TRỜI CAO, HÃY ĐỔ MƯA XUỐNG
Người ta, hoa đất. Địa linh sinh nhân kiệt. Miệng đời vẫn bảo thế. Và riêng trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, lại là một qui luật gần như bất biến. Trước hết, hãy nói về Hà Nam, một vùng đất chân quê quá đỗi nghèo khổ. Có lẽ Hà Nam là tỉnh thành nghèo nhất nhì ở đồng bằng Bắc Bộ. Đi đến đâu cũng chỉ thấy một đời thuần nông với đồng ruộng vườn tược ao chuôm với cây lúa, con trâu, cái cày. Những năm gần đây – trong xu thế công nghiệp đô thị hóa chung chung của đất nước – Hà Nam bỗng có thêm vài nghề mới: Khai thác đá và cây cảnh, nên đời sống khấm khá hơn xưa. Nhưng như tôi nghiệm thấy, Hà Nam vẫn cứ nghèo xác nghèo xơ. Ấy thế mà lại sinh ra khối bậc hiền tài, với biết bao sự kiện văn hoá lẫy lừng. Xửa xưa thời vua Lê Đại Hành (năm 987) làng Đọi Sơn (Hà Nam) được triều đình chọn làm nơi diễn ra lễ hội tịch điền.. Đến nay, hằng năm vào mồng 6 Tết âm lịch, người tứ xứ thập phương về trẩy hội vẫn đông vui sầm uất. Hà Nam có làng Đọi Tam làm trống danh bất hư truyền. Nếu không linh không thiêng làm sao đất ấy hun đúc nên đại khoa như tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (1835-1909) hoặc như nhà văn trẻ tuổi tài cao Nam Cao (1917-1951) …
Về Hà Nam và ở lại với Lý Nhân, Duy Tiên, Bình Lục, Sở Kiện - những phố huyện, thị trấn quần cư sung túc hơn - sẽ lắng nghe được hồn vía của âm điệu hát chèo, một kho báu tiềm ẩn nơi đời sống văn hoá dân gian của người Hà Nam. Phải chăng đây lại là đáp số cho bài toán “Tại sao Hà Nam quy tụ nhiều danh nhân đến thế?”. Tôi không dám cường điệu. Nhưng chỉ ngẫm nghĩ trong một góc rất đặc thù của người Công giáo thôi – xét riêng trong lĩnh vực Thánh nhạc Thánh Ca – thì Hà Nam đã xứng danh với “đất lành chim đậu” vì nơi đây đã là nơi chôn nhau cắt rốn của bao nhiêu nhạc sĩ Công giáo: Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn (1921-1990); Tâm Bảo (?); Thiên Phụng (1920-1982); Hoài Đức (1922-2007); Hoài Chiên (1929-2005); Hoàng Ngô (1932-1997); Hùng Thái Hoan (?); Hoàng Phúc (1938-2009) và Duy Tân, người lính bạch đầu quân trong hàng ngũ tiên phong khai phá ở những thập niên 1940 của thế kỷ trước.
Tính đến thời điểm này (2021), đúng 10 năm tròn, sau khi nhạc sĩ Duy Tân, người hành khách cuối cùng của nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh rời bỏ cõi tạm, sau những người đồng chí hướng, như Tâm Bảo (?), Thiên Phụng (1982), Hùng Lân (1986), Hoàng Ngô (1997), Hoài Chiên (2005), Hoài Đức (2007), Hoàng Phúc (2009)… Nhạc sĩ Duy Tân được coi như bậc tiền bối duy nhất còn sót lại; sau chuyến đi xa lần lượt của Tâm Bảo, Thiên Phụng (1982), Hùng Lân (1986), Hoàng Ngô (1997), Hoài Chiên (2005), Hoài Đức (2007), Hoàng Phúc (2009)… Có lẽ ở nhạc đoàn nào cũng thế. Cây cao bóng cả rủ nhau đi hết, từng lớp, từng lớp. Tre già và măng đã mọc chưa? Tôi đang dự cảm không biết lành dữ về những bến bờ xa lắc xa lơ, về những hợp tan, về những còn mất mong manh rất hờ hững, lạnh lùng của những nhạc đoàn Công giáo Việt Nam. Một thời để thương để nhớ. Rằng tại sao ngày xưa túng quẫn ngặt nghèo khổ sở, mà vẫn lung linh bền chặt ngời sáng những Lê Bảo Tịnh, Sao Mai, Ca Thánh, Thiên Cung, Tiếng Chuông Nam, Minh Nhạc, Phan Văn Minh, APNG, Thánh Gia, Suối Nhạc, Tân Ca, Vào Đời, Cung Hát Thánh Vịnh/Thần Vụ của các đan sĩ Dòng Xi Tô Phước Sơn trong giờ kinh Phụng vụ v.v... Nhiều, rất nhiều tên tuổi nhờ những gốc gác truyền đời, những bệ phóng vững chắc ấy mà chắp cánh thăng hoa, đình đám, được đông đảo công chúng nhà đạo mặn mà đón nhận, tri ân. Còn ngày nay giữa một thế giới phồn vinh thừa mứa đa phương tiện, một hoàn cảnh hết sức thuận lợi để liên đới phát triển, nhưng hình như lại đang rơi tự do vào chỗ “trăm hoa đua nở” rất vô cảm. Có lẽ vì thế mà mấy chục năm qua, thánh nhạc Việt Nam chỉ nặng về số lượng, vụ hình thức mà thiếu vắng hẳn những tác phẩm lớn, để đời, nếu xét về con người, tác giả và tác phẩm, kể cả một ngòi bút lý luận, phê bình.
Như trên đã nói, tên tuổi Duy Tân chỉ thực sự nổi lên từ khi bài thánh ca mùa Vọng “Trời Cao” của ông mang hơi thở Việt Nam và ngôn ngữ Việt Nam đến với mọi người. Tất nhiên, ai cũng biết cảm hứng của ca khúc ấy khởi đi từ ca nguyện La Tinh và chữ nghĩa khải huyền của Isaia “Rorate coeli desuper et nubes pluant justum”. Lập tức, nhạc sĩ Duy Tân đã chinh phục được tâm hồn người Công giáo Việt Nam bằng chính giai điệu và ca từ rất Việt Nam.
Trời cao, hãy đổ sương xuống
Và ngàn mây hãy mưa Đấng Chuộc tội
Trời cao, hãy đổ sương xuống
Và ngàn mây hãy mưa Đấng Cứu đời
Vâng, tôi trộm nghĩ, chỉ cần một bài thánh ca ấy, tất cả đất trời, vạn vật, con người như thu mình lại trong cái khung cảnh âm u lạnh lẽo mịt mù của đợi chờ mòn mỏi, để rồi bừng lên hy vọng một hừng đông Cứu rỗi. Tài tình quá, diệu kỳ thay, ngón tài hoa của Duy Tân. Đúng là một nhạc sĩ Duy Tân trong con mắt người bạn tri kỷ “…rất oai ngồi vào cây phong cầm, vì anh là một tay giỏi loại đàn này” (1). Không chỉ một mình tôi là kẻ ngoại đạo với âm nhạc đã có cái cảm xúc ngây ngất ấy. Nhưng tất thảy những ai đã từng mở miệng hát bài này đều có chung những cảm xúc tôn giáo thánh thiện và rung động nghệ thuật hiếm hoi ấy. Cám ơn nhạc sĩ Duy Tân, ngư ông và biển cả, người lính tuần phiên đã canh thức cả đời người để cất lên bài hát “Cầu mưa”. Thánh ca Công giáo đã gặp gỡ đồng dao Việt Nam. Đấy là một trong 1001 con đường tơ lụa để hội nhập văn hoá, để loan báo Tin Mừng. Tự nhiên tôi liên tưởng tới tuổi thơ tôi ngày xửa ngày xưa trong sân nhà thờ một đêm sáng trăng:
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp.
Thưa nhạc sĩ Duy Tân, trước và sau “Trời Cao”, đời sống TNTC Việt Nam giàu sang hẳn lên, rộn ràng hẳn lên với hàng loạt ca khúc mùa Vọng và Giáng Sinh. cảm hứng từ Thánh Kinh của Tâm Bảo, Thiên Phụng, Hoài Chiên, Hùng Lân, Nguyễn Khắc Xuyên, Hoài Đức, Hải Linh, Ngô Duy Linh, Vinh Hạnh, Kim Long, Hoàng Kim, Hoàng Diệp, Tiến Dũng …Chỉ cần một mình “Trời Cao” là đủ. Unum neccssarium est. Không lẫn vào đâu được. Duy Tân mãi mãi là Duy Tân với “Trời Cao”. Cũng như Phaolô Đạt với “Nửa Đêm Mầng Chúa Ra Đời”, Nguyễn Linh Kinh vơi “Xin Trời Hãy Rưới Sương”, Nguyễn Văn Vinh với “Mở Đường Phúc Thật”, Hải Linh với “Hang Bê Lem”, Hoài Đức với “Cao Cung Lên”, Hùng Lân với “Đêm Thánh Vô Cùng”…Vâng, nào, chúng ta cùng cất lên “Trời Cao hãy đổ sương xuống…”
Chú thích :
Tác giả bài viết: Lê Đình Bảng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn