NGẮM MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ

Thứ ba - 12/04/2022 17:43
NGẮM MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ

NGẮM MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ

.Francis Assisi Lê Đình Bảng

 

 

1.- Phụng vụ Mùa Chay khởi đi từ thứ tư Lễ Tro, diễn ra liền mạch 5 tuần lễ tiếp theo và kết thúc ngay trước Thánh Lễ Tiệc Ly, vào chiều thứ năm Tuần Thánh. Bàn thờ không trưng hoa. Màn che ảnh tượng và lễ phục mang màu tím. Cộng đoàn không xướng đọc Kinh Vinh Danh và Halleluia trong phần tung hô Tin Mừng. Toàn cảnh dường như được dọn dẹp trống vắng để đợi chờ ơn phước cứu độ của một biến cố đau thương là cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Nói đến mùa Chay, đơn giản là nói đến ăn chay – kiêng thịt. Mùa Chay là thời gian của sám hối – cầu nguyện, là mở lòng ra, chia sẻ tình thương yêu và cơm áo với những mảnh đời cơ nhỡ, cùng khổ ở chung quanh mình. Nói gọn gàng như tiên tri I-sai-a thì sống đạo Mùa Chay là “bẻ gãy xiềng xích bất công, phóng thích những người bị áp chế, nhường cơm sẻ áo cho những người nghèo đói, cho người cơ nhỡ tá túc, người trần truồng có manh áo che thân”.

 

Đọc kỹ những trích đoạn từ CE, AC và OLM, rõ ràng không có chỗ cho NGẮM MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC CHÚA GIÊSU như ta thường thấy, nghe, đọc hoặc ngâm vãn xưa nay. Có chăng, chỉ là bản văn cố định, chính thống, là Lời Chúa, là Tin Mừng viết về “cuộc thương khó của Đức Giêsu Kitô” mà thuật ngữ của phụng vụ quen gọi là “Bài Thương Khó”.

 

Ở bên Tây, bên Mỹ, việc cử hành phụng vụ mùa Chay diễn ra một cách kinh điển hoặc chuẩn mực thế nào không rõ. Chứ ở Việt Nam ta – đặc biệt ở các nhà thờ xứ đạo làng quê – Mùa Chay và Tuần Thánh thực sự là một thời điểm “vào mùa” của cao trào về kinh sách lễ nhạc, để rồi “ra mùa” một cách thư thả, thong dong ở đại lễ Phục Sinh. Có một lễ hội Mùa Chay Cả, một tuần đại phúc. Thậm chí, dân gian nhà đạo mình còn đặt cho nó một cái tên rất dễ thương là “Mùa thương khó”. Chu kỳ này vừa vận hành với thời vụ con nước, tuần trăng của đồng áng, lại vừa ăn khớp nhịp nhàng với bước đi chộn rộn của những lễ hội dân gian sau Tết, ra Giêng:

 

“Tháng Giêng ăn Tết ở nhà

Tháng Hai ngắm đứng, tháng ba ra mùa…”

 

Đúng là cái cảm xúc nồng nàn khi thoảng thấy mùi hương thơm của hoa xoan trong thơ Nguyễn Bính:

 

“Bữa ấy mưa Xuân đã ngại bay

Hoa Xoan đã nát dưới chân giày

Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ

Mẹ bảo, mùa Xuân đã cận ngày”.

 

Người ta nghỉ ngơi việc mùa màng, việc bán buôn để hòa mình vào sinh hoạt đạo đức ở nhà thờ, nhà thánh. Nào, NGẮM MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ (Ngắm đứng, ngắm rằng, ngắm nhân sao, ngắm dấu đanh, ngắm nhân tài, ngắm lễ đèn). Nào, rước lá, rửa chân, tiệc chiên, diễn tuồng thương khó. Nào, kiệu bắt, dâng hạt, đóng đanh, tháo đanh, táng xác, than mồ, hôn chân….. Chỉ một chuyện “Thương Khó Đức Chúa Giêsu” mà đã được diễn tả và cảm nhận bằng nhiều cách, nhiều dạng, muôn vẻ muôn màu. Từ kinh sách, nguyện gẫm, hạnh tích, tuồng kịch cho đến vè vãn, chương khúc, ca ngâm. Từ La tinh, hán nôm cho đến quốc ngữ. Từ đọc, xướng (theo cung kinh, cung sách, cung E-van) theo tản văn biền ngẫu cho đến những thể loại văn bài, diễn ca có vần luật thi phú, có cung bậc trầm bổng, thưa mau của âm nhạc, có phụ đệm khoan nhặt của nhạc khí trúc ty, sênh phách….. Về hình thức, NGẮM MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ là một kịch bản có chương hồi để xướng ngâm theo cung điệu bi thương (lâm khốc, biệt hành) của ca vãn Việt Nam. Về nội dung, NGẮM MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ là kinh nguyện được biên soạn trên cơ sở các bài đọc về “cuộc thương khó của Đức Giêsu Kitô”.

 

Có đọc lại những trang bút ký của Giáo sĩ Đắc Lộ mới thấy rõ hoàn cảnh phát sinh, thời gian xuất hiện và cả những chỉ dẫn rất bài bản, nghiêm túc cho việc cử hành nghi thức NGẮM MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ: “Năm 1644, ở Hội An, nghi lễ Tuần Thánh được cử hành, trong đó giáo hữu hát những lời than thở bằng tiếng bản quốc và rất thảm thiết về sự thương khó Đức Chúa Giêsu. Và ở một chỗ khác, Giáo sĩ Đắc Lộ tường thuật rõ ràng hơn: “Chúng tôi không cử hành nghi thức kinh đêm trong Tuần Thánh, vì chúng tôi có ít người và giáo dân tân tòng không giúp chúng tôi được việc gì, vì họ không hiểu biết sách (La-tinh). Để họ khỏi bị thiệt thòi, chúng tôi đã chia các mầu nhiệm thương khó thành 15 đề tài. Cứ sau khi đọc chung mười kinh chuỗi hạt thì ngắm một đoạn và suy niệm một trong mười lăm sự thương khó. Sau mỗi lần như thế, thì lại tắt một trong mười lăm ngọn nến sáng trên giá kèo theo tục lệ trong giáo hội Rô-ma”.(Lịch sử Đàng ngoài, bản việt ngữ của Hồng Nhuệ, tủ sách Đại Kết 1994 chương 2, trang 131)

2 17

 

2.- Đọc lại Văn Phạm Việt Ngữ, Từ Điển Việt Bồ La và đặc biệt xuyên suốt 315 trang Quốc Ngữ của Phép Giảng Tám Ngày – quyển sách có nội dung thuần túy về giáo lý đạo Chúa – được ấn hành năm 1651, mới thấy rặt một thứ ngôn ngữ, mạch văn, hình ảnh y hệt như NGẮM MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ mà ta đã và đang sử dụng rộng rãi. Chúng tôi xin dẫn ra đây một vài trích đoạn nhỏ để đối chiếu:

 

- “mà lại thằng dữ tợn là Giu-đa quỷ quái lắm, toan bán Đức Chúa Giêsu lấy ba mươi tấm bạc”

- “Lại ông Thánh Phê-rô thấy quân dữ chạy bắt Chúa Giê-su chẳng chịu được thì rút gươm ra mà đánh một thằng trong quân dữ ấy chém phải tai nó”.

- “Song le, khi đánh Đức Chúa Giê-su thì đánh đi đánh lại, cho nên quá năm nghìn đòn”.

- “Vậy từ chính giờ ngọ cho đến hết giờ thân thì mặt trời ra tối tăm mà cả và thiên hạ phải tối tăm mù mịt”.

- “Hết giờ mùi sang giờ thân, Đức Chúa Giêsu kêu cả tiếng rằng: “Lạy Chúa Cha, con phó linh hồn con ở trong tay Đức Chúa Cha….. Vậy cái màn che đền thánh khi ấy xé ra từ trên xuống dưới, mà đất thì phải động nhều thành hạ xuống mà biến đi, đá vỡ ra làm hai….”

 

Không chỉ có NGẮM MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ mà hầu hết kinh sách, nguyện gẫm, tu đức của nhà đạo mình về sau này vẫn còn thấy đậm đặc thứ ngôn ngữ rất riêng, rất nhà thờ - nhà đạo ấy. Có thể thấy ở Thánh Giáo Kinh Nguyện, Mục Lục, Nhựt Khóa, Toàn Niên Kinh Nguyện…. Rõ ràng ngôn ngữ kinh sách thuở ấy đã đi vào nếp nghĩ, nếp cảm, nếp sống thường nhật, đã trở thành ngôn ngữ cửa miệng, ngôn ngữ thờ tự, ngôn ngữ đời sống và cả trong giao tế, ứng xử. Nhà đạo mình nói, đọc và sống ngôn ngữ kinh sách, đồng cũng nói, đọc và sống ngôn ngữ của ca dao tục ngữ, của truyện Kiều vậy.

 

Cụ thể, sách Mục Lục, ở đệ ngũ thiên về Thánh Tuần Sự Vụ (trang 223) có ghi rõ “lời bảo” như thế này: “Đến giờ ngọ thì dọn mình mà chầu Chúa. Trên bàn thờ, thắp hai cây đèn, dưới và trước bàn thờ đặt một chơn đèn lớn mà cắm mười lăm cây đèn. Đoạn thì than MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ, cứ than và lần hột một chục thì tắt một cây đèn bên hữu: đoạn than một thứ khác và lần hết một chục thì tắt một cây đèn bên tả: và làm như vậy cho đến hết mười bốn cây đèn, còn một cây trên đảnh thì chớ tắt, mà để đọc kinh “chúng tôi là vật mọn”. Đoạn thì cất cây đèn ấy xuống, để phía sau bàn thờ cho khuất, rồi than “kinh thẩm phán”

3 13

 

3.- Như vậy, NGẮM MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ, trước sau vẫn là một bản kinh văn cổ xưa, một cung cách cử hành Mầu Nhiệm Thương Khó có giá trị mục vụ ở dạng vận dụng sáng tạo để bước đầu giúp tín hữu Việt Nam tiếp cận, thông dự một phần vào đời sống thiêng liêng của phụng vụ Mùa Chay. Nó là một nội dung và hình thức thuộc phạm trù của “lòng đạo đức dân gian Việt Nam”, xuất phát từ nền văn hóa bản địa mà Giáo Hội đã và đang ra sức cổ vũ để giữ ngọc gìn vàng. Công bằng mà nói, NGẮM MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ vẫn có một số giá trị nhất định, không những về lịch sử, về ngôn ngữ, mà còn cả về nghệ thuật diễn cảm đậm đà tính dân tộc Việt Nam nữa (Vần luật, cung giọng, nhạc điệu, quy cách).

 

Mấy trăm năm qua, bản kinh văn cổ xưa và cung cách ấy vẫn được các thế hệ tiếp thu, tuân thủ hoặc sáng tạo thêm, tùy điều kiện hoàn cảnh của từng vùng miền địa phương. Thực tế là ngày nay, NGẮM MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ vẫn diễn ra đều đặn và sốt sắng tại hầu hết các cộng đoàn, nhà thờ, xứ đạo, dòng tu vào những chiều tối thứ hai, thứ tư, thứ sáu trong tuần Chay, đặc biệt chiều thứ sáu Tuần Thánh để long trọng tưởng niệm cuộc tử nạn thương khó của Đức Chúa Giêsu Kitô.

 

Tất nhiên, ở vào một thời điểm cách nay hằng bốn năm trăm năm, trong tình hình mà cả Giáo Hội Đàng Trong, Đàng Ngoài mới chỉ có một nhóm thừa sai đơn lẻ hoạt động, chỉ có non vài chục nghìn giáo dân và đặc biệt trong điều kiện ngôn ngữ còn ở dạng thô mộc của một vài địa phương, chắc chắn không thể tránh khỏi những sai sót về mặt này mặt khác: từ ngữ, chính tả, ngữ pháp, tu từ…. Điều đáng nói là một số tình tiết mang tính hư cấu, suy diễn có hơi hướng dã sử, ngoại thư, nhằm kịch hóa, bi thảm hóa và thương khó hóa sự kiện. Xét cho cùng, đây chỉ là một trong những con đường bằng phẳng, giản đơn nhất để đi vào lòng người, sao cho phù hợp với bản chất dễ xúc động, mau nước mắt và thích ngâm ngợi ca hát của một cộng đoàn tín hữu Việt Nam vốn nặng lòng với truyện tích, với thi ca, có đầu cuối và giàu vần điệu. Lại phải chia sẻ đến tận cùng những khó khăn cực kỳ của tác giả khi khổ công học ăn học nói để ghi ký được cách phát âm thứ “ngôn ngữ ríu rít như chim hót” của người Việt mình. Từ đó mà vận dụng vào, thích nghi vào kinh sách lễ nhạc, mà NGẮM MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ là một điển hình. Không lạ gì, chỉ trong điều kiện truyền khẩu của dân gian, đã có biết bao thế hệ cha ông ta biết đạo, vào đạo, giữ đạo, sống đạo và truyền đạo một cách rất thuần thành, kiên định bằng chính cái hơi thở thiêng liêng, bằng chính máu thịt thoát ra từ kho tàng văn hóa phi vật thể là kinh sách lễ nhạc ấy.

 

Vô vàn chúng sinh, khi nhắm mắt lìa đời chỉ khát khao gởi nắm tro tàn thân xác trong chùa chiền, giữa khói hương hộ niệm, nghe câu kinh tiếng kệ đặng sớm siêu sinh tịnh độ. Kìa, thầy trò Đường Tăng đã phải lặn ngòi ngoi nước biết bao trường đoạn để “thỉnh kinh” mãi tận bên trời Thiên Trúc xa xôi. Sử gia Tư Mã Thiên bảo “kinh là tao phách của cổ nhân” Còn miệng đời khi nói “kinh nhà đạo, gạo nhà chùa”, chắc hẳn cũng nằm trong cái ý nghĩa thiêng liêng, giải thoát đầy bao dung ấy. Để kết luận, xin trích dẫn một cảm nhận rất thật lòng của Giáo Sĩ Đắc Lộ : “Tất cả những gì tôi thấy ở Châu Âu đều không cho tôi những tâm tình đạo đức như tôi thấy ở Giáo Đoàn (Việt Nam) này. Thật phải khen ngợi Thiên Chúa khi thấy giáo dân kiên trì thức khuya để dự lễ và khóc lóc rất thảm thương. Phải cứng như đá mới không mủi lòng trong dịp này được. Ngày thứ năm Tuần Thánh, tôi đặt Mình Thánh Chúa nhiều người suốt ngày không rời bỏ nhà thờ. Về khuya thấy tôi rửa chân cho mấy người nghèo thì họ chảy nước mắt ra. Hôm sau tôi trưng bày Thánh Giá để họ tới kính thờ và hôn, cùng lúc đó họ ngâm những bài ca rất sầu thảm bằng ngôn ngữ của họ về sự Thương Khó Chúa. Họ khóc nức nở như muốn đổ dòng nước mắt để rửa cho họ và dâng cho các thiên thần ngự ẩm…” (sđd, chương 26, trang 129).

 

 (Trích trong tập Ở thượng nguồn thi ca công giáo, miền thơ trong kinh nguyện trang 419 – 425)

Tác giả bài viết: Lê Đình Bảng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây