Hình như, chàng nghệ sĩ nào cũng có một, vài giai nhân để nhớ, để yêu? Hình bóng ấy phủ đầy văn học lãng mạn Việt Nam (1932-1945). Đoàn Chuẩn (1924-2001) với bao nhiêu tình khúc mùa Thu “gửi người Em gái”. Còn nhà thơ bên đạo, Paul Thérèse Hồ Dzếnh (1916-1991) thì đã không giấu được nỗi lòng mình:
“Chủ nhật, tự nhiên thành buổi hẹn
Gió bay tà áo trắng như thơ
Mẫu đơn nở giữa hai lời nguyện
Phảng phất còn thơm tới tận giờ.”
(Hoa Mẫu Đơn, 1938).
Chuyện kể rằng, có đôi lứa yêu nhau, giữa mùa Thương Khó. Khói lửa, chiến chinh mịt mù xứ đạo làng quê. Chút kỷ niệm chắt chiu từ những lễ lạy, kinh hạt, kiệu cờ đã là sợi dây thánh thiêng ràng rịt, giữ gìn “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” ấy. Mãi cho đến một hôm, đôi ngả, đôi đường. Chàng trở về, xót xa nghe Mẹ kể chuyện… hoa xoan mùa Thương Khó…
CHUYỆN HOA XOAN MÙA THƯƠNG KHÓ
●Francis Assisi Lê Đình Bảng.
Em còn nhớ
từ Thứ Tư Lễ Tro, ra Tết?
và Giêng, Hai trong cái rét Nàng Bân?
Nắng ngọt ngào
bàn tay giấu trong khăn
Đi lễ sớm
quê nhà ta mới vào mùa Thương Khó…
Gió thổi buốt
dọc hai bên đường, hoa xoan nở
Ôi, loài hoa tim tím ngát, muộn mằn
Như kẻ trộm lành vừa được phước ăn năn
Đến tắm mát ở đầu nguồn Cứu Rỗi
Suốt mấy tuần Chay
khắp làng thôn mình rộn ràng xưng tội
Lòng bâng khuâng
nghe chim hót ngoài vườn
Có phải vì còn lưu luyến, tơ vương
Những rơi rớt của vàng hương xưa cũ?
Em theo mẹ vừa ngang qua nhà xứ
Tôi chen vô, lên bốc nẻ,hôn chân
Mùi hoa xoan
hay áo em mới, cứ nồng nàn
Những e ấp, chực chờ, sợ người ta nom thấy?
Ở nhà quê
thường có những cái rất hồn nhiên, tình cờ như vậy
Trước, chưa nên
sau, cũng vận vào người
Mấy ai ngờ? Chuyện chung lứa, chẳng chung đôi
Mới chớm quen nhau
đã nhuốm đầy nước mắt!
…..
Tôi lên phố, đi học xa nhà…
Ai bắt trẻ đồng xanh?
để em tôi nheo nhóc tản cư, bế bồng chạy giặc
Người một phương
chả biết đến bao giờ?
Chuyện thật buồn…
vào một buổi sớm tinh mơ…
Em gục chết
ngay khi bước ra khỏi nhà thờ, vừa tan lễ…
“…Viên đạn ở đâu?
bay thẳng vào trái tim em…!” mẹ kể…
“…Lạy Chúa tôi !”
Em còn kịp kêu tên Giêsu cực trọng vô cùng!
… Nghe đồn rằng, nơi thềm bậc nhà chung…
Ngay đêm ấy…
Em hiện về… con bướm!
Tôi thảng thốt
được tin em quá muộn
Thời buổi binh đao, xa xôi, cách trở đi về
Cứ cầm bằng
mình đôi ngả, đôi quê
Đành đoạn qua cầu sinh ly, tử biệt
Mà kỷ niệm thì theo ta đến chết
Như hồn ma bóng quế, hư huyền
Em vẫn là con bướm trắng… rất linh thiêng
Nơi ký ức thiên đường, tôi đánh mất…
Nhớ là nhớ, hằng tuần, mỗi Thứ Năm, Chúa Nhật
Quỳ song đôi, hai hàng ghế hai bên
Vẫn chia lòng, chia trí… vẫn ngó nghiêng
Nghe em bảo,
đêm nay, ngắm lễ đèn, mở cửa mồ, táng xác…
Tôi còn nhớ…
... lúc em xếp hàng từng đôi, lên dâng hạt
Ôi, lời kinh như mật rót vào hồn
Chỉ ước thầm
mình đừng vội lớn, mau khôn
Cứ thả đỉa ba ba, dung dăng dung dẻ…
Đâu đến nỗi, vội khóc cười lan huệ:
kẻ, hoa thơm Chúa hái đầu ngày
Vốc nẻ năm xưa, ai còn giữ trong tay?
không đếm được, Vui, Thương, Mừng, em ạ
…
Thế mới biết
ngọn ngành, có nhân, có quả
Chuyện hoa xoan
mùa Thương Khó đã lâu…
Đêm tối ba mươi, Chúa mướt máu trong Vườn Dầu
Đuốc hoa bập bùng, gà khuya gáy sớm ?
… Chiều nay, đợi chuyến xe về quá muộn
Ngắt vội chùm hoa
làm quà tặng em thôi
Bởi vì em, giờ đã là thánh nữ trên trời
Con bướm trắng
hoa xoan… mùa Thương Khó
Tôi vẫn đợi,vẫn chờ em đầu ngõ
Hỏi sông kia, sao bên lở, bên bồi?
Ai gác thuyền, ra dàn đáy, hàng khơi
Ai tiệc rượu, ai dầu thơm, tóc mượt?
Em nhanh chân mang dầu đèn ra trước
Chầm chậm, từng bước thôi
Em ạ, chờ tôi…
bài thơ do nhạc sĩ Hải Triều phổ nhạc và đã được ca sĩ Mỹ Dung thể hiện trong CD Lời Khấn Nhỏ Chiều Chúa Nhật, phổ biến tại Sydney,Australia.
Tác giả bài viết: Lê Đình Bảng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn