ĐỨC THÁNH CHA TẤN PHONG 21 HỒNG Y MỚI

Thứ bảy - 07/10/2023 10:36
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nâng 21 giáo sĩ từ các vùng đất xa xôi trên thế giới lên hàng hồng y
ĐỨC THÁNH CHA TẤN PHONG 21 HỒNG Y MỚI

Hãng tin AFP cho hay: Hôm thứ Bảy ngày 30 tháng 9 năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nâng 21 giáo sĩ từ các vùng đất xa xôi trên thế giới lên hàng hồng y, và nhận xét rằng sự đa dạng là điều cần thiết cho tương lai của Giáo hội Công giáo.

Dưới bầu trời nắng và với đám đông lấp đầy một nửa Quảng trường Thánh Phêrô, dưới mái vòm của Thành Vatican, Đức Thánh Cha năm nay 86 tuổi đã chào đón những "tân Hoàng tử của Giáo hội" - một trong số họ có thể một ngày nào đó trở thành người kế vị Đức giáo hoàng hiện tại.

"Hồng y đoàn được gọi để trở nên như một dàn nhạc giao hưởng, đại diện cho sự hài hòa và tính đồng nghị của Giáo hội", Đức Phanxicô nói trước các hồng y tập trung trên bậc thang của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.

"Sự đa dạng là cần thiết; đó là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, mỗi âm thanh phải góp phần vào bản nhạc chung", Đức Thánh Cha nhắn nhủ.

Việc lựa chọn các hồng y mới, bao gồm các nhà ngoại giao, cố vấn thân cận và quản trị viên, được theo dõi sát sao như một dấu hiệu cho thấy ưu tiên và lập trường của Giáo hội. Một trong số các tân hồng y cũng có thể một ngày nào đó được bầu chọn để kế nhiệm Đức Phanxicô, người đã để ngỏ khả năng từ chức trong tương lai nếu sức khỏe đòi buộc.

Thánh lễ đặc biệt hôm thứ Bảy, còn được gọi là một công nghị hồng y, diễn ra lần thứ chín kể từ khi Đức Phanxicô được bổ nhiệm làm người đứng đầu 1,3 tỷ tín hữu Công giáo trên thế giới vào năm 2013.

Từng người một, các hồng y mặc áo đỏ quỳ gối trước Đức Giáo hoàng, người đã trao cho họ hai biểu tượng của chức vụ: một chiếc mũ đỏ bốn góc được gọi là biretta và một chiếc nhẫn hồng y. Với một số tân chức, Đức Phanxicô cười tươi cùng với một câu khích lệ "Bravo!" hoặc "Courage!" khi ngài bắt tay các ngài 

Trong thời gian tại vị, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tìm cách kiến tạo một Giáo hội toàn cầu cởi mở nhiều hơn, nhìn ra ngoài châu Âu và hướng đến các giáo sĩ ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh để lấp đầy những hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của Giáo hội. Mười tám trong số 21 hồng y mới dưới 80 tuổi và do đó hiện có đủ điều kiện để bỏ phiếu với tư cách là "hồng y cử tri" trong mật nghị tiếp theo, khi ấy người kế nhiệm Đức Phanxicô sẽ được quyết định. Họ nằm trong số 99 hồng y cử tri được Đức Phanxicô tạo ra, chiếm khoảng ba phần tư tổng số. Điều đó đã làm dấy lên suy đoán rằng vị lãnh đạo tinh thần tương lai của Giáo hội sẽ có cùng khuôn mẫu như Đức Phanxicô, rao giảng một Giáo hội khoan dung hơn với việc đặt trọng tâm lớn hơn vào người nghèo và những người bị thiệt thòi.


Các giám mục đang hành động 

Với danh sách hồng y mới nhất của mình, Đức Phanxicô một lần nữa nhìn vào "vùng ngoại vi" của thế giới - nơi Công giáo đang phát triển - trong khi phá vỡ thông lệ thăng chức các tổng giám mục của các giáo phận lớn và hùng mạnh.

"Đức Thánh Cha đang tìm kiếm những hồng y phù hợp với thời đại. Đây là những người đã bước ra khỏi Giáo hội của quá khứ, những người tích cực đảm bảo sự bứt phá", một nhà quan sát có thông tin về Tòa thánh, người yêu cầu giấu tên, nói với hãng tin AFP trước buổi lễ.

Các tân hồng y đại diện cho "sự phong phú và đa dạng của kinh nghiệm, và đó là tất cả những gì Giáo hội có", Đức Tổng giám mục Cape Town, Stephen Brislin, nói với AFP hôm thứ Năm.

"Giáo hội bao gồm tất cả mọi người, không chỉ một nhóm người nhất định", ngài giải thích.

Có ba hồng y mới từ Nam Mỹ, bao gồm hai người Argentina, và ba người từ châu Phi, với việc thăng chức các tổng giám mục của Juba ở Nam Sudan, Tabora ở Tanzania và Brislin từ Cape Town.

Châu Á được đại diện bởi Giám mục Penang ở Malaysia và Giám mục Hồng Kông, Stephen Chow, người được coi là đóng vai trò quan trọng trong việc tìm cách cải thiện mối quan hệ căng thẳng giữa Vatican và Bắc Kinh.


Các nhà ngoại giao và quản lý

Một số hồng y mới, như Đức cha Chow, có kinh nghiệm ở các khu vực nhạy cảm trên thế giới, nơi Tòa thánh hy vọng sẽ đóng vai trò ngoại giao quan trọng.

Danh sách này bao gồm thẩm quyền Công giáo hàng đầu của Thánh địa, Tổng giám mục người Ý Pierbattista Pizzaballa, vị Thượng phụ La Mã đầu tiên của Jerusalem được tấn phong hồng y.

"Jerusalem là một phòng thí nghiệm thu nhỏ, liên tôn giáo và liên văn hóa, và đó là một thách thức mà toàn thế giới đang phải đối mặt ở thời điểm này," Pizzaballa nói với AFP.

Cũng được thăng chức là Đức khâm sứ, hay đại sứ, tại Hoa Kỳ, Christophe Pierre của Pháp, người có sự nghiệp ngoại giao kéo dài hàng thập kỷ bao gồm các vị trí ở các quốc gia như Haiti, Uganda và Mexico.

Các quản trị viên hàng đầu trong Giáo triều, cơ quan quản lý của Tòa thánh, cũng được ghi nhận.

Có Đức cha Claudio Gugerotti người Ý, tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương; Victor Manuel Fernandez đến từ Argentina, người mà Giáo hoàng gần đây đã bổ nhiệm làm người đứng đầu Bộ giáo lý đức tin; và Đức cha Robert Prevost sinh ra ở Chicago, một cựu giáo sĩ truyền giáo ở Peru, người đứng đầu Bộ Giám mục.

Mật nghị hồng y lần trước được tổ chức vào tháng 8 năm 2022.

Tác giả: Duc Trung Vu, CSsR chuyển ngữ

Nguồn tin: Theo Agence France-Presse

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây