DẪN LỄ
Xin chào Xuân Tân Sửu !
Theo Âm lịch, Trâu xếp ở vị trí thứ 2 trong 12 con giáp. Tại sao con Trâu lại đi ngay sau con Chuột? Phải chăng bên cạnh người thật thà chất phác thường xuất hiện lắm kẻ lưu manh và khôn lỏi.
Trước tiên, để truy tìm lý lịch tôn giáo của con Trâu, chúng ta cùng lần giở sách Cựu Ước. Kinh Thánh thường hiếm khi nói về con trâu, có lẽ vùng Đất thánh khô nóng không thích hợp với đời sống của trâu, mà chỉ nuôi bò để làm sức kéo. Bởi thế, một đôi lần, sách Dân số (23.2) đã diễn tả Thiên Chúa “là sức mạnh tựa sừng trâu”, khi Ngài đưa Dân Do thái ra khỏi Ai Cập. Thánh vịnh 92 lại ca tụng vinh quang Chúa, đã tiêu diệt kẻ địch thù và bênh đỡ người công chính : “Ngài cho con ngẩng đầu hãnh diện, tựa như trâu ngạo nghễ giương sừng”. Còn sách Châm ngôn (14,4) đã đúc kết những kinh nghiệm khôn ngoan trong đời sống, cũng đã ghi nhận công khó của trâu bò : “Không có bò, bàn ăn trống rỗng, nhờ sức trâu nguồn lợi dồi dào”.
Bây giờ, xin nói về Trâu trong văn hóa Việt, đó là hình ảnh con trâu cần cù và chăm chỉ; khoẻ mạnh và siêng năng, vốn gắn bó lâu đời với người nông dân sau lũy tre xanh. Con trâu vàng được chọn làm linh vật của SEA Games 22 tổ chức tại VN năm 2003. Bởi như lời thuyết minh của Ban Tổ chức : “ Trâu Vàng tượng trưng cho ước vọng về mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ của người Việt”.
Trong ca khúc Em bé quê, nhạc sĩ Phạm Duy đã dùng hình ảnh con trâu và em bé mục đồng đậm nét quê hương : “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ”.
Trong Kho tàng Tục ngữ ca dao Việt Nam, Trâu được mượn để ví von, so sánh, và răn dạy nhau trong cách ứng xử, sinh hoạt. Cho nên mới có câu Con trâu là đầu cơ nghiệp, và còn ngụ ý rằng Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà / Trong ba việc ấy thật là khó thay.
Ta còn thấy bức tranh về con trâu xuất hiện, chậm chạp và ung dung, với một nhịp thơ khoan thai đầy hiện thực và trữ tình trong câu ca dao giản dị mà hàm súc Trên đồng cạn, dưới đồng sâu / Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.
Dân gian còn đúc kết ba thứ dại, đó là Thứ nhất vợ dại trong nhà/Thứ nhì trâu chậm, / thứ ba rựa cùn. Trong kinh doanh buôn bán, thì Sai con toán, bán con trâu. Tuy chậm chạp, nhưng Trâu cũng cho ta kinh nghiệm : Lạc đường nắm đuôi chó / Lạc ngõ nắm đuôi trâu.
Và để răn dạy người đời nên sống có ích, không hổ thẹn với đời sau Trâu chết để da, người chết để tiếng. Giữa thời đại khoa học công nghệ mới, đòi hỏi phải nhanh chóng, “siêu tốc”, thì nơi con Trâu, chúng ta học được xu hướng phát triển “chậm mà chắc”, coi trọng những giá trị tinh thần làm nền tảng của đạo đức xã hội như hiền lành và cần cù lao động, sống tình nghĩa thủy chung.
*Năm Canh Tý với Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thế giới, để lại nhiều hệ lụy trong lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá và trong đời sống Đức tin. Ngay cả tình hình thiên tai như động đất, và bão lụt tại miền Trung VN cũng đã để lại nhiều hậu quả rất nghiêm trọng.
Trong Năm mới Tân Sửu, từ nơi con Trâu, Kitô hữu chúng ta đúc kết được hai bài học nổi bật.
Đầu tiên, Bài học về hiền lành chăm chỉ làm việc. Bởi hiền lành chính là Mối Phúc thứ hai trong Tám Mối Phúc. Người sống hiền lành, thì luôn có tâm hồn đơn sơ, chân thật, không ích kỷ, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, nhưng biết dấn thân và sống cho tha nhân, nên cuộc sống sẽ luôn tràn đầy niềm vui, sẵn sàng chấp nhận sự thua thiệt.
Tiếp đến, Bài học về sức mạnh chịu khó kéo cày. Ai cũng ước ao được luôn sức khỏe chịu khó chịu khổ, đây là ơn sức mạnh của CTT. Khi có ơn sức mạnh, chúng ta luôn có sự can đảm, bền chí để vượt qua mọi trở ngại, chiến thắng mọi cám dỗ và nỗi sợ hãi để biết sống vươn lên với sự nhiệt tình mới, nghị lực mới và sức mạnh mới để sẵn sàng quảng đại dấn thân phục vụ và luôn trung thành với Chúa, với Tin Mừng.
Kính thưa Cộng đoàn, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, mùa Xuân cũng là mùa của hy vọng. Trong niềm xác tín rằng Thiên Chúa là Cha nhân hậu, cho nên KTH luôn đặt hy vọng nơi tình Chúa và tình người. Trước đại dịch và những hoạn nạn do thiên tai gây ra, con người hôm nay thấy cần phải liên đới và chia sẻ với nhau nhiều hơn.
Trong Năm Mục vụ “Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình”, xin cho Giới trẻ trong Giáo xứ học biết ý nghĩa của hôn nhân công giáo, để họ sống trung thành và thánh thiện. Và trong Năm kính Thánh Giuse, xin cho các gia đình trở nên tổ ấm yêu thương, tràn ngập hạnh phúc và dồi dào ân sủng.
Giờ đây. Với những lời nguyện ước đầu năm, chúng ta nguyện xin TC là Mùa Xuân vĩnh cửu ân ban cho mỗi người, mỗi gia đình, và Giáo xứ chúng ta một năm mới với tinh thần phục vụ không biết mệt mỏi như con trâu đi cày; luôn được hồn an xác mạnh; cùng mọi dự tính trong Năm mới được hoàn thành may lành như ý.
*Với những tâm tình hân hoan đó, xin Cộng đoàn mở lòng ra đón một mùa Xuân mới, qua Trống hội mừng Xuân rộn ràng của các Em Thiếu nhi và rồi hòa nhịp Niềm vui tươi mới trong Vũ khúc khai xuân cùng Vũ đoàn trẻ Giáo xứ.
TÂM TÌNH LÚC HIỆP LỄ
Một Quy luật bất biến : Năm cũ qua, năm mới tới. Từ giã Canh Tý để chào đón Tân Sửu. Trong năm nay có một điều khá đặc biệt : Nếu lấy chữ “Canh” trong Canh Tý và chữ “Tân” trong Tân Sửu ghép lại sẽ thành Canh Tân, tức là đổi mới; một động thái cần thiết trong đời sống Kitô hữu. Như lệnh truyền lệnh Chúa Giêsu : “Anh em HÃY nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).
Tác giả bài viết: BBT-Trang tin GXCS
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn