TẢN MẠN CHUYỆN NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM.

Thứ năm - 13/01/2022 05:54
Nói chuyện cuối năm, Tết nhất chẳng bao giờ cạn, chẳng bao giờ vơi... Chuyện trong nhà, ngoài phố. Chuyện gần nhà, xa ngõ. Chuyện ruộng rẫy, mùa màng, thời vụ, chợ búa. Chuyện trong họ, ngoài làng. Chuyện bên Mỹ, bên ta. Chuyện nước ngoài, nước trong. Rối tinh, rối mù. Ấy thế mà đâu lại ra đó.
TẢN MẠN CHUYỆN NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM.



TẢN MẠN CHUYỆN NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM.

 

●Francis Assisi Lê Đình Bảng.

 

Khi tôi đang viết những dòng chữ này thì ngoài kia, toàn vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, tuyết cũng đang chơm chớm về. Mỏng tang, xôm xốp, tựa nắm bông vải nõn nà. Không lâu lắc gì đâu, vài ba hôm nữa thôi, sẽ có tuyết về từng đợt, từng đợt, dày thêm. Thậm chí, mưa tuyết và bão tuyết, thường hằng, như mọi năm. Thả sức mà ngắm nghía, chán chê mê mải. Tới khi ấy, chỉ cần nghĩ đến cái cảnh phải quét tuyết, xúc tuyết mỗi sớm mai thức dậy thì cũng oải lắm rồi. Trắng xoá, mênh mông. Khi không, bỗng thèm cái cảm giác bồi hồi như đọc truyện cổ tích ở quê nhà ngày xửa ngày xưa, mỗi khi ngắm nhìn những tấm thiệp Giáng Sinh, vẽ cảnh trời đất chập chùng trong tuyết. Thích nhất, đưa lên môi hôn ngôi tháp chuông nhà thờ ẩn mình sau rừng thông tuyết phủ kín mít. Có một con đường nhỏ quanh co như rắn bò và lũ tuần lộc kéo cỗ xe trượt tuyết băng qua. Đấy là chuyện thiên đường ký ức của một thời tuổi mọn đã qua, nhuốm mùi thơm trinh trắng của bút mực, sách vở học trò. Bây giờ thì hết rồi. Cõi mơ màng, mộng mị, chiêm bao lãng mạn, thánh thiêng ấy đã hiện ra, mồn một, có thật. Rét mướt, co ro đến ngại ngùng. Tôi bỗng bắt nhớ tới cái cảm xúc năm nào - hình như đầu thập niên 1959-1961 của thế kỷ trước - khi nghe tin đoàn phi hành gia Hoa Kỳ đặt bước chân đầu tiên lên mặt trăng. Vâng, thế là hết huyền thoại, một khi trái cấm đã cắn vào, vỡ tan. Là chia tay một thời vang bóng về Cung Quảng, về Chị Hằng, về câu chuyện cổ tích của trẻ thơThằng Cuội ngồi gốc cây đa…” hoặc như ông Phạm Duy cứ líu lo mãi cái điệp khúcTa yêu cô Hằng… Đêm qua, xuống trần… Một đàn con trai rủ đàn con gái ra ngồi nhìn trăng…”. Tuy nhiên, không phải vì thế mà cuộc sống ở đây ngưng đọng, buồn tẻ, lặng thầm, mặc dù cả hai năm nay, toàn nước Mỹ - cũng như mọi nơi trên hành tinh này - ủ ê, thê thảm, vật vã vì cơn đại dịch corona virus, mãi mà chưa gượng dậy được. Định mệnh nghiệt ngã hay ách nước, tai trời? Bởi khi không, chẳng ai bảo ai, cái khẩu trang trở thành cáimốt thời thượng”, bất ly thân. Có một điều éo le đến khó tin, là trong khi nhiều nước trên thế giới rơi vào tình trạng khan hiếm, thiếu thốn vaccine, muốn được chích mà không có thì dân chúng xứ sở Cờ Hoa lại… tỉnh bơ như chẳng có gì mà ầm ĩ. Ông Tổng thống mới đắc cử Joe Biden, do đó, phải phát lệnh biếu không và phủ dụ đủ điều, cũng chẳng ăn cái giải rút gì! Ai chết thì cứ chết. Những cái chết không kèn trống, vô duyên. Ai còn sống thì cứ sống. Bình thường như hơi thở. Đúng là cái cảnh ngược đời, kẻ ăn không hết, người lần không ra! Vậy thì ghi chép cái gì đây, cho có chuyện? Nói thế thôi, chứ ở đâu cũng thế. Cuộc sống quanh ta muôn hình muôn vẻ, biến động vô cùng. Trông người, mà nghĩ đến ta. Đông và Tây, tuy khác xa nhau, nhưng vẫn có nhiều điều gần gặn, tương đồng. Ngay lúc này, bên ly cà phê đen bốc khói thơm phức, thưa bà con ta ở bên nhà, tôi đang nhìn ra khu rừng phong đã trụi trơ và mưa bụi tuyết đang bay bay dập dờn. Có đôi chim cu gáy ở đâu về, hẹn nhau trò chuyện. Đẹp vô cùng. Mà cũng rét run đấy. Có điều, cái cảm nhận rõ nhất trong tôi lúc này, là càng về những ngày cuối năm thì chuyển động càng nhiều, càng nhanh, càng dồn dập. Tựa những bước chân lao về đích của người lực sĩ điền kinh, chạy nước rút. Này nhé, cứ tính gọn trong khoảng thời gian hơn một tháng - từ Lễ Chúa Giáng Sinh đến Tết Tây 2022 và đầu Năm Mới, Nhâm Dần - thì đủ thấy cái tốc độ hối hả của tháng tận, năm cùng. Nó chẳng chậm rãi, lơi nhịp hơn; nhưng ngày như vẫn ngắn lại, còn đêm thì dài ra. Bởi thế cho nên, người ta phải bày ra cái trò chơi quay ngược kim đồng hồ, vòng vòng, để đếm từng giây, từng phút, từng giờ (countdown). Sao cho đến lúc giao thừa năm cũ/năm mới, để xem xem có điềm lành hay dữ, vận rủi hay cơ may? Cứ tưởng nó có nguồn gốc ngoại lai, mãi tận nửa vòng trái đất bên kia! Ấy thế mà, nhanh như chớp, nó và bao nhiêu món khác - thời trang, giải trí, âm nhạc, mỹ phẩm, thói tục, ngôn ngữ v.v... - bỗng chốc ùa tràn vào như nước vỡ bờ. Họ sao, ta vậy. Có thua chị, kém em gì đâu? Đặc biệt là nhịp sống ồ ạt phi mã ở các thị thành, cụ thể là Sài gòn, Hà Nội. Có ai còn xa lạ gì, những Valentine’s day, Thanksgiving, Halloween, Mother’s day, Black Friday…?

IMG 0864


Đây này, chỉ nói chuyện Times Square ở thành phố không ngủ New York, thôi nhé. Hằng năm, đúng vào khoảnh khắc nhạy cảm này, nó vẫn trở thành điểm hẹn đắt giá nhất và hấp dẫn nhất trên hành tinh, đối với hàng triệu du khách có máu ngao du, hiếu kỳ đến từ các vùng miền, châu lục. Do đó, chen được một chỗ để làm cái việc viễn tưởng và vô công rồi nghề ấy, xem ra đã là vận may nghìn năm một thuở. Vừa tốn phí, vừa phiêu lưu, mạo hiểm, nhưng chắc hẳn sẽ không kém phần lý thú, để đời. Không tin, mời bạn cứ nhanh chân, ghé thăm - nhớ đừng quên sắp sẵn túi tiền rủng rỉnh, hào phóng một tí - đặt chân đến những trung tâm mua bán, những siêu thị, plaza, mall, những cửa hàng; hoặc rảo một vòng quanh khắp các quận hạt, thành phố ken cứng, đầy chặt xe cộ mà xem. Sức sản xuất, vận chuyển, mua bán, giao dịch, sắm sửa, tiêu pha, hưởng thụ tới bến của dân Mỹ thật kinh hoàng, không thể cân đo, đong đếm cụ thể được. Đặc biệt, từ đỉnh điểm Giáng Sinh tới ngày đầu Năm Mới, không thể tưởng tượng được. Từ Amazon đến Costco, Walmart, Fedex... Từ các sân bay, hải cảng, ga tàu, xa lộ. Đâu đâu cũng mở toang cửa, phục vụ, giao nhận, cung cấp, chạy hết công suất, chẳng kể ngày đêm. Còn chuyện chào mời, tiếp thị, quảng cáo và khuyến mãi, chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ, miễn bàn. Từ Happy Holidays đến End Of Year Sale. Từ Big Sales đến Superpower Sale và Free Gift... Đơn giản, vì mọi chuyện chỉ diễn ra và gói gọn trong vòng một, hai tuần lễ phù du nữa thôi. Xoá sổ, làm mới lại từ đầu. Trong khi ấy, bên Việt Nam ta cũng y chang. Năm hết, Tết đến thì “tống cựu, nghinh tân”, thì “ mới, nới cũ”. Dẫu có dịch giã lây lan, giới hạn, cách ly thì hàng họ tươi sống hay đóng hộp, bao bì cũng cạn tàu ráo máng, sạch sành sanh. Năm mới, cái gì cũng mới. Đã vác cày ra đồng thì ai còn dại gì mà ngoái cổ, nhìn lại? Không được đài các, phong lưu thì cũng phải sao cho ra cái Tết, với ta, với người.

 

Mỗi năm, hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

(Vũ Đình Liên )

 

Tháng Giêng là tháng ăn chơi, dân gian ta từ xửa xưa, đã quen cái lối sống ấy rồi, bà con ạ. Thế là a lê hấp. Đường ta, ta cứ đi. Nhà ta, ta cứ xây. Ruộng ta, ta cứ cày. Chả cần ai bảo ai. Người người, nhà nhà tha hồ vung tay, thay cũ đổi mới, mua sắm vô tư, tới đâu hay tới đấy. Đi đâu, làm gì cũng sẵn sàng cho sự kiện mà người Mỹ gọi là New Year’s Event. Một chuỗi liên kết các sự kiện được lập trình, tuần tự, tiếp diễn. Cái đầu tầu khổng lồ ấy cuốn phăng hết và mọi toa xe phải chạy theo nó. Một cuộc rượt đuổi mang tính hội nhập toàn cầu khủng khiếp quá, bạn nhỉ? Trong khi ấy, có dịp thư thả đến chơi nhà bà con, bạn bè người Việt mình ở nơi này, nơi khác,tôi cũng dễ dàng nhận ra cái mẫu số chung chộn rộn, tíu tít, rôm rả những ngày đầu cuối năm nôn nao ấy. Xin mời bạn đọc tiếp, nhé.Lời quê góp nhặt dông dài/ Mua vui, cũng được một vài trống canh”. Cụ Nguyễn Du của đất Hà Tĩnh bảo thế.

 

Vâng, đến nay, đã trên dưới 50 năm, quá nửa đời người rồi, chứ bộ ít sao? Biết bao dâu bể, tang thương, hệ lụy chất chồng… đổi thay…. Tôi nói vậy, bởi vì mới đây, tôi vừa “đi đám” một ông bạn vong niên có tuổi đại thượng thọ, những 107 tuổi! Chúa ôi, ông cụ bạn này đâu có thua kém gì cụ Mathusalem trong Cựu Ước? Trở lại chuyện Tết nhất đây. Nó cứ lan man chuyện nọ xọ chuyện kia. Ôi, tuổi già đáng ghét của tôi ơi!

IMG 0877


Cũng như hàng triệu người Hoa, người Ấn, người Philippines, người Hàn - một bộ phận gốc Á đáng nể ở ngay trong lòng nước Mỹ - đông đảo người Việt mình từng bước cũng đã và đang hợp lưu vào dòng chảy bão lũ cuồn cuộn, khó mà cưỡng lại được ấy. Đừng ai phiền trách họ. Thực tế là cho đến nay, đã thấy rất quen mắt những Pizza, Mac Donald, Hamburger, Kentucky, Pinotche, Dim Sum của Mỹ, Ý, Mễ, Tàu được đón nhận rất đon đả và thịnh soạn bên cạnh những Bún bò giò heo, Phở, bún riêu, bún chả, bún mắm, bì cuốn… của ta. Bởi lạ miệng và ngon miệng là một lẽ, mà khi biết thưởng thức một món ăn, là ta đã làm bạn thân thiện được với một đất nước, một dân tộc, lại là một lẽ khác. Phải chăng, ẩm thực - nói như lý luận của những nhà nghiên cứu - là một con đường tơ lụa của giao lưu văn hoá. Có lẽ, con số mọc lên như nấm cùng với mật độ đông vui sầm uất các nhà hàng ăn uống của người Việt mình ở đây đó, cũng đã nói lên điều đó. Dĩ nhiên, chưa thể đưa ra một kết luận có tỷ lệ xác suất là bao nhiêu phần trăm, là nên vui hay nên buồn. Nhưng chắc một điều là mấy món đặc trưng kể trên của ta đã có mặt, đã chiếm được một chỗ đứng khá vững vàng trong menu chào mời, đã hấp dẫn được khẩu vị của người nước ngoài, có đủ sức cạnh tranh được với những đại gia gốc Á của xứ Con Trời, của quê hương Thái Dương Thần Nữ, của đảo quốc Kim Chi và xứ sở Triệu Voi Chùa Vàng đã thống trị lâu đời ở Mỹ, Canada, Australia... Nhiều lần, tôi đã không giấu được cảm kích, thấy Anthony Bourdain lúc sinh thời - kẻ nhàn du, sành sỏi ăn uống đi khắp thế gian - có vẻ thích thú ra mặt, khi hào hứng rung đùi để mô tả hoặc nhắm nháp rất kỹ các món ăn Việt trong chuyên mục Parts - Unknown của ông trên kênh truyền hình CNN, với hàng chục triệu khách hâm mộ. Cả đến lúc ngồi đối ẩm chai bia Trúc Bạch trong bữa trưa bún chả thịt nướng với ông với Tổng Thống Mỹ, Barack Obama giữa thủ đô Hà Nội năm nào, mới đây….

IMG 0893


Chưa đến Tết, nhưng gặp ai và đến đâu, lúc nào, tôi cũng cảm thấy cái không khí Tết nhất đã toả nhiệt, nóng lên từng ngày. Đã rộn ràng, hào hứng, đã xôm tụ, có thể chạm tay vào được rồi vậy. Từ chợ búa, phố phường, hàng quán đến nhà cửa, bếp núc, dao thớt, cỗ bàn. Từ trà rượu, hoa quả đến nhang đèn, sắm sanh, cúng kiếng... Nhìn chung, hình thức cũng như nội dung, ý nghĩa, mục đích ngày tư ngày Tết của người Việt mình, sau một chặng đường dài xa xứ vừa qua, vẫn còn váng vất và ràng ríu khá nhiều cái phong vị thơm thảo đã bắt nguồn rất sâu từ một dân tộc có truyền thống của một nền văn minh nông nghiệp thủ công hàng ngàn năm sau luỹ tre xanh. Vẫn còn đấy, những dưa chua, hành muối, thịt nấu đông, thịt kho hột vịt, lạp xưởng, bánh chưng, bánh tét, tôm khô, củ kiệu. Cũng nem, giò, ninh, mọc, chả thiếu thứ gì. Đến nhà thờ, có khi, lại còn thấy lễ hội Tết trang trọng, đông vui hơn và sốt sắng hơn, sắc màu hơn. Dăng mắc đèn hoa, cờ phướn, trống kèn, rước sách. Có đủ bộ lư hương, chân đèn bằng đồng sáng choang. Cũng cặp câu đối Tết, chữ nghĩa rồng bay phượng múa, chẳng kém gì cái thời cho chữ, bán chữ Hán, Nôm còn thịnh mãn bên quê nhà. Càng đến những cộng đồng-giáo xứ đông đảo người Việt mình sinh sống, ở những tiểu bang trời cho có điều kiện thời tiết khí hậu từa tựa Việt Nam, như California, Texas, Oregon, Florida, Louisiana, Nam Bắc Carolina, Minnesota, Georgia, Virginia, càng thấy các sinh hoạt đặc thù, ít đổi thay. Tôi trộm nghĩ, có lẽ tính quần cư, buộc ràng trong chỗ bà con, họ hàng, làng xóm với nhau đã níu kéo lại phần nào, ít ra cũng làm trì chậm đi mức độ nhạt nhoà, chuyển dịch, phân tán của một tập thể? Bởi vì, ở đây và lúc này, chính tai tôi còn nghe rõ cả cái giọng nói nhấn nhá và điệu bộ đã quen thuộc từ rất lâu của những người làng biển quê quán Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá hoặc Hải Hậu, Báo Đáp (Bùi Chu); Lưu Phương, Phúc Nhạc (Phát...Riệm); hoặc đồng trũng, đồng chiêm Kiến An, Cổ Am (Hải Phòng); Đông Thành, Hữu Vi, Vân Am, Cao Mộc (Thái Bình); Hà Nam, Phủ Lý, Hà Nội v.v... Không lẫn vào đâu được .Có chạy đàng trời, cũng không khỏi nắng. Thì ra, mấy chục năm về trước, khi còn sinh sống ở đất Sài gòn-Nam bộ, giữa chằng chịt mạng lưới các nhà thờ - xứ đạo Bắc Kỳ di cư, tôi vẫn nghe thầy mẹ tôi nói nửa đùa nửa thật, rằng thì là trên những con tàu há mồm chở hàng triệu đồng bào di cư vào Nam năm 1954, người miền Bắc, miền Trung đã khăn gói nai nịt, đã dắt dìu bồng bế, đã tay xách nách mang, đã gánh gồng tất cả gia đình, họ tộc, xứ đạo, nhà thờ, Chúa Mẹ và cả xóm làng,nghề nghiệp, đất lề quê thói của họ để ra đi. Rõ ràng là cái triết lý nhân sinh thuỷ chung sau trước, sống để bụng, chết mang theo. Nhưng nghĩ cho cùng, chẳng lẽ cứ mãi mãi phải là Thanh Nghệ Tĩnh Bình? Cứ mãi phải là Bùi Chu, Hải phòng, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nội, Phát...Riệm? Xưa rồi, Diễm! Đã qua rồi thời vàng son của Công giáo toàn tòng, hay cô lập, độc quyền, danh trấn một phương của một con người, của một tập thể, một địa phương. Thế giới ngày nay đã và đang chuyển vùng, dung hợp, hoà nhập mà không hoà tan, đa văn hoá. Như một dĩa rau trộn ,đủ các thứ cay chua, mặn nhạt, hành ngò, củ quả hầm bà lằng. Cứ xét cái căn tính và gốc gác nguồn cội của các xứ đạo-nhà thờ, của các cộng đoàn giáo dân, ta ắt có một đáp số khá chính xác về một xu thế mang tính lịch sử: đó là phức hợp, đa dạng, dị biệt, không đồng nhất .Đa phần nhà thờ xứ đạo ngày nay - đặc biệt qua dòng thời gian từ sau 1954 và sau 1975 - đã mang những khai sinh mới, những hộ tịch mới, những danh xưng mới, những bảng hiệu mới, nếu không muốn nói là những sinh hoạt mới, những tâm tình đạo hạnh mới, những cung cách giữ đạo, sống đạo, hành đạo và truyền đạo mới. Có một hiện tượng nổi bật, không ai chối cãi, là tại sao nhiều xứ đạo-nhà thờ - ở đó đây, bên Mỹ, bên châu Âu cũng như bên Australia - cùng mang tên là Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Các Thánh Tử Đạo? Phải chăng, đó là một xu thế tất yếu, cũ mà mới, rất phổ quát và dễ chấp nhận? Và phải chăng, đó là một chuyển động, một giao thoa cũ mới theo một quy luật bất thành văn, lặng thầm! Gọi đấy là một va chạm, cũng đúng. Mà bảo là toàn cầu hoá, là cùng sống chung trong một thôn làng, trong cùng một ngôi nhà chung, cũng chẳng có gì sai. Thế mới hay, nửa vòng trái đất, vừa xa, vừa gần .Chúa của mọi dân, mọi nước, mọi vùng miền và cha của muôn nhà, muôn người. Nhiều xứ đạo nhà thờ, là nguyên mẫu của một cộng đoàn giáo xứ ở Bắc bộ, ở Trung bộ, ở Việt Nam, từ chủ chiên đến con chiên, từ sinh hoạt đến các nghi thức lễ lạy, kinh hạt. Đặc biệt, từ Thứ Tư Lễ Tro, vào mùa Chay, mùa Thương Khó đến Tuần Thánh và đại lễ Phục Sinh. Tai tôi nghe rành rọt những cung bậc, những dấu giọng cùng những biến tấu của kinh sách lễ nhạc từng vùng miền đạo đã và đang từng bước thấm lẫn vào nhau, hoặc giãn cách ra, hoa trôi bèo dạt.

IMG 1380


Nói chuyện cuối năm, Tết nhất chẳng bao giờ cạn, chẳng bao giờ vơi... Chuyện trong nhà, ngoài phố. Chuyện gần nhà, xa ngõ. Chuyện ruộng rẫy, mùa màng, thời vụ, chợ búa. Chuyện trong họ, ngoài làng. Chuyện bên Mỹ, bên ta. Chuyện nước ngoài, nước trong. Rối tinh, rối mù. Ấy thế mà đâu lại ra đó. Y chang cái thế giới lộn xộn của riêng ta, mà hễ có ai đụng chạm vào cho gọn gàng, là thế nào cũng tối mò, bực cả mình cho mà xem! Nói gì thì nói, Tết nhất, phải treo lung linh một câu đối ở cuối nhà thờ chứ, cho nó có màu sắc, văn vẻ, truyền thống. Xin chép ra đây cặp câu đối, như một món quà Tết, gửi tặng độc giả:

TRỜI CHO THÊM TUỔI, THÊM NHÂN ĐỨC

ĐẤT TRỔ SINH HOA, SINH PHƯỚC LÀNH.

 

Miền Đông Bắc Hoa Kỳ, một ngày cuối năm giáp Tết Nhâm Dần 2022.
 

IMG 1418

 

Tác giả bài viết: Lê Đình Bảng

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây