CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 13/10/2022 16:10
Lời Chúa tuần lễ thứ 29 thường niên, gợi mở cho con người thấy được tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong đời sống người tín hữu ra sao, thấy được niềm vui có Thiên Chúa trong cuộc đời, đặc biệt trong lúc khổ đau và buồn vui cuộc đời.
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 18, 1-8

 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng, mà rằng: "Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: 'Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù'. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: 'Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc'".

Rồi Chúa phán: "Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"

 

Suy niệm

 

Con người hiện hữu không chỉ cách ngẫu nhiên, nhưng cần có những thứ gọi là lương thực giúp cho sự sống thể lý tồn tại và phát triển. Những thứ lương thực đó là không khí, là nước và lương thực, tất cả giúp cho một thân thể cùng lớn dần theo năm tháng. Song song với sự sống thể lý, mỗi người còn có sự sống về tinh thần. Sự sống về tinh thần gồm có nhân cách sống, là tương quan tình người, là sự sống tâm linh. Sự sống tâm linh đó tùy thuộc vào tôn giáo con người hướng tới. Chính sự sống này giúp con người tìm thấy giá trị đích thực của chính mình và tha nhân, đồng thời giúp con người tiếp xúc với thế giới thần linh. Đời sống cầu nguyện, của ăn thiêng liêng từ bàn tiệc Thánh lễ, ân sủng từ các bí tích, là nguồn dưỡng chất, giúp người Công giáo được nên một với Thiên Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Ngài nhờ Đức Giesu Kito, vì thế, mỗi ngày người tín hữu cần gắn bó với Thiên Chúa, để được sống trong Ngài và Ngài hiện diện trong cuộc đời. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 29 thường niên, gợi mở cho con người thấy được tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong đời sống người tín hữu ra sao, thấy được niềm vui có Thiên Chúa trong cuộc đời, đặc biệt trong lúc khổ đau và buồn vui cuộc đời.

 

Trong hành trình tiến về đất hứa của dân Do thái, không thiếu những cuộc giao tranh đe dọa sự tồn vong của dân tộc, Mô-sê đã giúp dân vơi đi những nỗi lo lắng đó bằng việc cầu nguyện với Thiên Chúa. Câu chuyện trong bài đọc 1 từ sách Xuất hành, kể lại một trong câu chuyện họ được Thiên Chúa cứu nhờ lời cầu nguyện của vị lãnh đạo cũng như của toàn dân: “Trong những ngày ấy, người Amalec đến giao chiến với Israel tại Raphiđim . . . ông Mô-sê, A-a-ron và Hur thì đi lên đỉnh núi. Khi ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận, còn khi ông hạ tay xuống một chút, thì người Amalec thắng thế”. Giơ tay lên hướng về trời, là một phương cách cầu nguyện tha thiết và chân thành của người Do thái lúc bấy giờ, ông Mô-sê và toàn dân đã kêu cầu Thiên Chúa, Ngài đã giúp họ vượt qua những phút giây sợ hãi trong hành trình về đất hứa. Sự chân thành và niềm tin tuyệt đối, giúp họ được bình an, vượt thắng mọi âu lo giữa đời.

 

Niềm tin của con người là một tâm tình có từ trong sâu thẳm tâm hồn, nó hiện hữu ở đó khi chủ nhân nó xuất hiện trên trái đất này. Theo hoàn cảnh xã hội và sự nỗ lực của mỗi người, niềm tin đó lớn lên và được huấn luyện theo tinh thần một tôn giáo nào đó. Người học trò của thánh Phaolo đã được thầy mình dạy dỗ về khía cạnh này, để khi đối diện với những thách đố trong hành trình đức tin, ông ta không bị dao động, không bị hoang mang: “Con thân mến, con hãy bền vững trong các điều con đã học hỏi và xác tín, vì con biết con đã học cùng ai, vì từ bé, con đã học biết Sách Thánh, và chính Sách Thánh đã dạy con sự khôn ngoan để con được cứu rỗi nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô. Tất cả Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn hảo để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành”. Ông Timôthê, người học trò của thánh Phaolo, khi đối diện với những xu hướng của xã hội, thấy lúng túng và băn khoăn về niềm tin, trước thử thách đó, thánh Phaolo đã hướng dẫn ông cầu nguyện, tìm thánh ý của Đấng chọn ông làm môn đệ, chứ đừng tìm kiếm lợi ích của thế gian, hay chạy theo những trào lưu của xã hội. Tất cả đều dựa vào Kinh Thánh, vào giáo huấn của Giáo hội và giáo lý của các Tông Đồ.

 

Đức Giesu đã dùng nhiều câu chuyện, nhiều dụ ngôn để dạy dỗ con người, Ngài bắt đầu từ những sinh hoạt hàng ngày của con người, để mời con người hướng về một người Cha nhân lành, thánh thiện, người Cha đó hết mực yêu thương con cái. Tâm tình hướng về người Cha như là tìm kiếm thánh ý, như là tìm kiếm lời dạy bảo, đó là những phút giây cầu nguyện. Cầu nguyện như thế nào và sẽ nói gì trong lúc cầu nguyện, cùng với đó là thái độ cần có lúc cầu nguyện ra sao, những gợi ý đó được tác giả bài tin mừng ghi lại sau đây: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng, mà rằng: "Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: 'Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù'. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: 'Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc'". Trước một Thiên Chúa cao cả, con người biết nói gì đây và làm sao nghe được tiếng Ngài. Vì thế, cần có một tâm hồn khiêm tốn, cần có một trái tim yêu mến người Cha đó, và cần có một sự quảng đại đủ để lắng nghe và đem ra thực hành.

 

Cầu nguyện là một cuộc trò chuyện giữa Thiên Chúa và con người, có những lúc con người im lặng và lắng nghe Thiên Chúa nói, Ngài nói qua Thánh Kinh, qua giáo huấn của Giáo hội, qua sự chỉ dạy của Bề trên, Ngài còn nói với con người qua những biến cố, những câu chuyện trong cuộc đời. Bên cạnh đó, có những lúc Thiên Chúa lắng nghe con người nói, họ sẽ nói gì với Ngài, là cầu xin về những nhu cầu vật chất, cầu xin những nhu cầu về quyền bính, về sự nghiệp cho bản thân hay cho gia đình, hoặc họ sẽ cầu nguyện cho Giáo hội luôn trung thành với niềm tin, cho thế giới luôn bình an, bớt đau khổ, chiến tranh và bệnh tật, và có nên cầu nguyện cho các linh hồn đang còn chịu thanh luyện. Họ sẽ nói với Thiên Chúa về những khó khăn trong mỗi ơn gọi, về thao thức truyền giáo của họ, hay họ chỉ quan tâm đến những nhu cầu hưởng thụ của cá nhân và một nhóm nào đó chăng. Tất cả những gì con người thưa chuyện với Thiên Chúa, nếu đem lại lợi ích cho tha nhân, cho cộng đoàn, cho Giáo hội, tất nhiên sẽ được Thiên Chúa đón nhận và thực hiện theo kế hoạch cứu độ của Ngài.

 

Con người cũng nên coi lại thái độ lúc cầu nguyện của chính mình, sẽ lấy hình ảnh người Biệt phái vào đền thờ cầu nguyện bằng thái độ tự mãn, bằng khả năng và thành công của bản thân, hay sẽ là hình ảnh của người thu thuế, chỉ biết rằng, tôi là một tội nhân, chỉ biết xin Thiên Chúa tha thứ, đón nhận, đừng chê bỏ, còn những gì trong cuộc đời, nếu đẹp ý Ngài thì Ngài sẽ ban cho mỗi người. Thái độ cần có lúc cầu nguyện phần nào sẽ quyết định lời cầu nguyện của mình có được Thiên Chúa đón nhận hay không, Thiên Chúa là người Cha luôn mong con cái nhận ra ý của Cha để thực hiện, để hoàn thiện ơn gọi của mỗi người con, đồng thời, Ngài cũng muốn con người đừng để mình bị vong thân trong một xã hội mang tinh thần thế tục này, vì thế, Ngài nhắc con cái hãy cầu nguyện mọi lúc mọi nơi và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thế nhưng, thói quen của con người là mỗi khi gặp khó khăn, bất lực hay cùng cực, mới tìm đến Thiên Chúa, mới dám chắp tay, quỳ gối để cầu nguyện. Họ chỉ mong sao tai qua nạn khỏi, họ chỉ mong sao được bình yên, họ đã quên đi một tâm tình cần có là tạ ơn, biết tạ ơn những lúc bình an, và cả những lúc khó khăn, bệnh tật, khổ đau, mới là thực sự là người có niềm tin trưởng thành giữa cuộc đời.

 

Hãy tạ ơn mọi lúc và mọi nơi, trong lời cầu nguyện không chỉ đơn thuần là cầu xin, nhưng cần có tâm tình tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa. Ngài cần nơi con người một tấm lòng hơn là những lễ vật, Ngài cần nơi con người một sự chân thành hơn là những hình thức bên ngoài. Tôn giáo là con đường để con người tiếp cận với Thiên Chúa, qua đó, Thiên Chúa cúi xuống trò chuyện với con người, vì vậy, khi con người biết tạ ơn Thiên Chúa đã cúi xuống, lắng nghe lời họ cầu nguyện, con người mới thấy tầm quan trọng của việc thiêng liêng ấy, mới thấy đó là một cơ hội vàng mà Thiên Chúa đã ưu ái dành cho con người, qua những phút giây lắng đọng và thánh thiêng đó, Thiên Chúa biết con người hơn và con người biết tình yêu Thiên Chúa dành cho họ thế nào. Chính Đức Giesu, người Con yêu dấu của Chúa Cha, đã nêu gương cho con người trong việc cầu nguyện, đồng thời, Ngài cũng chỉ cho con người cách thực hiện thánh ý Cha như thế nào là phải đạo làm con Thiên Chúa.

 

Lạy Chúa, thấu hiểu sự yếu đuối của con người, thấu hiểu những giới hạn của con người, Chúa đã nhắc con người hãy cầu nguyện và cầu nguyện trong sự chân thành và kiên nhẫn, xin cám ơn Chúa và xin giúp chúng con hiểu được ý nghĩa thánh thiêng của việc cầu nguyện, để mỗi ngày, từ sáng tinh sương tới lúc chiều tà, chúng con biết cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa, người Cha nhân lành luôn yêu thương con cái. Chúa đã nêu gương cho chúng con trong việc cầu nguyện, để biết Chúa Cha muốn mỗi người làm gì trong phút giây hiện tại, xin giúp chúng con biết bắt chước Chúa, cầu nguyện mỗi ngày và mọi ngày trong đời. Amen.

Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây