ĐỨC TIN VÀ LÒNG ĐẠO CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TRONG VĂN HÓA LỄ HỘI

Thứ sáu - 18/02/2022 02:10
Vẫn còn trong Tháng 2 với không khí chộn rộn những ngày đầu Xuân.
Đời sống của người Việt mình, dường như vẫn còn luyến lưu, ràng rịt khôn nguôi với những lễ hội, vui chơi sầm uất.

Và nơi các xứ đạo - làng quê ta, trước khi bước vào mùa Chay, cũng xôn xao,dập dìu khó tả…
ĐỨC TIN VÀ LÒNG ĐẠO CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TRONG VĂN HÓA LỄ HỘI


ĐỨC TIN VÀ LÒNG ĐẠO CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TRONG VĂN HÓA LỄ HỘI

Francis Assisi Lê Đình Bảng

 

1.Có lẽ chẳng mấy ai dám tin bảng đúc kết và thống kê có 356 lễ hội của người Việt Nam?
le hoi mua xuan le hoi cau ngu 0
lễ hội Cầu Ngư

Tính ra, mỗi ngày là một lễ hội và Xuân Hạ Thu Đông, quanh năm suốt tháng cứ là hội hè đình đám inh ỏi trống chiêng, xôn xao hò hát, rộn ràng trai thanh gái lịch, áo lục quần điều. Nào hội truyền thống lịch sử (Đền Hùng, Hoa Lư, Thánh Gióng…) Nào hội tín ngưỡng dân gian (Mẫu Liễu, Bà Chúa Kho…). Nào hội vãn cảnh (Hội Lim Quan Họ, Chùa Hương, Vía Bà…). Nào hội các dân tộc (Tung Còn của Tây Bắc, cồng chiên-lúa-mới-đâm trâu-trao vòng-bỏ mả của Tây Nguyên, hội Katê-Sóc-Om-Póc của người Chăm, hội đón Tết mới theo Phật giáo tiểu thừa – Chon Chơman Thơmay của đồng bào Kh`mer…). Của đáng tội. Không riêng gì Việt Nam đâu. Thế giới ngày nay là thế giới đa văn hóa. Qua lễ hội, những dị biệt đang xích lại gần nhau. Từ Olympic, Word Cup, Euro đến Asiad, Sea Games. Từ hội nghị cấp khu vực, châu lục cho đến hội nghị thượng đỉnh về môi trường, giáo dục, du lịch, kinh tế, kể cả Sars. Đâu đâu cũng trình diễn bản sắc văn hóa bằng lễ hội. Hàng năm, vẫn thấy đó đây những hoành tráng, đa sắc màu của lễ hội. Carnaval với vũ điệu Samba của Brasil, đấu bò tót-ném cà chua của Tây Ban Nha, hóa trang của Italia, đường phố-rượu bia của Đức, hoa anh đào-trà đạo của Nhật Bản, lồng đèn-bánh bao trong lễ hội Nguyên Tiêu của Trung Quốc, tạt nước Songkra, múa nến của Thái Lan. Và không lạ gì – như nhận xét của các nhà nghiên cứu văn hóa – cả châu Phi nhảy múa mỗi khi trăng lên. Đạo sĩ không giảng thuyết hùng hồn về giáo lý, thần học. Mà họ múa, múa lễ, múa hội. Đạo của họ không phải để chiêm niệm, suy tư, mà là đường đi, là khoảng sân thênh thang để nhảy múa, để hóa thân vào một thực tại siêu việt hơn. Múa là mọc thêm lông vũ, chắp cánh của chim, giương vây của cá của rồng, để cùng với gió, nước, lửa mà thăng hoa (Sursum corda). Cầu nguyện lúc này là tĩnh lại, vô ngôn, mà cũng là xuất ngã, nhập thần.
 

le hoi mua xuan le hoi den hung 0
lễ hội đền Hùng

Lễ hội Việt Nam luôn mang tính cộng đồng, gắn bó trong làng xã, hoặc rộng ra khắp vùng miền cả nước, diễn ra theo chu trình thời gian của nông nghiệp. Từ lễ hội, các phong tục tập quán của dân tộc, địa phương trong các thời đại được tái hiện dưới nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật: Âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc, thời trang, mỹ nghệ, vũ đạo, sân khấu (tuồng, chèo, rối, hát hò, trò chơi). Qua lễ hội, con người được hòa mình vào vũ trụ, thiên nhiên, cộng đồng và qua hành động lễ bái, cầu khấn, người ta tìm lại quá khứ, tìm lại chính mình để tĩnh tâm và thanh tịnh, xin trời đất thánh thần mở huệ cho chúng sinh muôn loài. Trang bị cho lễ hội là làm phong phú nghi lễ bằng áo mão cân đai, bằng cờ phướn, lọng kiệu, bằng múa rước trống chiêng. Lễ là phần nghi thức trang nghiêm, thiêng thánh để cầu bái và hội là những biểu hiện ước vọng được hạnh phúc, ấm no, mưa thuận gió hòa. Chúng tạo thành hai mặt tĩnh và động đan xen vào nhau, đáp ứng nhu cầu tôn giáo và đời thường. Sức sống muôn đời của lễ hội là vậy.

Một lễ xa bằng ba lễ gần
 

le hoi mua xuan le hoi cho vieng 1
lễ hội Chợ Viềng

 

2.Nhà đạo mình cũng chẳng kém cạnh gì. Lịch phụng vụ và thời vụ mùa màng cứ nương vào nhau mà vận hành. Khởi đi từ mùa Vọng đến mùa Giáng Sinh. Lên cao trào từ mùa Chay-mùa Thương Khó đến tuần Thánh và mùa Phục Sinh. Chính ở điểm này mới gọi là “vào mùa” và buông lơi, thả nhịp để “ra mùa” dịp lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Từ mùa Thường Niên (Quanh Năm) với những lễ kính mừng Chúa (Lên Trời, Hiện Xuống, Ba Ngôi, Mình Máu Thánh (Săng-ti), Trái Tim) cho đến những lễ mừng Đức Mẹ và Chư Thánh. Riêng về Đức Mẹ, có hai tháng (5 và 10) là hai lễ hội lớn: Dâng Hoa và Mân Côi. Đó là chưa kể các lễ kính, lễ nhớ, lễ khấn, lễ mừng theo lịch phụng vụ, theo lịch mùa vụ, theo lễ nghi vòng đời (sinh nhật, thôi nôi, hôn phối, lễ bạc, lễ vàng, kim cương, giỗ chạp) và bổn mạng của giáo phận, giáo xứ, của đức cha, cha xứ, đoàn thể, hội dòng và tuần đại phúc – phiên chầu lượt ở mỗi địa phương.
 
a 2 74
chầu lượt GX Châu Sơn


Dù ai xuôi ngược đâu đâu
Nhớ phiên chầu lượt, rủ nhau mà về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Tới ngày chầu lượt, nhớ về thông công.
 
DSC 0762
Kiệu Thánh Thể

Ngoài ra, người tín hữu Việt Nam ngay từ thuở ban đầu, theo đánh giá của giáo sĩ Đắc Lộ: “Không gì làm tôi xúc động bằng thấy có bao nhiêu giáo dân là có bấy nhiêu thiên thần. Họ có một đức tin vững chắc đến nỗi không ai có thể nhổ ra được… Họ có nhiều thói quen lành thánh như: Chuộng nghi lễ, thích đoàn hội (Dòng Ba Đa Minh, Đức Bà Rosa, Kính Danh, Trái Tim Đức Chúa Giêsu, Đức Bà Trên Núi, Ông Thánh Giuse, Ông Thánh Antôn, Các Thánh Tử Đạo, Khuyến Hối, Kẻ Liệt, Hội Hát, Hội Kèn, Phường Trống, Phường Trắc, Phường Bát Âm, Ban Học Trò, Đội Dâng Hoa…), tôn sùng Thánh giá, quý trọng các Bí Tích, thích đeo ảnh tượng, quý nước phép, siêng năng nguyện ngắm, giữ chay nhiệm nhặt và đặc biệt là lòng sùng kính Đức Mẹ… Thú thật, lòng sốt sắng của giáo dân không thể thấy ở các nước châu Âu. Thế mà người ta cứ tưởng ngoài châu Âu ra thì toàn là man di mọi rợ cả![1]

Chính vì vậy mà các giáo đoàn, đặc biệt cha Đắc Lộ đã có nhiều sáng kiến thích nghi với phụng vụ, đến nay vẫn còn được các cộng đoàn hưởng ứng: Rước lá (dừa), ngắm 15 sự thương khó, kiệu bắt, đọc đoạn, đóng đanh, tháo đanh, táng xác, than mồ…
 

images


Thiết tưởng toàn bộ những điều kể trên tuy thuộc phạm trù lòng đạo dân gian, song chúng vẫn có ít nhiều giá trị về lịch sử, ngôn ngữ và cả phụng vụ nữa. Mấy trăm năm qua, dù ở đầu sóng ngọn gió, ông cha ta đã kiên trì giữ đạo, sống đạo, diễn đạo và truyền đạo là nhờ đâu? Tất nhiên là nhờ ơn Chúa. Nhưng một phần là do cái sức sống tiềm tàng, miên viễn của lòng đạo dân gian ấy. Đành rằng cho đến nay, trong con mắt khó tính của những nhà thần học, duy lý, người Công giáo Việt Nam vẫn yêu thích những sinh hoạt tôn giáo mang tính tập thể, vẫn yêu thích màu sắc, vẫn yêu thích cái không khí ồn ào sầm uất đông vui, trái hẳn với phong cách nghi lễ cầu nguyện, suy gẫm trong chiêm niệm, thinh lặng. Đành rằng những sáng kiến bước đầu mang tính thể nghiệm trên chưa hẳn đã thập phần hoàn hảo, chưa hẳn đã đào sâu tín lý, thần học và chưa thể hiện được tính văn hóa nghệ thuật cao. Nhưng trộm nghĩ, nói chung chung thì quần chúng Công giáo Việt Nam, đa phần ở nông thôn hoặc từ nông thôn – vì miếng cơm manh áo, vì thời thế chiến tranh loạn lạc hoặc vì sự cám dỗ ngọt ngào của kinh tế phồn hoa – đã chuyển vùng vào các đô thị, trở thành những quần cư phức tạp. Họ không được đào tạo nhiều qua trường lớp, văn bài chữ nghĩa, nên rất khó có thể cầu nguyện riêng lẻ trong suy tư, nghiền ngẫm như các nhà triết học, tu đức thần bí. Nhưng chắc một điều, họ vẫn muốn, thiết tha muốn – thông qua cộng đoàn và cách cử hành lễ nghi – được đọc kinh chung, cầu nguyện chung, hát chung, đi kiệu chung, thờ lạy chung, chiêm bái chung. Được đọc, được xướng kinh to tiếng, có cung giọng, có vần điệu, có ca vãn. Ngâm ngợi rõ ràng là một nhu cầu máu thịt, như cơm nước phải có mắm muối mặn ngọt chua cay đậm đà trong bữa ăn sớm chiều. Được ăn, được nói, được gói mang về. Hạnh phúc ở ngay dưới chân những người tín hữu bình dân, biết đâu chỉ là cái quạt mo phe phảy lúc trời hè oi ả, biết đâu chỉ là một nắm xôi, biết đâu chỉ là một câu hát vu vơ – những sản phẩm, hoa trái bé nhỏ thảo thơm của nền văn minh nông nghiệp thủ công ở chốn đồng đất chân quê – để no cái bụng, ấm cái thân và thong dong thư thái. Như thế có phải là thứ hạnh phúc “trong ấm ngoài êm” chăng?

le hoi mua xuan le hoi yen tu 0
Lễ hội Xuân Núi Yên Tử

 

3.Đi ngược về năm 1659, khi đạo Chúa ở Việt Nam chưa bước vào cái tuổi ngũ thập tri thiên mệnh và khi vụ chiêm xuân đầu mùa của đức tin mới vừa xanh mạ thì Bộ Truyền Giáo đã gửi đến tận tay hai vị chủ chiên tiên khởi của giáo phận Đàng Ngoài – Đàng Trong một thông điệp với những lời lẽ rất thật lòng: “Đừng tìm cách, tìm lý lẽ để thuyết phục các dân tộc thay đổi nghi thức, tập tục và phong hóa của họ, trừ phi điều đó trái ngược hẳn với tôn giáo và luân lý… Đừng đem đến cho các dân tộc ấy cái xứ sở của quý vị, mà chỉ đem đức tin, một đức tin không khước từ, cũng không làm tổn thương các nghi thức và tập tục của bất cứ dân tộc nào. Quý vị hãy tìm cách làm quen với những tập tục đó”.
le hoi chua huong
lễ hội Chùa Hương

Bằng con đường tơ lụa của văn hóa – đặc biệt qua kho tàng ngôn ngữ giàu chất thơ – nhạc và sức sống tâm linh vồn vã, nồng nàn với lễ hội của người Việt – ông cha ta đã gầy nên được một bếp lửa, đã dọn ra được một bữa cơm gia đình trong cảnh dưa muối đắp đổi qua ngày. Có nghĩa là gạo đã thành cơm và nứa tranh đã thành bè để qua sông mà không sợ đói bụng, đắm đò. Từ ấy, Tin Mừng đã thấm nhập vào đất và người của xứ sở này bằng nhiều cách, ở nhiều mức độ tầng bậc nông sâu, mặn nhạt. Có lúc, tưởng đã hoa trôi dạt thắm, tưởng đã đào liễu một mình. Nhưng với ơn Trên, với vận dụng sáng tạo – thích nghi, Tin Mừng Cứu Độ đã trở thành Đức Tin và Lòng Đạo, thành hơi thở, thành máu thịt trong sinh thể của người tín hữu Việt Nam. Không hẳn như các dân tộc khác, người tín hữu Việt Nam đón nhận và sống thật dồi dào Tin Mừng của Chúa theo cung cách riêng của mình, của một dân tộc quý sĩ trọng nông, của một phận người tuy vất vả lầm than, nhưng luôn khát khao cháy bỏng được chắp cánh bay lên.

Tháng 5 gặt hái đã xong
Nhờ trời, một mẫu, 5 nong thóc đầy

hoặc:

Trăm năm dù có thế nào
Dưới thì có đất, trên cao có trời.
 

le hoi mua xuan le hoi vat lang sinh 2
lễ hội vật Làng Sình
 

[1] Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài. Bản Việt ngữ của Hồng Nhuệ (sđđ).phần linh hồn.

le hoi nui ba den
lễ hội Núi Bà Đen

Tác giả bài viết: Lê Đình Bảng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây