này tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà thay đổi. Nếu người yêu rời xa con, hãy nhẫn nại chờ đợi, để thời gian từ từ gột rửa, để tâm tư mình dần dần lắng đọng thì nỗi đau thương cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi. Không nên cứ ôm ấp hoài niệm mãi cái ảo ảnh yêu thương, cũng không nên quá bi lụy vì tình.
– Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay con đã lãng phí thời gian, mai đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi. Cho nên càng biết trân quý sinh mạng của mình càng sớm, thì con sẽ được tận hưởng cuộc đời mình càng nhiều hơn. Trông mong được sống trường thọ, chi bằng con cứ tận hưởng cuộc đời mình ngay từ bây giờ.
– Cha không yêu cầu con phải phụng dưỡng cha trong nửa quãng đời còn lại. Ngược lại, cha cũng không thể bao bọc nửa quãng đời sau này của con, khi mà con đã trưởng thành và tự lập. Đây là lúc cha đã làm tròn trách nhiệm của mình. Sau này con có đi xe buýt hay đi xe hơi riêng; ăn súp vi cá hay ăn mì gói, tự con lo liệu lấy.
– Gia đình thân nhân chỉ là duyên phận một đời. Bất luận trong kiếp này chúng ta sống chung với nhau được bao lâu và như thế nào, nên trân quý khoảng thời gian sum họp, gia đình đoàn tụ. Kiếp sau, dù ta có thương hay không, cũng không chắc sẽ còn gặp lại nhau.
– Tuy có nhiều người thành công trên đường đời mà học hành chẳng đến đâu. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không cần học hành mà vẫn thành công. Kiến thức đạt được do việc học hành, là vũ khí trong tay của mình. Ta có thể lập nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng không thể thiếu sự hiểu biết. Nên nhớ kỹ điều này!
– Hơn mười mấy, hai mươi mấy năm nay, cha tuần nào cũng mua vé số, nhưng đến nay, ngay đến giải 3 vẫn chưa từng trúng. Điều này chứng tỏ rằng : muốn phát đạt phải siêng năng làm ăn, nỗ lực phấn đấu chứ không phải chờ đợi điều may mắn đến với con. Trên thế gian này không có buổi ăn trưa nào miễn phí cả. Nếu may mắn có đến với con, đấy là điều tốt, còn nếu không thì cũng chẳng có vấn đề gì, bởi tất cả phải dựa vào chính bản thân con.
– Con hãy biết ước mơ, nhưng để trở thành hiện thực thì ước mơ đừng xa rời thực tế, đừng hão huyền và ảo tưởng. Con phải luôn có niềm tin. Không chỉ là niềm tin vào chính bản thân mình mà con cũng cần có niềm tin vào mọi người, niềm tin vào cuộc sống. Nếu không có niềm tin, con sẽ chẳng thể làm được việc gì.
Công việc, cuộc sống đôi lúc sẽ có những khó khăn, trở ngại đòi hỏi con phải luôn nỗ lực. Để có được những thành công thì không thể thiếu sự cố gắng và say mê, con ạ.
Hãy nhớ rằng 'thành công không phải là một đích đến, đó là một quá trình'. Vì thế, con hãy tiếp tục ước mơ, tiếp tục tin tưởng và không ngừng nỗ lực, con nhé...!
Cha của các con
Tôn vận Tuyền
Nguồn tin: Đaminh VN & ngoisao.net
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn