SỰ SỐNG GIÁ BAO NHIÊU?

Thứ ba - 09/11/2021 15:44
BBT giới thiệu bài viết của Soeur Maria Đỗ Thùy Trâm, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, con Ông bà Cố Đỗ Quảng và Cao Thị Khiêm, Thuộc Giáo xứ Châu Sơn, là Tình Nguyện Viên tại Bệnh viện Dã Chiến số 12, TP HCM. bài viết được đăng trên trang WEB TGP Saigon.
SỰ SỐNG GIÁ BAO NHIÊU?

 

SỰ SỐNG GIÁ BAO NHIÊU?


TGPSG -- "Có bệnh nhân nam vừa mất sáng nay, do tâm lý bất ổn nên anh ấy đã tự tìm đến cái chết..."

Sau những ngày phục vụ tại bệnh viện dã chiến, chúng tôi được trở về cộng đoàn Bác Ái Cao Thái để "nghỉ ngơi". Với tôi, đây là cơ hội tuyệt vời để tôi nhìn lại chặng đường đã qua với Chúa và với mọi người, nhằm nhận ra những ân huệ mà Chúa đã ban cho tôi trong hành trình này.

Những ngày mới đến bệnh viện, khi sinh hoạt còn chưa ổn định, chúng tôi đã phải đón nhận tin buồn: “Có bệnh nhân nam vừa mất sáng nay, do tâm lý bất ổn nên anh ấy đã tự tìm đến cái chết”. Một cảm giác quá đỗi hãi hùng không chỉ ngay lúc đó, mà nó cứ theo tôi mãi trong suốt nhiều ngày liền. Biến cố này khiến tôi nhận ra rằng dịch bệnh không chỉ tấn công sức khỏe thể lý, mà còn hủy hoại cả sức khỏe tinh thần của con người. Nó khiến nhiều người rơi vào tình trạng bế tắc, tuyệt vọng, bị khủng hoảng tâm lý, và rồi họ tự định đoạt sự sống của chính mình.

Những ngày đầu chăm sóc cho các bệnh nhân covid tại bệnh viện dã chiến đã khiến tôi cảm thấy hoang mang, vì tôi không biết mình sẽ phải làm gì để giúp họ. Nhưng chính những giờ cầu nguyện với Chúa đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi, vì tôi tin rằng Chúa đang hiện diện với tôi, nhờ đó, những cuộc thăm viếng bệnh nhân cũng trở nên gần gũi và thân thương. Những tiếng cười giòn giã, những câu nói vui đùa của tôi và các bệnh nhân đã phần nào xua tan bầu không khí buồn tẻ, chán chường trước đó của họ. Tôi tạ ơn Chúa vì nhờ sức sống mới Chúa thổi vào tâm hồn của các bệnh nhân đã giúp họ yêu đời và hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, đôi lúc lòng tôi lại nặng trĩu một nỗi niềm khi có những bệnh nhân trở nặng và phải chuyển viện, cùng với đó là những bệnh nhân đang sống trong cảnh thất vọng khi những ngày điều trị cứ kéo dài thêm mãi. Những lúc đó, tôi chỉ biết cầu xin Chúa ban ơn an ủi cho họ để họ can đảm đối diện với hiện tại.

Điều hạnh phúc nhất mà tôi cảm nhận được nơi bệnh viện dã chiến là mỗi khi bắt đầu ca làm việc, tôi lại được cầm trong tay danh sách các bệnh nhân sẽ xuất viện. Khi đó, đôi chân tôi như muốn lao nhanh về các phòng bệnh để báo tin vui cho họ. Không ai có thể giấu nổi niềm hạnh phúc vào lúc này. Những nỗi niềm bị chìm lắng qua những ngày dài bỗng trở nên tươi vui như những nụ hoa đang cố gắng bung mình ra để khoe sắc. Xúc động biết bao khi người mẹ ôm chầm lấy đứa con thơ bé bỏng cùng những giọt nước mắt nghẹn ngào nhưng tràn đầy vui sướng: “Mẹ con mình được về nhà rồi”. Niềm hạnh phúc đó đong đầy thêm nơi những lá thư cảm ơn viết vội, những bức tranh hồn nhiên của một bé thơ gửi cho các bác sĩ và các tình nguyện viên. Lòng tôi chợt thấy bình yên đến lạ thường và tôi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.

Nhìn lại hành trình đã qua, tôi thấy cuộc đời con người quá đỗi mong manh, nhưng nếu mỗi người chúng ta ý thức được sự mỏng giòn của chính mình thì nó sẽ là cơ hội rất tốt để chúng ta trân trọng sự sống mà Chúa đã ban cho và sống quãng đời còn lại ý nghĩa hơn. Kinh nghiệm về sự sợ hãi trước dịch bệnh giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa của kiếp nhân sinh: Tôi là ai? Tôi sống trên đời này để làm gì? Khi chết rồi tôi sẽ đi về đâu? Đây là những câu hỏi rất thực tế đang không ngừng truy vấn chúng ta. Nó giúp chúng ta hướng đến cuộc sống mới với niềm hy vọng tràn đầy vào Thiên Chúa và tình yêu thương không tính toán dành cho anh chị em đồng loại xung quanh.

Maria Đỗ Thùy Trâm, MTG Thủ Đức (TGPSG)

Tác giả bài viết: Sr. Thùy Trâm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây