HÌNH ẢNH HÀNH HƯƠNG VỀ NGUỒN

Thứ sáu - 03/07/2020 17:40
NHÂN DỊP CHUYỂN GIAO NHIỆM KỲ HĐGX, TỪ NGÀY 30/06/2020 – 02/07/2020 CHA CHÁNH XỨ GIOAN – THẦY XỨ - QUÝ SOEURS CỘNG ĐOÀN THÁNH GIA – TOÀN BAN TÂN & CỰU BTV/HĐGX – TOÀN BAN TRỊ SỰ 4 GIÁO HỌ - TOÀN BCH 2 ĐOÀN PHỤ NỮ VÀ TRÁNG NIÊN. ĐÃ CÓ CUỘC DU LỊCH & HÀNH HƯƠNG TÌM VỀ NGUỒN TẠI ĐAN VIỆN CHÂU SƠN ĐƠN DƯƠNG TỈNH LÂM ĐỒNG
HÌNH ẢNH HÀNH HƯƠNG VỀ NGUỒN
HÌNH ẢNH HÀNH HƯƠNG VỀ NGUỒN

LỊCH SỬ ĐAN VIỆN CHÂU SƠN ĐƠN DƯƠNG

Bảy mươi chín tuổi đời và trải qua biết bao thăng trầm, Đan viện Châu Sơn luôn luôn được tình yêu và sự quan phòng của Chúa dẫn dắt bảo vệ chở che. Dâng lời tạ ơn Chúa là bổn phận hằng ngày vì nhờ ơn Chúa cộng đoàn mới còn tồn tại và phát triển được như ngày nay.
 

1111


ĐAN VIỆN CHÂU SƠN ĐƠN DƯƠNG,
NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG ĐÃ QUA

Ngày lễ Sinh nhật Đức Maria sắp tới[1], Đan viện Châu Sơn Đơn Dương sẽ hân hoan mừng sinh nhật lần thứ 79. Trong dịp trọng đại ghi dấu sự kiện quan trọng của cộng đoàn, một lần nữa, tất cả 162 thành viên thuộc Đan viện vui mừng với xác tín mạnh mẽ về những ân huệ Thiên Chúa đã, đang và còn tiếp tục thực hiện đối với cộng đoàn của mình: do ý định yêu thương và quan phòng của Thiên Chúa, Đan viện đã được chào đời, lớn lên và phát triển ngay trên linh địa Núi Ngọc, miền đất hứa của Chúa. Suốt chuỗi lịch sử ấy là bằng chứng hùng hồn của tình thương Thiên Chúa dành cho bao thế hệ đan sinh, những người chỉ lo một việc “đi tìm Chúa” trong cộng đoàn gia đình Đan viện. Cùng với vận mạng và sự tiến triển lịch sử trên quê hương đất nước, Đan viện đã trải qua biết bao thăng trầm, nhưng đến nay nhờ ơn Chúa vẫn tồn tại và phát triển mạnh trên nhiều phương diện.

Căn cứ vào chứng từ của các cha và anh em cao niên trong cộng đoàn, cũng như dựa theo tài liệu của Đan viện được soạn giả Gioan Nguyễn Văn Đàng biên soạn rất chi tiết[2]. Dưới đây, sau khi lược qua nguồn gốc hình Đan viện, chúng tôi xin ghi lại khái quát các giai đoạn cùng những sự kiện, những biến cố đáng ghi nhớ của Cộng đoàn Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương trải dài suốt 79 năm qua.

1. NGUỒN GỐC ĐAN VIỆN XITÔ CHÂU SƠN

Linh mục thừa sai người Pháp-Henri Denis[3] (1880-1933) khi đang làm cha xứ họ đạo Nước Mặn (Thừa Lưu-Huế) năm 1912 đã có ý lập một dòng nam chiêm niệm trên đất nước Việt Nam, ý định tốt lành đó đã thành sự, đó là tiền thân của Hội dòng Xitô Thánh Gia ngày nay.

Ngày 15 tháng 8 năm 1918, nhà dòng Đức Bà An Nam (tên thủa ban đầu) được khai sinh tại Phước Sơn[4] Quảng Trị trong giáo phận Huế.“Mục đích chính của các tu sĩ dòng này là nên hoàn thiện trong đời sống thiêng liêng qua con đường chiêm niệm và hy sinh. Mục đích thứ 2 là cầu nguyện và hy sinh cho ơn cứu độ lương dân”[5].

Từ một dòng thuộc giáo phận do cha Biển Đức Thuận thành lập, ngày 24/5/1934 dòng Đức Bà An Nam được gia nhập vào Dòng Xitô thế giới. Ngày 21/3/1935, tu sĩ Phước Sơn long trọng khấn trước sự chứng kiến của Đức cha Chabanon. Ngày 6 tháng 10 năm 1964, đức thánh cha Phaolo VI ban sắc chính thức thành lập hội dòng Thánh Gia Việt Nam gồm các đan phụ viện: Phước Sơn, Châu Sơn, Phước Lý và các đan viện khác trong tương lai sát nhập vào Hội dòng hoặc do những đan viện trên thành lập. Như thế, Hội dòng Xitô Thánh gia Việt Nam trở thành hội dòng thứ 12 trong đại gia đình dòng Xitô trên thế giới.

Đan viện Thánh mẫu Châu Sơn là thành viên của Hội dòng Xitô Thánh gia, được khai sinh ngày 8 tháng 9 năm 1936 do phái đoàn anh em nhà mẹ Phước Sơn thiết lập tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, giáo phận Phát Diệm theo thỉnh cầu của Đức Cha JB. Nguyễn Bá Tòng.

Năm 1953, hoàn cảnh lịch sử đã đưa đẩy khiến các cha anh phải khăn gói ra đi: đây quả là biến cố “trẩy Aicập”. Trong những năm từ 1953-1957, cộng đoàn tạm trú tại họ đạo Phước Lý (thành Tuy Hạ, Biên Hoà), sau đó dời lên địa điểm ngày nay. Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn định cư trên phần đất là đồn điền Canh-ki-na trên mảnh đất cao nguyên thuộc huyện Đơn Dương, tỉnh Tuyên Đức (Lâm Đồng ngày nay) ở độ cao trung bình 1050m, khí hậu mát mẻ, đất đai mầu mỡ, núi rừng thơ mộng thích hợp với đời sống đan tu.
 

17


2. LỊCH SỬ CỦA ĐAN VIỆN CHÂU SƠN QUA CÁC GIAI ĐOẠN.

Có thể nói Đan viện Châu Sơn gắn liền với Giáo hội Việt Nam vì Đức cha người bản quốc tiên khởi của Việt Nam-JB. Nguyễn Bá Tòng, người có ảnh hưởng nhiều nếu không muốn nói là có vị trí thứ nhất liên quan đến sự ra đời của cộng đoàn Châu Sơn.

Với Tông sắc 10/1/1933, toà thánh đặt cha JB. Nguyễn Bá Tòng làm giám mục hiệu toà Sozopolis phó với quyền kế vị Đại diện Tông toà địa phận Phát Diệm. Ngay từ năm này, Đan viện Châu Sơn đã được cưu mang trong lòng vị giám mục Việt Nam tiên khởi nổi tiếng này.

Vả lại sau khi cha tổ Biển Đức Thuận qua đời[6], Phước Sơn càng ngày càng thêm nhiều ơn gọi. Các bề trên nghĩ đến việc đi lập nhà mới. Với ý định sang Cao Miên, Malacca nhưng thánh ý Chúa quan phòng đã chọn đồn điền Lacombre thuộc giáo phận Phát Diệm để thành lập nhà con đầu tiên.

Sau đây là sơ lược các giai đoạn cùng các sự kiện chính của Đan viện Thánh mẫu Châu Sơn:

a. Từ khi thành lập 1936 đến năm 1953.

Khi được toà thánh chọn làm giám mục Phát Diệm, Đức cha Gioan Nguyễn Bá Tòng, vị giám mục tiên khởi của Giáo hội tại Việt Nam nhân dịp ghé thăm Đan viện Phước Sơn ở Huế đã cho cha Bề trên Bernard Mendiboure biết ý định tha thiết ước ao có một dòng tu nam chiêm niệm trong giáo phận mà ngài vừa đảm trách, theo ngài nơi đây như cây thu lôi thiêng liêng, cùng với nhà dòng kín, bênh đỡ giáo phận bằng lời cầu nguyện và hãm mình”. Đáp lại lời mời gọi của ngài, ngày 12/7/1936, công nghị đan sĩ Phước Sơn chọn cha Anselmô Lê Hữu Từ làm bề trên tiên khởi dẫn phái đoàn đi lập nhà mới. Ngày 8 tháng 9 năm 1936, từ cộng đoàn nhà mẹ Phước Sơn khai sinh nhà con đầu tiên tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình mang tên Đan viện Thánh mẫu Châu Sơn (đất mua lại của đồn điền Lacombre). Cha Placido Nguyễn Quang Trạch thay thế cha Anselmo khi ngài vắng mặt.

Từ một cộng đoàn non trẻ, đan viện Châu Sơn không ngừng củng cố và phát triển. Đời sống cầu nguyện, sự vui vẻ hy sinh, tính cần cù lao động của các tu sĩ đã khiến nhà dòng nhanh chóng trở thành tiếng vang từ nơi sơn lâm chướng khí. Rất nhiều người gồm linh mục, thầy giảng, chủng sinh, giáo dân từ khắp nơi tìm đến đan viện để cầu nguyện, tĩnh tâm và tìm hiểu ơn gọi chiêm niệm. Dân chúng cũng kéo đến làm ăn sinh sống chung quanh nhà dòng ngày một nhiều.

Ngày 8/12/1939 lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng đan viện cùng với công trình nhà nguyện rất tuyệt tác. Khi đức cha Phan Đình Phùng lên Châu Sơn dự lễ khấn[7] và qua đời đột ngột, cha bề trên Đan viện phải thế chỗ của vị giám mục này. Ngày 14/6/1945, qua sắc chỉ của toà thánh, cộng đoàn được vinh dự cống hiến cho Giáo hội vị bề trên tiên khởi của mình là Đức Cha Anselmo Thađeo Lê Hữu Từ làm giám mục giáo phận Phát Diệm. Lễ tấn phong có phái đoàn Chính phủ Dân Chủ Cộng Hoà tham dự (ngày 28/10/1945).

Để thế chỗ bề trên, cha Anselmo đặt cha Martino Võ Hồng Khanh làm bề trên quyền tạm. Đến 8/12/1945, cha Marcô Nguyễn Quang Vinh được chọn làm bề trên, cha Berchmans Nguyễn Văn Thảo làm bề trên nhì. Chính vị bề trên nhì sẽ là bề trên của cộng đoàn Châu Sơn di cư.

b. Giai đoạn từ 1953 – 1957

Khi Đan viện Châu Sơn đã hiện diện tại Nho Quan, nơi nổi tiếng vì có phong trào công giáo tự vệ, anh em cũng phải cùng chung với số phận của đồng bào mình. Trong thời gian này, nhiều người bị tịch thu tài sản, học tập cải tạo, đấu tố dã man… hàng trăm ngàn đồng bào phải di tản và anh em Châu Sơn cũng thuộc số này vì biết rằng không thể tồn tại thêm nếu bám trụ ở lại.

Buổi chiều ngày đáng nhớ 21 tháng 4 năm 1953, các đan sĩ, tu sĩ, đệ tử lặng lẽ di cư vào Nam[8]. Ưu tư lớn nhất thời gian này là kiếm đất xây dựng cộng đoàn. Năm 1955 cha bề trên Jean Berchmans cùng ba thầy lên Ban Mê Thuật tìm đất lập dòng nhưng sau vài tháng thấy không có nhiều điều kiện thuận lợi vì vậy lại trở về Phước Lý, tuy nhiên địa danh giáo xứ Châu Sơn của Ban Mê Thuật ngày nay là dấu tích mà anh em Châu sơn ngày ấy để lại.

Thánh 8 tháng 12 năm 1956, Đức Thượng phụ Sighard Kleiner tạm thời đặt cha Bernardin Trần Phúc Dược làm bề trên tạm trong hoàn cảnh cộng đoàn đang tạm cư. Nhưng vì có sự bất đồng do không hỏi ý kiến cộng đoàn, bị anh em tẩy chay nên chỉ sau 23 ngày[9] là ngài phải âm thầm trở về nhà mẹ Phước Sơn. Cha Berchmans tiếp tục điều khiển cộng đoàn.

Đến ngày 1 tháng 6 năm 1957 cộng đòan Châu Sơn đến định cư tại Đơn Dương giáo phận Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng (sở đất mua lại của viện Pasteur Paris trồng thử nghiệm cây Canh-ki-na) cho đến nay.

c. Giai đoạn từ năm 1957-1964.

“Vạn sự khởi đầu nan”. Qủa thế, tại địa điểm mới, cộng đoàn Châu sơn không khỏi có những thử thách ban đầu, dầu vậy cộng đoàn hết sức cố gắng để thiết lập nơi đây “ngôi trường phụng sự Thiên Chúa”, theo Tu luật thánh tổ Biển Đức, tu trào Xitô và tinh thần của Đấng sáng lập dòng.

Ngày 1/1/1957 cộng đoàn chọn cha Anrê Đào Tiến Tình làm bề trên, nhưng ngày 29/4/1959 cha Tình trao lại quyền cho cha phó Lêô Vũ Đức Chính.

Ngày 21/8/1958 đức thượng phụ Sighard Kleiner đặc phái cha Gilbert Barnabé thuộc Phước Sơn làm bề trên quyền tạm.

Ngày 27-11-1960, giáo phận Đàlạt được thành lập, từ nay đan viện Châu Sơn thuộc giáo phận Đàlạt chứ không như trước đó là trực thuộc Tổng giáo phận Sàigòn.

Ngày 27- 7-1961, thánh bộ dòng tu ban sắc thiết lập Đan viện Thánh mẫu Châu sơn thành Đan viện tự trị. Đến ngày 12/10/1962 viện trưởng tiên khởi Trần Ngọc Hoàng được cộng đoàn bầu chọn.

Ngày 13-11-1963, thánh bộ dòng tu châu phê quyết định nâng ba nhà: Phước sơn, Châu Sơn và Phước Lý lên hàng đan phụ viện. Viện phụ tiên khởi nhà Châu Sơn Stephano Trần Ngọc Hoàng[10]. Lễ chúc phong các viện phụ được tổ chức trọng thể vào ngày 19 tháng 3 năm 1964 tại Vương cung Đức Bà Sài Gòn, do Đức tổng phụ Shigard Kleiner chủ sự.

Ngày 8 tháng 9 năm 1964 Đan viện long trọng cử hành lễ đặt viên đá đầu tiên, khởi công xây dựng các cơ sở cũng như ngôi thánh đường của Đan viện. Trong ba năm xây dựng, đến ngày 21 tháng 12 năm 1967, đức khâm sứ tòa thánh Mgr. Angelo Palmas chủ sự thánh lễ với nghi thức xức dầu cung hiến thánh đường dâng kính Đức Trinh nữ Maria và khu nhà ở của Đan viện.

Tuy còn đó những khó khăn nhưng từng bước cộng đoàn dần dần ổn định. Cộng đoàn tập trung phát triển kinh tế theo đúng tinh thần của đời đan tu: anh em sống tinh thần khổ chế và hy sinh. Trong vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp kết hợp với chăn nuôi là chủ yếu: khai hoang trồng tỉa, nuôi gia xúc và gia cầm….

d. Giai đoạn từ năm 1965-1975.

Năm 1965, viện phụ Stephano cho khởi công xây trường tiểu học phục vụ các con em thôn Châu Sơn, Lạc Bình, Lạc Xuân (hầu hết chưa tin Chúa). Các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm giúp việc dạy các em này. Tháng 5 năm 1966, viện phụ đề nghị đức Giám mục giáo phận Đà lạt Simon-Hoà Nguyễn Văn Hiền thành lập giáo xứ Châu sơn. Năm 1970, viện phụ cho khởi công xây mới thánh đường giáo xứ. Ngày 25/3/1971, đức giám mục Đà lạt Simon Hoà long trọng cử hành thánh lễ khánh thành và đặt giáo xứ dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ truyền tin. Từ đó đến nay, các Bề trên cử các linh mục thay nhau để coi sóc giáo xứ.

Thêm một hồng ân nữa, ngày 4-6-1971, cha Jean Berchman và một số anh em rời Đơn Dương đi Hàm Tân lập cộng đoàn thánh mẫu Châu Thuỷ. Tuy đất đai không mấy mầu mỡ, dân cư thưa thớt nhưng có dòng sông Dinh xinh xắn chảy quanh. Từng bước từng bước hình thành và phát triển cộng đoàn nhỏ bé này, đến nay cộng đoàn đã phát triển khá mạnh và sắp trở thành đan phụ viện thứ 5 trong đại gia đình hội dòng Xitô Thánh gia.

Ngày 19 tháng 3 năm 1974, Hội đồng đan sĩ bầu viện phụ thứ hai Lêô Vũ Đức Chính[11] lên lãnh đạo cộng đoàn.

e. Giai đoạn từ năm 1976-1989.

Trước khi đất nước hoàn toàn được giải phóng, anh em Châu Sơn đã phải gánh chịu nhiều thử thách nặng nề. Mặc dù hoàn cảnh lịch sử đất nước đã sang trang sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 nhưng cộng đoàn vẫn còn phải đối mặt với biến cố mùa hè năm 1976 tưởng như một mất một còn. Sau khi tất cả đan viện bị quản lý hết sức chặt chẽ, mọi người “được làm việc” kỹ càng thì 5 anh em trong số những thành phần cốt cán phải “đi tĩnh tâm”, nói một cách dí dỏm là được nghỉ mát và ăn cơm phần[12]. Từ ngày 17-8-1976 bắt đầu án biệt giam ở Đàlạt, sau đó tới tháng 8 năm sau chuyển về trung tâm cải tạo ở Đại Bình.

Tuy nhiên đây là thời kỳ đổi mới nhiều mặt, cách riêng trong đời sống tu trì, có nhiều người trẻ tìm đến các đan viện xin tu, một dấu hiệu hồi sinh của cộng đoàn. Trong giai đoạn này có nhiều thuận lợi hơn để cộng đoàn xây dựng thêm các cơ sở. Anh em được gởi đi Sàigòn để theo học các khoá triết học và thần học hoặc gởi đi du học để sau này về phục vụ cộng đoàn.

Ngoài nhiệm vụ cầu nguyện, các đan sĩ tận tâm tận lực xây dựng các cơ sở của cộng đoàn để trở thành một ốc đảo nhỏ xinh tươi. Việc trồng trọt và chăn nuôi luôn là công việc hàng ngày của anh em trong cộng đoàn bên cạnh những sinh hoạt đan tu khác.

f. Giai đoạn từ năm 1989 - 2015.

Tình huynh đệ cộng đoàn là dấu chứng tốt lành mà nhiều người cảm nhận được nơi đan viện. Trong Hội dòng thì liên hệ với nhau bằng tinh thần huynh đệ trong các buổi họp mặt thường kỳ và những liên hệ khác. Việc đóng góp của cải và nhân sự để xây dựng hội dòng đủ nói lên anh em có cùng một chí hướng tu trì luôn mong mỏi xây dựng một cuộc sống sao cho tươi đẹp và ý nghĩa hơn.

Từ năm 1992, đức cha giáo phận Đà lạt nhờ nhà dòng giúp giáo dân làng Diom B và anh chị em Kinh Tế Mới quanh đan viện. Các anh em trong cộng đoàn cộng tác với người được giao nhiệm vụ tận tình nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho dân làng. Ngoài ra khi nhu cầu mục vụ đòi hỏi, các linh mục của đan viện quảng đại giúp đỡ trong việc giúp khách tĩnh tâm hoặc ban bí tích hoà giải cho các giáo xứ lân cận trong mùa Vọng và mùa Chay.

Năm 1994, Hội đồng đan sĩ bầu cha Giêrađô Nguyễn Văn Thất[13] làm viện phụ thứ 3 của đan viện. Trong giai đoạn này, việc cho phép tạm vắng tạm trú dễ hơn, vì thế có nhiều ơn gọi tới xin tu. Anh em đã khấn được gởi đi Sài gòn học triết học và thần học hay một số chuyên môn khác do nhu cầu của cộng đoàn.

Tiếp tục những công việc từ thiện, năm 1996, một ngôi trường khang trang sạch đẹp được Đan viện giúp xây dựng dành riêng cho các em dân tộc K’Ho và Churu đến trường đỡ cực nhọc xa xôi.

Bắt đầu từ năm 1998 tới nay, đều đặn năm nào cộng đoàn Châu Sơn cũng có lớp tiến lên: gia nhập tập viện, khấn tạm và khấn trọng. Các anh em khấn trọng dần dần được cấp hộ khẩu tại đan viện.

Năm thánh 2000, cha Phanxico Xavier Phan Bảo Luyện[14] được chọn làm viện phụ thứ 4. Ngài có công tạo khung cảnh thích hợp cho đời đan tu chiêm niệm, sửa chữa và xây dựng thêm nhiều cơ sở, đặc biệt kiến thiết khu vực dành riêng cho khách tĩnh tâm và căn nhà 1 lầu dành cho những anh em nghỉ hưu và anh em học viện.

Trong giai đoạn này[15] lần đầu tiên cộng đoàn Châu Sơn mở các lớp triết học riêng để anh em được học tại nhà thay vì phải xuống Sàigòn. Trong số các sinh viên triết học, ngoài anh em trong cộng đoàn, Châu Sơn còn đón nhận các anh em từ các cộng đoàn Châu Thuỷ, Mỹ Ca, Biển Đức Thiên Hoà đến tham gia theo học và chia sẻ nếp sống đan tu. Cộng đoàn Châu Sơn cũng là Đan viện đầu tiên mở thần học tại nhà[16], một năm sau đó hội dòng mở học viện chung và hiện đang học chung với nhau mỗi 2 năm tại 2 cơ sở: Phước Sơn và Châu Sơn.

Cũng viện phụ Phanxicô xúc tiến việc “chuộc” lại một số mảnh đất quanh Đan viện và cũng từ đây Đan viện có thêm cộng nhỏ bên Hoa Kỳ.

Ngày 25 tháng 3 năm 2007, Hội đồng Đan sĩ bầu cha Ephrem Trịnh Văn Đức làm viện phụ thứ 5 của cộng đoàn. Số đan sĩ của cộng đoàn tính đến nay đã là 85 trong tổng số tất cả 150 thành viên. Chính vì số thành viên ngày một gia tăng nên Viện Phụ và cộng đoàn đã quyết định mua thêm thửa đất tại Ngọc Lâm, với ý định sẽ thiết lập cộng đoàn mới sau này. Sau khi mãn hạn nhiệm kỳ 6 năm, nguyên Viện Phụ Ephrem cùng với nhóm 11 anh em đi gầy dựng cộng đoàn mới ở Châu Âu theo hợp đồng thử nghiệm của một giáo phận bên Đức quốc.

Thiên Chúa tiếp tục dẫn dắt cộng đoàn Đan viện trong muôn vàn hồng ân vật chất cũng như tinh thần ngang qua viện phụ đương nhiệm Gioan Vianney. Quả thế, vào ngày 10 tháng 4 năm 2013, dưới sự chủ tọa của Viện Phụ hội trưởng Gioan Thánh Giá Lê Văn Đoàn, Viện phụ Châu Thủy (nhà con) cùng với 103 đan sĩ của cộng đoàn Châu Sơn đã tuyển chọn vị cha chung mới cho cộng đoàn Châu Sơn Đơn Dương. Tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những kế hoạch của các vị tiền nhiệm, Viện Phụ thứ 6 của Đan viện cùng với anh em trong cộng đoàn Châu Sơn hôm nay vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình ơn gọi đan tu giữa lòng Giáo hội và xã hội trong niềm hân hoan, tin yêu và phó thác dưới sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa.

Kết:

Bảy mươi chín tuổi đời và trải qua biết bao thăng trầm, Đan viện Châu Sơn luôn luôn được tình yêu và sự quan phòng của Chúa dẫn dắt bảo vệ chở che. Dâng lời tạ ơn Chúa là bổn phận hằng ngày vì nhờ ơn Chúa cộng đoàn mới còn tồn tại và phát triển được như ngày nay. Nhìn lại quá khứ và hướng về tương lai, mỗi thành viên của cộng đoàn Châu Sơn xác tín mạnh mẽ những ân huệ đó và tiếp tục tín thác mọi biến cố lớn nhỏ của cộng đoàn nơi tình thương và sự quan phòng của Chúa. Với biển tình bao la không bao giờ cạn ấy, Đan viện sẽ mãi mãi phát triển, đời sống mỗi thành viên sẽ thăng tiến và vươn cao mãi trong ơn gọi chiêm niệm thánh hiến giữa lòng Giáo hội và thế giới.

 

1
 
2
 
3
 
4
 
5
 
6
 
7
 
10
 
9
   
12
   

 

MỜI XEM THÊM HÌNH ẢNH


 

 

 

Tác giả bài viết: BTV.HĐGX; HÌNH ẢNH HOÀNG THẾ PHƯỢNG

Nguồn tin: Mai Thi (Nguồn tài liệu được trích từ hoidongxitothanhgia.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây