BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT THỨ XX THƯỜNG NIÊN- NĂM C
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 12, 49-53
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng".
Suy niệm
Trở thành con Thiên Chúa qua bí tích Thánh tẩy là một ân huệ đối với người tín hữu Kito, mang trong mình ấn tích của người con Thiên Chúa, thì người tín hữu phải sống theo giới răn của Ngài. Sống theo các giới răn của Ngài là cùng với Mẹ Giáo hội và Chúa Thánh Thần, xây dựng một gia đình thiêng liêng của Thiên Chúa ngay tại trần thế. Là gia đình của Thiên Chúa, điều tất yếu là lấy tình yêu làm nền tảng và là kim chỉ nam, để sống, để xây dựng và để hoàn thiện cộng đoàn huynh đệ đó. Bước vào tuần lễ thứ 20 mùa thường niên, Lời Chúa nhắc nhở cho con cái Ngài, hãy cùng nhau xây dựng hòa bình, xây dựng tình huynh đệ cộng đoàn dựa trên nền tảng là những giá trị của Tin mừng. Nhận thức và hiểu được chiều sâu của ơn gọi Kito hữu, mỗi người mới thực sự sống tinh thần tỉnh thức, luôn gắn bó với Thiên Chúa, và đó cũng là thái độ sẵn sàng của đức tin.
Ma quỷ là kẻ thù của Thiên Chúa, chúng luôn tìm mọi phương thế để phá hủy những giá trị của Thiên Chúa đã được thiết định trên trần gian. Kế hoạch của chúng đã được các học trò thực hiện với những việc làm gây chia rẽ, gây tang thương, gây chiến tranh, do đó, câu chuyện cuộc đời và ơn gọi của tiên tri Giê-rê-mi-a được tác giả kể lại trong bài đọc 1, là một minh chứng về những gì ma quỷ đang thực hiện trong thế giới này: “Trong những ngày ấy, các thủ lãnh tâu vua rằng: "Chúng tôi xin bệ hạ cho lệnh giết người này, vì nó cố ý nói những lời làm lũng đoạn tinh thần chiến sĩ còn sống sót trong thành này và toàn dân. Thực sự tên này không tìm hoà bình cho dân, mà chỉ tìm tai hoạ". Tiên tri Giê-rê-mi-a là người của Thiên Chúa sai đến, để chấn hưng, để tái thiết lại đời sống tôn giáo trong cộng đoàn dân riêng của Ngài. Ông đã chỉ dạy cho họ cách sửa đổi thái độ sống và suy nghĩ của mình, trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Tất cả dựa trên Lời của Thiên Chúa. Thế nhưng, ông đã chìm đắm trong hạnh phúc hay bất hạnh vậy, cuối cùng ông bị vu oan, bị bắt bớ, bị thả xuống giếng đầy bùn, hòng có thể bóp nghẹt sự sống, nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi ông, đã cứu ông thoát nạn. Thiên Chúa không bao giờ bội tín, đặc biệt, Ngài yêu thương con cái bằng một tình yêu không tính toán.
Tác giả lá thư gởi tín hữu Do thái trong bài đọc 2, đã khuyến khích người đọc hãy cố gắng vững niềm tin, bởi chính Đức Giesu cũng phải cố gắng để loại bỏ những gì không phù hợp với thánh ý Chúa Cha, hầu có thể chu toàn trọng trách Chúa Cha giao phó cho Ngài trong mầu nhiệm nhập thể: “Anh em thân mến, cả chúng ta, chúng ta cũng có một đoàn thể chứng nhân đông đảo như đám mây bao quanh, chúng ta hãy trút bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta nặng nề và tội lỗi bao quanh chúng ta. Chúng ta hãy cương quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Ðức Giêsu, Ðấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa”. Đức Giesu được coi như mẫu mực của sự trung thành, Ngài đã vượt qua mọi cám dỗ để thực hiện những gì Chúa Cha đã nói với Ngài. Và hôm nay, người tín hữu đã và đang nghe Thiên Chúa nói qua Thánh Kinh, qua Mẹ Giáo hội, để khỏi lầm lạc trong đức tin và trách vụ xây dựng gia đình Thiên Chúa nơi trần gian. Thế nhưng, không thiếu những người con của Thiên Chúa, đã chối bỏ những giá trị thiêng liêng đó, bước ra ngoài gia đình Thiên Chúa ngay trong cộng đoàn hay xứ đạo. Chắc Thiên Chúa sẽ ngậm ngùi với thái độ của những người con bất trung và bất kính như thế.
Khát khao của Đức Giesu khi đến trần gian, là xây dựng một dân riêng của Thiên Chúa dựa trên nền tảng là tình yêu đích thực, vô vị lợi, không có bóng dáng của tính toán hơn thiệt, hay lợi ích nhóm, thế nhưng, khi kết thúc sứ mạng ở trần gian, Ngài vẫn chưa thể hoàn tất ước nguyện đó, và mời con người tiếp tục công việc dở dang đó, với chức tư tế và tiên tri cộng đồng. Ngọn lửa tình yêu Ngài đem vào thế gian, là ngọn lửa của niềm tin, của tình yêu và lòng mến, thế nhưng, ma quỷ đã len lỏi vào, dập tắt những đốm lửa nhỏ ấy bằng những thủ đoạn, hòng phá vỡ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Ngài không chấp nhận thất bại, Ngài sai Thánh Thần Ngôi Ba tiếp tục công việc của Ngôi Hai: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ”. Đức Giesu là Thiên Chúa, Ngài mong mỏi tất cả mọi người được cứu độ, được ở lại trong ngôi nhà tình yêu của Chúa Cha, thế nhưng, vì tôn trọng sự tự do của con người, Ngài muốn con người hãy có những nhạy bén trong chọn lựa, để điểm đến cuối cùng của cuộc đời không phải là nơi bị luận phạt, nhưng là nơi ngập tràn hạnh phúc và bình an.
Người tín hữu luôn cho rằng tự do là bản thân thích làm điều gì, ăn cái gì, mặc cái gì là do mình định đoạt, nhưng đó là khái niệm về tự do theo kiểu thế gian. Còn tự do được hiểu dưới ánh sáng của Thánh Kinh, là con người không còn bị lệ thuộc vào tội lỗi, vào sự chết và ma quỷ nữa, họ sẽ chọn lựa những giá trị nào đem lại cho bản thân hạnh phúc và bình an hôm nay và mai sau. Vì thế, người tín hữu được tự do chọn lựa ơn cứu độ cho mình, nghĩa là chấp nhận một Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời và ở bên cạnh mình, chấp nhận sống theo các giới răn của Ngài. Nếu hiểu được như thế, người tín hữu sẽ cộng tác với Thiên Chúa cách tích cực, để ơn cứu độ của Ngài được lan tỏa tới mọi tâm hồn và mọi gia đình. Đó là khắc khoải, là mong mỏi của Con Thiên Chúa làm người.
Tiếc rằng, con người đã hiểu khái niệm tự do trong hành trình đức tin của mình theo góc nhìn của thế gian, do đó, họ khước từ cộng tác với Chúa Thánh Thần, để xây dựng hòa bình trong thế giới, để kiến tạo tình hiệp thông giữa cộng đoàn xứ đạo, để chia sẻ và thông cảm cũng như giúp đỡ những người khó nghèo và bệnh tật trong cộng đoàn. Lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn, Thiên Chúa dùng Lời của Ngài để nhắc nhở, dung tiếng lương tâm để thúc đẩy, nhưng Ngài còn muốn con người hãy dùng gương sáng hàng ngày, để lôi kéo những con người tội lỗi, những con người lầm lạc và cả những con người phản bội Thiên Chúa, quay trở về với Ngài trong tâm tình sám hối, để được tha thứ và được cứu độ.
Ngọn lửa Đức Giesu mang tới trần gian không phải là ngọn lửa chia rẽ hay hận thù, cũng như là khinh miệt, nhưng ngọn lửa đó là chính Thiên Chúa, là tình yêu của Ngài và là ơn cứu độ của Thiên Chúa. Khát mong của Thiên Chúa là con người hãy cố gắng thức tỉnh lương tâm của mình trước mọi biến cố, mọi sự việc, để thánh ý Chúa được đón nhận trong niềm tin và phó thác, con người hãy cố gắng biện phân, đâu là giá trị đích thực của Nước Trời, đâu là giá trị của thế gian, để con người biết vượt qua cái tôi và sự ích kỷ, để cùng với Chúa Thánh Thần, làm tái sinh những con người mang họa ảnh Thiên Chúa, cũng như có sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời.
Khi chiến tranh, bệnh tật đang hoành hành trong thế giới, đang làm cho tâm hồn con người bất an, thì tình yêu và sự cảm thông sẽ giúp xoa dịu những nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần. Muốn có hòa bình không chỉ dừng tiếng súng, nhưng cần hơn vẫn là tình người trong sự cảm thông và chia sẻ. Tất cả sẽ làm cho hơi ấm tình người bừng cháy và lan tỏa giữa cộng đoàn. Có phải con người đang sống trong một xã hội dạy cho họ hãy cố gắng tìm cho thật nhiều tiền, nhiều của và có địa vị trong xã hội, họ sẽ hạnh phúc, sẽ bình an, có phải con người đang sống trong một xã hội mà chuyện lừa bịp và giả dối đang trở thành một lẽ tất yếu trong cuộc sống, có phải con người đang sống trong một xã hội mà giá trị đạo đức con người thấp hơn vật chất và sĩ diện cá nhân, với những ảnh hưởng đó, giá trị tinh thần của người tín hữu hôm nay đang bị gặm nhấm từ trong trứng nước, từ trong gia đình và cộng đoàn. Nếu sự thật là vậy, thì làm sao những đốm lửa của tình yêu, của sự tha thứ và của tình huynh đệ cộng đoàn có thể cháy lên được, và như thế là khát mong của Đức Giesu lại trở thành một điều xa xỉ và vô ích sao ?
Lạy Chúa Giesu, chúng con luôn tin rằng sự hiện diện của Chúa trong thế giới, sẽ đem lại cho con người sự bình an, hạnh phúc và ấm áp tình người, xin củng cố niềm tin mong manh của chúng con, để những giá trị tinh thần đó, không bị mai một và biến mất trong hành trình đức tin của mỗi người. Chúa đã dùng cái chết trên thập giá để minh chứng cho một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu tha thứ và chờ đón, xin giúp chúng con luôn hướng về thập giá, nơi có một vòng tay yêu thương đang chờ đón chúng con, nơi có một tình yêu đang mong mỏi cứu độ con người. Amen.