Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 21, 1-11)
Khi các ngài đến gần Giêrusalem, vào địa hạt Bếtphaghê, giáp núi Cây Dầu, Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi và bảo rằng: "Các con hãy đến làng trước mặt kia, sẽ gặp ngay một con lừa mẹ cột ở đó với con lừa con. Các con hãy mở dây, dẫn về đây cho Thầy; và nếu có ai bảo các con điều gì, thì hãy nói: Chúa cần đến chúng, và Ngài sẽ gởi trả lại ngay". Mọi việc này xảy ra để ứng nghiệm lời tiên tri đã phán: "Các ngươi hãy bảo thiếu nữ Sion rằng: Kìa vua ngươi nhân ái đến cùng ngươi, ngồi trên lừa mẹ và lừa con, là con của con vật chở đồ". Các môn đệ ra đi và làm theo lời Chúa Giêsu dạy bảo. Hai môn đệ dẫn lừa mẹ và lừa con về, trải áo lên mình chúng và đặt Chúa ngồi lên trên. Phần đông dân chúng trải áo xuống đường, kẻ khác thì chặt nhành cây trải lối đi. Dân chúng kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: "Hoan hô con vua Ðavit! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời!"
Khi Ngài vào thành Giêrusalem, thì cả thành phố náo động và nói rằng: "Người đó là ai vậy?" Dân chúng trả lời rằng: "Người ấy là Tiên tri Giêsu, xuất thân từ Nadarét, xứ Galilêa".
Suy niệm
Thế là những ngày mùa chay đang dần khép lại, đó là 40 ngày được mời gọi vào sa mạc cuộc sống, bên cạnh đó là những việc làm như ăn chay, sám hối, cầu nguyện và chia sẻ với anh chị em khó khăn, bất hạnh, là những việc làm cần thiết, để bày tỏ sự nỗ lực của bản thân trong tinh thần của một tội nhân trở về với Thiên Chúa, người Cha nhân từ. Mẹ Giáo hội mời gọi con cái hãy luôn ý thức về thân phận tội lỗi và đầy khiếm khuyết của mình, để luôn cố gắng chỗi dậy, cố gắng trở về, Thiên Chúa, một người Cha nhân từ, sẵn sàng quên mọi lầm lỗi, mọi thiếu sót của con người, nếu như con người tin tưởng vào Ngài, trở về để được giao hòa và bước vào một hành trình mới của niềm tin. Bài Tin mừng theo thánh Mattheu kể lại biến cố Đức Giesu vào thành Gie-ru-sa-lem, được mọi người đón rước long trọng, toàn thể dân thành náo nức, mọi cánh tay giơ cao chào đón Ngài, để rồi, chỉ sau đó ít ngày, cũng những cánh tay đó, những con người đó, đã giơ cao, hô vang đóng đinh Ngài vào thập giá. Cuộc đời con người là thế, đổi thay và thiếu sự cố gắng, đặc biệt trong niềm tin.
Trở lại với phần phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ đặc biệt, khởi đầu tuần thánh, bài đọc 1 trích từ sách tiên tri Isaia, tường thuật về ơn gọi tiên tri của ngài, đồng thời hướng tới những ai chọn Thiên Chúa là chủ tể cuộc đời, hãy mạnh dạn để loan báo tin vui cho thế giới: “Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi, mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui”. Các tiên tri được sai đến với con cái Israel để giúp họ sám hối, giúp họ hoán cải cuộc đời, trở về với Giave, để được sống trong sự chăm sóc đặc biệt của Ngài. Thiên Chúa mượn cuộc đời và lời nói của các tiên tri, để nhắc nhở những ai tin tưởng vào Ngài, sống theo giáo huấn của Ngài, thì mai ngày, người đó sẽ được Thiên Chúa trọng thưởng.
Con Thiên Chúa, khi bước vào lịch sử nhân loại, đã sống trọn vẹn ơn gọi của mình, dẫu là Con Thiên Chúa, nhưng Đức Giesu luôn tìm thánh ý Cha, dù rằng có những phút giây, Ngài cũng chưa hiểu hết ý Cha mình muốn gì trong cuộc đời mình. Vậy mà, Ngài đã khước từ tất cả, thực hiện trọn vẹn ý Cha, để rồi, Chúa Cha đã trọng thưởng cho Ngài. Cùng nghe lại lời của thánh Tông Đồ dân ngoại trong lá thư gởi giáo đoàn Phi-lip-phê, để biết phần nào ơn gọi của Đức Giesu: “Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá”. Ánh hào quang của mầu nhiệm phục sinh luôn nằm ở phía sau của vầng mây u ám thập giá, những bước chân nặng nề thập giá, làm cho người ta sợ hãi, làm cho con người ngại ngùng đồng hành với Con Thiên Chúa, ngay cả các học trò thân tín của bỏ chạy giữa chừng, một đức tin sợ hãi và nhát đảm.
Đọc lại câu chuyện Đức Giesu vào thành Giê-ru-sa-lem, Ngài được dân chúng đón rước long trọng, trải áo trên đường, phất cao những cành lá như chào đón một vị vua chiến thắng trở về. Tiếng hô vang của đám đông, tiếng reo mừng của những người biết Ngài, tất cả những âm thanh đó, tạo nên một bầu khí thật hào hùng, để rồi sau đó ít ngày, cũng vang lên những âm thanh ồn ào của đám đông, cũng những cánh tay giơ cao la ó, nhưng không phải là đón chào, không phải là tung hô, mà là tiếng kêu của sự giận dữ, điên cuồng và giận ghét: “Các môn đệ ra đi và làm theo lời Chúa Giêsu dạy bảo. Hai môn đệ dẫn lừa mẹ và lừa con về, trải áo lên mình chúng và đặt Chúa ngồi lên trên. Phần đông dân chúng trải áo xuống đường, kẻ khác thì chặt nhành cây trải lối đi. Dân chúng kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: "Hoan hô con vua Ðavit! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời!". Khi Ngài vào thành Giêrusalem, thì cả thành phố náo động và nói rằng: "Người đó là ai vậy?" Dân chúng trả lời rằng: "Người ấy là Tiên tri Giêsu, xuất thân từ Nadarét, xứ Galilêa". Chỉ là bước khởi đầu thế mà hai mặt của câu chuyện đã được hiển lộ, cuộc đời con người phần nào cũng có hai mặt như thế, hôm nay tung hô, chúc tụng, đón rước thật long trọng, ngày mai vang tiếng kêu giận dữ, những nắm tay kết án giơ cao, dồn người khác vào bước đường cùng của cuộc đời.
Bước vào tuần thánh, một tuần lễ đặc biệt trong hành trình đức tin của người Kito hữu. Mỗi người được nghe tường thuật lại câu chuyện vụ án Đức Giesu, bắt đầu từ hôm nay, theo sau đó là những chặng đường thăng trầm của Con Thiên Chúa làm người. Thái độ giận dữ của con người trước những âm mưu của ma quỷ, vô tình đẩy họ đến chỗ trở thành kẻ phản bội, trở thành người vô ơn, còn Đấng Cứu Độ thì im lặng trong sự bí ẩn, có phải vì thất bại, có phải vì lộng ngôn, nên vạ miệng đã kết tội chính mình. Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã mượn lề luật, truyền thống tôn giáo và cả yếu tố chính trị, để kết án Con Thiên Chúa, nhưng sâu thẳm bên trong là sự thù ghét, ganh tị. Chính sự hận thù đã treo Con Thiên Chúa lên cây thập tự, một bản án hết sức phi lý và phi nghĩa. Nếu không có sự phân định rõ ràng, có những lúc yếu tố tôn giáo, vô tình trở thành cớ vấp phạm và gây ra nhiều nỗi đau khổ giữa cuộc sống của mỗi người.
Bên cạnh có, nhân vật Philato, một nhà lãnh đạo về xã hội. Ông ta có quyền bính trong tay, có thể tha và cũng có thể kết án bất cứ ai. Ông hiểu rõ về tâm ý của các nhà lãnh đạo tôn giáo, ông cũng am tường về con người Giesu, theo nghĩa xã hội, ngoài ra, ông còn bị tác động từ người thân về những gì liên quan đến vụ án. Có thể nói, ông vua này có thể tha bổng cho tội nhân ngay tại tòa, nhưng không, ông đã rửa tay nói lên tính vô tội của mình, không liên lụy đến cái chết này, nhưng thực chất bên trong, chỉ vì sợ mất chiếc ngai vàng quyền lực, sợ mất uy tín trước hoàng đế, sợ mất ảnh hưởng giữa đám đông dân chúng, ông đã thoái thác trách nhiệm về vụ án cho đám đông. Một con người nhu nhược và luôn bị áp lực của tham vọng, quyền bính, vô tình đã dẫn đến cái chết oan nghiệt của tử tội Giesu.
Một nhân vật khác cũng liên quan rất nhiều đến vụ án Giesu, đó là Phêrô. Đây là một người học trò cưng của Đức Giesu, xuất thân là một ngư phủ, ít học, nhưng tính tình cương trực, thẳng thắn, sau khi được gọi làm môn đệ, ông đã từ bỏ tất cả, theo Thầy học đạo. Hơn nữa, còn được chọn làm người đại diện của anh em, vậy mà ông ta lại là người bỏ Thầy chạy tìm sự an toàn khi vụ án xảy ra. Khi nghe Thầy nói về sự việc sẽ xảy ra như thế nào, anh học trò này đã lớn tiếng: Ai bỏ Thầy thì bỏ, phần con sẽ theo Thầy đến cùng, hơn nữa, khi Thầy bị bắt, anh ta rút gươm bảo vệ Thầy ngay. Thế nhưng, khi nghe tin Thầy bị kết án, cũng chính anh là người đầu tiên và duy nhất chối bỏ Thầy mình tới ba lần. Đau khổ nào cho bằng một học trò chối bỏ Thầy. Kể từ đây, người học trò cưng không còn ở bên cạnh Thầy trên chặng đường khổ nạn, tới đỉnh đồi Can vê, người học trò này cũng biến mất trong đêm tối.
Hai nhân vật trong vụ án đặc biệt này, một đại diện về khía cạnh xã hội, một đại diện về khía cạnh tôn giáo, hai con người này tượng trưng cho hai yếu tố trong mỗi người chúng ta, yếu tố xã hội và yếu tố tôn giáo. Là một tín hữu Kito sống giữa đời, nhiều lúc chúng ta thấy mình chẳng liên quan gì đến vụ án của Thầy mình, không la ó kết án, không giơ tay đồng tình trong việc đóng đinh Thầy, nhưng vì sự an toàn bản thân, vì tương lai của sự nghiệp, của sĩ diện bản thân và gia đình, không thiếu những lần, đã thỏa hiệp với những việc làm chống lại những giá trị của Tin mừng, chống lại những giá trị đó có phải là đang chống lại Thầy mình, đang kết án Thầy mình đó sao. Cũng không thiếu những lần, chính bản thân là một tín hữu Kito, đã chối bỏ Thầy khi cố gắng tìm kiếm những thần linh ngoại bang, để giúp cho công ăn việc làm, cho sự nghiệp thành công, đó có phải là lúc người học trò chối bỏ Thầy trước mặt thiên hạ không ? là một người tín hữu Kito, trong con người của tôi cũng có hình bóng của Philato, nhu nhược và đầy tham vọng, cũng có hình bóng của Phêrô, nhát đảm và yếu đuối, dừng lại trong tuần thánh để suy niệm hai hình ảnh đó, để thay đổi cuộc đời, thay đổi suy nghĩ và thay đổi thái độ sống của bản thân, đó có phải là lúc tôi đang làm sống lại hình ảnh một Thiên Chúa yêu thương luôn hiện diện bên cạnh tôi, đang dẫn tôi đi trong ánh sáng vinh quang của Ngài đó sao.
Lạy Chúa, vì yêu thương con, Chúa đã chấp nhận tất cả, hy sinh tất cả, kể cả sự sống và giá trị của một con người, để làm sao có thể đưa chúng con trở về với gia đình của Thiên Chúa, xin uốn nắn lòng trí và trái tim con, để chúng con không phải lần mò mãi trong đêm tối đức tin, nhưng đi trong ánh sáng phục sinh. Chúa đã chấp nhận sự bất toàn nơi con người chúng con, xin tha thứ cho sự yếu đuối đó và giúp chúng con làm sống lại hình ảnh của Chúa trong cuộc đời mỗi người. Amen.
Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn