CON CÁI TRƯỞNG THÀNH CÓ NỢ CHA MẸ ĐIỀU GÌ KHÔNG?

Thứ ba - 10/01/2023 09:07
Giáo hội luôn mời gọi và khuyến khích phận làm con sống Điều răn thứ Tư của Thiên Chúa qua việc hiếu thảo cha mẹ
CON CÁI TRƯỞNG THÀNH CÓ NỢ CHA MẸ ĐIỀU GÌ KHÔNG?



CON CÁI TRƯỞNG THÀNH CÓ NỢ CHA MẸ ĐIỀU GÌ KHÔNG?

Theresa Civantos Barber
và Chris Cammarata

WHĐ (08.01-2023) - Mới đây, tôi đọc được một bình luận trên Facebook với nội dung “Con cái không nợ cha mẹ bất cứ điều gì”. Người bình luận cho rằng điều này liên quan đến quyết định cắt đứt liên lạc với cha mẹ của cô.

Tôi không biết câu chuyện của người phụ nữ này, ngoài vài câu cô ấy chia sẻ trên Facebook. Tôi cho rằng cô ấy có lý do trong quyết định này, một quyết định mà tôi chắc là cô ấy đưa ra không dễ dàng gì.

Nhưng tôi không thể không tự hỏi liệu câu nói của cô ấy Con cái không nợ cha mẹ bất cứ điều gì” có đúng không, nói cách khác, Liệu có thực sự là con cái không nợ cha mẹ điều gì không?

Đây là một câu hỏi xoay quanh Điều răn Thứ Tư tôi cho rằng rất có thể là điểm gây tranh cãi trong một số gia đình. Do đó, tìm đến giáo huấn của Giáo hội trong Sách Giáo lý Công giáo (GLCG), là nguồn khôn ngoan giúp chúng ta nhìn rõ hơn về bổn phận của con cái đối với cha mẹ, và một cách nào đó, cho chúng ta lời giải đáp cho câu hỏi trên.

1. Tổng quan về Điều răn Thứ Tư

Trước hết,

Thiên Chúa muốn rằng, sau Ngài, chúng ta phải tôn kính cha mẹ, là những vị chúng ta phải chịu ơn về sự sống, và là những vị đã lưu truyền cho chúng ta sự nhận biết Thiên Chúa. Chúng ta cũng buộc phải tôn kính tất cả những người được Thiên Chúa trao ban quyền bính của Ngài để mưu ích cho chúng ta(GLCG, 2197)

Thứ đến,

Điều răn thứ tư rõ rệt nhắm đến con cái, trong tương quan của họ với cha và mẹ họ, bởi vì đây là tương quan phổ quát nhất. Điều răn này cũng liên quan tới các quan hệ họ hàng giữa các thành viên trong gia tộc, đòi chúng ta phải tôn kính, mến yêu và biết ơn ông bà tổ tiên. Cuối cùng, điều răn này còn mở rộng tới các bổn phận của học trò đối với thầy cô, thợ với chủ, kẻ thuộc cấp đối với người chỉ huy, công dân đối với tổ quốc, và với tất cả những người điều hành, cai trị đất nước. (GLCG, 2199)

Như thế, Điều răn Thứ Tư là nền tảng cho các mối tương quan của chúng ta với nhau, theo thứ tự quan trọng: gia đình trực hệ, sau đó là gia đình mở rộng, và tiếp đến là xã hội rộng bao quát hơn. Những ai tuân giữ Điều răn này thì được “chúc phúc”được “sống lâu” (Xh 2012), và điều này mang lại “hoa trái thiêng liêng” cũng như “những lợi ích trần thế là sự an bình và thịnh vượng” (GLCG 2200).

Chúng ta cũng nhận ra rằng, cách diễn đạt về Điều răn này rất cụ thểHãy thảo kính cha mẹ”. Ở đây, thảo kính” bao hàm việc vâng lời cha mẹ trong nhiều trường hợp, nhưng không đồng nhất với việc vâng lời cha mẹ. Điều này có nghĩa làthảo kính cha mẹ và vâng lời cha mẹ không đồng nghĩa với nhau. Dưới đây chúng ta sẽ xem xét chi tiết sự khác biệt này kéo theo những điều gì.

2. Bổn phận của con cái đối với cha mẹ

Trước hết, con cái có nghĩa vụ hiếu thảo với cha mẹ. Cha mẹ là những người đã cho chúng ta cuộc sống, nuôi nấng, chu cấp cho chúng ta trong đời sống thể lý và củng cố chúng ta trong đời sống đức tin. “Để mưu ích cho chúng ta, Thiên Chúa đã giao phó chúng ta cho cha mẹ, và vì vậy, khi hành động vì lợi ích của chúng ta, cha mẹ hành động theo thẩm quyền mà Thiên Chúa đã giao phó để giúp chúng ta đạt tới cứu cánh cuộc đời là chiêm ngưỡng Thiên Chúa trên thiên đàng.

Tiếp đến, Sách Giáo lý trình bày chi tiết ý nghĩa cụ thể của việc hiếu thảo cha mẹ và lý do tại sao chúng ta nên làm điều đó:

(1) Kính trọng

Tình phụ tử thần linh là nguồn mạch của tình phụ tử nhân loại; chính tình phụ tử đó đặt nền tảng cho việc tôn kính cha mẹ. Lòng tôn kính của con cái, còn nhỏ hay đã trưởng thành, đối với cha và mẹ mình … được đòi buộc bởi một điều răn của Thiên Chúa. (GLCG, 2214)

(2) Biết Ơn

Lòng tôn kính cha mẹ (lòng hiếu thảo) dựa trên sự biết ơn đối với những người, bằng việc trao ban sự sống, bằng tình yêu và công lao của mình, đã sinh ra các con cái mình, giúp chúng có khả năng lớn lên về tuổi tác, về sự khôn ngoan và ân sủng. (GLCG, 2215)

(3) Vâng Phục

Lòng hiếu thảo được bày tỏ qua sự ngoan ngoãn và vâng phục chân thành (GLCG2216)

Thực racó một hoa trái thiêng liêng to lớn trong việc vâng phục cha mẹ. Vâng phục là điều rất khó đối với chúng ta, vốn là những con người sa ngã, đặc biệt là trong một thế giới cổ võ lối nghĩ cho mình là trung tâm, và chỉ quan tâm đến bản thân. Đức Giêsu đã luôn vâng phục cha mẹ mình – và nếu như có ai có lý do để không vâng phục cha mẹ, thì đó phải là Đức Giêsu! Nhưng, chính nhờ sự “vâng phục cho đến chết” của Đức Giêsu trên Thập giá (Pl 28) mà chúng ta được ơn cứu độ. Vì vậy, vâng phục là điều mà chúng ta chắc chắn có thể đạt được.

3. Điều kiện vâng phục cha mẹ

Sách Giáo lý bắt đầu bằng cách nói rõ rằng:

Bao lâu còn chung sống với cha mẹ, con cái phải tuân giữ mọi điều cha mẹ dạy liên quan đến lợi ích bản thân hoặc của gia đình (GLCG 2217).

 thế, bao lâu một đứa trẻ (chưa trưởng thành) sống ở nhà dưới sự chăm sóc của cha mẹ, thì đứa trẻ đó có nghĩa vụ vâng phục cha mẹ về mặt luân lý.

Tuy nhiênsự vâng phục này có điều kiện! Đây là yếu tố rất quan trọng bậc cha mẹ cần lưu tâm. Có thể nói rằng, con cái là một trong những món quà tuyệt vời nhất mà bậc cha mẹ nhận được. Thiên Chúa, tác giả của sự sống, cho phép đôi vợ chồng tham gia vào hành động sáng tạo của Ngài để đem đến một cuộc sống mới cho thế giới. Do đó, một đàng món quà tuyệt vời này là lý do tại sao con cái phải luôn biết ơn, yêu mến, và đón nhận cha mẹ mình. Đàng khác, tuy nhiên, cha mẹ không được quyền “sở hữu” con cái, vì cuộc đời của đứa trẻ không thuộc về cha mẹ nhưng thuộc về Thiên Chúa. Đây cũng là điều Sách Giáo lý xác định rằng con cái không được vâng lời cha mẹ một cách mù quáng, và trên thực tế, có những hoàn cảnh con cái không bắt buộc phải vâng lời, thậm chí, không được vâng lời cha mẹ.

Vậy những điều kiện đó là gì?

Trước hết, là khi cha mẹ bảo đứa trẻ làm điều gì đó sai trái về mặt luân lý. Sách Giáo lý xác định rõ,

Nếu người con theo lương tâm, thấy vâng theo một lệnh truyền nào đó là làm điều xấu về mặt luân lý, thì không được vâng lời.” (GLCG 2217).

Thứ đến, là khi một đứa trẻ lớn khôn (hoặc theo thuật ngữ pháp lý, nghĩa là khi đến tuổi trưởng thành). Theo đó, khi đứa trẻ có khả năng đưa ra quyết định độc lập và chịu trách nhiệm về bản thân, thì việc vâng lời cha mẹ không còn là mệnh lệnh luân lý nữa:

Khi trưởng thành, con cái vẫn phải tôn kính cha mẹ. Con cái phải biết đón trước những điều cha mẹ mong muốn, sẵn sàng hỏi ý kiến và đón nhận những lời khuyên bảo chính đáng của cha mẹ. Sự vâng lời của con cái đối với cha mẹ ngưng khi con cái không còn sống chung với cha mẹ nữa, nhưng lòng tôn kính thì không như thế, mà phải tồn tại luôn mãi. Thật ra, lòng tôn kính này có gốc rễ từ lòng kính sợ Thiên Chúa, là một trong các hồng ân của Chúa Thánh Thần. (GLCG, 2217)

Cách diễn đạt trong đoạn văn này cho thấy sự cân bằng tuyệt vời giữa quyền tự do và sự kính trọng cha mẹ của con cáiHiếu kính cha mẹ là trách nhiệm cả đời, nhưng vâng lời thì không phải vậy. Điều này không có nghĩa là con cái, khi đến tuổi trưởng thành có thể tự do phớt lờhoặc nổi giận chống lại cha mẹ chỉ “vì mình có thể. Hơn nữa, khi Giáo hội tôn trọng quyền tự do mà mỗi cá nhân có được, cũng cần phải hiểu “tự do” là khả năng của một người trưởng thành trong việc lựa chọn điều gì là tốt lành và thánh thiện. Đó không phải là “tự do khỏi” mà là “tự do vì” – tự do vì Chúa Kitô, tự do vì sự thánh thiện, tự do vì Nước Thiên Chúa. Và một lần nữa, kính trọng, yêu thươngvà phục vụ cha mẹ một cách vị tha là trách nhiệm cả đời.

Trong trường hợp khi con cái đã trưởng thành nhưng vẫn sống chung với cha mẹ, thì sự vâng phục vẫn có điều kiện. Sống chung với cha mẹ thì con cái vẫn phải vâng lời trong những vấn đề cụ thể, giống như khi sống trong nhà của bất kỳ ai khác. Ví dụ, nếu cha mẹ mong đợi những trách nhiệm nhất định của con cái đã trưởng thành như đảm đang công việc gia đình, điều đó là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên nhạy cảm với nhu cầu và tôn trọng sự tự do của con cái trưởng thành để tránh những xung đột gây mất hoà khí gia đình.

4Phân định ơn gọi

Tới đây, chúng ta có thể đi xa hơn, để đặt ra vấn nạn: Liệu khi con cái đến tuổi trưởng thành và gặp mâu thuẫn với mong muốn của cha mẹ khi phân định ơn gọi của họ thì sẽ giải quyết thế nào?

Vấn đề này đã được Sách Giáo lý đề cập đến:

Khi đến tuổi trưởng thành, con cái có bổn phận và có quyền lựa chọn nghề nghiệp và bậc sống của mình. Con cái đảm nhận những trách nhiệm mới trong tương quan đầy tin tưởng đối với cha mẹ, sẵn sàng bàn hỏi và đón nhận các ý kiến và lời khuyên của cha mẹ. Cha mẹ phải lưu ý để không ép buộc con cái trong việc chọn nghề nghiệp hoặc chọn bạn trăm năm. Bổn phận giữ sự chừng mực này không ngăn cản họ – mà trái lại – trong việc trợ giúp con cái bằng những lời khuyên khôn ngoan, nhất là khi con cái có ý định lập gia đình. (GLCG, 2230).

Một lần nữa, Giáo hội đề cao quyền tự do của mỗi người. Cha mẹ không nên “gây áp lực cho con cái” trong việc kết hôn, gia nhập một dòng tu, hoặc chọn một nghề nghiệp cụ thể. Cha mẹ có thể đưa ra lời khuyên và giúp đỡ con cái trong việc chọn lựa, đối lại, con cái nên tìm đến cha mẹ để được tư vấn và hỗ trợ, nhưng quyết định cuối cùng không phải của cha mẹ mà là thuộc về người con.

Chúng ta trở lại nguyên tắc đã đề cập trên đây: Cha mẹ là những người giám hộ, những người được ủy thác cho cuộc sống của con cái họ. Cuối cùng, tất cả chúng ta đều thuộc về Thiên Chúa. Trong thân phận làm người, với những giới hạn và bất toàn, ý muốn của cha mẹ không phải lúc nào cũng trùng với ý muốn của Thiên Chúa, cho dù ý định của cha mẹ có thể tốt đến đâu hoặc có sức thuyết phục đến đâu. Điều này đặc biệt quan trọng khi nói đến việc phân định và sống cho Nước Thiên Chúa, như Sách Giáo lý nhấn mạnh:

Các mối liên hệ trong gia đình dù quan trọng, nhưng không phải tuyệt đối. Cũng như đứa trẻ tăng trưởng trong sự trưởng thành và sự tự lập về mặt nhân bản và thiêng liêng, thì cũng vậy, ơn gọi riêng của nó, ơn gọi đến từ Thiên Chúa, cũng được khẳng định một cách rõ ràng hơn và mạnh mẽ hơn. Cha mẹ phải tôn trọng ơn gọi này và khuyến khích con cái đáp trả bằng việc đi theo ơn gọi đó. Phải xác tín rằng ơn gọi thứ nhất của Ki-tô hữu là đi theo Chúa Giêsu. “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai, con gái hơn Thầy thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 37). (GLCG, 2232)

 đây có sự cân bằng giữa việc hiếu kính và vâng phục cha mẹ với việc trung thành với tiếng nói của Thiên Chúa trong lòng mình. Có rất nhiều câu chuyện về các vị Thánh đã chọn đi trên con đường tốt đẹp này, và không ít vị đã phải chiến đấu chống lại mong muốn của cha mẹ để làm theo ý Chúa, chẳng hạn như: Thánh Lucia, Thánh Phanxicô Assisi, Thánh Catherine Siena, Thánh Thomas Aquinas, Thánh Margaret Mary, Thánh Euphrasia Eluvathingal, …

Khi quyết định chọn lựa cho mình một cuộc sống riêng, việc nhận được sự chúc phúc của cha mẹ có giá trị và tác động sâu sắc đối với con cái, nên cha mẹ hãy luôn mở lòng để thấu hiểu và quảng đại để chúc phúc cho con cái. Tuy nhiên, nếu vì bất cứ lý do gì mà cha mẹ từ chối chúc phúc cho một quyết định cụ thể của con cái, thì điều đó không có nghĩa là quyết định ấy bị thất bại hoặc trái với ý muốn của Thiên Chúa. Mọi phúc lành và mọi điều tốt lành đều đến từ Thiên Chúa; ngay cả khi cha mẹ chúng ta không chấp nhận, Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta nếu chúng ta làm theo ý muốn của Ngài một cách đúng đắn và sáng suốt.

***

Tới đây, chúng ta có thể nhận ra rằng Giáo hội luôn mời gọi và khuyến khích phận làm con sống Điều răn thứ Tư của Thiên Chúa qua việc hiếu thảo cha mẹnên nói rằng con cái không nợ cha mẹ điều gì là không chính xác. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận, trong nhiều trường hợp, sự hiếu thảo được thể hiện qua kính trọng, biết ơn, và vâng phục có thể là những nhiệm vụ rất khó khăn, nếu không muốn nói, là thách đố không dễ vượt qua, nhất là khi các giá trị khác nhau dẫn đến xung đột lặp đi lặp lại giữa các thế hệ.

Hy vong rằng, với sức mạnh của ân sủng qua lời cầu nguyện, tình yêu thương chân thành, sự khiêm tốn, sẵn sàng tha thứ, đón nhận và tôn trọng những khác biệt của nhau, mối tương quan chân thành giữa cha mẹ và con cái được củng cố, và tình thân giữa các thế hệ trong gia đình được thắt chặt.

Được như thế, chắc hẳn “món nợ ân tình sẽ không là, hoặc không trở thành gánh nặng khi có được sự chúc lành của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Theo: catholic.cafe ; và aleteia.org (06. 01. 2023)

Nguồn tin: www.hdgmvietnam.com

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây