BA MƯƠI TẾT
Ba mươi tết rồi đó, trước đó vài ngày, nhiều người đã nhắc. Có lẽ ngày bận rộn hơn mọi ngày và nhớ nhiều là ngày ba mươi. Ngay từ sáng sớm, mọi người trong nhà đã mau dậy, dùng sáng và chuẩn bị nhà cửa sạch sẽ, dọn hoa bàn thờ, tâm hồn nhớ nhiều về cha mẹ, tổ tiên..
Anh chị em trong nhà, chẳng ai bảo ai, mỗi người mỗi việc, lau dọn nhà cửa, rửa chén đĩa. Công việc tất bật, từng góc nhà, khe cửa, từng chiếc tủ, giường, kệ, tất cả đều được lau chùi sạch sẽ.
Buổi trưa đến, công việc tậm ổn, bữa trưa dùng vài miếng bánh tét, bánh chưng, thịt kho tàu cuộn rau, vài ba chén rượu ngà ngà say. Câu chuyện cuối năm rôm rả, người đi xa cũng đã về nhà đông đủ, thỉnh thoảng vài tiếng pháo đì đùng.
Mỗi năm vào ngày cuối cùng, ai cũng muốn làm gì đó hay mua vài trái cây gì đó, nhang đèn chuẩn bị bàn thờ gia tiên. Đánh bóng lư hương, lau chùi những bức ảnh, trang trí lại bàn thờ, thêm vài cành hoa. Bàn thờ gia tiên chiều cuối năm rất quan trọng sau bàn thờ Chúa. Ở bàn thờ gia tiên chưng trái dưa hấu, bánh chưng, bánh tét, dĩa hoa quả, bát hương, bình hoa. Dường như ngày này rất đặc biệt dành kính nhớ tổ tiên. Anh Hai, chị Hai vừa dọn bàn thờ vừa kể lại những ngày cha mẹ còn sống, dạy đứa này điều nầy, bảo đứa khác điều kia. Vừa dọn vừa lâm râm cầu nguyện, xin cha mẹ tiếp tục cầu bầu cho con cháu, ngoan ngoãn, biết yêu thương nhau.
Chiều xuống nhanh, mọi việc đã hoàn tất, anhi chị em bảo nhau chuẩn bị tham dự Thánh lễ giao thừa. Chẳng còn nhiều lời nữa, mọi người trong nhà dường như trầm tư hơn, mỗi người dành thời gian tĩnh lặng, suy xét lại những gì đã qua. Vui có, buồn có, mỗi người đều thấy mình có lỗi gì đó, mong muốn làm mới lại trong năm mới. Thời gian trầm tư, cũng là thời gian đổ rỗng. Quanh năm xuôi ngược, việc này, chuyện kia, ít có thời gian nhìn lại mình, nên thời gian chiều tối ba mươi này cũng là dịp gẫm lại.
Thánh lễ giao thừa mang rất nhiều tâm tình lẫn lộn khác nhau, vừa tạ ơn, vừa cầu nguyện cho năm mới, lại cũng vừa nhớ đến ông bà cha mẹ khi còn sống, anh chị em chuyện này, chuyện kia và cả tâm tình cá nhân. Hoà trộn buồn vui, nhớ thương, tiếc nuối, mọi điều dâng cho Chúa, xin Người ban xuống tình thương khoả lấp.
“Ta chấp hai tay lạy quỳ hoan hảo
Ngửa trông cao, cầu nguyện trắng không gian
Để vừa dâng vừa hiệp bốn mùa xuân
Nở một lượt giàu sang hơn Thượng Đế”
(Đêm xuân cầu nguyện _ Hàn Mặc Tử)
Rồi tan lễ, về nhà chờ tiếng pháo giao thừa, lòng trí lâng lâng, cảm mến một đời tri ân. Ân tình Thiên Chúa, tình thương mến cha mẹ, nghĩa tình anh chị em dành cho nhau. Bao nhiêu tình cảm thương mến đong đầy, chờ giơ phút linh thiêng.
Tiếng pháo giao thừa nổi lên, nhà này đốt, nhà kia đốt, nhà mình cũng đốt. Tràng pháo tuy không dài, nhưng nhà này nối nhà kia, khói thuốc bay mù mịt, xác pháo bay ngập đường sắc đỏ. Dường như gần nửa tiếng sau, tiếng pháo thưa dần, mọi người trong nhà quy tụ trước bàn thờ Chúa, đọc kinh, cầu nguyện cho nhau, cho ông bà tổ tiên, cha mẹ, nhớ lại bao điều khuyên dạy, rưng rưng ngấn lệ, đẫm cả tâm hồn. Sau kinh nguyện, anh chị chúc em, các em chúc lại anh chị, anh chị em đều cảm động trao nhau những lời chúc tâm tình. Sau đó, vào bàn ăn bữa khuya giao thừa, chúc nhau chén rượu, chia nhau miếng bánh, ít dưa củ kiệu.
Đêm giao thừa khác với mọi đêm, ai cũng trằn trọc khó ngủ, bao mơ ước, bao mong đợi, hướng về tương lai.
“Đừng ai nhắc nhở đến xuân trong
Vô số là xuân chiếm mọi lòng
Mỗi người đều có xuân riêng cả
Thiếp viết xuân trên mảnh lụa hồng”
(Nhớ thương – Hàn Mặc Tử)
Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn