Khi ta về hưu ta mới cảm nhận đủ hai chữ “Một mình”. Năm nay một số linh mục tới tuổi về hưu dưỡng cảm nghiệm hai chữ “Một mình”. Xin cộng đoàn cầu nguyện cho các ngài đang hưu dưỡng.
Một mình sau bao nhiêu năm sống bên cạnh người giáo dân. Từ khi vào học đến khi ra trường, ra làm cha phó, rồi cha xứ, chưa lần nào cảm nghiệm “một mình” đơn côi như thế này từ sớm đến khuya.
Một mình, ngày ấy một thời sinh viên khi còn ở chủng viện. Những khi một mình ấy còn là suy gẫm, còn là học hành, nghiên cứu. Một mình, thời ấy cần thiết cho việc tu luyện, một mình ấy còn tập cho đời sống độc thân. Một mình cần thiết nên không bao giờ hiểu “một mình” đúng nghĩa.
Một mình, khi ra xứ đạo, sau khi mọi người về hết, vẫn chưa phải “một mình”. Một mình ấy còn nhiều suy tư, còn nhiều dự định, còn nhiều người đang nghĩ tới và nhiều người đang cần tới. Một mình, còn nhiều thời gian thu xếp, còn nhiều dự liệu chưa hoàn thành. Một mình làm việc, suy tư, nguyện ngắm, vẫn là một mình chưa đơn côi.
Một mình, bữa cơm một mình với chiếc tivi, với chiếc Smartphone, vẫn chưa là một mình. Vẫn có những giải trí, vẫn có những thư giãn, nghỉ ngơi. Một mình vẫn chưa phải một mình, ở đâu đó vẫn còn bạn, còn đồng trang lứa, còn người thân.
Một mình với xứ đạo, vẫn là một mình gánh vác việc phụng sự. Một mình ấy vẫn còn có cộng sự đắc lực, có nhiều người góp sức. Một mình vẫn có quyền quyết định, vẫn có quyền quản trị, chưa hẳn là một mình.
Có một câu truyện một mình của Nguyễn Tầm Thường diễn tả sau lễ Giáng Sinh, mọi người về bên gia đình ấm áp buổi tiệc “Reveillon” còn người linh mục buồn thiu một mình. Một mình người linh mục lui về phòng vẫn chưa hẳn là một mình, khi ở trong lòng đâu đó vẫn âm hưởng của ngày lễ, vẫn còn đó hình ảnh trẻ em, người này, người kia nhắn câu chúc mừng.
Khi về hưu mới bắt đầu nghiệm thấy “một mình” dần dần đúng nghĩa. Một mình giữa anh em linh mục, mỗi người một cõi trời riêng. Ngày lễ lớn này, lễ lớn kia cũng chỉ một mình cảm nếm. Người này, người kia mỗi người một cảm giác buồn của một thời đã qua. Một mình lúc này mới nghiệm ra bài học sách Giảng Viên ngày xưa từng đọc mà chưa thấm: “Coi đây, cái mới đây này !", thì điều ấy đã có trước chúng ta từ bao thế hệ rồi. Chẳng ai còn nhớ đến người xưa, và đối với những người đến sau thì cũng thế ; các thế hệ mai sau sẽ chẳng còn nhớ đến họ.” (Gv 1, 10 – 11). Một mình chẳng trách ai cả vì dòng đời là như thế, con người là như vậy, đón nhận như nó là “một mình”
Rồi thời gian “một mình” càng sống lâu càng thiếu vắng bạn bè cùng trang lứa. Họ đã ra đi một mình, hết người này đến người kia. Một sớm mai thức giấc, chỉ một mình với tách cà phê khi còn chưa lẫn. Vẫn một mình nhìn khu nhà tĩnh dưỡng, một cảnh, một thân, một dòng suy tưởng mông lung nhớ về quá khứ.
Rồi thì cũng một mình, một cái giường không còn nhúc nhích đi đâu được nữa. Giờ ăn, giờ khám bệnh, đều có thời gian nhất định. Giờ kinh, giờ lễ khi không còn có thể, chẳng còn ràng buộc gì nữa, một mình ngắm trần nhà, một mình cựa quậy cái tay, cái chân. Một mình đúng nghĩa một mình chờ ngày ra đi.
Ai rồi cũng vậy, chẳng phải chỉ đời tu, mà ngay ở viện dưỡng lão cho những người già kia, hoặc nơi góc nhà nào đó người đau bệnh nặng đang nằm “một mình’. Có khi ta nghe đời sao chán quá khi một mình đúng nghĩa, muốn ra đi cho rồi khi còn sớm. Mà thôi, cứ đón nhận, cuộc đời vốn dĩ là như vậy, hãy như Ông Gióp : “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (Gv 2, 10)
Biết để cảm thông, để yêu mến thêm cuộc đời có Chúa ở bên, chẳng để ta một mình.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan