CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

Thứ sáu - 28/04/2023 09:02
Đức Giesu phục sinh. Người mục tử đã chọn lựa và thiết lập cho mình một đoàn chiên, đã chăm sóc, nuôi dưỡng cảm thông và bảo vệ đoàn chiên đó cách cẩn thận, thậm chí còn hy sinh cả sự sống của mình cho đoàn chiên mỗi khi gặp hiểm nguy.
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 10, 1-10)

 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ". Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào".

 

Suy niệm

 

Mỗi khi được cùng với Giáo hội đón Chúa nhật thứ tư mùa phục sinh, hình ảnh người mục tử đi trước, dẫn một đoàn chiên theo sau, hướng về một đồng cỏ xanh tươi, với những đám cỏ xanh mượt, đầy năng lượng cho sự sống, rồi sau đó, tất cả cùng đi về phía trước tới một dòng suối nước trong xanh, mát mẻ, đem lại sự tươi mát và thanh thản cho cuộc sống. Tất cả những hình ảnh đó, gợi lên cho mỗi người tâm tình của một vị mục tử đang chăn dắt đoàn chiên của ngài ở trần gian, đó là Đức Giesu phục sinh. Người mục tử đó đã chọn lựa và thiết lập cho mình một đoàn chiên, đã chăm sóc, nuôi dưỡng cảm thông và bảo vệ đoàn chiên đó cách cẩn thận, thậm chí còn hy sinh cả sự sống của mình cho đoàn chiên mỗi khi gặp hiểm nguy. Đó là tâm tình của ngày lễ Chúa Chiên lành, chúa nhật thứ tư mùa phục sinh.

 

Để cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào, đòi hỏi người mục tử phải nghe được mùi chiên, phải hiểu được đoàn chiên của mình, đồng thời, người mục tử phải chuẩn bị cho đoàn chiên những thức ăn cần thiết cho sự sống thể lý và sự sống tinh thần. Thánh Phê rô, khi được trao trách vụ đứng đầu Giáo hội, ngài đã chuẩn bị những thức ăn cần thiết cho đời sống đức tin của con cái. Với những bài giảng xác tín về mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Thầy, thánh nhân đã hướng dẫn cho đoàn chiên phải sống như thế nào, để đền đáp tình yêu tự hiến của Thầy: “Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: "Xin toàn thể nhà Israel hãy nhận biết chắc rằng: Thiên Chúa đã tôn Ðức Giêsu mà anh em đã đóng đinh, lên làm Chúa và làm Ðấng Kitô". Đấng chịu đóng đinh đó đã trao chính thịt và máu của Ngài cho con người làm của ăn, thức uống hàng ngày. Ai tin vào Thiên Chúa, hãy đón nhận thứ lương thực đó mỗi ngày, sẽ giúp họ có sự sống dồi dào hơn, sung mãn hơn.

 

Chứng kiến nhiều biến cố trong các cộng đoàn Giáo hội thưở ban đầu, vị thủ lãnh đã gởi tới các anh chị em tín hữu những lời khuyên bảo đầy kinh nghiệm, bởi từ những thăng trầm về đức tin của bản thân, thánh Phê rô muốn con cái mình hãy ý thức rằng, giá trị của ơn cứu độ quá cao cả, con người khó có thể đền đáp: “Anh em được gọi làm việc đó, vì Ðức Kitô đã chịu đau khổ cho chúng ta, lưu lại cho anh em một gương mẫu để anh em theo vết chân Người. Người là Ðấng không hề phạm tội, và nơi miệng Người không thấy điều gian trá. Bị phỉ báng, Người không phỉ báng lại; bị hành hạ, Người không ngăm đe; Người phó mình cho Ðấng xét xử công minh; chính Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Người, anh em đã được chữa lành”. Sự khiêm hạ của Con Thiên Chúa làm người là hình mẫu cho con người thấy thái độ phục vụ của Đấng được gọi là tình yêu. Nay Ngài đang muốn họa lại bức tranh phục vụ đó nơi mỗi cuộc đời của các tín hữu, ai sẽ là người cộng tác với Ngài ?

 

Hình ảnh người mục tử đi vào cửa chuồng dẫn đoàn chiên ra đồng cỏ, tới dòng nước trong lành, được gán cho một Thiên Chúa cúi xuống, dẫn dắt đoàn con của Ngài tới bàn ăn với những món được đem từ trời đến, đó là Thịt và Máu của Con Thiên Chúa, bên cạnh đó là chén Máu cứu độ của Ngài, tất cả là những thức ăn cần thiết cho con người được sống và sống dồi dào: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy”. Bàn tiệc đó nay vẫn còn nơi Thánh lễ mỗi ngày, Thiên Chúa luôn mời gọi, luôn dọn sẵn và luôn trao tặng cho con người, chỉ với mong muốn con người được sống bên cạnh Ngài, dẫu rằng cuộc đời còn nhiều thăng trầm, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn đồng hành, luôn chia sẻ và luôn cảm thông với con người, giúp con người vượt thắng tất cả trong tin yêu và hy vọng.

Khi được mời gọi cầu nguyện cho ơn thiên triệu, cho các Linh mục trong giáo hội, cũng là lúc cần hướng tới giá trị đích thực của ơn gọi đó. Đức Giesu thiết lập chức Linh mục, cho con người cộng tác với Ngài, để hiện tại hóa mầu nhiệm cứu độ của Ngài khi xưa trên thánh giá. Vì thế, phải chăng người Linh mục hôm nay phải là hiện thân của một Đức Giesu trên thập giá, một Đức Giesu phó mình vì con người, hy sinh tất cả cho con người, hay người Linh mục hôm nay tạo ra một Đức Giesu khác, sống thức thời, hiện đại và được gọi cách thực dụng hơn đó là ‘Làm Linh Mục’. Tính ưu việt của thiên chức đó đang bị tục hóa do những yếu tố từ chủ nghĩa tương đối và tính cách thực dụng của cuộc sống. Vậy người Linh mục hôm nay là khuôn mặt của một Đức Giesu thực dụng, thích trải nghiệm và thích được chỗ nhất trong hội đường và các ngã đường thế gian chăng. Tính thánh thiêng của thiên chức còn được trân trọng nữa không ?

 

Yếu tố thứ đến là sự khủng hoảng đức tin từ nơi các gia đình. Lòng khao khát dâng con cho Thiên Chúa trong ơn gọi thánh hiến, của các bậc cha mẹ hầu như không còn. Mãi mê với công ăn việc làm cho bằng bạn bè, hoặc lo lắng làm sao cho cái trẻ cái đẹp đừng chạy xa, nên các bậc cha mẹ vô tình quên hướng dẫn cho con cái thấy giá trị thánh thiêng của ơn gọi dâng hiến, của đời phục vụ các linh hồn giữa lòng Giáo hội. Những giờ kinh gia đình, những lời chỉ dạy nhân cách sống trong các gia đình ngày nay, hầu như không còn được quan tâm. Tất cả như bị cuốn vào quỹ đạo của đời sống hưởng thụ và tiêu thụ, của chủ nghĩa cá nhân, thì lấy đâu ra những ơn gọi dâng hiến cho Thiên Chúa, để phục vụ tha nhân hôm nay và ngày mai.

 

Sự quan tâm được dành cho một cái gì đặc biệt chung quanh cuộc sống, một giọt mực đen trên tờ giấy trắng luôn được quan tâm hơn cả tờ giấy lớn có giọt mực nhỏ, chỉ là một con người, các Linh mục hay Tu sĩ dành hết cuộc đời cho Thiên Chúa và cùng Thiên Chúa, họ tiến vào giữa lòng thế giới, phục vụ tha nhân trong im lặng và tin tưởng, thế nhưng, chỉ một chút khiếm khuyết của đời tu, thế là tất cả trở thành một chủ đề trên các trang mạng xã hội, trở thành điểm đến của bao lời đàm tiếu. Linh mục không phải là một công chức, càng không phải là một nhân viên văn phòng, nhưng chỉ là một con người, thậm chí còn được ví von là một cái thùng rác công cộng. Tất cả đều được nhận chịu như là một hệ quả của một chọn lựa khác người. Thầy Chí Thánh đã đi trước với những lời chỉ trích, dèm pha, đối đầu tranh luận và thậm chí đã bị loại trừ, chỉ vì đem đến cho họ một lối sống khác thế gian, một giáo lý gây thiệt thòi và tổn thương danh dự của họ. Và hôm nay, người Linh mục trong thời đại mới này, đang nhận chịu tất cả như Thầy mình.

 

Cầu nguyện cho ơn gọi Thiên triệu, cho các Tu sĩ, có phải là nhắc nhở người tín hữu hãy ý thức rằng, nếu mong chờ nơi các Linh mục một sự thánh thiện đủ, một tấm lòng bao dung đủ, thì chính trong tâm hồn họ, hãy khởi động những giá trị nhân bản đó, khi người tín hữu biết sống bao dung, biết quảng đại phục vụ, biết giúp đỡ Giáo hội, là lúc họ đang hướng dẫn cho con cái của họ biết quảng đại chia sẻ và giúp đỡ, cũng như sẵn sàng hiến thân phục vụ cho đồng loại, cho các linh hồn, cho gia đình Thiên Chúa giữa lòng thế giới này. Đó là một sự chờ đợi của Thiên Chúa, Ngài mong con người hãy biết cầu nguyện cho mỗi một người Cha, mỗi một người Mẹ trong các gia đình, hãy giáo dục con cái theo tinh thần Tin mừng, theo tinh thần của Thầy Chí Thánh là Đức Giesu Kito, Đấng đã hiến thân mình cho nhân loại, cho mỗi người và mỗi gia đình.

 

Lạy Chúa Giesu, người mục tử nhân lành, xin Chúa soi sáng cho các bậc Cha Mẹ trong các gia đình, hãy là những người mục tử nhân lành, dám hy sinh cho con cái, cho gia đình, để từ nơi cộng đoàn nhỏ bé đó, những ơn gọi Linh mục, Tu sĩ được gieo trồng và được lớn lên mỗi ngày. Chúa đã chăm sóc đoàn chiên của Chúa Cha bằng sự quan tâm, chăm sóc và bảo vệ trong sự bình an của Thiên Chúa, xin cho chúng con luôn biết cầu nguyện cho các Linh mục, các Tu sĩ biết mặc lấy tâm tình của Chúa, để sống xứng với ơn gọi cao quý mà mỗi người được vinh dự chia sẻ và cộng tác với Chúa, Đấng đã hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa Cha, để cứu độ con người. Amen.

Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây