ÔNG ĐỒ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?.
Vũ Đình Liên (1936- báo Tinh Hoa)
Bài thơ ngắn, bố cục chặt chẽ, kể chuyện câu chuyện của một ông đồ, là hiện thân, là quá khứ vàng son của một nền Nho học trong ngày suy tàn.Lời thơ man mác buồn, tự nhiên, trôi chảy. Nếu được bình chọn, thì có thể đây là bài thơ được nhiều người biết nhất, thuộc nhất tại Việt Nam.
Vũ Đình Liên sinh năm 1913, bài thơ Ông Đồ được viết vào năm 1936, lúc ông 23 tuổi. Ông là một trong những người còn kịp thấy các ông đồ thực sự. Tấm lòng yêu thương người tài hoa thất cơ lỡ vận, xót thương người cùng khổ của ông, trong một lúc xuất thần đã tạo nên danh tác Ông Đồ. Nếu không có bài thơ này, Vũ Đình Liên cũng sẽ chìm nghỉm như bao nhiêu người làm thơ tầm thường khác.
Ông Đồ là một bài thơ hay nhất và buồn nhất về mùa xuân. Ẩn sau cái buồn của ông đồ, là cái buồn sâu kín, câm lặng của cả một thế hệ cuối cùng của Nho học trong thời kỳ tàn lụi.
Ca khúc này được viết ở Đà Lạt năm 1973 lúc còn ở Chủng viện Kontum.. Tôi và người bạn tên Châu vẫn hát cho nhau nghe bên bờ hồ Xuân Hương.
Đây là một trong những ca khúc thuở đầu đời tập tễnh viết nhạc, dư âm của bài thơ bất hủ cũng là kỷ niệm của thuở đầu đời viết nhạc.
Hôm nay nhìn lại tác phẩm ngày xửa ngày xưa mà chạnh lòng nhớ thời tuổi 20, xin lưu lại như một món quà xuân Nhâm Dần.
Lm Ân Đức
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn