NÓI CHUYỆN LÒNG ĐẠO
DÂN GIAN MÙA CHAY
Francis Assisi Lê Đình Bảng
Ở bên Tây bên Mỹ thế nào chẳng rõ. Chứ ở Việt Nam ta – trong khung cảnh xứ đạo làng quê, chủ yếu sống về cây lúa, hạt gạo, con cá, lá rau – cung bậc đời người diễn ra khá êm ả thuận chiều giữa đạo và đời, giữa phụng vụ với thời vụ mùa màng, giữa kinh sách lễ nhạc với cơm áo gạo tiền. Quy trình của thời gian và nhịp độ sống đạo của người mình đã thành nếp nghĩ, nếp cảm, nếp sống bám rễ rất sâu vào tâm thức khó phai mờ của nhiều thế hệ tín hữu. Thậm chí, mấy chục năm với nhiều biến động qua rồi, tôi vẫn nhớ nằm lòng những câu hát vè vãn có vần điệu nói về cách tính toán lễ lạc hàng năm của nhà đạo mình. Chẳng hạn, để lượng biết thời gian từ Giáng sinh đến Tết Nguyên đán thì “Sinh nhật, Đặt tên, Ba Vua, Lễ nến, Tết đến sau lưng”; hoặc tuần Thánh được diễn tiến theo trình tự “Chủ nhật lễ lá, Ném đá Rửa chân, Tiệc chiên, Sống lại”. Để rồi vào mùa với “Tháng Hai, ngắm đứng; tháng Ba ra mùa”[1]. Trộm nghĩ, đây có thể là chút tham khảo chắt lọc từ di sản văn hóa phi vật thể được tích lũy qua thực tiễn, đã bao đời nuôi dưỡng đức tin lòng đạo. Tiếc thay, giữa dòng thác lũ của đô thị – công nghiệp hóa và mail-net bó tay.com này, chúng chỉ còn là chuỗi khái niệm mơ hồ đang đứng trên bờ vực của tàn tạ, lãng quên. Hèn chi, giới trẻ ngày nay chẳng mấy hào hứng với việc trở về nguồn cội, tái hiện quá khứ, cả trong đạo lẫn ngoài đời. Tuy nhiên, tưởng không phải là thừa thãi, vô bổ khi tôi khơi gợi lại vài ba câu chuyện tản mạn bên lề phụng vụ. Cứ tạm gọi là những “thói quen lành thánh” hoặc những, “việc đạo đức thiêng liêng” trong phạm trù “lòng đạo dân gian”, nhân mùa Chay thánh. Không phải tôi cố níu kéo để bảo lưu, tồn cổ, để phục dựng, kiếm tìm thời gian đã mất. Nhưng để thấy rằng ngay từ thuở hừng đông thế kỷ XVII, tổ tiên ông cha ta đã mau mắn chung sức chung lòng với các nhà truyền giáo Tây Phương, trong việc khởi xướng và cổ vũ những sáng kiến hội nhập Tin mừng vào đời sống văn hóa bản địa, làm giàu cho phụng vụ của Hội thánh. Những nỗ lực ấy, tuy bắt nguồn từ bối cảnh lịch sử của một vụ mùa gieo vãi còn xa lạ, non trẻ, nhưng lại biết cậy dựa tín thác vào nền tảng những trải nghiệm về mục vụ – phụng tự từ chính trong căn cốt của Hội Thánh Công giáo Rôma[2]. Cho nên, không lạ gì, trải qua gần 400 năm kể từ 1615, lòng đạo dân gian ấy đã được tiếp nhận, kế thừa và vận dụng một cách sáng tạo, có chọn lọc, tùy nơi tùy thời. Phải chăng, thông qua những sắc màu nền nã, những cung bậc phong phú đa dạng ấy mà dung mạo Đức Kitô và Tin mừng Cứu độ của Người đã mang thần thái Phương Đông hơn, Việt Nam hơn, gần gặn ruột rà thân thiết hơn, giữa lục địa mênh mông đầy huyền bí này? Và phải chăng “Kể chuyện Chúa Giêsu tại Châu Á – Telling the story of Jesus in Asia” từ Đại hội Truyền giáo Á châu (Asian Mission Congress) diễn ra tại Chiang Mai (Thái Lan, 10/2006) vừa qua, một lần nữa, như một thông điệp cháy bỏng thời sự mời gọi chúng ta diễn tả Tin mừng, sống Tin mừng thật cụ thể giữa một không gian Á Châu đa chiều, nơi hội tụ nhiều sắc tộc ngôn ngữ, nhiều tín ngưỡng tôn giáo và nhiều truyền thống văn hóa giao thoa, đan quyện chằng chịt vào nhau.
Trước hết là chuyện cổ tích về những tàu lá dừa, một sự kiện thú vị, đã có lịch sử lâu đời gần 400 năm. Như trên đã nói, thời gian mùa Chay 40 ngày đêm cứ thế mà trôi đi, trôi đi. Tuần đại phúc này ở các xứ đạo làng quê như tất bật, rộn rã hẳn lên, với hàng loạt những việc đạo đức thiêng liêng: cấm phòng, khảo kinh, xưng tội, may sắm quần áo mới, tập tành kèn trống, rước sách kiệu cờ, ngắm đứng, dâng hạt, đọc đoạn, than mồ, và có cả cơm cỗ, chè, cháo nữa v.v.Trong khi ấy, trời vẫn hanh hao cái rét nàng Bân tháng Ba, lúa chiêm ngoài đồng đang ngậm sữa và ngõ xóm đường làng ngan ngát mùi hoa xoan. Ngoại cảnh và lòng người cùng chung một cảm xúc mùa màng chộn rộn khó tả. Cho đến những ngày cuối mùa Chay thì không khí lễ hội Thương khó đã nóng lên, càng lúc càng cao trào, không ai cầm lòng được. Tuần Thánh mở đầu bằng Chủ Nhật lễ Lá, kỷ niệm Chúa Giêsu vinh hiển vào thành Giêrusalem. Theo trình thuật của Tin mừng Gioan, Chúa Giêsu cưỡi lừa, đi giữa đám đông hò reo tung hô vạn tuế. Dân Do Thái rủ nhau ùa ra đường, hái những nhánh cây ôliu vẫy chào và cởi áo choàng lót xuống làm thảm đón Người. Thế nhưng ở Việt Nam, đồng đất chiêm trũng thì bói đâu ra cành lá ôliu để mừng lễ bây giờ? Cùng biến thì tắc thông. Thế là phát sinh ngay một sáng kiến để đời, ấn tượng khó phai! Cha Đắc Lộ kể: “…vì trong khắp xứ Annam không có cây ôliu, mà cây dừa thì lại bao la, nên chúng tôi dùng lá dừa trong nghi lễ đó. Không những có rất nhiều giáo dân, mà cả lương dân cũng đến tham dự nghi lễ làm phép lá. Trong ngoài nhà thờ ken cứng không đủ chứa. Giáo dân sốt sắng giữ lá đã làm phép, đem về nhà để xua đuổi tà ma, quỷ ám”[4]. Thói quen rất đồng ruộng mà lành thánh ấy, theo chỗ tôi biết, vẫn còn được lưu giữ mãi về sau này. Còn nhớ, hôm trước thứ Tư lễ Tro (thường là thứ Ba béo), thầy già xứ bảo chúng tôi.(các cậu giúp lễ) rảo khắp nhà giáo dân, chuộc (xin)lại hết lá dừa (khô) mà họ đã xin mang về từ lễ Lá năm ngoái, giữ trong nhà như là lộc thánh: Đốt cháy ra tro và bỏ vào một cái hũ sứ lớn đậy nắp kín, rồi đặt trên bàn thờ, chờ cha xứ dâng lễ làm phép. Trong khi xức tro, cả nhà thờ vang lên lời kinh với cung giọng bi thương “Chúng tôi là vật mọn mà cả lòng…”. Trong yên ắng lặng thầm, tôi nghe rõ những tiếng đấm ngực thình thịch, xen lẫn lời kể lễ khóc than sám hối ăn năn về thân phận xác đất vật hèn. Còn bé bỏng và ngu ngơ khờ dại như đám trẻ đồng trang lứa quanh năm lam lũ bắt ốc mò cua, vậy mà lòng tôi cứ thổn thức, bồi hồi mãi về cái cảm xúc tôn giáo đầu đời ấy mới thiêng liêng thánh làm sao!
Cuộc rước lá linh đình diễn ra trong tiếng kèn Tây hùng tráng, vang rền nền nảy. Cha xứ mặc áo các phép, chân đi ủng, chễm chệ trên lưng con nghé đực phổng phiu, cường tráng, tay đưa cao thánh giá lá dừa. Hai bên tả hữu là các cậu mang bình hương, tàu hương, nước phép theo hầu. Nối đuôi theo sau là thứ tự các chức việc hàng phủ xứ, các đoàn thể, hội kèn tây và phường bát âm nhã nhạc. Liên tục một dòng chảy dài cả cây số những người và lá dừa, đi vòng quanh họ trị sở[5] và dừng lại ở bậc thềm tiền sảnh nhà thờ. Một cảnh tượng lễ hội vừa Công giáo vừa dân gian đơn thuần màu xanh lá cây nhấp nhô điệp trùng. Bà con lương dân ở đâu kéo đến nghìn nghịt, vòng trong vòng ngoài. Chẳng hiểu sao mà họ cũng có được những chiếc lá dừa vẫy vẫy trên tay, gọi là đi trẩy hội thông công với người bên đạo. Thế mới biết giáo lương đề huề, tình làng nghĩa xóm ngày xưa đẹp quá! Lại phải nói cho rõ ngọn ngành về chuyện con nghé của ông Trương T. Chiều thứ Bảy áp lễ Lá, con nghé được chăm sóc, tắm táp sạch sẽ, kỹ càng. Tờ mờ hôm sau, ông Trương T. sai anh “quản ngưu” nai nịt gọn gàng, dẫn nghé đến nhà xứ trình diện. Cha xứ được rước lên ngồi trên lưng nghé đã thắng yên cương sẵn sàng với sợi dây thừng mới tinh và tấm vải dạ màu tím than có trổ bông hoa hình quả trám. Cả đời chăn trâu cắt cỏ, tôi chưa hề thấy con nghé nào dễ thương và ngoan ngùy một cách lạ thường như con nghé cha xứ cưỡi hôm lễ Lá. Cả đến cái sự cố lỡ dại mà “bĩnh” đột xuất trên đường cũng đã được dự phòng để không xảy ra, thế mới tài tình làm sao! Thì ra, ông Trương và anh “quản ngưu” đã dạy dỗ và tập cho nó “ăn chay” hôm trước rồi, nghĩa là bụng dạ vừa phải, đảm bảo tốt nhất độ an toàn cho đến khi rước lá xong. Ngày xưa, Chúa cưỡi lừa. Mấy chục năm trước, cha cưỡi nghé. Chẳng hiểu, ngày nay, cha xứ mình sử dụng phương tiện nào đây?
Đừng tưởng những điều kể trên chỉ là sản phẩm của những bộ óc giàu tưởng tượng muốn vẽ vời hoa lá hẹ nơi xứ đạo quê mùa của riêng tôi đâu. Ngạc nhiên chưa, những năm giặc giã binh đao (1946-1954), tản cư về Phú Nhai, Ninh Cường, hoặc trên bước đường lưu lạc mưu sinh từ Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng, Phát Diệm đến Bắc Giang và Hà Nội, đâu đâu tôi cũng gặp lại ít nhiều chương đoạn hao hao với kịch bản ấy. Và tôi cũng đã cảm nhận được từ đó sức sống nồng nàn máu thịt của cùng một Hội Thánh tôi yêu. Vẫn ngồn ngộn một tâm tình đạo hạnh lễ hội mùa Chay – mùa Thương khó rất Việt Nam. Có nghĩa là, dù ở đâu và bao giờ, người ta vẫn có thể được tắm mát nhiều lần trong cùng một dòng sông màu mở phù sa, là ơn Chúa và tình người Việt Nam.
[1] Từ Ngắm Nguyện đến Ca Vãn Vè Đạo – Một Bước Dài Hội Nhập. Hội Thảo tại Tổng Giám mục.TP.HCM.3/2003 của Lê Đình Bảng.
[2] LĐB. Công giáo Với Văn Hóa Việt Nam – Bản thảo.
[3] Khi nói “bình dân” là một khái niệm đối lập với “bác học”. Lòng đạo đức “bình dân” gợi lên một phản cảm, một ý tưởng xem thường kinh sách lễ hội của quảng đại quần chúng, một phân biệt đối xử.
[4] Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, chương 22, trang 131.
[5] Họ giáo, họ đạo hoặc khu đạo nằm ngay trong khu vực bao bọc xung quanh nhà thờ, thường là thổ cư của Trương, Trùm, Câu, Biện hoặc chức việc hàng xứ.
[6] Hội Đồng Giáo Hoàng Về Văn Hóa. Per Una Pastorale della Cultura, Librerria Editrice Vaticana 9, tr. 28.
Tác giả bài viết: Lê Đình Bảng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn