CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Thứ sáu - 22/03/2024 03:01
Bước vào thành, Đức Giêsu bắt đầu đối diện với những đau khổ, đối diện với những cám dỗ về lý trí, sẽ bước tới, sẽ đón nhận tất cả, hay sẽ tháo lui, sẽ bỏ cuộc. Một cuộc chiến nội tâm trong chính con người của Ngài, đó là những phút giây Con Thiên Chúa mong được chia sẻ, mong được cảm thông và mong được an ủi, không bị bỏ rơi.
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mt 11, 1-10).

Khi các ngài đến gần Giêrusalem ngang qua Bêtania, gần núi Cây Dầu, thì Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi và bảo rằng: “Các con hãy đến làng trước mặt kia, vừa vào làng, các con sẽ gặp ngay cột sẵn đó một lừa con chưa ai cỡi, các con hãy mở dây mà dẫn về. Và nếu có ai hỏi các con ‘Sao các ông làm thế?’ thì hãy nói rằng: ‘Chúa cần dùng, xong việc Ngài sẽ trả lại đây’”. Hai môn đệ ra đi và gặp lừa con cột trước cửa ngõ, nơi ngã tư đàng, hai ông liền mở dây. Vài người trong những kẻ đứng đó hỏi hai môn đệ rằng: “Các ông làm gì mà mở dây lừa con vậy?” Hai môn đệ đáp lại như lời Chúa Giêsu dạy bảo, và người ta để cho đem đi. Hai ông dắt lừa con về cho Chúa Giêsu, và trải áo lên mình lừa và Ngài lên cỡi. Nhiều người trải áo xuống đường, kẻ khác chặt nhành cây trải lối đi: Kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: “Hoan hô! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Chúc tụng nước Ðavit tổ phụ chúng ta đã đến. Hoan hô trên các tầng trời!”

 

Suy niệm Tin Mừng -Chúa Nhật Lễ Lá -Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh





Suy niệm

Những ngày mùa chay đang dần khép lại, nhường chỗ cho tuần lễ đặc biệt trong năm phụng vụ, đó là tuần thánh. Tuần thánh khởi đầu là Lễ Lá. Đây là một nghi thức tưởng niệm biến cố ngày xưa dân thành Giê-ru-sa-lem đón Đức Giêsu vào thành cách long trọng. Con Thiên Chúa tiến vào thành, dù với những bước chân nặng nề, nhưng Ngài luôn tin tưởng Cha của Ngài sẽ không để Ngài cô đơn, sẽ không để Ngài đau khổ và Ngài sẽ cố gắng thực hiện ý Cha trọn vẹn. Bước vào thành, Đức Giêsu bắt đầu đối diện với những đau khổ, đối diện với những cám dỗ về lý trí, sẽ bước tới, sẽ đón nhận tất cả, hay sẽ tháo lui, sẽ bỏ cuộc. Một cuộc chiến nội tâm trong chính con người của Ngài, đó là những phút giây Con Thiên Chúa mong được chia sẻ, mong được cảm thông và mong được an ủi, không bị bỏ rơi.

Hình ảnh người tôi tới trung tín được tiên tri I-sa-i-a diễn tả trong bài đọc 1, cho thấy phần nào dung mạo của Đấng Cứu Thế, như một người đầy tớ trung tín, biết ý chủ và cố gắng để thực hiện ý của chủ nhân trọn vẹn: “Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi, mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi”. Dù phải đối diện với đau khổ, với thách đố, với những bế tắc phía trước, người tôi tớ luôn cố gắng để thực hiện ý của ông chủ, bởi nếu thực hiện trọn vẹn, sẽ đem lại lợi ích cho nhiều người.

Hình ảnh người tôi tớ trung tín của tiên tri I-sa-i-a được họa lại cách tròn đầy trong lá thư của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Phi-lip-phê. Người tôi tớ này đã vâng lời cách trọn vẹn, chấp nhận tất cả để cho con người được cứu, được sống: “Chúa Giêsu Kitô, tuy là {thân phận} Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá”. Một người tôi tớ đã vâng phục cho đến chết, đã sống hết mình, hết tình với ơn gọi của mình, chắc chắn sẽ xứng đáng trọng thưởng. Phần thưởng là ngai vàng trên trời, là đấng xét xử mọi dân tộc. Ơn gọi và trách vụ song hành với nhau, kiến tạo nên một điểm đến xứng đáng nếu đó là người dám từ bỏ mình, vác thập giá mình theo chân Thầy của mình.

Tiến về Giê-ru-sa-lem trong sự đón tiếp trọng thị, không phải là đã đến giờ được tôn vinh như các học trò thắc mắc, nhưng là đến giờ Con Thiên Chúa làm hiển lộ đỉnh cao của tình yêu tự hiến, là hy sinh, là từ bỏ, là tha thứ, là dám chết cho người mình yêu: “Hai ông dắt lừa con về cho Chúa Giêsu, và trải áo lên mình lừa và Ngài lên cỡi. Nhiều người trải áo xuống đường, kẻ khác chặt nhành cây trải lối đi: Kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: “Hoan hô! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Chúc tụng nước Ðavit tổ phụ chúng ta đã đến. Hoan hô trên các tầng trời!”. Thầy ơi, sao Thầy có thể chấp nhận một bản án bất công thế sao? sao Thầy có thể để cho người ta sỉ nhục, để cho người ta nhạo cười, để cho người ta kết án vô cớ vậy? sao Thầy có thể chấp nhận cái chết cách đơn giản vậy? có phải Chúa Cha đã bỏ rơi Thầy, hay quyền lực và vinh quang của Thiên Chúa trên núi Tabor đã tiêu tan hết rồi? Con không hiểu được, con chưa chấp nhận sự việc này được.

Trái tim có một thứ ngôn ngữ riêng của nó mà không ai giải thích được. Làm sao con người giải thích được hành động của Thiên Chúa, thế thì làm sao con người có thể đi lại con đường của Thiên Chúa đã đi qua. Ngôn ngữ của trái tim là ngôn ngữ tình yêu, tình yêu đích thực là tình yêu tự hiến, là dám từ bỏ, dám hy sinh cho người mình yêu. Thiên Chúa hành động khởi đi từ tình yêu bởi bản chất của Thiên Chúa là tình yêu, từ đó, con người phần nào hiểu được rằng, chính tình yêu của Thiên Chúa đã cứu độ con người, chính tình yêu đó đã mở đường cho con người trở về với Thiên Chúa.

Bước vào tuần thánh, người tín hữu Kitô được mời gọi theo chân Thầy Chí Thánh, cùng vào sân Caipha, cùng tới dinh Hêrôđê, cùng tới ngai tòa Philatô, để thấy bộ mặt thật của thế gian khi đối diện với tình yêu đích thực. Thế gian không thể hiểu nỗi chiều sâu của tình yêu, con người cũng chẳng hiểu được sự thật là gì luôn, cách nào đó, con người cho rằng, sức mạnh của tình yêu chỉ là ảo tưởng, khái niệm tình yêu chỉ là lý thuyết, còn sức mạnh của tình yêu, chắc sẽ không bao giờ có. Dừng lại trên đỉnh đồi vào giờ thứ chín, con người bắt đầu thấy được sức mạnh của tình yêu, đó là sự tha thứ, đó là sự quan tâm tới kẻ phản bội mình, đó là dám chết cho người mình yêu. Cũng trên đỉnh đồi đó, thế gian phần nào đã khám phá được một phần về Thiên Chúa, điều mà con người không thể làm được, Thiên Chúa đã làm, điều mà con người cho là bất thường, Thiên Chúa đã đón nhận, tất cả vì yêu và vì yêu.

Lạy Chúa, bước vào tuần thánh, con thấy tâm hồn mình còn ngổn ngang bao âu lo, bao tham lam, ích kỷ, giờ thấy Chúa bước vào thành thánh để cứu con bằng giá máu của Chúa, con sẽ làm gì đây, xin giúp con can đảm từ bỏ tất cả những ngổn ngang trong tâm hồn, để theo chân Chúa trong từng chặng đường khổ nạn, để con được Chúa biến đổi. Chặng đường khổ nạn không như bao chặng đường cuộc đời của con, nơi đó chỉ có đau khổ, chỉ có bất công, chỉ có hẹp hòi và tham lam, con sẽ dừng lại mỗi nơi như thế, để tìm có thấy mình trong số người hỗn loạn đó không, nếu có xin Chúa đừng chấp tội con, xin Chúa tha thứ cho con. Amen.

Tác giả bài viết: Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây