“NÉT VĂN HÓA” TRÊN FACEBOOK
Facebook là một trang mạng xã hội khá phổ biến trên thế giới, do Mark Zuckerberg và những người bạn đồng sáng lập. Để sử dụng được Facebook, mỗi người có thể dễ dàng đăng ký cho mình một tài khoản cá nhân, rồi cập nhập thông tin, chia sẻ nó lên cho mọi người cùng thấy. Đây là một trang mạng có tính kết nối rộng rãi, phục vụ cho nhu cầu liên lạc, kết bạn xuyên quốc gia. Đặc biệt người dùng Facebook không phải trả phí, cho nên trang mạng này lại càng trở nên phổ biến hơn cả với những tính năng hữu ích mà nó đem đến cho người dùng. Từ Facebook, con người có thể đọc, chia sẻ thông tin một cách dễ dàng, thêm bạn bè, giao lưu, học hỏi khai thác những thông tin có ích, từ đó con người tìm thấy niềm vui, giải tỏa căng thẳng sau những lúc làm việc, học tập vất vả.
Tuy nhiên, sự phổ biến và công khai của Facebook cũng đem đến những bất cập, mà chủ yếu là do văn hóa sử dụng Facebook tiêu cực của nhiều người dùng. Lợi dụng sức lan tỏa mạnh mẽ và phủ sóng rộng rãi của trang mạng này, những câu chuyện, những thông tin tiêu cực bị lan truyền một cách chóng mặt, mà không có cách nào có thể kiểm soát được, gây ảnh hưởng đến những người dùng Facebook chân chính, lành mạnh,
Nhận thức được những mặt tiêu cực đến từ văn hóa sử dụng Facebook chưa đúng đắn của một số người dùng, bản thân chúng ta phải ý thức được hành động của mình. Cân nhắc và suy xét thật kỹ tất cả những thông tin mà chúng ta chia sẻ lên Facebook, bao gồm hình ảnh, lời nói, video ….
Tốt hơn hết, ta chỉ nên chia sẻ những thông tin có giá trị tích cực, tạo động lực cho bản thân và người khác, thể hiện được tầm nhìn và nhân cách đứng đắn. Loại bỏ những thông tin tiêu cực phản cảm. Thận trọng và suy nghĩ trước khi tương tác với một bài viết, một thông tin về chủ đề nào đó. Và hãy nhớ Facebook chỉ là một công cụ hỗ trợ cho cuộc sống thêm phần đa dạng, chứ không phải là cả cuộc sống của chúng ta gói gọn trong đó.
Không thể phủ nhận được những giá trị mà Facebook đem lại cho cuộc sống của con người. Chúng ta hãy là những người dùng Facebook có văn hóa, có đạo đức, sử dụng mạng xã hội này vào những mục đích chính đáng, tốt đẹp, mang lại lợi ích cho cộng đồng, truyền tải những thông điệp ý nghĩa, làm đẹp tâm hồn.
Việc chúng ta tận dụng mạng xã hội như thế nào chính là thước đo nhân cách, là tấm gương phản chiếu rõ nhất tầm nhận thức và văn hóa của chính chúng ta.
Vậy, nên làm gì và không nên làm gì trên Facebook? Hãy cùng đọc qua “cẩm nang” của Michael Poh – blogger nổi tiếng người Singapore đồng thời là một chuyên gia tâm lý.
1.Nên sử dụng tin nhắn riêng tư thay vì viết lên tường
Không phải ai cũng muốn được chú ý và việc bạn viết những câu chuyện tế nhị lên tường của bạn bè mình luôn cần phải được cân nhắc kỹ. Vậy nên hãy sử dụng Facebook Messaging thay vì Facebook Wall.
2.Để tâm vào những phát biểu của bạn
Khi đã có hàng trăm người bạn trên Facebook, nên để ý rằng bạn bè mình sẽ bao gồm nhiều thành phần, lứa tuổi, và công việc khác nhau. Do đó, mỗi khi phát biểu một nhận xét hay ý kiến cá nhân, người dùng cần phải đặt mình trong nhiều góc độ. Những phát biểu vô hại với bản thân nhưng biết đâu chúng sẽ khiến ai đó tổn thương thì sao...
3.Không nói quá nhiều về mình
Facebook là mạng xã hội, một nơi để bạn chia sẻ mọi thứ. Tất nhiên, khi nói về những điều riêng tư, bạn bè sẽ hiểu bạn rõ hơn, những ai thân thiết vẫn sẽ lắng nghe nhưng không có nghĩa là bạn cứ tiếp tục như vậy mãi.
Ngoài ra, Facebook là một kênh thông tin hữu dụng khi bạn muốn thông báo với mọi người những điều liên quan đến họ và cả những gì họ quan tâm, vậy nên đừng để phí điều này khi bỏ qua tính cộng đồng của Facebook.
4.Trả lời comment, đặc biệt khi đó là câu hỏi
Khi bạn đăng câu gì đó lên tường của mình, bạn bè thường comment (bình luận) và ấn “like” (thích). Tiếp theo, bạn nên trả lời, nhất là khi bạn bè có những câu hỏi liên quan đến mình. Thêm nữa, đấy cũng là một cách để thể hiện rằng bạn đã nhận được những gì họ viết.
Ngược lại, khi bạn cố tình phớt lờ sẽ khiến đối phương cảm thấy hụt hẫng, tốn thời gian và rồi họ sẽ chẳng buồn comment cho bạn nữa
5.Đừng comment lên mọi hoạt động của bạn bè
Không nên tạo thói quen comment vào tất cả những hoạt động hay phát biểu của "người khác" bởi điều đó nhiều khi còn gây phản tác dụng. chỉ nên Comment lúc cần thiết thôi.
6.Đừng kết bạn với người lạ
Một số người cho rằng việc có nhiều bạn trên Facebook sẽ rất "oai", nhưng điều ấy chỉ đúng khi bạn biết đối phương ngoài đời thực mà thôi. Dĩ nhiên, kết bạn với ai đó dù không quen nhưng khiến bạn quan tâm cũng không phải điều xấu, nhưng đừng làm như vậy chỉ vì bạn muốn gây ấn tượng với người ta.
7.Không “tag” bạn bè vào những bức ảnh nhạy cảm
Việc tag (đánh dấu) bạn bè vào các bức ảnh cũng cần khéo léo. Chẳng ai muốn thấy mình trong những bộ dạng không thể tệ hơn như vừa ngủ dậy, đang say bí tỉ , cởi trần hay trang phục mát mẻ. Có thể bức ảnh đó khiến bạn và mọi người cảm thấy buồn cười, nhưng chủ nhân của chúng – những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất lại lâm vào những hoàn cảnh khó xử.
8.Đừng để mọi người hiểu nhầm
Trên Facebook chúng ta không nói mà là viết nên rất dễ khiến ai đó hiểu lầm. Ví như khi bạn đang vui thì người ta lại tưởng bạn buồn, khi bạn pha trò, thì lại tưởng bạn đang cáu giận… Vậy nên hãy viết thật cẩn thận.
9.Đừng nói về công việc hay chuyện học hành của bạn
Bạn khó chịu với ai, hay cảm thấy họ có những cách xử lý chưa chính xác. Lời khuyên là đừng chia sẻ chúng trên Facebook. Bởi bạn sẽ không thể chắc chắn rằng điều mình vừa nói sẽ được giữ bí mật khỏi "tai vách mạch rừng", kể cả đã thiết lập chế độ riêng tư cẩn thận. Vậy nên, "im lặng là vàng".
10.Đừng chỉ trích ai đó vì bình luận của họ
Mọi người đều có quyền bày tỏ ý kiến của mình trên Internet và điều đó cần được tôn trọng. Không thể chỉ vì bạn không đồng ý mà quay sang chỉ trích này nọ. Thậm chí, người ta có thể còn không hề biết đến chuyện này và chúng chỉ khiến cho bạn thêm rắc rối mà thôi.
(St từ Internet)
Tác giả bài viết: BBT Trang Tin GXCS
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn