CÁI LỘC CỦA NGƯỜI ĐÃ KHUẤT: CÂY ĐÀN ĐẦU TIÊN
Anh em tôi, được Thiên Chúa ban tặng cho nén bạc âm nhạc, và cũng được thừa hưởng đôi chút gen ca hát, đàn địch của ông bà, cha mẹ để lại. Nghe đâu, ngày xưa, xưa lắm rồi, mẹ tôi là giọng ca chính trong hội hát của giáo xứ quê cũ ngoài Bắc. Cha tôi, là một cây văn nghệ của lính Bảo an thời Đệ Nhất Cộng Hòa.
Thời còn ở tuổi thiếu niên nhi đồng, anh em tôi rất ngưỡng mộ các lớp đàn anh, đàn chị biết đánh đàn, hát xướng. Trong các đêm văn nghệ mừng Xuân mới của giáo xứ, chúng tôi mê mẩn tiếng đàn Mandoline, guitar v.v.., giọng hát của những ca sĩ, nhạc công xứ nhà trong các bài tốp ca, đơn ca…Và ước gì, anh em tôi có được một cây đàn Mandoline để tập đánh cho thỏa thích. Khổ nỗi, hoàn cảnh kinh tế gia đình chúng tôi thời đó còn rất khó khăn: Cha đi làm công chức cho chính phủ, mẹ ở nhà canh tác ít sào đất, chỉ tương đối lo đủ cho đàn con đông đúc đang ở tuổi ăn tuổi học. Cái ước mơ có một cây đàn Mandoline thật quá xa vời, và chúng tôi cũng chẳng bao giờ dám xin tiền cha mẹ để mua cho được cây đàn huyền diệu đó.
Ngày xưa đó, cách đây gần 70 năm. Giáo xứ Châu sơn được hình thành, gồm giáo dân các xứ gốc: Thọ ninh, Đông tràng, Kẻ tùng, Yên phú ở tận ngoài Hà Tĩnh, Nghệ An di cư vào Nam, lên lập nghiệp ở miền Cao nguyên đất đỏ với biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu hồng đổ ra nữa: khai hoang, đào đất, cất nhà…lao tâm khổ tứ, nên lần lượt nhiều người đã ngã xuống trên miền đất còn hoang sơ này.
Để lo việc hậu sự cho người đã khuất, Họ Hiếu được thành lập vào khoảng năm 1957, 1959, lấy tên gọi của Xứ mẹ ngoài Bắc như đã nêu trên. Mãi đến năm 1980, dưới thời cha cố Gioan Baotixita Nguyễn Thanh Tâm, tên gọi của các Họ Hiếu được đổi thành: Thọ ninh-Giáo họ Giuse. Đông tràng- GH Antôn, Kẻ tùng- GH Gioan Baotixita, Yên phú-GH Phêrô.
Khi có một tín hữu qua đời, tiếng chuông sầu báo tử từng giọt vọng lên, người người dừng công việc thầm thì cầu nguyện cho linh hồn kẻ mới qua đời, còn bọn trẻ chúng tôi lại lắng nghe : xem thử có bao nhiêu tiếng chuông ngắt quãng khởi đầu và nói nhỏ với nhau: 7 tiếng là đàn ông, 9 tiếng là đàn bà. Còn tại sao “ nam thất, nữ cửu” thì xin quý bạn đọc nhờ “ ông Google” giải thích cho.
Thời xưa. Để lo việc hậu sự cho kẻ qua đời, bà con xóm giềng cùng với ban trị sự giáo họ đến tang gia để sắp xếp công việc. Ban trị sự giáo họ thì cố vấn cho tang gia lo các thủ tục với Ban Hành giáo và Cha Sở về Thánh lễ an táng và mộ phần. Huyệt mộ thường phải do người nhà đào trước, chứ không có sẵn kim tĩnh như bây giờ. Các ông nhiều tuổi thì uốn tre, chẻ lạt, kết hoa cho Nhà Hoa, Các chị em phụ nữ thì lo chuyện cơm tang, Vài anh có hoa tay thì cắt Thánh hiệu: Tên thánh, họ tên, nguyên quán, ngày sinh, ngày mất… thánh hiệu thường là một tấm vải đen lớn, cắt chữ trắng, nhìn thấy một màu tang tóc, u sầu. Nhiều người sợ “ hơi lạnh”, nên khi đến nhà tang, thủ sẵn trong người một mẫu kim loại, hoặc trước khi đi uống nước lá nhãn, dây tơ hồng, xoa bóp rượu v.v...Vấn đề “ hơi lạnh” đến bây giờ vẫn còn nhiều bàn cãi?
Để di quan ra Thánh đường và nghĩa trang, ban Họ hiếu cắt cử các phần việc: đầu tiên là Thánh giá nến cao, thường giao cho một vị cao niên cầm Thánh giá, hai bên là 2 chú bé cầm nến. tiếp theo là đội cầm “ đòng” ( cầm cờ tang, anh em tôi nằm trong đội này), rồi đến Thánh hiệu, chiêng trống, bà con giáo dân…, Cha Chủ sự và cuối cùng là quan tài và tang gia. Quan tài được đặt trên “đòn rồng”, được thiết kế bằng 2 thanh gỗ to dài, thường là gỗ quý, được trau chuốt mỹ thuật thành 2 con rồng. Những người được cắt cử gánh quan tài thì gọi là “ nội cựu”. Thời xa xưa đó, đường sá trong xứ còn là đường đất, chật hẹp nên nhóm nội cựu rất vất vả, gặp trời mưa càng khổ, hoặc người quá cố có thể hình to lớn, gánh càng nặng, nhưng chẳng ai than phiền vì “nghĩa tử là nghĩa tận” mà. Tôi còn nhớ, có nhiều đám tang khi di quan, có một anh thanh niên mặc đồ tang đi thụt lùi trước đòn rồng, tay chống vào quan tài, như có ý không muốn người ta đưa người qua đời ra nghĩa trang. Sau được biết, đó là người con trai trưởng của người quá cố, nghĩ cũng thấm thía.
Sau khi các nghi thức cuối cùng tại nghĩa trang kết thúc, đội Nội cựu khiêng quan tài lại huyệt mộ để chôn cất. Lúc này , tang gia khóc lóc thảm thiết lắm, có kẻ nhảy xuống huyệt như muốn được chôn với người thân đã qua đời luôn thể, làm cho đội Nội cựu phải vất vả kéo lên. Riêng bọn trẻ chúng tôi thì cứ hồn nhiên, vô tư chỉ chờ ông giáo họ tập trung để phát tiền.
Khi có hiệu lệnh tập họp của ông giáo họ, chúng tôi xếp cờ xí, cán đòng, ngồi vây quanh ông giáo họ để nhận tiền hiếu sự. Tùy theo phận việc mà nhận nhiều hay ít. Đội cầm đòng được mỗi đứa 1 đồng bạc cắc hình bông lúa. Vì gia đình tôi anh em trai đông, sàn sàn nhau, nên đám tang nào của giáo họ mình cũng được cắt cử công việc.
Sau một thời gian chấp hành nghiêm chỉnh việc hiếu sự. Đến ngày anh em tôi mở lon sữa bò đựng tiền, hồi hộp…Anh Hai tuyên bố: được 35 đồng, thế là đã đủ tiền để mua đàn rồi. Mừng quá, anh em tôi cậy nhờ một người Cậu (bà con ở Mương Mán, Phan Thiết. Cậu đi lính, đóng quân ở BMT thường hay vào Châu sơn thăm) ra “Tỉnh” mua đàn: cây đàn Mandoline mới toanh, màu nâu sẫm, còn thơm mùi vecni. Và bắt đầu từ đó, anh em tôi say sưa học đàn, thời gian đầu chỉ là “học mò, học mót”, anh trước em sau. Tôi còn nhớ mãi như in, các bài đàn đầu tiên tôi học và đánh được trôi chảy là: Ca khúc ân tình, Đêm đô thị, Nhạc ngày xanh, sau này khá hơn 1 chút là bài: Xuân và tuổi trẻ, Hòn vọng phu 1,2,3.v.v..
Quả thật, nhờ cây đàn mandoline đầu tiên đó mà anh em tôi sử dụng thêm được các lọai đàn khác như: guitar, organ, piano .... biết tập hát cho ca đoàn, sáng tác và nhiều sinh hoạt âm nhạc khác nữa.
“Chúng con xin thành kính tri ân công đức của các bậc Tiền nhân, Tổ tiên, Ông Bà, Cha mẹ và mọi tín hữu đã ly trần trong Giáo xứ, nhờ phúc lộc các ngài để lại cho con cháu và các thế hệ mai sau: đó là gia sản Đức tin, tinh thần phục vụ Giáo hội và Xã hội. Chúng con biết noi gương các ngài để sinh lời thêm các nén bạc mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng con”
“Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi các bậc tiền nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ. Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh. Công đức của các ngài không bị chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu, đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước, nhờ các ngài , con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền cho hậu thế” ( Hc 44,1.10-15)
Châu sơn những ngày tháng 11, Cầu cho các Đẳng linh hồn
15.11.2021 - Jos. Ngọc Huân.
Tác giả bài viết: JOS NGỌC HUÂN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn