NIÊN LỊCH PHỤNG VỤ LÀ GÌ?

Thứ bảy - 16/03/2024 19:56
Niên lịch phụng vụ là chu kỳ các mùa Phụng Vụ trong một năm
NIÊN LỊCH PHỤNG VỤ LÀ GÌ?

NIÊN LỊCH PHỤNG VỤ LÀ GÌ?

 

ĐÁP: Niên lịch phụng vụ là chu kỳ các mùa Phụng Vụ trong một năm, nhằm cử hành những khía cạnh khác nhau của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô (x.GLHTCG 1171).

 

Cũng như năm dân sự, năm Phụng Vụ có 52 tuần lễ, khởi đầu với Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng và kết thúc vào thứ Bảy tuần lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ (tuần 34 Mùa Thường Niên). Năm Phụng Vụ được chia thành 05 mùa như sau:

 

1/ Mùa Vọng:

Mùa Vọng là mùa đầu tiên của năm phụng vụ. Mùa Vọng kéo dài khoảng 4 tuần lễ, bắt đầu từ giờ Kinh Chiều I ngày thứ bảy tuần 34 thường niên và kết thúc trước giờ Kinh Chiều I ngày 24/12 (lễ Vọng Chúa Giáng Sinh). Mùa Vọng được chia ra làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn từ đầu mùa Vọng cho đến hết ngày 16/12 mang ý nghĩa mong chờ ngày Chúa đến lần thứ hai. Giai đoạn hai từ ngày 17/12 đến chiều ngày 24/12 nhằm đón chờ ngày Chúa Giáng sinh.

 

Bầu khí của Mùa Vọng tuy không mang nét u buồn như Mùa Chay nhưng được lưu ý để không đi trước niềm vui của Lễ Giáng Sinh sau đó. Màu lễ phục trong mùa này là màu tím, nói lên lòng thống hối và sự hoán cải để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Tuy nhiên vào Chúa nhật thứ ba, có thể sử dụng lễ phục màu hồng và được gọi là Chúa Nhật Hãy Vui Lên (Chúa Nhật Gaudete).

 

2/ Mùa Giáng Sinh:

Mùa Giáng Sinh kéo dài khoảng hơn hai tuần, bắt đầu từ giờ Kinh Chiều I Lễ Giáng Sinh đến lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Mùa Giáng Sinh mừng kính mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa làm người. Lễ Giáng sinh đầu tiên được cử hành trọng thể vào khoảng năm 300, nhằm ngày 25/12 là ngày lễ thờ Thần Mặt Trời của dân ngoại. Đây là ngày trong năm có đêm dài nhất (Đông Chí) và bắt đầu ngày mặt trời đi lên quỹ đạo cao nhất mang ánh sáng chiếu soi vạn vật. Hội Thánh muốn nhân cơ hội lễ này để xác định Chúa Kitô là ‘ánh sáng chiếu soi trong đêm tối’ và là ‘mặt trời công chính soi sáng muôn dân’ (Ga 1,5 ; Lc 1,79).

 

Mùa Giáng Sinh có tuần bát nhật lễ Giáng Sinh. Sau Lễ Chúa Giáng sinh là Chúa Nhật Lễ Thánh Gia, tiếp theo là Chúa Nhật Lễ Hiển Linh (Lễ Ba Vua). Màu sắc của Mùa Giáng Sinh là màu trắng, nói lên sự vui mừng.

 

3/ Mùa Thường niên:

 Mùa Thường niên gồm 34 tuần lễ, bắt đầu từ sau Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa và kết thúc vào chiều thứ Bảy tuần lễ Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, được chia làm hai giai đoạn:

 

*Giai đoạn một: bắt đầu từ sau Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa đến trước thứ Tư Lễ Tro (khoảng 8 Chúa Nhật).

 

*Giai đoạn hai: từ sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và kết thúc trước giờ Kinh Chiều I ngày thứ bảy trước Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng của năm phụng vụ tiếp theo (khoảng 26 Chúa Nhật). Trong Mùa Thường niên Giáo Hội không cử hành một khía cạnh đặc biệt nào về mầu nhiệm Chúa Kitô, nhưng lại tôn kính chính mầu nhiệm Chúa Kitô trong toàn bộ. Ngoài ra, trong Năm Phụng Vụ, Hội Thánh còn ‘tôn vinh Đức Maria vinh hiển, Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã nối kết với công trình cứu chuộc của Con Người bằng mối dây bất khả phân ly’ (PV 103-104). Đồng thời, Hội Thánh cũng kính nhớ các thánh Tử Đạo và các thánh khác; qua đó, Hội Thánh công bố mầu nhiệm Phục Sinh nơi các ngài và trình bày cho các tín hữu những gương mẫu tuyệt vời, lôi kéo họ đến với Chúa Cha qua Chúa Kitô. Màu sắc Mùa Thường Niên là màu xanh, nói lên niềm hy vọng.

 

4/ Mùa Chay:

Tiếp theo Mùa Thường Niên giai đoạn 1 là Mùa Chay Thánh khởi đầu với Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc vào trước Thánh Lễ Tiệc ly chiều thứ năm Tuần Thánh. Mùa Chay là mùa thống hối, mùa trở về với Chúa để sửa soạn tâm hồn đón mừng lễ Phục Sinh. Đây là thời gian rất quan trọng cho đời sống thiêng liêng của Hội Thánh và của mỗi tín hữu. Mùa Chay cũng là mùa chuẩn bị trực tiếp cho các dự tòng lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo trong đêm Vọng Phục Sinh.

 

Bầu khí Mùa Chay mang sắc thái trầm buồn. Trong phụng vụ, lời ca Alleluia và Kinh Vinh Danh bị tạm bỏ. Màu tím được sử dụng trong phụng vụ và trong những hình thức trang trí thánh đường. Mọi sự trang trí cách long trọng trong cung thánh được tháo gỡ. Tuy nhiên Chúa Nhật thứ tư của mùa Chay có thể mặc lễ phục hồng và được gọi với tên là Chúa Nhật Mừng Vui Lên (Chúa Nhật Laetare). Kể từ Chúa Nhật thứ năm mùa Chay, tất cả các ảnh tượng trong nhà thờ có thể được che phủ bằng vải tím và sẽ được lột ra vào đêm Vọng Phục Sinh.

 

Chuyển tiếp giữa Mùa Chay và Mùa Phục Sinh là TAM NHẬT VƯỢT QUA (hoặc Tam nhật thánh). Tam Nhật Vượt Qua bắt đầu từ Thánh Lễ Tiệc ly chiều Thứ Năm Tuần Thánh cho đến hết Chúa Nhật Phục sinh. Đây là trung tâm của Năm phụng vụ. Ba ngày này là một khối duy nhất, riêng rẽ. Chúng biệt lập với những ngày chuẩn bị trước vì những ngày Mùa Chay đã kết thúc vào trước lễ chiều Thứ năm Thánh.

 

5/ Mùa Phục Sinh:

Mùa Phục Sinh kéo dài 50 ngày, bắt đầu từ Chúa Nhật Phục Sinh cho đến hết lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Thời gian này được cử hành trong niềm hân hoan phấn khởi, và được coi như một ngày lễ duy nhất, hơn nữa như một Đại Chúa Nhật. Các ngày trong tuần Bát nhật phục sinh được cử hành như lễ trọng kính Chúa (nhưng không đọc kinh Tin Kính). Vì thế, không được phép cử hành bất cứ thánh lễ ngoại lịch nào, trừ thánh lễ an táng.

 

Lễ Phục Sinh là ngày trọng đại nhất trong năm phụng vụ, ngày Chúa Kitô chiến thắng. Lễ này được tiếp diễn không những trong Tuần Bát Nhật mà còn được kéo dài trong suốt Mùa Phục Sinh. Trong mùa này Giáo Hội thường dùng tiếng tung hô vui mừng “Alleluia” trong các thánh lễ và kinh nguyện. Trong Mùa Phục Sinh còn có Lễ Thăng Thiên, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

 

Sau Lễ Phục Sinh, phụng vụ sẽ mừng Chúa Nhật II Mùa Phục Sinh (Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa), rồi Chúa Nhật  III, IV, V, VI và VII Mùa Phục Sinh. Ở nhiều nơi, Lễ Chúa Giêsu Lên Trời được mừng vào Chúa Nhật VII Mùa Phục Sinh. Tiếp theo là Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Mùa Phục Sinh kết thúc sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống và niên lịch phụng vụ bước sang Mùa Thường Niên giai đoạn 2 với Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, Chúa Nhật Lễ Mình và Máu Thánh Chúa, và sau đó là các Chúa Nhật Thường Niên giai đoạn 2.

 

Mầu phụng vụ Mùa Phục Sinh là màu trắng, nhưng trong ngày Lễ Hiện Xuống, Giáo Hội dùng màu đỏ, màu của lửa.

 

Như vậy, qua chu kỳ niên lịch Phụng Vụ, chúng ta được sống lại cuộc đời của Chúa Giêsu nơi trần gian với nhiều biến cố khác nhau từ khi Người sinh ra, lớn lên, ra đi rao giảng Tin Mừng, chịu khổ nạn và chết trên Thánh Giá, an táng trong mồ, sống lại và lên Trời vinh hiển để mở đường cứu rỗi cho chúng ta.

 

Linh mục Phêrô Phạm Minh Tâm

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phạm Minh Tâm

Nguồn tin: gplongxuyen.org:

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây