KÝ ỨC VỀ BÀI THƠ “XEM LỄ DỌC ĐÀNG”

Thứ ba - 06/03/2018 09:33
“Người đi xuống, người đi lên rộn như ngày đã sáng khi trời vẫn còn đêm (người cầm cuốc, người cầm cày…..
KÝ ỨC VỀ BÀI THƠ “XEM LỄ DỌC ĐÀNG”

Trước năm 1975, cha tôi đặt mua dài hạn NGUYỆT SAN ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP, do nhà dòng Chúa Cứu Thế  có trụ sở tại 38 Kỳ Đồng – Sài gòn phát hành. Đây là tờ báo Công Giáo có nội dung rất phong phú, đặc sắc nhiều thể loại. Cả gia đình tôi, ai cũng thích đọc cả, nhất là tôi và người anh kế tôi. Cũng nhờ tờ báo này mà tôi biết và hiểu được phần nào các sinh hoạt, biến cố Đạo – Đời trên thế giới cũng như của Giáo hội Việt Nam thời đó, đặc biệt là biến cố quan trọng nhất của Giáo hội toàn cầu: Đại công Đồng Vatican II, qua 2 triều đại Giáo hoàng: Đức Gioan XXIII và Đức Phaolo VI. Tờ báo có nhiều trang rất bổ ích như: Giải đáp thắc mắc, Dấu chỉ thời đại, Tiếng nói giới trẻ, Đời sống Hôn nhân và Gia đình v.v…của các tác giả như LM Hồng Phúc, Chân Tín và các tác giả khác như: Mạnh Vạn Quốc, Mộng Lan, Lính VK, Gan Huyền v.v…Anh em tôi cũng rất thích các trang báo giới thiệu các truyện ngắn, thi ca, tạp bút. Hồi đó, anh tôi vì lý do sức khỏe, nên phải tạm nghỉ học tại chủng viện CVK, về gia đình để chữa bệnh. Có một lần, anh tôi làm một bài thơ “NIỀM VUI VÀ HY VỌNG” với bút hiệu NGUYÊN TỊNH, mạnh dạn gửi về tòa soạn và đã được đăng lên báo, anh tôi mừng lắm!. Sau này, khi sáng tác Thánh ca, bút hiệu NGUYÊN TỊNH cũng được anh tôi dùng như bài: CA KHÚC BÌNH MINH, TÔI LẤY GÌ, ÔI SỨC MẠNH CON v.v…Riêng tôi, thấy anh tôi được như vậy, nên tôi cũng tập tễnh làm một bài thơ có tựa đề: CHIỀU SINH HOẠT( hồi đó tôi đang là Huynh trưởng Hùng Tâm Dũng Chí) cũng gửi về tòa soạn, nhưng chờ mãi, từ tờ báo này qu tờ báo khác, cũng không thấy được đăng! Chắc là bài thơ của tôi có anh em họ hàng với bài thơ Con cóc!, nên tòa soạn không đăng lên báo được. Trong quá trình theo dõi, tôi đọc được một bài thơ có tựa đề rất mộc mạc, chân quê, đó là bài thơ: XEM LỄ DỌC ĐÀNG của tác giả NGUYÊN THANH, và lạ thay, tôi thuộc lòng bài thơ này rất nhanh, bởi khả năng học thuộc lòng của tôi tệ lắm! bài thơ này như sau:

“Người đi xuống, người đi lên
Rộn như ngày đã sáng
Khi trời vẫn còn đêm
Người cầm cuốc, người cầm cày
Người lùa bò, lùa trâu ra nương

Nương thật xa, rẫy thật xa
Năm giờ đi lên, tám giờ mới đến
Chúa ơi! Nhà thờ đổ chuông lễ sớm
Xin cho con xem lễ dọc đàng
Rẫy con xa quá, rẫy con quá xa
Đi năm lần nghỉ chân.
Khi nhà thờ đổ chuông lễ sớm
Người đi xuống đi lễ
Người đi lên đi rừng
Tay con cầm tràng hạt
Chúa ơi đẹp quá!
Chúa ơi đẹp thay!
Có người xem lễ dọc đàng
-nguyên thanh-





Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nên tôi không biết được chính xác bài thơ này được đăng lên số báo nào, nhưng có lẽ vào khoảng giữa năm 1973 và tôi cũng thắc mắc không biết tác giả NGUYÊN THANH này trùng tên hy là chính nhạc sĩ NGUYÊN THANH, tác giả nhiều bài Thánh ca như: DÂN TA ƠI, BỞI MỘT CÂY… và tôi cũng không có điều kiện để xác minh nữa.

Xin tri ân tác giả Nguyên Thanh đã có một bài thơ in sâu vào ký ức cuộc đời tôi cho đến tận bây giờ. Nghiệm lại, bài thơ này được sáng tác trước năm 1975, nhưng lại dự báo trước một viễn cảnh đời sống đạo của giáo dân sau này, trong đó có xứ đạo của tôi – Giáo xứ Châu Sơn – Giáo phận Ban Mê Thuột.
Sau biến cố năm 1975, anh em tôi cũng như nhiều đứa con xa quê của xứ Châu trở về đoàn tụ với gia đình, trong vòng tay yêu thương của cha mẹ và người thân với những giọt nước mắt mừng tủi. Và cũng từ đó, cuộc sống bắt đầu có những đổi thay khó lường.
Với chính sách sản xuất nông nghiệp của thời đó, bao nhiêu Ruộng Đất, Nông Cơ và cả Trâu Bò đều quy vào hợp tác xã, Tập đoàn. Đất đai thì ít, người thì đông, lại làm ăn tập thể nên thu hoạch chẳng được bao nhiêu, nên nguy cơ thiếu đói đã xảy ra, nhất là đối với các hộ đông con như nhà tôi và các gia đình khác nữa. Các bữa ăn bắt đầu phải trộn Ngô Khoai với Cơm, rất khó ăn. Các em tôi lại đang tuổi mới lớn, thế là để thoát khỏi phần nào cảnh thiếu ăn thiếu mặc đó, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác phải đi làm rẫy chui, tức là canh tác riêng ở các vùng đất ngoài vùng quy hoạch của chính quyền địa phương, thường là ở xa như: Rẫy Đoàn, Rừng Sao, Rú Le…thời đó, nếu đi làm cá thể là vi phạm, có thể bị phạt, để tránh nguy cơ đó, chúng tôi phải thức dậy thật sớm để đi làm rẫy, thường là trước chuông lễ 1, cha mẹ tôi phải thức dậy sớm hơn để lo cơm nước và dụng cụ cho anh em tôi đi làm. Khi tiếng chuông nhà thờ vọng lên lần thứ nhất, anh em tôi bắt đầu lặng lẽ dắt trâu bò, vác cày cuốc âm thầm tiến vào bóng đêm lên đường vào rừng khai hoang làm rẫy. Trong bóng đêm âm u giá lạnh, từng đoàn người lầm lũi cất bước, thỉnh thoảng thấp thoáng gặp những bóng người đi Lễ, thường là người già và trẻ em. Những lúc đó tôi lại nhớ câu thơ: “ Khi nhà thờ đổ chuông lễ sớm, người đi xuống đi lễ, người đi lên đi rừng”. Và khi đoàn người đã đến vùng đất rẫy, thì chuông lễ thứ 2- chuông Truyền Tin- vang vọng tới, đoàn người đi chậm lại và tiếng cầu kinh vang lên nhè nhẹ, các chị em lần Hạt, còn anh em tôi thường hát bài: “ Giữ gìn con Chúa ơi, vì Chúa là chốn con tựa nương tháng năm…” (Ca tình Tri âm-Kim Long). Lúc đó, có lẽ mọi người đều tin tưởng có Chúa đang đồng hành và Ngài đang cử hành thánh lễ dọc đàng với những người con yêu thương của Ngài. Với sự quan phòng che chở của Thiên Chúa, với sức lao động của con người, đến mùa thu hoạch, Ngài đã cho mùa màng bội thu như lời Thánh vịnh 125: “ Người ra đi trong nước mắt, gieo hạt giống trên nương đồng, người trở về trong tiếng hát, tay ôm những bông lúa vàng”. Cũng nhờ đi làm rẫy như thế, mà gia đình tôi có thêm nhiều lúa gạo, bớt đi những bữa cơm độn Mì Sắn, Ngô Khoai, và cuộc sống cứ như thế tiếp diễn và tốt dần lên.
Đến năm 1977, với một chút kiến thức nhạc lý cơ bản, tôi đã phổ nhạc bài thơ trên với giai điệu đơn sơ:

Bấm vào đây để xem bài hát

Bài hát trên cũng đã được tôi tập cho các Huynh trưởng Thiếu nhi thời đó, không biết nay còn có Trưởng nào nhớ nữa không?. Khoảng năm 1980, anh tôi đang sống đời Tu trì tại Nông Trường Phạm Văn Cội – Củ Chi – Sài Gòn, có dịp về thăm gia đình, tôi đem ra khoe với anh bài hát đó, thấy hợp với cảnh  đời sống Nông trường nên anh tôi mang đi và tập hát cho các Thầy ở nông trường. Sau này có dịp gặp các Thầy, biết tôi là tác giả nên tay bắt mặt mừng vui lắm! và chúng tôi cùng hát lên: “ Người đi xuống, người đi lên…”

Các bạn trẻ thân mến!

Chúng tôi là những thế hệ đi trước các bạn, đã cùng với các bậc cha ông của các bạn trải qua những giai đoạn lịch sử của Đất Nước và Giáo hội cuối thế kỷ XX, vì hoàn cảnh hết sức khó khăn và nhạy cảm của thời kỳ đó, nên đời sống Đạo của giáo dân xứ Châu và có lẽ của nhiều Giáo xứ khác nữa có những nét đặc thù như thế. Ngày nay, Giáo xứ đã thay đổi rất nhiều, kinh tế phát triển, đời sống vật chất tương đối đầy đủ, no ấm. đường sá rộng rãi sạch sẽ, điện đường chiếu sáng mọi ngõ ngách của thôn làng, thánh lễ mỗi ngày được các Cha quản xứ cử hành đều đặn, và việc tham dự thánh lễ rất thuận lợi. Chúng tôi cầu mong các bạn trẻ hãy trân quý Thánh lễ, siêng năng tham dự mỗi ngày, nhất là các ngày dành riêng cho các bạn. Xin các bạn hãy hân hoan bước vào Nhà Chúa, đến thật gần với Chúa, đừng xem lễ dọc đàng, ngoài đàng, ngoài gốc cây nữa. Ở trong Nhà Chúa, các bạn hãy cùng với mọi người dâng lên Chúa lời cảm tạ, nguyện cầu vì Ngài là Đấng Quan phòng, hằng yêu thương và che chở chúng ta qua mọi biến cố thăng trầm của cuộc sống. Và cũng chính bởi: “MUÔN NGÀN ĐỜI CHÚA VẪN TRỌN TÌNH THƯƠNG” (Tv 135).

Tác giả bài viết: Du Sinh N.H

Tổng số điểm của bài viết là: 37 trong 9 đánh giá

Xếp hạng: 4.1 - 9 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây